Về phía gia đình

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của giáo viên bộ môn giáo dục công dân trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông (Trang 31 - 33)

8. Bố cục của đề tài

1.3.2.Về phía gia đình

Gia đình như Mác và Ăngghen viết trong Hệ tư tưởng Đức - ngay từ đầu đã tham gia vào quá trình phát triển của lịch sử, đó là nơi mà "hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người còn tạo ra những người khác sinh sôi, nảy nở, đó là quan hệ giữa chồng và vợ; cha mẹ và con cái". Gia đình vừa là một thiết chế xã hội, vừa là một nhóm tâm lý xã hội đặc biệt, thực hiện các chức năng cao

quý, tái sản xuất ra con người, tái sản xuất ra sức lao động, tái sản xuất ra của cải vật chất và giá trị tinh thần. Đó là nơi con người được sinh ra, được nuôi dưỡng và trưởng thành, là mạch nguồn, là chiếc nôi ban đầu nuôi dưỡng và hình thành đạo đức con người Việt Nam theo những chuẩn mực truyền thống của giống nòi. Gia đình là nơi đầu tiên, đào luyện con người hình thành đạo đức; là môi trường đầu tiên để giáo dục ý thức công dân, tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội cho mỗi thành viên của nó. Theo cách nói của giáo sư Vũ Khiêu, gia đình: Đó là trường học đầu tiên để giáo dục con người đi vào xã hội. Có thể nói, chức năng quan trọng nhất của gia đình là giáo dục nền tảng đạo lý cho con người, dạy cho con người biết đâu là tình thương, lẽ phải, đâu là nhân nghĩa thủy chung, đâu là đạo lý làm người (đạo làm con, làm anh, làm chị, đạo làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ...), còn việc trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ học vấn, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp... thì gia đình có thể trông cậy vào hệ thống giáo dục quốc dân. Thế mạnh của giáo dục gia đình so với giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội là ở chỗ gia đình có điều kiện để quan tâm, chú ý đến từng thành viên của mình, biết được mặt mạnh, mặt yếu của nó, hiểu được tâm lý, tính cách cũng như năng lực, nhất là năng lực tư duy của từng thành viên, từng con người... Do đó, phương pháp tác động thích hợp với từng đối tượng trên cơ sở tình thương và trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình là rất quan trọng, thực tế cho chúng ta thấy rằng: cuộc sống và lối sống của gia đình, của bố mẹ tác động trực tiếp đến tình trạng thể chất cũng như đời sống tinh thần của con cái; nghĩa là ảnh hưởng trực tiếp đến đạo đức của từng người con. Tục ngữ Việt Nam có câu: "Cha nào con nấy", "giỏ nhà ai, quai nhà nấy", "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh"... Nếu gia đình hòa thuận, bố mẹ có cuộc sống vật chất đầy đủ, đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú, ham học hỏi, chuộng tri thức, biết cư xử một cách hợp lý, sống hòa thuận, đức độ với mọi người, luôn luôn lạc quan, yêu đời; thường xuyên quan tâm, chăm lo đến sự tiến bộ của con cái... thì con cái dễ thành đạt trong học tập, trên con đường công danh. Ngược lại, nếu gia đình bất hòa, ly tán, đời sống tinh thần nghèo nàn, "văn hóa gia đình" ở trình độ thấp, thiếu tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau... sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển đạo đức của con cái. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, với chính sách đối ngoại mở rộng, hội nhập với nền kinh tế và văn hóa thế giới, bên cạnh mặt tích cực cần

được khẳng định, bản thân kinh tế thị trường cũng có mặt trái của nó làm nảy sinh nhiều mặt tiêu cực: có sự xuống cấp về mặt đạo đức do đề cao sức mạnh của đồng tiền, đặt quyền lợi cá nhân lên trên mọi đạo lý trong quan hệ giữa các thành viên gia đình, giữa họ hàng thân tộc; ở một số gia đình, sự thiếu gương mẫu của cha mẹ trong cách làm ăn, kiếm tiền, trong lối sống... đã có tác động xấu đến sự hình thành và phát triển thành phần đạo đức trong cấu trúc nhân cách của con cái. Vai trò to lớn của gia đình trong việc giáo dục con cái thể hiện một cách rõ nét nhất trong việc gia đình biết định hướng giá trị đúng cho các con để họ phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.

Trong thực tế có nhiều gia đình, bố mẹ tuy trình độ học vấn thấp, thậm chí rất thấp, song họ lại là những người "hiểu biết", nắm bắt được những định hướng giá trị xã hội chủ yếu, biết nuôi dạy con cái, biết hướng con cái hành động theo những chuẩn mực đạo đức chân chính, dành hết tình cảm và công sức nuôi dạy con cái, đầu tư cho con cái học tập để con cái nên người và làm người. Nhiều và rất nhiều những người con sinh ra trong những hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, nhưng được sự chăm sóc chu đáo và đúng mực của các bậc phụ huynh, họ đã trưởng thành một cách nhanh chóng, đem lại niềm tin và sự tự hào, hiển vinh và sự tôn trọng cho cha mẹ. Đây là nét đẹp của văn hóa Việt Nam cần tiếp tục phát huy.

Tóm lại, nhiều cha mẹ do nhận thức chưa đúng đắn, thiếu hiểu biết về giáo dục con cái; sự quan tâm nuông chiều thái quá trong việc nuôi dạy; chú ý chăm lo vật chất đầy đủ nhưng lại thiếu quan tâm đến học tập, rèn luyện của con; sử dụng quyền uy của cha mẹ một cách cực đoan; tấm gương phản diện của cha mẹ, người thân; các hoàn cảnh éo le hoặc hay bị sử dụng bằng vũ lực… đã tác động không nhỏ đến sự hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức cho học sinh.

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của giáo viên bộ môn giáo dục công dân trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông (Trang 31 - 33)