Khái niệm cốt truyện và sự phân rã cốt truyện trong tác phẩm tự sự

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của h murakami trong tiểu thuyết rừng na uy (Trang 68 - 70)

sự

“Cốt truyện” là thuật ngữ chỉ sự phát triển của hành động, tiến trình các sự việc, các biến cố trong tác phẩm tự sự và kịch, đôi khi cả trong tác phẩm trữ tình. [1; 112]. Trong đó, cốt truyện được đánh giá là “một phương diện của lĩnh vực hình thức nghệ thuật, chỉ lớp biến cố của hình thức tác phẩm”. Mạch vận động chung của nội dung tác phẩm được tạo ra và duy trì chính là do cốt truyện. Cuộc đời vốn nhiều mâu thuẫn, nhiều xung đột. Chức năng quan trọng của cốt truyện là thể hiện các xung đột đó của cuộc sống.

Lý luận văn học viết: “Cốt truyện là một hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội, một cách nghệ thuật, qua đó các tính cách hình thành và phát triển trong những quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm”.

Cốt truyện được phân loại thành cốt truyện “đơn tuyến” và cốt truyện “đa tuyến” hoặc cốt truyện “biên niên” và cốt truyện “đồng tâm”. Cốt truyện “biên niên” là loại cốt truyện đặt lên hàng đầu mối liên hệ trước sau về mặt thời gian giữa các sự kiện. Thông thường, loại hình cốt truyện “biên niên” thích hợp với những loại hình tự sự có quy mô cỡ lớn hoặc cố định như truyện dài và tiểu thuyết. Bởi các sự kiện và hành động không thật sự gắn bó với nhau. Cho nên, loại hình cốt truyện này cho phép nhà văn tái tạo đời sống

hiện thực trên nhiều bình diện, giúp nhà văn chiếm lĩnh được đời sống trên một toạ độ không gian rộng lớn hơn. Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra của M. Cervantes, Những người khốn khổ của Victor Hugo hay Chiến tranh và hoà bình của Lev Tolstoy… đều là những tác phẩm có cốt truyện “biên niên”. Còn cốt truyện “đồng tâm” là loại cốt truyện chú trọng vào việc khắc hoạ các sự kiện, tình huống và các mối liên hệ nhân quả, chú trọng mô tả các không gian, chú trọng vào hành động bên ngoài. Hệ thống sự kiện được tổ chức sao cho hạt nhân chủ đề của truyện được bộ lộ rõ nhất khi kết thúc câu chuyện. Loại hình cốt truyện này phù hợp với các tác phẩm tự sự cỡ nhỏ như truyện ngắn hay truyện vừa.

Một cách tổng quát, cốt truyện có ba đặc điểm chính. Đó là, tính lịch sử - cụ thể được biểu hiện ở mức độ chân thực của hiện thực đời sống được phản ánh trong tác phẩm. Tính kịch là những xung đột đến gay gắt giữa các lực lượng, các mối quan hệ trong xã hội. Và tính hoàn chỉnh là yêu cầu về tổ chức cốt truyện một cách chặt chẽ, không thừa không thiếu, và các sự kiện trong cốt truyện có mối liên hệ với nhau.

Cốt truyện có các thành phần thắt nút, phát triển sự kiện hành động đến cao trào, mở nút. Cùng với đó, các yếu tố ngoài cốt truyện như: những đoạn bình luận, ngoại đề, phong cảnh thiên nhiên… cũng góp phần khẳng định chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Như vậy cả ba định nghĩa này đều đã chỉ ra sơ lược khái niệm “cốt truyện” chính là “hệ thống sự kiện” và cách tổ chức hệ thống sự kiện đó. Bên cạnh đó, các định nghĩa trên đã nêu bật vai trò chủ đạo của cốt truyện đối với nghệ thuật tự sự của một tác phẩm. Sự ổn định của cốt truyện góp phần làm cho nội dung của tác phẩm được xác định rõ ràng, mạch lạc, có mở truyện, thân truyện và kết truyện. Từ đó, người đọc có thể tiếp nhận trọn vẹn nội dung ấy một cách dễ dàng.

Bên cạnh những cốt truyện ổn định còn có những tác phẩm mà cốt truyện không bền vững hay nói cách khác là đã có sự phân rã cốt truyện. Với nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau, tác giả đã làm cho cốt truyện của mình có “sự phân rã” một cách có ý đồ, tìm mọi cách để phá vỡ lối kết cấu cốt truyện truyền thống.

Cốt truyện của những tác phẩm ấy khá mờ nhạt, thậm chí có thể nói rằng không có cốt truyện. Điển hình cho đặc trưng này chính là truyện ngắn

Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Thật khó để có thể kể lại nội dung của tác phẩm này, bởi lẽ, các sự kiện (yếu tố chủ đạo trong cốt truyện) diễn ra một cách rời rạc, không có những mối liên hệ giữa các sự kiện này. Câu chuyện về hai chị em Liên và An ở một phố huyện nghèo chỉ được trình bày lại theo diễn tiến thời gian đơn giản. Cốt truyện không có thắt nút mở nút, càng không có kịch tính, tức là những xung đột gay gắt như đã nói ở trên. Đó chính là sự phân rã cốt truyện trong tác phẩm tự sự. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các tác giả đương đại sử dụng thủ pháp “phân rã” cốt truyện khá đông đảo. Haruki Murakami đã sử dụng thủ pháp này hết sức điêu luyện và thành công, cụ thể là trong tiểu thuyết Rừng Na-Uy.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của h murakami trong tiểu thuyết rừng na uy (Trang 68 - 70)