Người lao động là yếu tố quan trọng nhất của lực lượng sản xuất xã hội. Ngay cả khi cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật trên thế giới hiện nay đang diễn ra với những bước tiến kì
diệu, đẩy mạnh tự động hóa quá trình sản xuất, thì người lao động vẫn là yếu tố quan trọng nhất.
Sản xuất ngày càng mở rộng và phát triển thì đòi hỏi nhiều về số lượng lao động. Người lao động chỉ trở thành nhân tố quan trọng bậc nhất của lực lượng sản xuất xã hội khi người lao động có trình độ sản xuất kết hợp với tư liệu sản xuất. Tỉ lệ phát triển dân số phải tương ứng với trình độ phát triển của sản xuất thì mới đủ tư liệu sản xuất để kết hợp với nguồn lao động thành lực lượng sản xuất xã hội. Nguồn lao động đóng một vai trò rất quan trọng trong nền sản xuất xã hội.
- Ở các nước phát triển nguồn lao động bao gồm: những người có việc làm hoặc đang tìm việc làm, được xác định chủ yếu qua tổng số dân, tỉ lệ dân số theo các nhóm tuổi và giới tính cùng những yếu tố xã hội như: giáo dục và sự tự nguyện làm việc ngoài xã hội của phụ nữ. Các nước kinh tế phát triển có nền công nghiệp hóa cao, có nhiều việc làm, do đó các nước này có thể dể dàng đạt được sự tăng trưởng kinh tế bằng nguồn lao động sẳn có.
- Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, tuy có nguồn lao động dồi dào song đó không phải là động lực của sự phát triển. Số người muốn làm việc nhiều hơn số người đang làm việc, và trong số người đang làm việc có nhiều người chưa làm hết năng lực của mình. Người lao động ở các nước đang phát triển được trả lương thấp hơn so với tiêu chuẩn của các nước công nghiệp. Lao động ở các nước đang phát triển có năng suất thấp, trình độ văn hóa và trình độ tay nghề còn thấp. Ở các nước đang phát triển còn có một số lượng lớn lao động chưa được sử dụng, gây lãng phí nguồn lao động. Đây là một vấn đề lớn đặt ra đối với các nước đang phát triển nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.