8. Bố cục của đề tài
2.2.1.1. Nhận thức của cán bộ quản lý và giáo viên về vị trí, nhiệm vụ môn GDCD
học GDCD và về vai trò của giáo viên bộ môn GDCD trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh ở trường THPT Lương Thế Vinh
Hầu hết cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường đều nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức để phát triển giáo dục toàn diện, để phát triển và hoàn thiện nhân cách cho học sinh. Điều này tạo nên một lực lượng thống nhất trong hoạt động giáo dục đạo đức nên đã mang lại những kết quả đáng vui mừng. Nhưng do nhận thức chưa đúng về vị trí, nhiệm vụ môn GDCD ở trường THPT, xem đó là môn học bổ trợ, môn học phụ như một số môn học phụ khác, từ đó vai trò của giáo viên bộ môn GDCD trong việc giáo dục và giáo dục đạo đức cho học sinh được xem hoàn toàn giống như giáo viên các bộ môn khác đó là thông qua “dạy chữ” để “dạy người”, lồng ghép những nội dung mang giá trị đạo đức vào môn giảng dạy, và điều này cũng chỉ là phụ, là bổ trợ. Chứng tỏ cán bộ
quản lý và giáo viên (thậm chí cả giáo viên bộ môn GDCD) chưa nhận thức đầy đủ về vị trí hàng đầu trong việc định hướng phát triển nhân cách học sinh của môn GDCD; về nhiệm vụ cụ thể, ngoài nhiệm vụ chung trong trường THPT của giáo viên bộ môn GDCD được thực hiện thường xuyên, liên tục trong mỗi tiết học GDCD; về sự khác biệt vai trò của giáo viên bộ môn GDCD so với các giáo viên bộ môn khác trong giáo dục đạo đức cho HS. Điều này được biểu hiện ở việc sẵn sàng cắt tiết GDCD để dành cho các môn “chiến lược” vào các thời điểm kiểm tra tập trung, kiểm tra học kỳ, chuẩn bị thi tốt nghiệp; ở việc xin tiết GDCD của giáo viên dạy các môn “chiến lược” để ôn tập cho học sinh vào các thời điểm kiểm tra, thi cử; ở việc tập trung vào hoạt động giáo dục đạo đức ở qui mô toàn trường mà chưa chú ý hoạt động giáo dục đạo đức trên lớp, do đó giáo viên bộ môn GDCD không có điều kiện để phát huy vai trò của mình một cách tốt nhất trong nhà trường. Một số cán bộ quản lý và giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh khi cho rằng một số nội dung là không quan trọng như ý thức bảo vệ môi trường, ý thức giữ gìn của công, giá trị của chủ nghĩa xã hội, đường lối chính sách của Đảng về các lĩnh vực trong đời sống xã hội… Đó là những điều kiện không thuận lợi từ nhân tố nhà trường cho việc thực hiện vai trò của giáo viên bộ môn GDCD trong giáo dục đạo đức cho học sinh ở trường THPT Lương Thế Vinh.
2.2.1.2. Nhận thức của phụ huynh về vị trí, nhiệm vụ môn học GDCD và về vai trò của giáo viên bộ môn GDCD ở trường THPT Lương Thế Vinh
Phụ huynh rất quan tâm đến đạo đức của con em mình và rất đồng tình với mục đích là giáo dục đạo đức để học sinh trở thành những con ngoan, trò giỏi; để được phát triển toàn diện; để hình thành những đức tính và phẩm chất tốt đẹp. Đây là yếu tố thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động giáo dục đạo đức trong nhà trường. Nhưng ngược lại phụ huynh lại cho rằng môn học GDCD là môn chính trị, môn học phụ, môn học chỉ đề cập đến những tri thức hàn lâm, những đường lối chính sách của Đảng, những điều xa vời không thực tế... đối với học sinh. Từ đó, vai trò của giáo viên bộ môn GDCD cũng được xem là tuyên truyền thuyết minh cho đường lối chính sách của Đảng, là người thông tin thời sự ở trường THPT… Vả lại, điều mong mõi là con em họ sẽ là bác sĩ, kỹ sư… chứ không phải là nhà
hoạt động chính trị. Chứng tỏ phụ huynh chưa nhận thức được môn GDCD sẽ giúp các em trở thành con ngoan, trò giỏi, phát triển toàn diện, trở thành công dân tốt, vừa có tài vừa có đức và chính giáo viên bộ môn GDCD là người có trọng trách đảm đương. Điều này được biểu hiện ở việc không cần hồi đáp khi có những thông tin về những hành vi, thái độ chưa đúng đắn trong học tập môn GDCD của học sinh; ở việc xin nâng điểm môn GDCD để con mình được xếp loại học lực tốt hơn. Ngoài ra, phụ huynh còn chưa tích cực trong việc cho học sinh tham gia những HĐGDNGLL, chưa quan tâm và chưa nhận thức được tầm quan trọng của những nội dung cần giáo dục trong các sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức. Theo họ những hoạt động này chỉ làm mất thời gian và vô bổ, họ cần dành thời gian cho con cái họ tập trung học tập văn hóa để có sự nghiệp xán lạn về sau. Đó là những điều kiện không thuận lợi từ nhân tố gia đình cho việc thực hiện vai trò của giáo viên bộ môn GDCD trong giáo dục đạo đức cho học sinh ở trường THPT Lương Thế Vinh.
2.2.1.3. Nhận thức của học sinh về vị trí, nhiệm vụ môn học GDCD và về vai trò của giáo viên bộ môn GDCD ở trường THPT Lương Thế Vinh
Đa số học sinh đều công nhận sự cần thiết của các phẩm chất mà nội dung môn GDCD mang lại như: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, lao động cần cù sáng tạo, kỷ luật và dân chủ; Yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu chuộng hòa bình… và có ý thức rèn luyện đạo đức.
Tuy nhiên, một số không ít học sinh cho rằng môn GDCD là môn học chính trị, môn học phụ, môn học không thi tốt nghiệp nên không cần thiết, môn học đề ra những yêu cầu khắt khe... và đặc biệt xem đó là môn học “3K” (Khô, Khó, Khổ). Vì vậy, cũng còn một số không nhỏ học sinh không quan tâm đến các nội dung trên, không hứng thú đến việc học tập môn GDCD. Học sinh chưa nhận thức được tri thức môn GDCD sẽ là cơ sở định hướng cho việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức cá nhân, sẽ cho các em một thế giới quan khoa học, một nhân sinh quan đúng đắn, tích cực trong cuộc sống, sẽ cho bản thân các em những lợi ích thiết thực mỗi ngày trong học tập, rèn luyện mà người có vai trò trực tiếp, thường xuyên hướng dẫn, trang bị những tri thức để định hướng phát triển nhân cách cho
các em chính là giáo viên bộ môn GDCD. Điều này được biểu hiện ở việc không mang tập sách, không học bài, không tích cực tham gia hoạt động học tập, không chú ý nghe giảng, làm việc khác trong tiết học, thái độ bất cần điểm số, học đối phó... trong học tập môn GDCD. Học sinh cũng chưa tích cực tham gia HĐGDNGLL, sinh hoạt chuyên đề đạo đức, pháp luật vì chưa nhận thức được giá trị và tác dụng của những hoạt động ấy đối với việc hình thành nhân cách của mình… Đó là những thực trạng không thuận lợi từ điều kiện khách quan cho việc thực hiện vai trò của giáo viên bộ môn GDCD trong giáo dục đạo đức cho học sinh ở trường THPT Lương Thế Vinh.
2.2.2. Thực trạng đạo đức của học sinh trường THPT Lương Thế Vinh
2.2.2.1. Ý thức đạo đức và thực hiện nội qui của học sinh
Thế hệ học sinh THPT nói chung và học sinh trường THPT Lương Thế Vinh nói riêng hiện nay được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có hòa bình. Khác thế hệ học sinh trước, thế hệ học sinh ngày nay ít bị khổ cực về mặt vật chất, ít hiểu biết quá khứ và càng dễ dàng lãng quên hoặc phủ nhận những truyền thống tốt đẹp của chính cha mẹ mình. Trước sự tác động của kinh tế thị trường và những biến động phức tạp khác, đạo đức học sinh vừa qua có diễn biến phức tạp, nhất là ở lứa tuổi cuối cấp THCS và THPT. Qua nhiều năm theo dõi, ghi nhận số liệu, thông tin để đánh giá thực trạng đạo đức của học sinh THPT Lương Thế Vinh tác giả xin rút ra một số nhận định sau đây về thực trạng đạo đức của học sinh hiện nay với nhiều điểm tốt, tích cực, song song với một số hạn chế nhất định.
Về bản chất các em vẫn giữ được tinh thần yêu nước, hăng hái tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, và những hoạt động xã hội phù hợp. Phần lớn các em đều có ý thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong học tập và rèn luyện trở thành công dân có ích cho gia đình và cho xã hội được biểu hiện qua việc kính trọng và vâng lời thầy cô giáo, ông bà, cha mẹ,
người lớn tuổi; chăm sóc giúp đỡ các em nhỏ. Các em đều có ý thức chấp hành nội qui nhà trường và được chuyển biến từ nhận thức thành hành động, thông qua phong trào thi đua của các tập thể và cá nhân do Nhà trường và Đoàn trường phát động. Đại đa số học sinh đều có ý thức tốt về quan hệ bạn bè (thực hiện tốt việc xây dựng nhà trường thân thiện), có tinh thần giúp đỡ bạn, có lòng nhân ái (như đóng góp cứu trợ đạt mức cao), xây dựng được quan hệ tình bạn trong sáng lành mạnh. Một số lớp có tinh thần tự quản có ý thức xây dựng tập thể lớp, chi đoàn, đấu tranh phê phán các hiện tượng sai trái, góp phần đưa tập thể trở thành lớp tiên tiến.
Bên cạnh đó thì có một bộ phận học sinh giỏi về văn hóa được tập trung ở các lớp chọn, bộ phận này thật sự cố gắng học tập, say mê rèn luyện. Tuy nhiên, số đông học sinh và ngay cả số học sinh giỏi cũng đã có những dấu hiệu lãng quên truyền thống, xem nhẹ tư tưởng chính trị, thời sự, do đó kém hiểu biết mặt này. Biểu hiện tư tưởng cầu an, thiếu đấu tranh trước các hiện tượng tiêu cực có chiều hướng phát triển, cả tập thể bao che khuyết điểm cho một vài cá nhân vì muốn "giúp đỡ bạn". Nhiều khi để biểu thị phản ứng trước những chủ trương hoặc cách đối xử thiếu sư phạm của một số giáo viên, số học sinh nam thường biểu thị một thái độ tiêu cực, ít tham gia các công tác chung của tập thể, tinh thần tập thể, ý thức tự quản, còn nặng nề về hình thức, chỉ có 36 - 48% học sinh có ý thức tự quản. Số đông học sinh có ý thức kỷ luật trật tự ở trường, ở lớp và ở gia đình, song chưa thật sự tự giác và tùy thuộc vào điều kiện tổ chức, một bộ phận học sinh (15%) có ý thức xấu đối với việc thực hiện kỷ luật, trật tự... hiện tượng chửi bậy, nói tục, đánh nhau, vô lễ với thầy cô giáo, trốn tiết, mất trật tự trong giờ học, vi phạm luật giao thông, và một số vi phạm khác… khá phổ biến. Có học sinh vi phạm vài lần, có học sinh vi phạm hệ thống và tỉ lệ học sinh chậm tiến về đạo đức năm nào cũng có và phải rèn luyện trong hè.
Tóm lại, với đội ngũ giám thị đông đảo và có nghiệp vụ cao luôn kịp thời phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm của học sinh đã tạo nên nề nếp kỷ luật và học tập khá tốt. Tuy nhiên tại Phòng Giám thị của trường, hầu như ngày nào cũng có học sinh đứng chờ xử lý kỷ luật về nhiều loại vi phạm. Nguyên nhân do nhà trường đẩy mạnh việc giải quyết cái “ngọn” (kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý) mà chưa chú ý giải quyết cái “gốc” đó là hình thành ý thức tự giác trong thực hiện
kỷ luật, rèn luyện đạo đức. Cùng với những ưu điểm và thiếu sót bộc lộ khá cơ bản ở lứa tuổi thanh niên học sinh THPT, cần phải nhìn nhận và hiểu cho thấu đáo những mong muốn, những tâm tư nguyện vọng của lớp trẻ, họ rất mong muốn một xã hội công bằng, một sự gương mẫu của người lớn, mong muốn được giáo viên đối xử công bằng, họ coi thường những giáo viên thiếu nhân cách, những cán bộ học sinh, cán bộ đoàn thiếu gương mẫu. Trong một số trường hợp bị giáo viên "trù dập", "dồn đến chân tường", học sinh phản ứng lại liều lĩnh, gây ra những hậu quả đáng tiếc.
2.2.2.2. Nguyên nhân vi phạm nội qui của học sinh
Qua điều tra từ các báo cáo của giáo viên chủ nhiệm và từ Phòng giám thị của trường THPT Lương Thế Vinh thì nguyên nhân đưa đến việc học sinh vi phạm đạo đức là do: Thiếu quan tâm của gia đình; Bản thân học sinh chưa tự giác rèn luyện; Tác động tiêu cực của bạn bè; Ảnh hưởng của khoa học công nghệ: điện thoại, internet, game …
Gia đình có vai trò quan trọng trong việc giáo dục và hoàn thiện nhân cách con em mình vì gia đình có những điều kiện mà các môi trường giáo dục khác không có. Hiện nay, rất nhiều gia đình vì mải mê làm kinh tế hay quá bận bịu với cái cớ “phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội” nên hầu như “khoán trắng” việc giáo dục con em mình cho nhà trường. Họ cho rằng mình không đủ thời gian cho công việc thì làm sao có thì giờ dạy con. Do đó, nhiều ngày cha mẹ, con cái mỗi người một nơi, các con không hưởng được “phúc lợi gia đình” từ lòng yêu thương, chăm sóc của cha mẹ, các con không được nhận những cú hích tình cảm thần tiên từ cha mẹ, do vậy mối liên hệ gia đình trở nên lỏng lẻo và các giá trị đáng lý ra được vun đắp, củng cố từ gia đình trở nên xa vời với con cái và sự hụt hẫng ấy là một trong những nguyên nhân sâu xa của việc “bất cần mọi thứ”, của việc “gây rối” để chứng tỏ sự tồn tại của mình của học sinh. Thật ra nếu xét một cách thấu đáo và xét cho cùng thì nếu quan tâm đầy đủ đến việc giáo dục con thì ai cũng có thể sắp xếp thời gian để chăm sóc con. Hơn nữa nhiều cha mẹ không gương mẫu trong gia đình, không thể hiện đầy đủ vai trò của cha của mẹ, có những hành xử không phù hợp chuẩn mực trong quan hệ với nhau, với hàng xóm và với các qui tắc ứng xử xã hội, điều đó làm con cái nhận thức lệch lạc, bắt chước làm theo một cách vô tình và trở thành thói quen ứng xử…Vấn đề quan trọng nữa là các bậc cha mẹ
thương con nhưng lại thiếu kỹ năng giáo dục con nên đôi khi phản tác dụng… con cái trở nên ngỗ nghịch, ít chú ý người khác…
Học sinh THPT tuy đã phát triển tư duy mạnh mẽ nhưng chưa chín chắn trong nhận thức, suy nghĩ, chưa có ý thức tự giác rèn luyện biểu hiện qua việc xem nhẹ học tập môn GDCD (không mang sách tập, không ôn bài khi kiểm tra, trong giờ học không tập trung…); chưa tham gia tích cực các hoạt động tập thể; bước ra khỏi cổng trường là bắt đầu chửi thề, bàn bạc về thầy cô với những từ gọi, những lời lẽ thiếu trân trọng, không văn hóa… Đặc biệt là học sinh chỉ tuân thủ nội qui nhà trường khi có sự theo dõi, giám sát của giám thị hay thầy cô. Thực tế là còn rất nhiều những biểu hiện của một số học sinh thể hiện chưa có ý thức tự giác trong thực hiện nội qui, trong rèn luyện đạo đức.
Môi trường bè bạn là điều kiện quan trọng đối với việc hình thành nhân cách con người, nhưng điều đáng e ngại ở chỗ trong điều kiện hiện nay, công tác giáo dục khó tiếp cận, khó điều chỉnh, đặc biệt là những nhóm bạn và những thủ lĩnh tự phát của nhóm bạn đi vào những hoạt động không lành mạnh như uống rượu, hút thuốc, cờ bạc, đua xe... gây nên những hậu quả xấu trong xã hội. Tác động tiêu cực của bạn bè (sự rủ rê của học sinh đã rời khỏi trường vào những hoạt động không lành mạnh, sự bao che khuyết điểm, phối hợp với nhau để nghịch phá...) tạo nên sự phát triển tai hại của một số hành vi tiêu cực.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ mà trò chơi điện tử mới xâm