Về phía xã hội

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của giáo viên bộ môn giáo dục công dân trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông (Trang 38 - 41)

8. Bố cục của đề tài

1.3.4.Về phía xã hội

Ngoài sự tác động của các đặc điểm tâm lý lứa tuổi, của gia đình, của các lực lượng giáo dục trong nhà trường, đạo đức của học sinh THPT còn chịu ảnh hưởng không nhỏ của các điều kiện kinh tế xã hội khác.

Nhờ đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa quan trọng qua hơn 25 năm đổi mới, đất nước ta không những đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng mà còn tăng trưởng kinh tế nhanh.

Nhiều công trình kết cấu hạ tầng và cơ sở công nghiệp trọng yếu được xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đời sống vật chất của đại bộ phận nông dân được cải thiện. Nhờ vậy nhiều gia đình học sinh đã có mức sống cao hơn, học sinh khi tốt nghiệp ra trường có thêm điều kiện xin việc làm, ăn uống chất lượng khá cao, nhiều học sinh có khả năng học đại học, cao đẳng hoặc học nghề, hình thức ăn mặc phong phú, màu sắc đa dạng, đa số có phương tiện đi lại riêng.

Sự tác động của những mặt trên đã làm cho nhân dân và học sinh phấn khởi, lòng tin và sự gắn bó với Đảng, với chế độ được củng cố. Con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh đã bước đầu khơi dậy ở học sinh những lý tưởng và hoài bão cao đẹp. Nhờ thành tựu kinh tế, họ thấy được sự đúng đắn của đường lối đổi mới và ý thức sâu sắc hơn về mối quan hệ gắn bó giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thấy được tầm quan trọng của nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ quá độ và trách nhiệm học tập của mình.

Mặt khác, cơ chế thị trường trong mấy năm gần đây cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành đạo đức của học sinh. Cơ chế thị trường đã gây ra sự phân hóa giàu nghèo, xuất hiện sự bất công trong xã hội "kẻ ăn không hết, người lần không ra", lối sống chạy theo sự sùng bái của đồng tiền... Nhiều thanh niên

học sinh tiêm nhiễm tâm lý tiêu xài, đua đòi chơi sang, tiêu dùng hàng ngoại đắt tiền, nhưng vì gia đình không đủ cung cấp nên đã trở thành lưu manh, trộm cắp.

"Kinh tế thị trường – như Đảng ta đã xác định – có những mặt tiêu cực, mâu thuẫn với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Đó là xu thế phân hóa giàu nghèo quá mức, là tâm lý sùng bái đồng tiền mà chà đạp lên đạo đức, nhân phẩm". Kinh tế thị trường, dĩ nhiên cũng có sự tác động tích cực chẳng hạn như trong mấy năm gần đây, phần đông học sinh quan tâm lo lắng đến kết quả học tập của mình, vì có liên quan trực tiếp đến tương lai sau này. Nhưng vì ở nước ta, cơ chế thị trường đang ở giai đoạn còn mang nhiều yếu tố tự phát, hiệu lực quản lý nhà nước chưa cao, vẫn chưa phát huy đầy đủ sức mạnh của cơ chế thị trường, vẫn chưa hạn chế được nhiều mặt tiêu cực của cơ chế đó. Vì thế, cho nên trong xã hội xuất hiện nhiều tiêu cực: tư tưởng thực dụng, lối sống chạy theo đồng tiền, nạn tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính và nhiều tệ nạn xã hội khác phát triển nghiêm trọng đã làm cho nhiều người dao động, có phần giảm sút niềm tin vào đường lối chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, một số xa rời lý tưởng, sa sút phẩm chất đạo đức. Ở học sinh, các biểu hiện trên có tác động tới tư tưởng tình cảm đạo đức của họ. Học sinh xuất thân từ các giai cấp, các tầng lớp xã hội khác nhau, lại đang trong giai đoạn còn phụ thuộc nhiều vào gia đình cả về kinh tế lẫn kinh nghiệm sống. Vì vậy, trong học sinh không thể không bị ảnh hưởng của cách sống, cách suy nghĩ và hành động của các nhóm người trong xã hội và của gia đình. Một số học sinh chỉ vì học "gạo", học "đối phó" một cách máy móc, nhận thức hời hợt về những vấn đề lý tưởng, do đó không lý giải nổi thực tế tiêu cực nảy sinh từ cơ chế thị trường, họ nghi ngờ hoang mang trước hiện tại, lo lắng cho tương lai dẫn đến giảm sút niềm tin, xao lãng việc học tập, rèn luyện, không đủ bản lĩnh để đấu tranh vượt qua những cái xấu, cái tiêu cực. Từ đó, một số bị cuốn hút vào những dòng xoáy tiêu cực như ham chơi, cờ bạc, uống rượu, đánh nhau, trộm cắp, đua đòi, ăn diện, ỷ lại, buông thả, chỉ đòi quyền lợi, hưởng thụ, không nghĩ đến nghĩa vụ và trách nhiệm, cống hiến, không tích cực học tập và rèn luyện,...

Tóm lại, tác động của cơ chế thị trường, sự phát triển khoa học công nghệ; tác động của lối sống thực dụng xem trọng giá trị vật chất hơn giá trị nhân văn làm cho học sinh xem nhẹ sự quan tâm, lời khuyên nhủ của cha mẹ, thầy cô dẫn

đến những biểu hiện lệch lạc về chuẩn mực đạo đức. Vai trò của giáo viên bộ môn GDCD trước những tác động này là: Vận dụng những đặc điểm tâm lý vào chiều hướng tích cực trong rèn luyện và học tập của học sinh; Phát huy thế mạnh của gia đình trong giáo dục đạo đức, hóa giải những tác động nghịch chiều của giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường; Tạo ảnh hưởng tích cực trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, chất lượng dạy học; Phối kết hợp chặt chẽ với các lực lượng giáo dục để nâng cao chất lượng HĐGDNGLL; Hình thành cho học sinh bản lĩnh để nhận thức được bản chất và qui luật của cơ chế thị trường, trở thành sức đề kháng hiệu quả trước tác động tiêu cực của nó.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một sự nghiệp vĩ đại mà yếu tố quyết định sự thành công là con người. Vì vậy, vấn đề quan trọng số một là chuẩn bị đội ngũ những người lao động, những trí thức mới có bản lĩnh chính trị và lòng trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, có đạo đức công dân tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác giáo dục thế hệ trẻ nói chung, công tác giáo dục đạo đức, chính trị cho học sinh nói riêng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Con người thì được sinh ra, còn đạo đức thì không được sinh ra, đạo đức chỉ được hình thành và phát triển thông qua hoạt động giao tiếp, giáo dục,... trong đó hoạt động giao tiếp được coi là nhân tố trực tiếp quyết định đến sự hình thành và phát triển đạo đức, còn giáo dục được xem là yếu tố chủ đạo. Về thực chất giáo dục đạo đức là giáo dục khả năng tự giáo dục, tự kiểm tra, tự đánh giá, tự thẩm định, tự điều chỉnh hành vi đạo đức của mỗi cá nhân. Nhằm đánh thức lương tâm, khơi dậy lòng nhân ái, đức tính vị tha, sự bao dung trong mỗi con người. Trong giáo dục đạo đức nhân tố chủ quan đóng vai trò quan trọng. Hiện tượng có phần bị xuống cấp về đạo đức của học sinh THPT trong thời gian qua có nguyên nhân từ chỗ yếu kém của nhân tố chủ quan mà nhà trường có phần trách nhiệm không nhỏ. Nhà trường có vai trò quan trọng nhất trong ba môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình, xã hội nhưng lại chưa phát huy hết nội lực của mình, trong đó có việc

chưa phát huy được vai trò của giáo viên bộ môn GDCD trong giáo dục đạo đức cho học sinh mà nguyên nhân là từ sự chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, nhiệm vụ của môn học GDCD và về vai trò của giáo viên bộ môn GDCD trong nhà trường THPT. Do đó, làm thế nào để phát huy được vai trò của giáo viên bộ môn GDCD trong giáo dục đạo đức, làm thế nào để tạo điều kiện cho giáo viên bộ môn GDCD tích cực cùng với nhà trường nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Chương 2

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN VAI TRÒ CỦA GIÁO VIÊN BỘ MÔN GDCD

TRONG VIỆC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH Ở TRƯỜNG THPT LƯƠNG THẾ VINH, Q.1, TP.HCM

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của giáo viên bộ môn giáo dục công dân trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông (Trang 38 - 41)