Tái hiện sự kiện qua dòng ý thức nhân vật.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của h murakami trong tiểu thuyết rừng na uy (Trang 91 - 94)

Sự kiện trong tiểu thuyết là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc xây dựng và phát triển cốt truyện. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết Rừng Na-Uy, sự kiện hầu như chỉ giữ vai trò làm “phông nền” để tâm lý nhân vật được bộc lộ một cách rõ rệt nhất. Sự kiện được tái hiện qua dòng ý thức chính là hồi ức, hồi tưởng của nhân vật.

Hồi tưởng là nhớ lại những gì đã xảy ra trong quá khứ. Rừng Na-Uy là một dòng hồi tưởng dài của nhân vật - người kể chuyện Toru Watanabe. Dòng hồi tưởng ấy bắt đầu khi anh bất chợt lắng nghe giai điệu của bài hát

Rừng Na-Uy - bài hát gắn với người con gái anh từng yêu, gắn với một thời tuổi trẻ nhiều ước vọng và cả thất vọng.

Sự kiện đầu tiên trong dòng hồi ức ấy của Toru chính là cuộc dạo chơi cùng Naoko trong một buổi chiều tháng Mười, khi Toru đến thăm Naoko ở trại điều trị. Đó là những ký ức rõ nét nhất mà Toru có thể nhớ nguyên vẹn sau mười tám năm trời. “…cảnh trí đồng cỏ ngày hôm đó. Mùi cỏ, cảm giác hơi giá lạnh của ngọn gió, đường viền của những dải đồi, tiếng sủa của một

con chó…” [6; 26]. Buổi đi dạo ấy chỉ tồn tại trong ký ức của Toru mà không hề có bóng dáng của Naoko, và cả chính Toru cũng không có mặt. Dù vậy, buổi dạo chơi ấy vẫn là sự kiện đầu tiên mà Toru nhớ được trong chuỗi ký ức của mình. Bởi “nó kích động một chỗ nào đó trong tâm trí” của Toru, không đau đớn nhưng buộc Toru phải kể lại, phải dẫn ra cả một dòng chảy quá khứ. Sau ký ức về buổi dạo chơi đó, dòng chảy ký ức trong con người Toru mới thật sự chuyển động với hàng loạt các sự kiện biến cố khác.

Những sự kiện về Naoko và Kizuki là tâm điểm của dòng hồi ức ấy. Naoko là người yêu của Kizuki. Ký ức đưa Toru tìm về sự kiện Kizuki tự tử trong đêm sinh nhật cậu vừa tròn 17 tuổi. Sau sự kiện cái chết của Kizuki, Toru và Naoko đã tìm đến nhau trong cảm giác bơ vơ, lạc lối. Nhưng ngay cả khi tình yêu đến, họ cũng không thể hạnh phúc bởi quá khứ quá sinh động và rõ nét luôn trở về ám ảnh. Naoko luôn bị giằng co giữa cái đã qua và cái đã có bởi kí ức về Kizuki quá sâu đậm trong suy nghĩ của nàng. Kizuki không còn, Naoko giống như một tòa nhà bị rút đi những viên đá móng, chao đảo giữa hư và thực. Kí ức trở thành “cái giếng đồng” đáng sợ nuốt chửng hạnh phúc thực tại, và cuối cùng là cả mạng sống của nàng. Naoko đã chết trong cánh rừng sâu thẳm âm u như chính cõi lòng của cô.

Ngay cả Toru Watanabe khi đã yêu Naoko cũng luôn mang những ám ảnh về Kizuki. Có lúc cậu tự trách móc mình: “Cánh tay tôi không phải là cánh tay nàng cần, mà là tay người khác kia. Hơi ấm của tôi không phải là cái nàng cần, mà là hơi ấm của người khác kia. Tôi thấy gần như có tội vì đã là chính mình” [6; 14]. Sau cái chết của Kizuki, Toru “không biết mình đang ở đâu trong cái thế giới này… mất khả năng nhìn nhận sự chết (và sự sống)”.

Nhiều lúc Toru thầm đối thoại với Kizuki trong dòng suy tưởng: “Này, Kizuki ơi, tôi nghĩ bụng, khác với cậu, tớ đã chọn sự sống, và sẽ sống đẹp hết sức mình. Cậu thấy khó là đúng rồi. Nhưng nói thật nhé, tớ thì cũng thế thôi.

Thật là khó. Mà tất cả chỉ là tại cậu đã tự vẫn và để Naoko ở lại. Còn tớ thì sẽ không bao giờ làm thế. Tớ sẽ không bao giờ, không bao giờ quay lưng lại với cô ấy”. Qua dòng ý thức của Toru, những sự kiện về Naoko, về Kizuki đã ùa đến với anh như những làn gió lạnh, khiến anh “mắc kẹt trong những mối mâu thuẫn nghẹt thở… luẩn quẩn trong một vòng tròn vô tận”.

Ðặc biệt, sự kiện Naoko tự vẫn đã có tác động mạnh đến tâm lý Toru, cảm giác buồn đau không thể nào chịu đựng nổi lại càng đè nặng trái tim anh. Cậu sống hàng tháng trời với những hồi ức đau đớn về nàng. Cuối cùng, Toru cũng đã vượt lên nỗi đau bằng cách bám lấy thực tại (Reiko, Midori). Chỉ bằng cách đó, cậu mới có thể thoát khỏi những sự kiện ám ảnh trong quá khứ.

Cũng bằng cách để cho nhân vật của mình hồi tưởng, Murakami đã tái hiện lại toàn bộ những sự kiện trong đoạn đời của nhân vật Reiko trước khi vào khu “nhà nghỉ Ami”. Quá khứ vây bọc lấy Reiko khiến cho chị trở thành một con người khác. Chị chỉ thực sự dứt ra khỏi những ám ảnh của mình sau cái chết của Naoko, và bắt đầu hướng về phía trước.

Hồi ức là sợi dây nối kết con người với quá khứ. Bằng cách hồi tưởng, con người sống lại với những cảm xúc và kỉ niệm đã qua, cảm nhận mình trong một quá trình tồn tại. Nếu quá khứ có nhiều dấu ấn đẹp đẽ, con người sẽ sống hạnh phúc và tự tin hơn. Nhưng nếu quá khứ đau buồn, người ta sẽ dễ rơi vào khủng hoảng và bế tắc. Những kẻ vô tình không biết trân trọng quá khứ. Tuy vậy, “khi ta chìm đắm trong các suy tưởng, không thoát ra được để hòa mình vào thực tại, thì hồi tưởng thậm chí là con đường dẫn đến cái chết nhanh nhất”.

Bên cạnh những sự kiện u buồn, dòng hồi ức của Toru còn tái hiện những sự kiện có thể xem là có tác động trực tiếp đến tâm hồn tư tưởng và cả hành động của Toru. Đó là việc gặp gỡ với Midori ở trường đại học. Cô hoàn toàn khác với Naoko, “căng tràn một sinh lực tươi mát” chứ không u sầu như

Naoko. Sự gặp gỡ này đã đem lại cho Toru những cảm xúc mới mẻ, “đã lâu lắm tôi mới được thấy một gương mặt sinh động và linh hoạt đến thế, và tôi vui sướng ngắm nhìn nó trực tiếp và tại chỗ” [6; 111-112]. Midori cũng chính là điểm cuối cùng để Toru có thể bấu víu sau cái chết của Naoko.

Sự kiện trong dòng hồi tưởng trong Rừng Na-Uy đan xen khá phức tạp. Từ dòng hồi tưởng lớn của nhân vật Toru, nhiều sự kiện khác nhau hiện lên với những dòng hồi tưởng của từng nhân vật. Có khi, những dòng hồi tưởng ấy đan xen vào nhau (Naoko và Toru), rồi lại tách ra. Có khi những dòng hồi tưởng ấy tồn tại độc lập (Reiko, Midori). Qua dòng hồi tưởng, các nhân vật tự kể về những sự kiện biến cố trong cuộc đời mình. Chân dung tinh thần của các nhân vật cũng hiện lên chân thực và rõ nét qua các sự kiện đó.

Giọng văn thấm đẫm chất thơ cùng với việc sử dụng thủ pháp “dòng ý thức” đã gia tăng tính xúc cảm và duy trì tính xúc cảm ấy từ đầu đến cuối tác phẩm. Đó là điều kiện để khám phá thế giới tâm hồn phong phú và nhạy cảm của Toru Watanabe.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của h murakami trong tiểu thuyết rừng na uy (Trang 91 - 94)