Sự linh hoạt trong điểm nhìn trần thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của h murakami trong tiểu thuyết rừng na uy (Trang 77 - 83)

Việc hình tượng người kể chuyện gần như đồng nhất với nhân vật trung tâm đã chi phối hệ thống điểm nhìn trong tiểu thuyết này: hệ điểm nhìn của người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Nhưng bên cạnh đó, điểm nhìn trần thuật của nhân vật người kể chuyện không chỉ được trao cho nhân vật trung tâm mà còn được Haruki Murakami trao cho các nhân vật khác. Điều này làm cho

điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm trở nên đa dạng, linh hoạt hơn rất nhiều so với điểm nhìn đơn tuyến ngôi thứ nhất. Đây chính là điểm đặc biệt trong nghệ thuật tổ chức tác phẩm tự sự của Haruki Murakami mà Nguyễn Văn Hạnh đã khái quát là “nghệ thuật trao điểm nhìn trần thuật”.

Có thể nói, điểm nhìn trần thuật trong tổ chức tự sự của Murakami hoàn toàn không bị giới hạn bởi một ngôi kể chuyện, một điểm nhìn trần thuật. Như đã nói ở trên, Haruki Murakami đã trao điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm cho không chỉ một nhân vật. Bên cạnh nhân vật trung tâm ngôi thứ nhất, điểm nhìn trần thuật còn xuất phát từ một hay nhiều nhân vật khác. Đó có thể là Naoko, là Reiko, là Midori hay Nagasawa… do tình huống kể ở đây là dòng hồi ức. Điểm nhìn trần thuật chuyển sang các nhân vật khác khi mà dòng hồi ức cứ chảy tràn một cách vô định, như một giấc mơ, không thể kiểm soát và càng không thể cố định một cách khiên cưỡng.

Với điểm nhìn của Watanabe, theo anh ta là phải có một khoảng cách nhất định với mọi chuyện trong cuộc đời. Không muốn va chạm nhiều trong cuộc sống. Toru Watanabe vốn là một người u sầu, lặng lẽ, ngại tiếp xúc với người lạ và với thế giới. Và thế giới trong đôi mắt của con người u buồn ấy cũng mang những nét gì đó thật buồn. “Tôi nhắm mắt và đắm mình vào cái bóng tối xa vời ấy của quá khứ. Tôi nghe tiếng gió rõ ràng lạ thường. Một làn gió ào qua tôi, để lại sau những dải lấp lánh lạ kì trong bóng tối. Tôi mở mắt và thấy đêm hè tối hơn trước rất nhiều” [6; 63]… “Tôi căm ghét những gì mùa xuân đang dành đợi tôi; tôi căm ghét cái nỗi đau rần rật đến tê dại mà nó gợi lên trong tôi” [6; 449]. Quả thật, Murakami rất tinh tế trong việc khám phá thế giới nội tâm của con người.

Nghệ thuật trao điểm nhìn khiến cho điểm nhìn trần thuật được dịch chuyển một cách linh hoạt. Đó là cách thức để Haruki Murakami tái hiện các nhân vật trong cái nhìn đa diện, đa tầng, đầy suy tư và hoàn toàn tự do trong

góc nhìn trần thuật. Haruki Murakami không trực tiếp miêu tả ngoại hình, tính cách, ngôn ngữ của Naoko, Hatsumi hay Midori. Tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết Rừng Na-Uy đều được miêu tả một cách gián tiếp qua tư duy của nhân vật Watanabe. Toru Watanabe không trực tiếp miêu tả khuôn mặt của Naoko nhưng rất thường xuyên khắc hoạ đôi mắt nàng. Hình ảnh đôi mắt xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm với tần xuất cao. Toru đã bốn lần miêu tả chi tiết cặp mắt nàng: “Sâu trong hai đồng tử nàng có một chất lỏng đen đặc đang xoáy tròn như một luồng gió xoáy lạ kỳ” [6; 31].

“Mắt nàng sâu thẳm và trong vắt đến mức chúng làm tôi như ngộp thở” [6; 53].

“Càng vào sâu mùa đông, cái vẻ trong vắt của đôi mắt Naoko hình như càng rõ ràng mãi lên. Ðó là một thứ rõ ràng không biết sẽ dẫn tới đâu” [6; 72]. “Nàng quì xuống sàn nhà ngay cạnh gối tôi, hai mắt gắn chặt vào mắt tôi. Tôi nhìn nàng chăm chú, nhưng mắt nàng không nói gì với tôi hết. Trong vắt lạ lùng, chúng có vẻ là những cửa sổ vào một thế giới khác, nhưng có nhìn mãi vào đó tôi cũng chẳng thấy được gì. Mắt chúng tôi cách nhau chưa đầy một gang, nhưng nàng xa cách tôi cả nhiều năm ánh sáng” [6; 251].

Trong khi đó, Hatsumi hiện lên trong con mắt Watanabe với cảm nhận hoàn toàn khác: “Cô không có vẻ ngoài nhìn một cái là thấy hấp dẫn ngay, và quả thực cô bình thường đến mức khi gặp lần đầu tôi đã phải tự hỏi tại sao Nagasawa không tìm một ai xinh đẹp hơn” [6;83]. Sức mạnh của Hatsumi toát lên ở vẻ đẹp sâu thẳm trong phong thái mà ta chỉ có thể cảm nhận được. Mấy chục năm sau, Hatsumi vẫn được Watanabe nhớ đến với những hình ảnh thật gợi cảm, tinh tế: “Trong ôtô, khoanh tay và nhắm mắt, Hatsumi ngồi lọt thỏm vào góc ghế. Bộ hoa tai vàng của cô phản chiếu ánh đèn và lấp lánh khi chiếc xe lượn qua lượn lại. Bộ đồ màu xanh nửa đêm của cô như được thửa riêng để hoà hợp với bóng tối ở trong xe. Thỉnh thoảng, cặp môi tuyệt đẹp

được trang điểm nhẹ nhàng của cô lại hơi rung rung như thể cô sắp sửa nói điều gì đó với chính mình” [6; 387].

Ngắm nhìn Hatsumi chơi bi-a, “mái tóc chải cẩn thận buộc lên để khỏi vướng mắt, bộ hoa tai vàng lóng lánh, đôi giày đỏ vững vàng trên sàn nhà, những ngón tay mảnh dẻ đáng yêu áp chặt lên mặt nỉ xanh nâu khi cô động thủ nước đi – tôi có cảm giác như phần quán bi-a tôi đứng chơi đã biến thành một sự kiện tao nhã nào đó” [6; 391]

Nếu như Naoko và Hatsumi được miêu tả với những đường nét tinh tế, có phần huyền ảo, thì Midori trong tâm trí Toru Watanabe lại hiện lên chân thực, sống động. “Mái tóc cực ngắn và đeo kính râm, mặc một bộ váy mini bằng vải bông trắng” [6; 109], “cô gái ngồi trước mặt tôi căng tràn một sinh lực tươi mát. Cô giống như một con thú nhỏ vừa nhảy póp một cái vào cuộc đời lúc xuân sang. [6; 111-112]; “quần bó chẽn màu nước biển và chiếc áo phông xanh thuỷ quân, bộ hông cực kỳ hẹp” [6; 139]; “váy bò ngắn không thể tưởng tượng được” [6; 323]. Ðó là một cô gái gợi nên cảm giác gần gũi và hoà hợp không giống với vẻ xa cách của Naoko. Ngoại hình của cô gợi nên âm thanh, gợi nên sự chuyển động, gợi nên sự pha trộn, thay đổi không ngừng của những cảm giác đối lập: “Niềm vui sướng, tiếng cười, nỗi giận dữ, cảm giác kinh ngạc và tuyệt vọng”. Cũng có khi Watanabe nhận thấy một thoáng thay đổi dịu dàng trên gương mặt Midori khiến cho bức tranh về cô thêm đa diện: “Vai cô hơi rung lên rất nhẹ, rồi cô thả lỏng người và nhắm mắt lại trong nhiều giây. Nắng đầu thu làm hàng mi cô đổ bóng xuống hai gò má, và tôi có thể thấy đường viền của nó run rẩy” [6; 158]. Trong bất kì thời điểm nào, Midori cũng như một sức sống luôn phập phồng, rộn rã. Ở cô, người ta bắt gặp một cuộc sống thực hàng ngày: vẻ đẹp, sự tươi vui, náo nhiệt, mộc mạc nhưng pha nhiều yếu tố tục… Ðó là phẩm chất của những con người không bao giờ đầu hàng trước cuộc sống. Cô là cuộc sống thực bình dị và vĩnh hằng.

Ðiều đó giải thích tại sao khi Toru hoang mang nhất, yếu đuối nhất, anh lại gọi điện cho Midori và đợi một tiếng trả lời của cô…

Sử dụng điểm nhìn từ nhiều góc độ, từ điểm nhìn của nhân vật trung tâm chuyển sang điểm nhìn của những nhân vật khác là cách “lạ hoá trần thuật” của H. Murakami. Ông khắc hoạ Naoko qua cái nhìn của Watanabe, và ngược lại, hình ảnh Watanabe hiện lên trong tác phẩm lại qua lời kể của Naoko hoặc Midori. Mỗi con người là một tiểu vũ trụ, là một thế giới riêng, rất bí ẩn và khó hiểu. Sự dịch chuyển tức thời giữa thế giới của Toru Watanabe sang thế giới của Naoko hay của Midori khiến cho thế giới nội tâm của các nhân vật có sự dịch chuyển, đan xen với nhau. Việc dịch chuyển điểm nhìn từ ngoài vào trong, từ hành động sang tâm lí làm cho nhân vật của Haruki Murakami hiện lên sinh động, rõ nét và khác về chất so với nhân vật của tiểu thuyết truyền thống.

Ðôi khi, từ điểm nhìn trực tiếp, Haruki Murakami miêu tả ngoại hình nhân vật với thái độ châm biếm nhẹ nhàng: Hai sinh viên tuyên truyền biểu tình trong trường đại học chỉ khiến người ta cười vào sự đối lập giữa họ (cao kều - lùn tè, da “nhợt nhạt”- “da đen nhẻm”). Cũng có khi sự miêu tả của nhà văn chỉ nhằm đem đến nụ cười cho độc giả. Đó là hình ảnh kiệt quệ sinh lực của bố Miđori và bộ râu vẫn mọc ra tua tủa…

Một tác phẩm có nhiều điểm nhìn trần thuật như thế cũng đòi hỏi những điều kiện nhất định. Các điểm nhìn này phải có sự độc lập với nhau, thuộc về các chủ thể riêng biệt. Nói cách khác, để có được những điểm nhìn trần thuật như vậy, các nhân vật Watanabe, Naoko, Reiko, Midori… phải là những cá thể hoàn toàn độc lập với nhau, trước hết là về mặt ý thức và tầm hiểu biết. Suy nghĩ khác nhau, tình cảm khác nhau, thế giới quan khác nhau… từ đó tạo nên những điểm nhìn khác nhau. Con người, tâm lý, sinh lý, hiểu biết xã hội của Watanabe hoàn toàn khác với Naoko, càng có sự khác biệt với

Reiko hay Midori. Ở Watanabe, người đọc có thể thấy được một thanh niên khá nhạy cảm, giàu lòng nhân ái, với một đoạn đời u uẩn. Ở Naoko, người đọc thấy được một cô gái có tâm hồn luôn phấp phỏng lo sợ, tính cách yếu đuối và có một kết thúc cuộc đời thật bất hạnh. Với Midori thì người đọc lại thấy được một cô gái đầy sôi nổi và mãnh liệt và tâm hồn luôn khát khao tình cảm, “luôn thèm được yêu, dù chỉ một lần thôi”… Để xây dựng được những điểm nhìn trần thuật và những nhân vật độc lập như thế đòi hỏi nhà văn phải có được một tầm nhìn, sự hiểu biết sâu sắc về con người và cuộc đời.

Điểm nhìn trần thuật được đặt từ nhiều góc độ như vậy khiến tác phẩm của Murakami có khả năng bao quát một phạm vi đời sống tâm lý rộng lớn. Từ hiện thực cuộc đời cho đến những cảm nhận của một cá thể nhân vật nào đó. Tất cả đều được ông thể hiện một cách rõ ràng và không kém phần tinh tế. Những sự linh hoạt trong việc bố trí điểm nhìn trần thuật này tạo nên một kiểu kết cấu đặc biệt cho tác phẩm của Haruki Murakami. Đó là kiểu kết cấu lồng khung - kết cấu “truyện lồng trong truyện”. Kiểu kết cấu này đã khá quen thuộc trong truyện cổ Ấn Độ (Truyện con vẹt) hay truyện cổ “Nghìn lẻ một đêm”. Đặc biệt, trong điện ảnh, môn nghệ thuật thứ bảy của nhân loại, thủ pháp này được sử dụng dày đặc và thể hiện rất thành công trạng thái tâm lý hay dòng ký ức của nhân vật.

Một nhà văn tài năng không bao giờ sử dụng điểm nhìn trần thuật một cách khô cứng mà luôn tạo ra sự di chuyển linh hoạt, uyển chuyển trong tác phẩm. Khi điểm nhìn trần thuật được di chuyển linh hoạt từ nhân vật này đến nhân vật khác, phạm vi phản ánh đời sống của tác phẩm không ngừng được mở rộng. Bằng sự phối hợp nhiều điểm nhìn trần thuật trong Rừng Na-Uy, Haruki Murakami cũng đã tạo nên cái nhìn đa diện, đa phương về hiện thực và con người. Chính sự đa dạng về điểm nhìn đã tạo nên sự đa dạng trong

giọng điệu trần thuật. Mỗi giọng điệu đều có vai trò như nhau - tạo nên cấu trúc đa thanh cho cuốn tiểu thuyết.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của h murakami trong tiểu thuyết rừng na uy (Trang 77 - 83)