“Từ điển tiếng Việt” năm 2008 đã định nghĩa “thời gian là hình thức tồn tại căn bản của vật chất (cùng với không gian) trong đó vật chất vận động, phát triển liên tục không ngừng” [11, cột 1 trang 1186]. Đây là khái niệm mang tính chất cơ bản đơn giản nhất, có tính phổ cập cho mọi người. Đi sâu vào tìm hiểu, ta có thể phân loại và nghiên cứu thời gian ở các góc độ khác nhau. Trong đó, thời gian trong văn học - một trong những vấn đề quan trọng của nghiên cứu lý luận hiện đại, được gọi là “thời gian nghệ thuật”.
Nhận định về thời gian nghệ thuật, nhiều nhà nghiên cứu đã nêu ý kiến riêng của mình. Tất cả đều đi đến một kết luận chung “thời gian, không gian trong tác phẩm văn học là những mã khoá vô cùng quan trọng. Đây là nơi cất chứa những ẩn ý nghệ thuật mà khi soi rọi được nó, ta có thể làm sáng rõ những khúc mắc, giải mã được những vẻ đẹp sâu xa của tác phẩm”. Có nghĩa là bất kì một tác phẩm văn chương nào cũng đưa người đọc vào một không gian, thời gian nghệ thuật nào đấy. Nhiều khi những yếu tố này góp phần tạo nên vẻ đẹp lung linh, hư ảo cho tác phẩm văn chương. Vì thế một tác phẩm sẽ tạo lập được cách hiểu đa chiều, nhiều cách cảm nhận văn chương khác nhau. Trong thế giới nghệ thuật, thời gian nghệ thuật xuất hiện như một hệ quy chiếu có tính tiền đề được dấu kín để miêu tả đời sống trong tác phẩm, cho thấy đặc điểm tư duy của tác giả. Gắn với phương thức, phương tiện thể hiện, mỗi thể loại văn học có kiểu thời gian nghệ thuật riêng. Phạm trù thời gian nghệ thuật cung cấp cơ sở để phân tích cấu trúc bên trong của hình tượng văn học cũng như nghiên cứu các loại hình nghệ thuật trong lịch sử. Trong văn xuôi, dù là hình thức truyện ngắn, bút ký hay tiểu thuyết thì tác giả vẫn luôn đặt nhân vật, sự việc trong một khung thời gian nhất định. Từ khung thời gian đó, hình thành nên một lớp cảnh vật - không gian nhất định. Nếu thời gian là một mốc cụ thể của quá khứ, sẽ bắt gặp khung cảnh của thời kì đó qua ngôn ngữ, hình ảnh. Có thể nói, thời gian đã chi phối không gian trong văn xuôi để phản ánh ý đồ của tác giả. Hai yếu tố nghệ thuật chi phối lẫn nhau tạo một bức tranh đa chiều cho người đọc.
Thời gian quá khứ, hồi tưởng là kiểu thời gian điển hình trong tiểu thuyết Rừng Na-Uy. Ngoài chi tiết thời gian đầu tác phẩm là thời gian hiện tại, còn toàn bộ câu chuyện của Toru đều thuộc thời gian quá khứ, được kể lại qua dòng hồi tưởng. Dòng ý thức được huy động để thể hiện tâm lý nội tâm nhân vật. Hầu như các nhân vật trong Rừng Na-Uy đều sống với những hoài niệm
ngọt ngào nhưng cũng có cả đớn đau. Toru, Naoko, Reiko, thậm chí cả ông bố của Midori cũng luôn sống bằng quá khứ, thở bằng hơi thở quá khứ, với cảm thức về sự sống và sự chết luôn đan xen ám ảnh. Bởi thế các nhân vật ấy cũng thường xuyên quay lưng với hiện tại, luôn lo lắng, ghê sợ thực tại. Và đó cũng là nguyên nhân đẩy các nhân vật vào cái vòng luẩn quẩn, cô đơn tuyệt vọng, tìm về quá khứ thì lại càng cô đơn, tuyệt vọng. Trong văn xuôi, thời gian vẫn luôn rõ ràng qua ngôn ngữ, hình ảnh, hành động và có thể trong nội tâm nhân vật. Ta có thể hình dung thời gian qua những từ chỉ rõ mốc thời gian, năm tháng có khi là hạn định “mười tám năm”, “hai mươi năm”, “buổi chiều tháng Mười”… cũng có khi mơ hồ như “ngày hôm ấy”, “buổi sáng thư Hai nọ”… Dù vậy, thời gian trong văn xuôi đều được đưa đến một thì nhất định: quá khứ, hiện tại hay tương lai, để từ đó, tác giả đặt nhân vật, sắp xếp lớp không gian tương ứng.
Thời gian thể hiện trong Rừng Na-Uy qua ngòi bút các tác giả là sự đồng hiện, đa chiều, xen kẽ thông qua diễn biến tâm lý, cảm nhận của nhân vật. Những câu chuyện của Toru xen kẽ, hoà tan vào những câu chuyện của Midori hay Reiko. Thời gian được thể hiện từ tâm trạng, cảm xúc của các nhân vật, sự biến động của không gian nghệ thuật trong tác phẩm. Có những lúc thời gian trôi như một cuốn phim cũ với giọng kể chậm chạp, có lúc lại biến đổi nhanh chóng với nhiều sự kiện dồn dập, các lớp thời gian như chồng lên nhau… Thời gian trong Rừng Na-Uy cũng mang tính hình tượng, được tác giả sử dụng như một phương tiện để khám phá và thể hiện đời sống, là nhân tố quan trọng góp phần thể hiện nội dung và chủ đề của tác phẩm, để nắm bắt sự cô đơn và sự không chắc chắn ở giữa cuộc sống hiện đại. Có thể nói, thời gian nghệ thuật là yếu tố đặc biệt, không thể thiếu góp phần tạo nên sức sống cho một tác phẩm.
Tóm lại, thời gian nghệ thuật đóng vai trò quan trọng tạo nên phong cách riêng cho tác giả, đem đến những thành công cho tác phẩm văn học. Trong Rừng Na-Uy, các lớp thời gian có sự nhoè mờ, xen kẽ lẫn nhau góp phần thể hiện vẻ đẹp nội dung và giá trị tác phẩm.
Thủ pháp làm nhoè mờ các lớp thời gian và không gian nghệ thuật, thủ pháp dòng ý thức cùng với nhiều thủ pháp nghệ thuật khác đã tạo nên những câu văn đầy tâm trạng và thấm đẫm chất thơ. Tất cả chính là những biểu hiện rõ nét của sự tác động từ chủ nghĩa hậu hiện đại trong sáng tác của Haruki Murakami.
Haruki Murakami, với những cống hiến cho văn chương của mình, hoàn toàn xứng đáng được coi là nhà văn Nhật Bản thành công và có ảnh hưởng lớn nhất thế giới hiện nay. Chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu, phân tích và đánh giá nghệ thuật tự sự trong Rừng Na-Uycủa Haruki Murakami trên những phương diện cơ bản: cốt truyện, thế giới nhân vật, cách lựa chọn điểm nhìn và giọng điệu trần thuật, thủ pháp dòng ý thức, nghệ thuật tổ chức và thủ pháp làm nhoè mờ các lớp không - thời gian. Ðây là hướng đi mới mẻ và có thể nói là có nhiều tiềm năng, nhất là đối với một tác phẩm đặc sắc như Rừng Na-Uy. Tiếp cận tiểu thuyết Rừng Na-Uy theo góc nhìn nghệ thuật tự sự, chúng tôi thấy nổi bật một số vấn đề sau: