Hình tượng nhân vật người kể chuyện là phương diện không thể thiếu của lý thuyết tự sự. Hiện nay, chưa có một sự thống nhất hoàn toàn về khái niệm người kể chuyện, cũng như một vài khái niệm khác. Theo nhà nghiên cứu Pospelov thì người kể chuyện là trung gian giữa các hiện tượng được miêu tả và người đọc; đó là người chứng kiến và cắt nghĩa các sự việc xảy ra. rong khi đó, Todorov đánh giá người kể chuyện không chỉ là người kể mà còn là người định giá, “là một nhân tố chủ động trong việc kiến tạo một thế giới hư cấu”.
Có thể nói, người kể chuyện là sản phẩm của quá trình hư cấu của nhà văn. Từ thời xa xưa khi chưa có chữ viết, câu chuyện được kể thông qua những người kể chuyện thật sự - những nghệ nhân kể chuyện rong ruổi khắp các nẻo đường, kể những truyền thuyết về các anh hùng, hiệp sĩ, những câu chuyện hoang đường, kỳ ảo, ma quỷ… Khi chữ viết ra đời, vai trò của các
nghệ nhân kể chuyện được chuyển sang cho các nhà văn. Tuy nhiên, nhà văn không bước trực tiếp vào tác phẩm mà họ hư cấu nên một nhân vật – nhân vật người kể chuyện. Hình hài, điệu bộ, cử chỉ, giọng nói … đều được đưa vào tác phẩm thông qua các thủ pháp nghệ thuật. Những nhân vật người kể chuyện trong tác phẩm tự sự là những người kể chuyện cao cả, thấu suốt, bởi họ biết hết và phán xét tất cả mọi sự việc trong câu chuyện.
Nhân vật người kể chuyện trong tác phẩm tự sự được sáng tạo để giữ vai trò trần thuật, phân tích, nghiên cứu, bình luận làm sáng tỏ mọi mối quan hệ phức tạp giữa nhân vật và hoàn cảnh trong tác phẩm, chứ không chỉ đơn thuần là một nhân vật như những nhân vật khác. Người kể chuyện trong một tác phẩm là một nhân vật văn học đặc biệt. Nhân vật này chi phối toàn bộ các đặc điểm ngôn từ, chi phối cách nhìn, cách cảm thụ, phương thức tư duy và tư chất tình cảm của toàn bộ các nhân vật còn lại trong câu chuyện.
Người kể chuyện có thể xuất hiện một cách tường minh với tư cách là một nhân vật tham gia vào sự kiện, biến cố của cốt truyện. Đó là Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, là Lockwood trong Đồi gió hú của Emily Bronte… Người đọc hoàn toàn có thể nhận ra nhân vật người kể chuyện thông qua những dấu hiệu tên tuổi, nghề nghiệp, hình dáng, tính cách… Trong những trường hợp khác, nhân vật người kể chuyện không trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm mà đứng bên ngoài, quan sát và kể lại diến biến cốt truyện. Đó là người kể chuyện trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, là người kể chuyện trong Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky, là người kể chuyện trong Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell... Nhân vật người kể chuyện lúc này giữ ngôi thứ ba và thường là “vô hình”, được “phi nhân cách hoá”, không ai biết một chút thông tin gì về số phận, quan điểm, tư tưởng của nhân vật này. Cũng không ai biết mối quan hệ giữa nhân vật này với các nhân vật khác trong tác phẩm. Tất cả những nhân vật người kể chuyện này có mặt ở
khắp nơi, đứng ngoài câu chuyện, quan sát, hiểu biết tất cả câu chuyện và kể lại câu chuyện một cách khách quan. Cuộc đời mỗi nhân vật, các biến cố, các sự kiện xảy ra trong câu chuyện như được sắp xếp sẵn.
Nhân vật người kể chuyện trong một tác phẩm tự sự là một nhân vật mang tính chức năng. Qua nhân vật người kể chuyện, nhà văn chuyển tải tư tưởng và nội dung của tác phẩm một cách hiệu quả nhất.
Trước hết, nhân vật người kể chuyện đại diện cho tác giả, phải tìm ra được một kết cấu thích hợp nhất cho tác phẩm để lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Lối kết cấu khác nhau sẽ tạo nên các dạng cốt truyện khác nhau: cốt truyện tuyến tính, cốt truyện tâm lý, “truyện lồng trong truyện”…
Hơn nữa, người kể chuyện còn có nhiệm vụ dẫn dắt người đọc tiếp cận với thế giới nghệ thuật. Nhân vật người kể chuyện vừa kể, vừa tả, vừa giải thích bình luận, sẽ giúp người đọc hiểu hơn về động cơ trong những hành động của nhân vật. Người kể chuyện cũng hướng người đọc suy ngẫm, chia sẻ và đồng cảm với nhân vật. Trong những trường hợp khác, nhân vật người kể chuyện còn tranh luận, đối thoại với người đọc để tìm ra chân lý cuộc sống. Người kể chuyện còn thay mặt tác giả trình bày những quan điểm về hiện thực cuộc sống, về nghệ thuật.
Như vậy, người kể chuyện là công cụ do nhà văn sáng tạo ra nhằm truyền đạt nội dung cốt truyện đến với người đọc. Đó là một dạng nhân vật đặc biệt, có chức năng tổ chức, dẫn dắt định hướng người đọc, tranh luận đối thoại với người đọc, giúp tác giả trình bày quan niệm về đời sống và nghệ thuật.
Với những nhà văn hiện đại, cách kể chuyện theo kiểu người kể chuyện thấu suốt, toàn thông đã không còn phù hợp nữa bởi nhà văn không còn là những thượng đế có thể biết và phán xét được hết tất cả mọi sự, họ chỉ là
những người bình thường bị giới hạn trong sự hiểu biết của chính mình. Điểm đặc biệt trong tiểu thuyết Rừng Na-Uy là cốt truyện diễn biễn không theo trật tự thời gian. Các sự kiện xảy ra trong tác phẩm được xâu chuỗi với nhau bởi một khái niệm rất mơ hồ - hồi ức. Dòng chảy, nói chính xác hơn là mạch văn của tác phẩm chảy tràn theo dòng hồi ức của nhân vật Toru Watanabe, lúc này đã là một người đàn ông 37 tuổi, vừa đáp máy bay đến Hamburg, bất chợt lắng nghe giai điệu bài hát Rừng Na-Uy của ban nhạc The Beatles đã hồi tưởng lại quá khứ của mình 20 năm trước, khi còn là sinh viên.
Nhân vật người kể chuyện trong tiểu thuyết Rừng Na-Uy có những điểm khá đặc biệt, không còn là người kể chuyện “toàn thông”, biết hết mọi chuyện nữa, không còn đứng ngoài quan sát và kể lại câu chuyện nữa. Nhân vật người kể chuyện tham gia trực tiếp vào diễn biến của câu chuyện với tư cách là nhân vật trong cốt truyện. Hơn thế nữa, vai trò người kể chuyện được tác giả Murakami “trao” cho nhiều nhân vật khác nhau. Trước hết, với tư cách là nhân vật trung tâm, Toru Watanabe cũng chính là người kể chuyện, nói với người đọc về cuộc đời sinh viên của mình thông qua một điểm nhìn ở ngôi thứ nhất nhân vật “tôi”. Nhân vật người kể chuyện không trực tiếp kể về cái chết của Kizuki mà kể gián tiếp qua bước chuyển tâm lý của Toru Watanabe. Cái chết ấy in sâu trong tâm trí Watanabe như một vết thương không bao giờ liền miệng. Nó cứ mãi ám ảnh trong cuộc đời người còn sống, từ sự mơ hồ dần dần vón lại một cách đậm đặc, như một cục khí.
Nhân vật người kể chuyện đã chuyển sang dòng ký ức của nhân vật Naoko với những ký ức đau buồn về Kizuki hay về gia đình của mình. Nói cách khác, Murakami đã trao vai trò người kể chuyện cho Naoko, một nhân vật trực tiếp trong câu chuyện. Cũng như thế, Murakami còn trao vai trò ấy cho Reiko để kể lại cuộc đời của một giáo viên dạy nhạc đang lần tìm giới tính của bản thân… Mỗi người đều có một cuộc đời riêng, có những vấn đề
riêng, mâu thuẫn riêng cần phải giải quyết. Đây là dòng suy nghĩ của một lớp người lớn lên sau chiến tranh, một “thế hệ lạc lõng”, với thế giới quan hoàn toàn khác hẳn các bậc cha anh, đang đứng trước sự lựa chọn hướng đi theo truyền thống hay hiện đại cho tương lai cuộc đời của mình.
Nếu có thể coi nhân vật người kể chuyện là một “vai” trong nội dung tiểu thuyết thì phương pháp này chính là phưong pháp “trao vai”. Phương pháp tổ chức tự sự “trao vai” này đã khiến cho nội dung của tác phẩm hoàn toàn mang tính chủ quan của những nhân vật người kể chuyện. Không còn sự hiểu biết về tất cả sự việc, diễn biến của nhân vật người kể chuyện nữa, cũng không còn sự sắp đặt bố trí từ đầu đến cuối câu chuyện nữa, thay vào đó là một cốt truyện vụn vỡ thành nhiều mảnh ghép, lộn xộn, không theo tuần tự thời gian hay không gian. Dòng suy nghĩ vô thức của nhân vật kể chuyện đi đến đâu thì cốt truyện lại phát triển theo đến đấy. Tất cả cứ như một giấc mơ, hỗn độn và rất khó nắm bắt. Chính vì phương pháp trần thuật đặc biệt này mà cuốn tiểu thuyết trở nên khó đọc, khó giải thích, khó có thể kể lại cốt truyện một cách tuần tự theo tuyến tính rõ ràng. Cũng chính vì thế, có người cho rằng Rừng Na-Uy không có nhân vật người kể chuyện và không có cốt truyện. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, tiểu thuyết Rừng Na-Uy vẫn có một cốt truyện. Chỉ có điều, cốt truyện ấy đã bị “nhoè mờ” theo dòng hồi ức của người kể chuyện. Đây chính là biểu hiện của sự tác động bởi các yếu tố “hậu hiện đại” trong phong cách văn chương Haruki Murakami nói riêng và một số nhà văn đương thời nói chung.
Người kể chuyện có một vai trò rất quan trọng trong thành công của một câu chuyện. Hình tượng nhân vật người kể chuyện với ký ức, khả năng chiếm lĩnh, thống trị và chi phối mọi yếu tố trong tác phẩm: cốt truyện, nhân vật, không - thời gian… Với cái tôi cá nhân tự thuật, người kể chuyện có khả năng làm bừng dậy vùng lãng quên trong ký ức, tái hiện lại một cách trọn vẹn
mối tình của nhân vật chính. Hình tượng người kể chuyện trong tiểu thuyết
Rừng Na-Uy là một yếu tố quan trọng, cơ bản để làm nên sự thành công rực rỡ của tác phẩm. Bên cạnh hình tượng nhân vật người kể chuyện, một kiểu nhân vật nữa cũng có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thể hiện quan điểm nghệ thuật của nhà văn chính là nhân vật trung tâm.