Có thể nói, cấu trúc tự sự của một tác phẩm về cơ bản là kết cấu của một tác phẩm tự sự được thể hiện qua những phương diện về hình thức và nội dung, góp phần quan trọng trong việc biểu đạt ý đồ nghệ thuật của tác giả, từ đó tái hiện cuộc sống con người. Cấu trúc tự sự của một tác phẩm văn học có thể bao gồm nhiều phương diện khác nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi khoá luận và giới hạn đề tài này, chúng tôi chỉ cố gắng phân tích, tìm hiểu nghiên cứu một số vấn đề nổi bật như: nhân vật trần thuật, giọng điệu trần thuật, điểm nhìn trần thuật,…
2.1.3. Một số phương diện cơ bản trong nghệ thuật tự sự trong RừngNa-Uy Na-Uy
Tiểu thuyết là tác phẩm tự sự cỡ lớn, chiếm địa vị trung tâm trong hệ thống thể loại văn học cận hiện đại. Tiểu thuyết có nhiều dạng thức kết cấu tùy theo yêu cầu của đề tài, chủ đề hoặc theo sở trường của người viết. Thậm chí người ta còn cho rằng, về nguyên tắc, tiểu thuyết không có một hình thức thể loại nhất định. Bởi vì nó là “sử thi của thời đại chúng ta”, tức là sử thi của cái hiện tại, cái đang hàng ngày hàng giờ đổi thay, bởi vì điều quan trọng đối với nó là sự tiếp xúc tối đa với cái thực tại dang dở, cái thực tại đang thành hình, cái thực tại luôn bị đánh giá lại, tư duy lại. Tiểu thuyết không có những kết cấu chặt chẽ, nó không có quy phạm cố định và người viết thậm chí có thể phá vỡ những khuôn mẫu sẵn có để vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo các hình thức kết cấu khác nhau.
Mỗi người khi đọc Rừng Na-Uy có thể có những cảm nhận khác nhau về tác phẩm này. Tuy nhiên, tiểu thuyết Rừng Na-Uy cuốn hút người đọc bởi “một lối cấu tứ tinh tế” (S. Poole, The Guardian), bởi những trang viết miêu tả thiên nhiên, miêu tả tâm trạng nhân vật rất nhẹ nhàng, trữ tình và giàu chất
thơ chứ không phải bởi một cốt truyện kịch tính hoặc sự dồn dập liên tục của các tình tiết truyện. Cái cảm giác buồn, một nỗi buồn nhè nhẹ, êm êm... không làm người ta bi lụy mà chỉ thấy nhớ nhung và tiếc nuối một điều gì đó. Đó có thể là nỗi nhớ về những ngày tháng thanh xuân bất diệt sẽ không trở lại bao giờ, về sự đam mê và gấp gáp của ái tình tuổi trẻ, về nỗi ưu tư và cô đơn như một định mệnh của cuộc đời.
Chính cái lối kể, lối viết văn rất nhẹ nhàng nhưng sâu sắc của Haruki Murakami đã tạo ra cho Rừng Na-Uy một sự hấp dẫn không thể cưỡng lại. Nghệ thuật tự sự đóng vai trò quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của một tác phẩm văn học tự sự. Nó chi phối một cách trực tiếp đến cách xây dựng nhân vật, kết cấu, cốt truyện. Trong văn xuôi hiện đại, nghệ thuật kể chuyện ngày một hoàn thiện để miêu tả hiện thực một cách thực tế hơn – mô tả điều mình không biết, tái hiện cuộc sống như nó vốn vậy. Sự hoàn thiện trong nghệ thuật tự sự này cũng hoàn toàn dễ dàng để có thể nhận ra khi độc giả tiếp xúc với các tác phẩm của Haruki Murakami mà tiểu thuyết chúng tôi lựa chọn để nghiên cứu là một ví dụ điển hình về nghệ thuật kể chuyện.
Nói đến nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Rừng Na-Uy là nói đến cả một thế giới nhân vật trần thuật, nói đến điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật, cốt truyện và cả không gian - thời gian nghệ thuật. Thủ pháp tự sự dòng ý thức (stream of consciousness) được bắt nguồn từ “Phân tâm học” của Freud và “Tâm lí học cơ năng” của William Jame, đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc khám phá thế giới nội tâm phức tạp của con người cho nhiều tiểu thuyết gia hiện đại trong đó có Haruki Murakami.