Sự nhoè mờ không gian trần thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của h murakami trong tiểu thuyết rừng na uy (Trang 97 - 99)

Không gian trong tác phẩm văn học là môi trường xung quanh con người, là nơi con người sống và để lại dấu ấn của mình. Ngược lại, không gian ấy bằng cách này hay cách khác, tác động lại con người. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ cá nhân nên thường mang tính chủ quan, có tính độc lập tương đối trong tác phẩm. Đó có thể là bức tranh sinh động về thiên nhiên và xã hội. Đó cũng có thể là nội tâm nhân vật được tác giả khắc hoạ.

Tiểu thuyết Rừng Na-Uy đầy ắp những bức tranh thiên nhiên và cả những bức tranh nội tâm con người, được phân chia thành những “lớp” không gian như là một phương tiện để Murakami thể hiện nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật.

Những lớp không gian trong Rừng Na-Uy gồm lớp “không gian cô độc”, lớp “không gian bất định” và “không gian mưa”.

“Không gian cô độc”là không gian của mỗi nhân vật cô đơn trong

Rừng Na-Uy. Mỗi con người họ là một thế giới riêng biệt, cô đơn trong thế giới ấy một cách tuyệt vọng. Đó là căn phòng của Naoko ở vùng ven đô thôn dã phía tây Tokyo. Căn phòng nhỏ bé gọn gàng và thiếu những thứ rườm rà, đến mức chỉ có mấy đôi tất phơi ở góc phòng là dấu hiệu cho thấy một cô gái đang sống ở đó”. Bởi Naoko muốn chạy trốn mọi người, xa lánh thế giới, “những người ở nhà sẽ không ai tìm đến đây”. Và hơn nữa, Naoko muốn trốn chạy chính mình sau cái chết của Kizuki.

Về phần Toru, sau khi Quốc-xã biến mất, Toru ở một mình trong căn phòng trong khu học xá. Dù “thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ đến Quốc-xã, nhưng tôi thấy ở một mình thật là thích” [6; 108]. Toru trong mối quan hệ với những sinh viên đại học vẫn thể hiện sự cô độc của mình. Sau sự kiện bãi khoá của sinh viên, trong mắt Toru, đó chỉ là một “lũ khốn đang được điểm tốt và sẽ tạo ra một xã hội theo hình ảnh ghê tởm của chính chúng”. Toru lên lớp mà không lên tiếng lúc điểm danh, hết sức xa lánh những sinh viên khác, ngồi một mình trong lớp và vào nhà ăn một mình…

“Không gian bất định” gắn với sự di chuyển của các nhân vật trong những cuộc hành trình dài, không điểm đầu và cũng không có điểm cuối, dịch chuyển từ không gian này sang không gian khác. Hình ảnh “ga tàu điện ngầm” xuất hiện dày đặc trong tác phẩm. Đó là biểu tượng cho sự chuyển đổi không ngừng giữa các không gian sống của các nhân vật. Gắn liền với nó là hành trình của Toru từ Tokyo đến nhà nghỉ Ami và cả chuyến đi ròng rã cả tháng trời sau cái chết của Naoko. Bên cạnh đó là hành trình của Midori từ Tokyo xuống phía Nam rồi lại lên phía Bắc.

“Không gian mưa” bao trùm lên từng câu chuyện của các nhân vật trong Rừng Na-Uy. Màn mưa ảm đạm, gợi nên cảm giác u sầu, thấm đẫm trong từng kỷ niệm ngọt ngào mà đớn đau về mối tình đầu của Toru. Đêm sinh nhật tuổi 20 của Naoko, “Trời mưa hôm sinh nhật nàng… trời đủ ấm, cái đêm mưa tháng Tư ấy, để chúng tôi có thể bám chặt lấy sự trần trụi của nhau mà không thấy lạnh lẽo… Vừa hút thuốc, tôi vừa ngắm nhìn màn mưa tháng Tu đang rơi như không bao giờ ngừng ở bên ngoài cửa sổ”. [6; 91-93]. Mưa cũng ngập tràn trong những ngày Toru đến thăm Naoko ở trại điều dưỡng. Và hình ảnh in sâu trong tâm trí của Toru cũng là hình ảnh Naoko trong chiếc áo mưa màu vàng khi anh quay về Tokyo.

Với Midori, không gian mưa là chất keo gắn kết cô với Toru Watanabe. Đó là khi cô nói chuyện với Toru, lần đầu tiên sau một thời gian dài Toru lo lắng hoang mang về bệnh tình của Naoko. “Cô đến ngồi cạnh tôi, chống tay tựa cằm, và cứ ngồi không nói gì cả. Bên ngoài trời đang mưa - một trận mưa vào mùa như trút nước thẳng từ trời xuống đất và không có tí gió nào, làm ướt đẫm mọi thứ ở dưới đất” [6; 470]. Họ quấn vào nhau dưới cơn mưa và trong cơn mưa ấy, họ nhận ra rằng, họ đã quá cô đơn và đau khổ đến thế nào khi không có nhau. Để rồi, kết thúc câu chuyện là tiếng gọi Midori của Toru trong một trạm điện thoại và bên ngoài, lại là một làn mưa bụi. Chỉ có điều, sau cơn mưa ấy, cuộc đời Toru Watanabe có thể sẽ thay đổi, thay đổi rất nhiều, bởi Toru biết “Trên đời này tó chỉ muốn có cậu … muốn hai chúng mình bắt đầu lại từ đầu”.

Ba kiểu tổ chức không gian nghệ thuật dù thuộc vào những thời điểm khác nhau nhưng trong cấu trúc tự sự của cốt truyện đã có sự đan xen, hoà lẫn với nhau. Không gian mưa thấm đẫm với không gian bất định và cả không gian cô độc, nhoè mờ lẫn nhau tạo nên một không gian lung linh, mờ ảo chung cho cả câu chuyện, đồng thời, những lớp không gian ấy còn góp phần khắc hoạ nội tâm u buồn man mác của các nhân vật trong Rừng Na-Uy.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự của h murakami trong tiểu thuyết rừng na uy (Trang 97 - 99)