Để xác định được thực tế sự phối hợp của nhà trường với các lực lượng giáo dục, chúng tôi tham khảo ý kiến của 150 cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có vai trò quan trọng trong quá trình GDĐĐ học sinh. Nhưng thực tế qua khảo sát chúng ta thấy Gia đình (xếp thứ 1) và Hội PHHS (xếp thứ 2) chưa phải có điểm TB cao tối đa; nhà trường chủ động kết hợp, đa số PHHS quan tâm tới việc học tập và rèn luyện của con em. Nhưng không ít các bậc PHHS phó mặc con em cho nhà trường, không quan tâm thường xuyên tới việc học tập, tu dưỡng ĐĐ của con em mình, không ít phụ huynh trong 4 năm học THCS không đi họp cho con hoặc nhờ người khác đi họp hộ gây khó khăn cho GVCN, không có thông tin hai chiều trong quá trình GDĐĐ học sinh. Hội PHHS hoạt động chưa tích cực, sáng tạo nên việc giúp nhà trường tìm các biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nói chung và chất lượng GDĐĐ nói riêng còn hạn chế.
Nhà trường kết hợp với Công an tương đối tốt (xếp thứ 3); thực tế hằng năm các nhà trường vẫn mời cán bộ công an huyện, công an xã đến nói chuyện, giáo dục học sinh về ý thức chấp hành pháp luật, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm tuổi học đường, phòng chống tệ nạn xã hội… Giúp nhà trường bảo vệ trật tự an ninh nhất là các biện pháp giải quyết các vụ việc đánh nhau, trộm cắp… góp phần GDĐĐ học sinh.
Một số lực lượng giáo dục khác chưa thật sự kết hợp tốt, còn nhiều hạn chế trong việc GDĐĐ học sinh như cơ sở kinh tế, văn hoá (xếp thứ 4) chính quyền địa phương (xếp thứ 5); Đoàn thể địa phương (xếp thứ 6); Địa bàn dân cư (xếp thứ 7) … Các lực lượng này chưa đáp ứng được đòi hỏi công tác
GDĐĐ học sinh. Thời gian học tập và sinh hoạt của HS THCS khoảng từ 4 – 6 tiếng tại trường, thời gian còn lại trong ngày của các em là ở gia đình và ngoài xã hội. Nếu nhà trường không phối hợp tốt với chính quyền địa phương, địa bàn dân cư và gia đình học sinh thì sẽ thiếu thông tin hai chiều về tình hình đạo đức của học sinh nhất là trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay.
Giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống cho học sinh, tổ chức lôi cuốn các em vào những hoạt động lành mạnh, có tính chất giáo dục là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của nhà trường. Để đạt mục tiêu giáo dục, vấn đề đặt ra là nhà trường phải tổ chức kết hợp với gia đình và xã hội, huy động sức mạnh của toàn xã hội để góp phần nâng cao hiệu quả GDĐĐ cho học sinh: “Mọi tổ chức gia đình và công dân đều có trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục, xây dựng phong trào học và môi trường lành mạnh, phối hợp với nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục”. [30]