Sự phân rã cốt truyện

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của h murakami trong tiểu thuyết rừng na uy (Trang 73 - 75)

Như đã nói, cốt truyện Rừng Na-Uy là kiểu cốt truyện tâm lý, Murakami không xây dựng cốt truyện theo xung đột hiện thực mà khai thác những rung động tinh tế trong dòng chảy tâm lý nhân vật một cách triệt để. Bởi vậy, cốt truyện không phát triển theo trật tự thời gian, không phải sự kiện nào xảy ra trước kể trước, sự kiện xảy ra sau kể sau như tiểu thuyết truyền thống, mà cốt truyện Rừng Na-Uy phát triển theo logic tâm lý nhân vật. Ký ức khi được nhớ lại hoàn toàn không còn theo logic tuyến tính khách quan nữa mà phụ thuộc vào chính mức độ quan trọng của ký ức đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với sinh lý học về con người, bởi các sự kiện diễn ra trong quá khứ thường được não bộ con người “ghi” vào một vùng nào đó. Chỉ khi có những tác động đặc biệt hay những khoảnh khắc bừng sáng của ký ức thì những sự kiện quá khứ ấy mới trỗi dậy một cách mạnh mẽ trong đầu óc.

Có thể nói, cốt truyện Rừng Na-Uy đã có sự “phân rã” một cách rõ ràng trong tương quan cấu trúc tự sự của tác phẩm. Cốt truyện không được kể theo trình tự thời gian trước sau, mà được thể hiện kiểu nhân vật trung tâm “nhớ đến đâu, kể đến đấy”. Vừa đáp máy bay, nghe bản hoà tấu ca khúc Rừng Na- Uy, Toru Watanabe chợt nhớ về một chiều tháng Mười trên đồng cỏ cùng cô bạn gái Naoko cách đó mười tám năm trước. Rồi bỗng nhiên Toru nhớ về quãng đời sinh viên sống trong khu học xá của mình với nhiều sự kiện, biến cố không theo một trật tự thời gian nào. Hiện tại, quá khứ cách đây 18 năm, nội dung chính của tiểu thuyết lại là quá khứ cách đây 20 năm… rồi lại đến 18 năm so với hiện tại… Ký ức về cái chết của người bạn thân Kizuki được

kể bên cạnh ký ức về người bạn Quốc-xã, bên cạnh ký ức về Naoko, về Midori… hầu như không có sự chắp nối với nhau. Tất cả tạo nên một sự hỗn độn, gây khó khăn cho người đọc trong việc nắm bắt cốt truyện. Nhưng đó là sự hỗn độn “cần phải có” bởi sự vận động trong dòng hồi ức của Toru đã phát triển một cách hỗn độn như vậy. Hồi ức trải ra đến đâu, cốt truyện của cuốn tiểu thuyết phát triển theo đến đó, không có giới hạn. Hoàn toàn không có những kịch tính hấp dẫn như trong những tác phẩm trinh thám hay tiểu thuyết “giật gân”. Tất cả chỉ là những chuyển động tâm lý tinh vi của hồi ức một hay nhiều nhân vật.

Sự phân rã cốt truyện còn được thể hiện ở kết cấu tự sự “truyện lồng trong truyện”. Trong ký ức của Toru có những câu chuyện u uẩn, bi thương trong quãng đời của các nhân vật khác. Đó là câu chuyện của Naoko về người chị gái và ông chú trong gia đình mình đột nhiên tự vẫn mà không để lại lý do. Đó là câu chuyện của Reiko Ishida về quá khứ của mình, về công việc dạy đàn của mình và cả cô bé học sinh bệnh hoạn và dối trá. Đó còn là câu chuyện của Midori về gia đình, về người cha bệnh tật của mình… Kết cấu của tiểu thuyết Rừng Na-Uy rất lỏng lẻo. Nhưng nhờ đó mà Murakami đã có thể lồng ghép, đan xen nhiều câu chuyện nhỏ trong một câu chuyện khác một cách tinh tế. Chiều sâu của tác phẩm cũng đạt đến mức độ cần thiết từ kiểu kết cấu “truyện lồng trong truyện” này.

Trong chương 2 này, chúng tôi đã đi sâu phân tích, tìm hiểu nội dung và cấu trúc tự sự của tiểu thuyết Rừng Na-Uy từ góc nhìn nghệ thuật tự sự. Nhìn chung, từ hệ thống cấu trúc tự sự, thế giới nhân vật cho đến cốt truyện và sự phân rã cốt truyện, tất cả đều có mối tương quan và có sự thống nhất với nhau một cách biện chứng và hợp lý. Sự thống nhất biện chứng ấy còn được biểu hiện trong những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc mà Haruki Murakami đã sử dụng trong Rừng Na-Uy.

Chương 3

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của h murakami trong tiểu thuyết rừng na uy (Trang 73 - 75)