Giới thuyết khái niệm “tự sự” và “cấu trúc tự sự”

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của h murakami trong tiểu thuyết rừng na uy (Trang 31 - 35)

2.1.1. Tự sự

Trên thế giới, khái niệm “tự sự”, cùng với sự ra đời của khái niệm “tự sự học”, đã xuất hiện từ rất lâu. Từ thời cổ đại, khi mà Platon, Aristote đã bắt đầu phân biệt các loại tự sự: tự sự lịch sử khác với tự sự nghệ thuật. Đến thế kỉ thứ V, người ta đã phân biệt: tự sự mô phỏng (hoàn toàn không có sự tham gia của người kể, như kịch), tự sự giải thích (thường có kèm phân tích, bình luận), và tự sự hỗn hợp (điển hình là sử thi). Dù vậy, phạm vi quan tâm của những sự phân biệt này vẫn không vượt ra ngoài giới hạn về mặt tu từ học.

Roland Barthes (1915 - 1980) nhà phê bình văn học nổi tiếng người Pháp có nói: “Đã có bản thân lịch sử loài người, thì đã có tự sự”. Trong khi đó, ở phía bên kia bán cầu, J. H. Miller, nhà giải cấu trúc Mĩ lại nói: “Tự sự là cách để ta đưa các sự việc vào một trật tự, và từ trật tự ấy mà chúng có được ý nghĩa. Tự sự là cách tạo nghĩa cho sự kiện, biến cố”. Jonathan Culler cũng nói: “Tự sự là phương thức chủ yếu để con người hiểu biết sự vật”. Muốn hiểu một sự vật nào thì người ta kể câu chuyện về sự vật đó. Bản chất của tự sự ngày nay được hiểu là một sự truyền đạt thông tin, là quá trình phát ra đơn phương trong quá trình giao tiếp, văn bản tự sự là cụm thông tin được phát ra,

và tự sự có thể thực hiện bằng nhiều phương thức, con đường. Hội họa, điêu khắc, phục sức, kiến trúc... tất cả đều là phương tiện tự sự.

Đến những năm 60 của thế kỷ XX, “tự sự” mới xuất hiện với tư cách là đối tượng nghiên cứu chính thức và chủ yếu của một ngành khoa học độc lập – “tự sự học”. Đó là khi trường phái cấu trúc luận ra đời ở Pháp với những đại biểu ưu tú như Tezvetan Todorov hay Gérard Genette.

Trong tiếng Anh, người ta dùng từ “narrate” nghĩa là “kể lại, thuật lại sự việc”, “narration” với nghĩa “sự kể chuyện, sự tường thuật sự việc”. Như vậy, “tự sự” tương đương với nghĩa “kể, trần thuật”. Từ đây, “narratology” xuất hiện với hàm nghĩa là khoa học về trần thuật.

Đây là cách định danh được các nhà phê bình theo chủ nghĩa cấu trúc như Gérard Genette, Mieke Bal, Gerald Prince dùng một cách phổ biến vào thập kỷ 70. Dần về sau, cách gọi này mang “ý nghĩa rộng lớn hơn nghĩa là “tự sự học” chứ không còn bó hẹp trong phạm vi ý nghĩa hình thức chủ nghĩa của từ ngữ này (trần thuật học)”. [8; 18].

Ở Việt Nam, Lại Nguyên Ân định nghĩa: “Tự sự là một khái niệm khoa học nhằm chỉ một trong ba phương thức biểu đạt của văn học bên cạnh “trữ tình” và “kịch”. “Tự sự” và “kịch” đều tái hiện hành động diễn ra trong thời gian và không gian, tái hiện tiến trình các biến cố trong cuộc đời các nhân vật” [1; 371].

“Tự sự” (narration) và “tự sự học” (narratology) là một vấn đề khá mới mẻ ở Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau nhằm đóng góp những định hướng hợp lý cho sự thống nhất một cách gọi chung về khái niệm “tự sự” và “tự sự học”.

Trong bối cảnh như vậy, Hội thảo Tự sự học đầu tiên ở nước ta, được khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2001 và việc

xuất bản công trình “Tự sự học - một số vấn đề lý luận và lịch sử” (Nxb ĐHSP, 2003) đã góp phần định danh cho một chuyên ngành nghiên cứu quan trọng trên thế giới. Đặc biệt, công trình “Tự sự học - một số vấn đề lý luận và lịch sử” đã tập hợp nhiều chuyên luận, nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về “tự sự”, “tự sự học” và các vấn đề liên quan.

Trong khi đó, cuốn “Lý luận văn học” giới thiệu chung về loại tác phẩm tự sự một cách cụ thể và sâu sắc. “Tác phẩm tự sự phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó – qua con người, hành vi, sự kiện được kể lại bởi một người kể chuyện nào đó” [7; 375]. Để tái hiện cuộc sống một cách khách quan, tác phẩm tự sự tập trung phản ánh đời sống con người qua các biến cố, sự kiện xảy ra với nó từ đó phơi bày những bộ mặt nhất định của bản chất con người. Sự kiện chính là toàn bộ thế giới hành động, cảm xúc tâm trạng của con người được nhà văn chuyển vào trong trang viết. Và ở một phạm vi rộng hơn, tác phẩm tự sự có khả năng phản ánh cuộc sống một cách bao quát rộng lớn: miêu tả con người trong nhiều mối quan hệ phức tạp giữa nó với môi trường xung quanh. Xã hội ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt, và con người cũng ngày càng có nhiều mối quan hệ phức tạp hơn với xã hội ấy.

Mối quan hệ đầu tiên cần nhắc đến đó là mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh. Bêlinxki cho rằng “số phận là tính tất yếu của lý tính, là các quy luật của hiện thực, là các tương quan của nguyên nhân và kết quả” [7; 377]. Thế giới vận động một cách khách quan, tự phát trong khi đó con người mang đặc tính chủ quan và tính tự giác. Và do đó, đặc trưng cơ bản đầu tiên của “tự sự” chính là miêu tả tính chỉnh thể khách quan của thế giới. Hoàn cảnh sống, môi trường của nhân vật là đối tượng được tác phẩm tự sự miêu tả cụ thể và chi tiết nhất.

Bên cạnh đối tượng hoàn cảnh sống, tác phẩm tự sự hầu như không bị hạn chế về mặt không gian và thời gian, so với các tác phẩm trữ tình và tác phẩm kịch. Bởi tác giả tự sự có toàn quyền, có thể dẫn dắt độc giả đi theo những phương hướng khác nhau, quay về quá khứ hay vượt qua hiện tại để đến tương lai. Chính vì thế, tác phẩm tự sự có khả năng bao quát cuộc sống trên một phạm vi rộng lớn đồng thời cốt truyện và nhịp điệu tác phẩm cũng có những nét khác biệt so với tác phẩm kịch.

Từ đó, nhân vật trong tác phẩm tự sự được khắc hoạ đầy đặn, đa diện hơn so với các nhân vật trữ tình và kịch vốn chỉ giàu tính ước lệ. Nhân vật tự sự có thể được miêu tả từ ngoại hình, hành động cho đến tâm trạng cảm xúc suy nghĩ, bản năng hay ý thức, quá khứ, hiện tại và tương lai.

Một yếu tố không thể thiếu trong các tác phẩm tự sự đó là hình tượng người trần thuật. Tác giả xuất hiện như hình tượng người trần thuật hoặc sáng tạo ra hình tượng người trần thuật để phân tích, nghiên cứu, bình luận, làm rõ những mối quan hệ giữa nhân vật và hoàn cảnh sống của nó. Vai trò của người trần thuật trong tác phẩm là “ở bên cạnh, giúp đỡ, mách bảo cho nhân vật hành động. Đồng thời giải thích cho người đọc hiểu được những nguyên nhân sâu xa phía sau những hành động của nhân vật” [5; 133].

Lời văn tác phẩm tự sự cũng là một yếu tố quan trọng, có cấu trúc thành phần khác hẳn so với lời văn trong tác phẩm kịch và trữ tình. Các đặc điểm này làm cho tác phẩm tự sự trở thành loại văn học có khả năng phản ánh hiện thực sâu rộng nhất, giữ vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống tinh thần của con người thời đại ngày nay.

Trong tác phẩm tự sự, nghệ thuật kể chuyện giữ vai trò rất quan trọng. Lịch sử phát triển của tác phẩm tự sự (văn xuôi) chính là lịch sử phát triển của nghệ thuật kể chuyện. Từ trong các sử thi Hi Lạp, La Mã cổ đại cho đến các tác phẩm của nền văn học đương đại (chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại...), dù

hữu hình hay vô hình đều có thấp thoáng bóng dáng người kể chuyện - yếu tố cơ bản của nghệ thuật tự sự. Trong sử thi vĩ đại Homère, tác giả xuất hiện một cách trực tiếp và kể lại diễn biến câu chuyện. Nhưng trong các tác phẩm về sau, tác giả không còn trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm nữa mà thông qua hình tượng nhân vật người kể chuyện để từ đó bộc lộ quan điểm, cách nhìn, cách suy nghĩ và giải quyết các vấn đề đặt ra. Cho đến tận bây giờ việc phân biệt “chủ nghĩa hiện đại” và chủ nghĩa hậu hiện đại” trong văn học cũng được lấy tiêu chí từ nghệ thuật kể chuyện.

Nghệ thuật kể chuyện chiếm một vai trò rất quan trọng trong thành công của một tác phẩm văn học, bởi người kể chuyện (story teller – narrator), điểm nhìn trần thuật (point of view), trật tự trần thuật (narrative chronology) và giọng điệu trần thuật (narrative structure) sẽ ảnh hưởng một cách trực tiếp đến cách xây dựng nhân vật, cốt truyện cũng như không - thời gian nghệ thuật. Quan trọng hơn, thông qua điểm nhìn trần thuật chúng ta sẽ hiểu hơn về thế giới quan của tác giả, hiểu được cái tài và cái tâm của người cầm bút.

Như vậy, các định nghĩa đều chỉ ra rằng: điểm cơ bản nhất của “tự sự” chính là “trần thuật” diễn biến sự việc. Trong khuôn khổ đề tài khoá luận này, chúng tôi cũng đã sử dụng các định nghĩa về “tự sự” và “tự sự học” trên đây như một gợi ý để giải quyết vấn đề nghệ thuật tự sự của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami trong tiểu thuyết Rừng Na-Uy trên những bình diện cơ bản nhất của “tự sự” và “nghệ thuật tự sự”.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của h murakami trong tiểu thuyết rừng na uy (Trang 31 - 35)