Một người nghệ sĩ sẽ không thể miêu tả, trần thuật các sự kiện về hiện thực, cuộc sống nếu họ không xác định được cho mình một điểm nhìn trần thuật đối với chính sự vật hiện tượng trong đời sống hiện thực đó. Nhiều nhà nghiên cứu lý luận văn học còn cho rằng, điểm nhìn trần thuật chính là yếu tố cơ bản quyết định sự thành công trong sáng tạo nghệ thuật. Trong tác phẩm tác phẩm tự sự, điểm nhìn trần thuật là sự biểu hiện nhãn quan tự sự của nhà văn. Trên bình diện cao nhất, nhãn quan tự sự chính là vấn đề thế giới quan của một tác giả. Trong phạm vi hẹp hơn, nhãn quan tự sự của tác giả có thể hiểu là quan điểm của nhà văn về con người và cuộc đời, là quan điểm của nhà văn chuyển vào trong tác phẩm. Cùng một hiện thực, một thế giới khách quan nhưng mỗi nhà văn có một cách nhìn, cách hình dung, cách cảm nhận khác nhau về con người và đời sống con người. Điểm nhìn thể hiện quan điểm của người kể chuyện và phần nào thể hiện thế giới quan của nhà văn.
Ở đây, nói đến khái niệm điểm nhìn trần thuật là nói đến kỹ thuật chọn toạ độ không gian và thời gian để đặt góc nhìn, phương vị quan sát của tác giả, từ đó quan sát và trần thuật lại sự việc hiện tượng. Điểm nhìn trần thuật thể hiện góc nhìn, khoảng cách xa gần đối với các hiện tượng được miêu tả, được biểu hiện dưới dạng ngôi trần thuật trong tác phẩm tự sự. Một tác phẩm tự sự phải được kể từ hoặc ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba. Một số rất ít tác phẩm được trần thuật từ ngôi số hai.
Haruki Murakami là một nhà tiểu thuyết hiện đại và ông thường sử dụng lời kể ở ngôi thứ nhất. Đặc điểm này gần như xuyên suốt trong các tác phẩm tiểu thuyết của ông. Khi trả lời phỏng vấn báo chí, H. Murakami đã từng nói: “Khi viết từ ngôi thứ ba, tôi có cảm giác mình như Chúa trời. Mà tôi không thích làm Chúa trời. Tôi không thể biết tuốt, không thể viết về tất cả mọi thứ. Tôi chỉ là chính mình thôi. Tôi viết cái gì đó từ chính bản thân mình. Tôi không có ý nói tôi là nhân vật chính nhưng tôi phải mường tượng được những gì nhân vật chính của mình chứng kiến và trải nghiệm. Viết giúp tôi khám phá tiềm thức của bản thân. Đó cũng là quá trình tôi kể chuyện. Đó cũng là điều hấp dẫn nhất mà tôi từng làm. Với tôi, kể một câu chuyện cũng giống như là những gì xảy ra khi xuống phố. Tôi yêu đường phố nên mỗi khi xuống đường, tôi quan sát, nghe và cảm nhận mọi thứ. Khi làm như vậy, bạn sẽ cảm nhận sự thay đối của thế giới theo một cách thức riêng”. [15; 1]. Trong
Biên niên ký chim vặn dây cót, điểm nhìn được đặt ở ngôi thứ nhất, nhân vật chính Okada Toru, một người đàn ông trẻ thụ động, lãnh đạm, sống ở vùng ngoại ô nước Nhật. Trong cuốn tiểu thuyết Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, điểm nhìn trần thuật cũng được trao cho nhân vật chính Hajime với sự mặc cảm thân phận “con một”, không giống những đứa bạn cùng trang lứa.
Trong Rừng Na-Uy, điểm nhìn trần thuật vẫn được trao nhân vật trung tâm Toru Watanabe. Qua lời kể của Watanabe, người đọc được chứng kiến một cuộc đời nhiều biến động của một chàng sinh viên rất đỗi bình thường. Đó là kí ức về những mối tình trong quá khứ, là cuộc sống và số phận của nhân vật. Từ tình bạn ba người Watanabe - Kizuki - Naoko, đến cuộc sống sinh viên trong khu học xá, tình bạn - tình yêu giữa Midori và Watanabe. Thậm chí, người đọc còn thấy được cả những điều được xem là riêng tư nhất như những lần quan hệ tình dục giữa các cặp đôi nhân vật.
Ở đây, điểm nhìn trần thuật có thể xác định là từ ngôi kể thứ nhất, xưng “tôi”. “Tôi” không chỉ là một nhân vật nữa mà còn làm nhiệm vụ dẫn dắt, kể lại câu chuyện cho người đọc hiểu. Có thể, nhân vật “tôi” này kể câu chuyện của chính mình, hoặc câu chuyện của người khác nhưng “tôi” có chứng kiến, thậm chí tham gia trực tiếp. Như vậy, mang lại cho người đọc cảm giác tin cậy hơn rất nhiều. Từ điểm nhìn bên trong, mối quan hệ giữa con người với con người hay giữa con người và thế giới được soi chiếu qua lăng kính tâm hồn của chính nhân vật mang điểm nhìn trần thuật.
Điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết Rừng Na-Uy không chỉ được trao cho nhân vật trung tâm Toru Watanabe mà còn được trao cho nhiều nhân vật khác. Đó có thể là Naoko, Reiko hay Midori. Tuy nhiên, dù điểm nhìn trần thuật được xác định từ nhân vật nào thì điểm nhìn ấy vẫn thuộc về dòng hồi ức của Toru Watanabe. Nghĩa là, trong dòng hồi ức của Toru Watanabe vừa có điểm nhìn trần thuật từ ngôi thứ nhất, chính là Toru Watanabe; đồng thời có điểm nhìn trần thuật từ các nhân vật khác. Họ nhớ lại, kể lại cuộc đời mình và đến lượt Toru Watanabe kể tất cả các sự kiện hay tình huống ấy với người đọc.
Trong tác phẩm tự sự nói chung, có những tác phẩm được soi chiếu từ một điểm nhìn duy nhất từ đầu đến cuối tác phẩm. Nhưng cũng có những tác phẩm được soi chiếu từ nhiều điểm nhìn khác nhau, tạo nên tính khách quan cho tác phẩm.