Theo quan niệm cốt truyện truyền thống, cốt truyện gắn với sự phát triển tính cách của nhân vật trong sự cọ xát với môi trường xung quanh để tạo thành một cốt truyện ba bước (thắt nút, phát triển và mở nút) truyền thống. Nếu lấy quan niệm này để soi chiếu thì cốt truyện của tiểu thuyết Rừng Na-Uy
khá đơn giản. Có một cái gì đó thật khó tách bạch giữa những dòng hồi tưởng, các đoạn độc thoại nội tâm và đối thoại. Dường như chúng có một sự tan hòa trong nhau nhờ sự gắn kết của các yếu tố tâm lý..., cũng bởi toàn bộ câu chuyện là dòng hồi ức của nhân vật chính về mối tình u buồn của mình.
Toru Watanabe, một chàng thanh niên 37 tuổi vừa mới đặt chân tới Hamburg, Đức. Khi bất chợt nghe được bài hát Norwegian Wood của The Beatles, anh bỗng hồi tưởng lại một khoảng thời gian trong quá khứ của mình. Ký ức mang anh trở lại với những năm 60 của thế kỷ trước, khi có quá nhiều sự việc, biến cố xảy ra với cuộc sống của anh khi đó.
Khi còn là học sinh, cậu có hai người bạn thân, Kizuki và bạn gái của Kizuki tên là Naoko, làm thành một bộ ba thân thiết. Mối quan hệ này bị đứt gãy khi Kizuki tự tử trong lần sinh nhật thứ 17 của mình. Sau cái chết của Kizuki, Toru luôn cảm thấy sự hiện diện của cái chết ở mọi nơi còn Naoko thì thấy dường như mất đi một phần con người mình. Năm 18 tuổi, Toru là sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học tư thục, sống trong một khu học xá của trường ở Tokyo. Toru tình cờ gặp lại Naoko, họ tìm đến nhau, cố gắng an ủi nhau, họ ngày càng thân nhau hơn và giữa họ đã nảy sinh tình cảm. Trong buổi tối sinh nhật lần thứ 20 của Naoko, cô đã cảm thấy bị thương tổn ghê gớm và rất cần sự an ủi, chia sẻ. Họ đã quan hệ tình dục với nhau tối hôm đó, và đây cũng là lần đầu của Naoko. Kể từ sau buổi tối đó, Naoko đã để lại cho Toru một bức thư nói rằng cô cần phải nghỉ học một thời gian để tới nhà nghỉ Ami - một trại trị liệu, do cô đã có một số vấn đề về thần kinh.
Toru là một sinh viên bình thường, không học giỏi, không đẹp trai cũng không phải con nhà danh giá quyền quý. Toru kết bạn với Midori Kobayashi, một cô bạn cùng lớp. Cô có mọi thứ mà Naoko không có - sự cởi mở, tự tin, tràn đầy sức sống. Mặc dù yêu Naoko, nhưng Toru vẫn bị Midori hấp dẫn. Midori cũng rất yêu quý Toru, và tình bạn của họ ngày càng phát triển.
Toru đã đến thăm Naoko tại nơi điều trị. Ở đó, anh đã gặp Reiko Ishida, một bệnh nhân khác và là người theo dõi, chăm sóc Naoko. Trong chuyến thăm này và một vài chuyến thăm khác nữa, Reiko cùng với Naoko đã kể cho Toru nghe về những sự kiện trong quá khứ của mình. Reiko nói về sự tìm
kiếm của cô để xác nhận những vấn đề về giới tính còn Naoko kể về việc tự tử không báo trước của chị gái mình vài năm trước.
Khi quay trở lại Tokyo, Toru vẫn tiếp tục mối quan hệ với Midori và vẫn không quên Naoko. Anh viết một bức thư cho Reiko, xin lời khuyên của cô về việc lựa chọn nên phát triển quan hệ tình cảm lâu dài với Naoko hay Midori. Anh không muốn làm tổn thương Naoko, nhưng anh cũng không muốn để tuột mất Midori. Một thời gian sau, Toru nhận được thư của Reiko báo tin Naoko đã tự kết liễu cuộc đời mình. Kết cục của điều đó là việc Toru đi lang thang phiêu bạt khắp nước Nhật mà chẳng có mục đích nào cả, trong lòng luôn nhớ đến những kỷ niệm giữa hai người. Trong khi đó Midori không nhận được liên hệ nào với anh và không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Một thời gian sau, khi đã nhận ra rằng, cái chết không phải là sự đối nghịch mà là một phần của sự sống, Toru quay trở lại Tokyo, và khi đó Reiko tới thăm anh. Trước đây, sau cái chết của Naoko, Reiko đã viết rất nhiều bức thư nói với anh rằng cái chết đó không phải do lỗi của Toru, không phải lỗi của ai cả. Toru nhận ra rằng, Midori là người quan trọng nhất trong cuộc đời anh, và anh đã gọi điện cho cô dưới một làn mưa bụi. Chuyện gì đã xảy ra tiếp theo tác phẩm không đề cập tới mà đã để một cái kết mở cho người đọc.
Rừng Na-Uy cuốn hút người đọc ngay từ trang đầu tiên, không phải bởi cốt truyện giàu kịch tính mà bởi những trang viết tinh tế trong cách miêu tả thiên nhiên và tâm trạng con người. Murakami không xây dựng một cốt truyện bộc lộ những xung đột hiện thực mà đi theo chiều sâu của tâm lý nhân vật và cả sự mênh mông, không giới hạn của hồi ức, tâm trạng con người. Hơn nữa, sự kiện trong Rừng Na-Uy không phải là những sự kiện trọng đại mà chỉ là “cái cớ” để Murakami khai thác những biến đổi tâm lý của nhân vật. Ông đạt được hiệu quả cao khi thể hiện cảm xúc nhân vật cũng chính là nhờ “cốt truyện tâm lý” của Rừng Na-Uy. Cốt truyện tâm lý cho phép nhân vật của
Murakami thoả sức vùng vẫy theo dòng hồi ức mà không bị sự logic chặt chẽ của cốt truyện truyền thống níu giữ. Đây chính là tiền đề cơ bản nhất để Murakami phát huy một đặc điểm khá mới mẻ trong cấu trúc tự sự - sự phân rã cốt truyện.