Tác phẩm văn học là sự thống nhất một cách trọn vẹn các yếu tố đề tài, chủ đề, tư tưởng nhân vật, cốt truyện, lời văn. Đồng thời đó cũng là một cấu trúc văn bản nghệ thuật được tổ chức một cách chặt chẽ thành một chỉnh thể hoàn thiện. “Loại văn chương tột bậc trong thiên hạ, đúng là không ở trong cái giới hạn đóng mở kết cấu, nhưng mà không đóng mở kết cấu thì cũng không thành văn chương”. Tác phẩm văn học là một kiểu tổ chức ngôn ngữ, do vậy đương nhiên phải có tầng lớp, phải có đóng mở kết cấu, có sự gắn bó giữa các bộ phận trong tác phẩm và giữa bộ phận với toàn thể… Là một thể loại cao cấp nhất thuộc phương thức tự sự, việc nghiên cứu cấu trúc tự sự (hay kết cấu tự sự) là công việc không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu một tác phẩm tiểu thuyết.
Thông thường khi tiếp xúc một tác phẩm văn học, nhất là các tác phẩm tự sự và kịch, vấn đề đầu tiên mà người đọc quan tâm là câu chuyện đó kể về ai, kể về cái gì và diễn biến của nó ra sao. Có nghĩa là người đọc quan tâm nhiều nhất đến nhân vật và cốt truyện, nội dung ý nghĩa của tác phẩm đó.
Nhưng điều góp phần quan trọng làm nên thành công của một câu chuyện là nghệ thuật kể chuyện (nghệ thuật tự sự) thì lại ít người để ý. Chính nghệ thuật tự sự sẽ quyết định việc câu chuyện đó sẽ diễn ra như thế nào, có bao nhiêu nhân vật và các tình tiết trong câu chuyện đó được diễn ra như thế nào, trong một không gian, thời gian ra sao. Và quan trọng hơn cả, qua nghệ thuật tự sự, qua nhân vật người kể chuyện và cách lựa chọn điểm nhìn, giọng điệu trần thuật mà người đọc có thể hiểu được quan điểm, tư tưởng cá nhân và cả trái tim, tâm hồn của tác giả.