nghệ thuật của Haruki Murakami
Tiểu thuyết Rừng Na-Uy được hoàn thành vào năm 1987 khi mà Haruki Murakami đang sinh sống và làm việc ở Roma, Ý. Đây là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc sống của tầng lớp thanh niên sinh viên Nhật Bản trong những năm 60 của thế kỷ XX. Qua cuộc sống của họ, người đọc có thể hiểu được phần nào xã hội Nhật Bản đương thời.
Trước Rừng Na-Uy, Haruki Murakami có viết “Bộ ba Chuột” (gồm 3 cuốn tiểu thuyết Lắng nghe gió hát, Pinball, 1973, Săn cừu hoang); Xứ sở kỳ diệu lạnh lùng và nơi tận cùng thế giới và đã khá thành công trong phạm vi nước Nhật.
Với “Bộ ba Chuột”, Haruki Murakami đã bước đầu hình thành những yếu tố căn bản tạo nên những tác phẩm sau này của Murakami. Đó là phong cách phương Tây, cách nói hài hước mà rất thâm thúy, sâu sắc. Trong khi đó, “Xứ sở kỳ diệu lạnh lùng và nơi tận cùng thế giới” mang nhiều tính tưởng tượng, mơ mộng và bước đầu xuất hiện một số yếu tố siêu thực.
Đến khi Rừng Na-Uy được xuất bản, H. Murakami đã trở thành một trong những nhà văn hàng đầu, một thần tượng văn hóa đại chúng không chỉ ở
nước Nhật. Hơn 4 triệu bản in của cuốn sách đã mang lại cho H. Murakami sự thành công ngoài sức tưởng tượng của chính bản thân ông.
Câu chuyện trong tiểu thuyết Rừng Na-Uy diễn ra trong bối cảnh nước Nhật những năm 1960, khi mà thanh niên Nhật Bản, như thanh niên nhiều nước khác đương thời, đang đấu tranh chống lại những định kiến tồn tại trong xã hội. Với thủ pháp dòng ý thức, cốt truyện diễn tiến trong dòng hồi tưởng của nhân vật chính là một người đàn ông 37 tuổi Toru Watanabe, khi vừa đáp máy bay xuống sân bay Hamburg (Đức), chợt nghe bản nhạc Rừng Na-Uy của The Beatles. Thời sinh viên, anh ta đã trải qua nhiều cuộc tình chớp nhoáng với nhiều cô gái trẻ ưa tự do. Nhưng anh ta cũng có những mối tình sâu nặng, điển hình là với Naoko, người yêu của người bạn thân nhất của anh, một cô gái không ổn định về cảm xúc; bên cạnh đó là tình cảm với Midori, một cô gái thẳng thắn, sôi nổi và hoạt bát.
Ở Việt Nam, cho đến nay đã có hai bản dịch Rừng Na-Uy. Tác phẩm được dịch sang tiếng Việt và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1997 do Kiều Liên và Hải Thanh thực hiện, Bùi Phụng hiệu đính. Bản dịch này không thực sự xuất sắc và đã bị cắt xén khá nhiều câu, nhiều đoạn bị cho là “nhạy cảm”, “dung tục”. Năm 2006 bản dịch mới của Trịnh Lữ được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành và được đánh giá khá cao.
Mỗi người trong chúng ta thường tự nhủ với bản thân rằng mình là một sinh linh bé nhỏ giữa bao người. Vì vậy, nỗi cô đơn và cái buồn luôn đeo đuổi; nhiều cái chết là ở sự mất niềm tin vào cuộc sống. Đọc Rừng Na-Uy, bạn đọc trẻ tìm thấy sự đồng cảm. Họ tìm thấy những nghĩ suy mà đôi khi không thể gọi nên lời. Dường như có một cái gì đó là chung giữa bạn đọc với Toru Watanabe, Midori, Naoko và Kizuki ... dù khác thời đại, khác dân tộc hay dòng máu... Ai cũng có sự mất mát nào đó, và đều cảm thấy một nỗi trống trải khôn cùng mỗi khi nghĩ về nó. Chính vì vậy Rừng Na-Uy đạt được
sự đồng cảm của mọi độc giả. Đó là sự gặp gỡ, sự đồng cảm của những tâm hồn đồng loại.
Cái khó khăn nhất trong cuộc đời một con người là vượt qua chính mình. Và lại cũng khó khăn hơn để vượt thoát khỏi nỗi cô đơn. Dù vậy, con người ta vẫn luôn nỗ lực để làm được điều gì đấy. Song kết quả có khi là một sự thất bại. Nó dẫn đến cái chết, hay sự biến mất vĩnh viễn. Cuộc sống đôi khi quá nhỏ bé, ngột ngạt, không đủ chỗ dung chứa cho sự tồn tại của mỗi cá nhân sống đúng như bản thể của mình. Những người chết trong tác phẩm đều còn rất trẻ. Họ cô đơn và lạc lõng trước cuộc đời. Họ cố gắng vượt thoát khỏi nỗi cô đơn đáng sợ ấy. Và có lẽ bởi không còn đủ niềm tin, họ đã tìm đến cái chết như một giải pháp nhẹ nhàng, đơn giản.
Nhân vật trong Rừng Na-Uy được đánh giá là hiện đại hơn rất nhiều so với nhân vật trong văn học Nhật Bản truyền thống vì niềm khao khát được là chính mình, sống cuộc sống của bản thân mình chứ không phải cuộc sống bầy đàn nhạt nhẽo. Họ bị bủa vây bởi sự cô độc và luôn muốn đi tìm chính mình. Và do đó thường rơi vào những bi kịch tinh thần. Chính Haruki Murakami cũng cho rằng, trong xã hội có tính ý thức cộng đồng chặt chẽ như Nhật Bản, một tinh thần cá nhân độc lập là rất khó tồn tại.
Hàng trăm diễn đàn, thảo luận đã được giới trẻ Việt Nam mở ra trên mạng Internet để chia sẻ suy nghĩ của mình về Rừng Na-Uy. Điều này phần nào khẳng định đề tài, chủ đề, cốt truyện của Rừng Na-Uy có vẻ phù hợp và dễ tiếp nhận hơn đối với những độc giả trẻ hơn là với những nhà nghiên cứu lớn về tuổi đời và tuổi nghề.
Sau Rừng Na-Uy, Haruki Murakami ngày càng thành công với nhiều tác phẩm mang tính siêu thực với những chi tiết như người nói chuyện với mèo, những con kỳ lân thay áo, một cô gái nhìn thấy chính mình đang làm tình với một người đàn ông lạ... Năm 1988, ông cho xuất bản cuốn Nhảy,
nhảy, nhảy (Dance, dance, dance). Lần lượt sau đó, Murakami xuất bản Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời (South of the border, West of the Sun), Biên niên ký chim vặn dây cót (The wind-up bird chronicle), “Người tình Sputnich” (Sputnik Sweetheart), Kafka bên bờ biển (Kafka on the shore),… Những tác phẩm này của Murakami được đánh giá khá cao về nội dung lẫn giá trị nghệ thuật.
Tuy là nhà văn thuộc thế hệ hậu bối trong làng văn Nhật Bản, nhưng Haruki Murakami không chịu sự tác động, không bị lệ thuộc phong cách hay phương pháp sáng tác của các bậc tiền bối. Ông yêu thích nhạc Jazz và có lối sáng tác ngẫu hứng và tùy biến như các nhạc sĩ nhạc jazz chứ không theo một kế hoạch nào định sẵn. Murakami cũng thường bị giới phê bình trong nước lên án là một tác giả xa rời truyền thống văn học Nhật Bản, chí ít là đứng ngoài dòng văn học chính thống. Thế nhưng, ông lại cho rằng mình chính là một nhà văn Nhật đang tìm một ngôn ngữ mới để thích hợp với thời đại, bởi đời sống đương đại của Nhật Bản hoàn toàn khác với với đời sống của những thời đại trước đây.
Có thể nói, những yếu tố mới lạ xuất hiện trong sáng tác của Haruki Murakami là sự hoà nhập các yếu tố văn học, thời đại, cá tính với các tác phẩm văn học phương Tây. Nhìn nhận một cách khách quan và tổng quát hành trình sáng tạo nghệ thuật của Haruki Murakami ta có thể thấy hành trình này bắt nguồn từ cá tính nhà văn, cùng với đó là những yếu tố khách quan: chính trị, xã hội, hiện thực lịch sử, tình hình văn học Nhật Bản… Và Rừng Na-Uy với những giá trị nội dung và nghệ thuật của mình, thực sự là một cột mốc quan trọng trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của H. Murakami.
Chương 2