8. Bố cục của đề tài
2.2.3.3. Việc thực hiện vai trò nâng cao hiểu biết, kỹ năng, thái độ cho học sinh
sinh của giáo viên bộ môn GDCD trong giáo dục đạo đức thông qua các HĐGDNGLL
Trong những năm gần đây, trường THPT Lương Thế Vinh đã tăng cường các hoạt động giáo dục theo yêu cầu toàn diện, phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh. Hoạt động giáo dục đạo đức của trường được thực hiện tích cực với nhiều nội dung thiết thực và các hình thức tạo không khí sôi nổi, hào hứng như:
- Thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” với 5 nội dung:
+ Tăng cường xây dựng trường, lớp xanh, sạch đẹp, an toàn.
+ Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh, giúp học sinh tự tin trong học tập.
+ Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
+ Tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh.
+ Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương
- Giáo dục học sinh tính trung thực, tạo điều kiện cho các em “Nói điều hay, làm việc tốt”, xây dựng tốt các mối quan hệ giữa học sinh với thầy cô giáo, công nhân viên nhà trường, giữa học sinh với học sinh, hình thành nếp sống văn minh, sống có trách nhiệm, tự tin, năng động, biết tự học, sống vì cộng đồng.
- Đoàn thanh niên tổ chức cuộc thi “Giai điệu tháng Tám” chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9 nhằm giúp Đoàn viên – Thanh niên có cơ hội tiếp xúc với những ca khúc bất hủ một thời, những giai điệu hừng hực khí thế của cha ông; Tổ chức hội trại “Mừng Đảng, Mừng Xuân” với nhiều loại hình sinh hoạt thú vị, hấp dẫn: các trò chơi dân gian, các gian hàng ẩm thực, trò chơi lớn, thiết kế thời trang “Lương Thế Vinh Collection”. Đặc biệt là hội diễn văn nghệ “Giai điệu mừng Xuân” với sự biểu diễn của các ca sĩ nổi tiếng chào mừng Tết cổ truyền dân tộc… ; Tổ chức chương trình “Thay lời muốn nói” thật sự ý nghĩa chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3; Tham dự hội trại 9/1 “Sống có trách nhiệm” lần III, Liên hoan học sinh tiên tiến lần I do Sở Giáo dục tổ chức tại Dinh Thống Nhất.
- Hoạt động ngoài giờ lên lớp được thực hiện đầy đủ các nội dung, thực hiện đúng kế hoạch. Đã tổ chức khá tốt và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa đa dạng như: An toàn giao thông, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội, tìm hiểu pháp luật thông qua phiên tòa giả định... Ngoài ra, nội dung giáo dục ngoài giờ lên lớp còn được nhà trường phổ biến đến các em học sinh thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, gắn liền với các chủ điểm hàng tháng để phát động phong trào “Mỗi tuần một câu chuyện về Bác”, cuộc thi thiết kế nhật ký điện tử “Làm theo lời Bác” đáp ứng nhu cầu hình thành nhân cách cho học sinh. Những hoạt động này cùng với các hoạt động giáo dục hướng nghiệp, sinh hoạt tập thể theo chủ đề, công tác giáo dục đạo đức lối sống… đã thường xuyên định hướng cho học sinh theo ba mục tiêu và sáu nội dung của HĐGDNGLL, có tác dụng khá tốt trong giáo dục đạo đức cho học sinh trường Lương Thế Vinh.
Nhưng các HĐGDNGLL của trường cũng bộc lộ nhiều hạn chế nên kết quả cũng chưa tương xứng với sự nỗ lực cao, với qui mô rộng và đầu tư rất công phu của các lực lượng giáo dục. Bởi lẽ hơn ai hết, giáo viên bộ môn GDCD là người nắm vững và sâu sắc các nội dung HĐGDNGLL (vì hầu như các nội dung này đều nằm trong nội dung của môn học GDCD) nhưng lại không tham gia đầy đủ, thường xuyên. Khi có tham gia thì chưa gắn kết các nội dung ở môn GDCD với các nội dung của HĐGDNGLL, chưa lồng ghép được các nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cần thiết. Do đó, tuy nội dung HĐGDNGLL và nội dung môn GDCD có sự tương đồng nhưng qua hoạt động, thực sự kiến thức của học sinh cũng chưa được củng cố, mở rộng, nâng cao bao nhiêu ; các kỹ năng
cũng chưa được củng cố phát triển đúng yêu cầu ; thái độ tự giác, tích cực cũng chưa cao do xu hướng ham vui là chính. Những hạn chế đó được biểu hiện như sau:
- Hoạt động được thực hiện với những hình thức tuy sôi động nhưng nội dung trong các HĐGDNGLL còn chưa sâu sắc và chưa lồng ghép được nhiều nội dung giáo dục đạo đức. Học sinh chưa được chuẩn bị những hiểu biết cần thiết, đầy đủ trước khi tham gia hoạt động nên sau hoạt động thì tri thức, kỹ năng cần thiết chưa được nâng cao và do đó cũng chưa hình thành được tình cảm, thái độ cần thiết. Chẳng hạn sau khi phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thì học sinh vẫn chưa hiểu đầy đủ thế nào là trường học thân thiện, vì sao cần phải xây dựng và những việc cụ thể thiết thực cần phải làm; sau khi tổ chức cuộc thi “Giai điệu Tháng Tám” thì học sinh chưa cảm nhận được các giai điệu chứa đựng khí thế hừng hực đấu tranh ở từng bài hát, chính khí thế ấy đã tạo nên cái “đẹp" của cách mạng, tạo nên sự bất hủ của Giai điệu Tháng Tám; sau khi phát động phong trào “Mỗi tuần một câu chuyện về Bác” thì các câu chuyện kể về Bác không tập trung vào chủ đề cụ thể nào mà dàn trãi nội dung quá rộng về “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, do đó không thể khắc sâu trong nhận thức của các em một phẩm chất đạo đức cụ thể nào của Bác mà HS cần phải học tập và rèn luyện.
- Nội dung của các HĐGDNGLL chưa thực hiện thống nhất giữa trường với lớp, giữa các lớp. Bởi lẽ việc thực hiện nội dung HĐGDNGLL theo giáo án gợi ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao khoán cho giáo viên chủ nhiệm, mà không phải giáo viên chủ nhiệm nào cũng có thể khai thác đầy đủ, đến nơi đến chốn các nội dung ấy. Do vậy chất lượng HĐGDNGLL ở lớp không đảm bảo đều ở các lớp nên nhận thức của HS về các chủ đề cũng không thống nhất và chưa sâu sắc. Ngoài ra, việc thực hiện còn chưa chú ý trong việc khai thác, lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức, các hình thức thực hiện, các phương pháp giáo dục còn chưa đa dạng, phong phú nên chưa lôi cuốn, hấp dẫn HS tham gia trên lớp một cách tự nguyện, tự giác. Giáo viên bộ môn thì không tham gia hoặc tham gia lấy có nên nội dung kiến thức đã học trên lớp chưa được đưa nhiều vào hoạt động này để củng cố khắc sâu như mục tiêu đã đề ra.
- Hoạt động ngoại khóa thì mang tính tham gia phong trào cùng với thành phố mà chưa có tính chủ động, riêng biệt của trường Lương Thế Vinh. Các Tổ nhóm chuyên môn, cụ thể là nhóm chuyên môn GDCD cũng đã tổ chức được một số hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề với các nội dung về đạo đức, tư tưởng chính trị, pháp luật… nhằm tạo điều kiện để học sinh vận dụng những hiểu biết vào trong cuộc sống, từ đó học sinh được khắc sâu hơn những tri thức đã lĩnh hội, tạo cơ sở thuận lợi cho việc hình thành tình cảm, niềm tin đạo đức đúng đắn. Kết quả đạt được là những cảm khoái, thú vị, thoải mái cho học sinh. Song hoạt động này còn quá ít ỏi, và khi tổ chức được thì lại quá chú ý đến “lượng” mà chưa chú ý đến “chất” (một buổi tham quan ngoại khoá đến 4, 5 địa điểm), chưa kết hợp được với các bộ môn khác làm cho nội dung hoạt động rộng hơn, phong phú hơn, sâu sắc hơn nhằm nâng cao chất lượng và hứng thú tham gia của học sinh.
- Hoạt động đoàn thể thì như Nghị quyết Trung ương lần thứ tư về công tác thanh niên ngày 14/9/1993 ghi rõ: "Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước ta bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không là tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, công tác thanh niên, là vấn đề sống còn của dân tộc, quyết định sự thành bại của đất nước" [10].
Như vậy, việc giải quyết vấn đề thanh niên, tăng cường công tác thanh niên là một nhiệm vụ có tính chiến lược của Đảng, Nhà nước và xã hội. Muốn đẩy mạnh công tác Đoàn thanh niên nói chung và phát huy vai trò của nó trong việc giáo dục đạo đức cho thanh niên một mặt phải xác định rõ mục tiêu, nội dung của công tác Đoàn trong trường học, mặt khác, để nâng cao chất lượng hoạt động đoàn thể cần thiết phải có sự tham gia của tổ nhóm chuyên môn GDCD. Thông qua các giáo viên trẻ còn trong tuổi Đoàn làm cầu nối để thực hiện vai trò hỗ trợ, đưa các nội dung phù hợp của môn GDCD vào nội dung của hoạt động đoàn thể. Điều đáng quan tâm hơn nữa là hỗ trợ Đoàn đổi mới hình thức và phương pháp tuyên truyền vận động, giáo dục thanh niên trong trường THPT Lương Thế Vinh. Xuất phát từ đặc điểm riêng của thanh niên học sinh, nếu dùng hình thức, phương pháp vận động thanh niên học sinh chung chung sẽ ít có tác dụng. Do đó, đòi hỏi tổ nhóm chuyên môn GDCD phối hợp với Đoàn để xây dựng hình thức và phương pháp phù hợp với đặc điểm tâm lý, nhận thức của họ. Mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi giai đoạn cách mạng, đòi hỏi hình thức, phương pháp phù hợp, nhất là khi đối tượng
quần chúng thanh niên học sinh đã có chuyển biến nhận thức và trình độ trong điều kiện giao lưu mới, trong tình hình kinh tế xã hội mới. Thực tế đã cho thấy hoạt động đoàn thể ở trường Lương Thế Vinh nội dung vẫn còn đơn điệu, chưa kết hợp được giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, chưa đổi mới hình thức và phương pháp nên chưa có tác dụng thiết thực trong giáo dục. Hơn nữa, công tác giáo dục thanh niên học sinh cần phải liên tục, kiên nhẫn, thận trọng, có tình, có lý, không vội vã thô bạo, hình thức giáo dục cần sinh động nhẹ nhàng, hấp dẫn, nhưng bảo đảm tính nghiêm túc, bổ ích, mang tính thời sự có tác động sâu sắc.
Tóm lại, HĐGDNGLL của trường THPT Lương Thế Vinh rất mạnh và sôi nổi nhưng hiệu quả chưa cao do các nội dung của hoạt động chưa được thực hiện thống nhất trong trong toàn trường, chưa vận dụng những phương pháp giáo dục phù hợp, chủ yếu là chưa có sự tham gia của đội ngũ giáo viên bộ môn GDCD. Thực sự, Ban Giám hiệu của trường cũng đã đưa ra kế hoạch và gợi ý về việc tổ nhóm chuyên môn GDCD tham gia thường xuyên và hỗ trợ HĐGDNGLL, nhưng một số giáo viên đã không nhiệt tình đảm nhận với lý do là môn ít tiết, nhóm chuyên môn ít người để thoái thác. Vì vậy, vai trò phối kết hợp với các lực lượng giáo dục trong trường với tư cách là người tham mưu chưa được phát huy hết mức. Do đó, chất lượng của HĐGDNGLL ở trường Lương Thế Vinh còn nhiều hạn chế.
Một nguyên do khác nữa là hình thức giáo dục này chưa thực sự phổ biến do nhận thức của một số thành viên thuộc các lực lượng giáo dục trong trường THPT Lương Thế Vinh và cha mẹ học sinh chưa được đặt thành một vấn đề cấp thiết. Vả lại, chương trình học văn hóa khá nặng nên không còn thời gian để học sinh tham gia các hoạt động ngoài giờ, qui chế đánh giá chưa thay đổi, việc học để thi vẫn là mục đích cần phấn đấu cho nên đã xem nhẹ các hoạt động khác.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Do sự nhận thức chưa đúng đắn của về vị trí, nhiệm vụ quan trọng của môn GDCD và vai trò của giáo viên bộ môn GDCD trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trong trường THPT nói chung, trường THPT Lương Thế Vinh nói riêng đã dẫn đến những sai lầm trong hành động:
- Việc xây dựng đội ngũ giáo viên bộ môn GDCD vừa có tri thức khoa học chuyên ngành, vừa có trình độ nghiệp vụ vững vàng chưa được chú ý. Trong đội ngũ những người giảng dạy môn GDCD, không ít người không được đào tạo một cách khoa học, có hệ thống; hoặc là giáo viên kiêm nhiệm mà môn GDCD được giảng dạy “trái ngạch”; hoặc có người có kiến thức chuyên môn nhất định, nhưng lại thiếu trình độ sư phạm. Chất lượng không cao của đội ngũ giáo viên bộ môn GDCD và “đất dụng võ” không có nên giáo viên bộ môn GDCD không thể phát huy vai trò của mình để cùng nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục giáo dục đạo đức học sinh.
- Trường THPT Lương Thế Vinh là một trong khá nhiều trường vẫn chưa đảm bảo đầy đủ nội dung, chương trình mang tính pháp lệnh, chưa thực hiện chất lượng phương châm “học đi đôi với hành” mà đối với môn GDCD là hết sức cần thiết. Cũng từ đó vai trò giáo dục đạo đức cho học sinh của giáo viên bộ môn GDCD mờ nhạt trong nhà trường.
- Trong khi giảng dạy vẫn còn hiện tượng coi giờ lên lớp chỉ là giờ thời sự mang tính chất tuyên truyền, thuyết minh đường lối cách mạng mà không chú ý tới tri thức khoa học. Nhà trường và bản thân giáo viên bộ môn GDCD chưa thường xuyên đầu tư cho việc tự rèn luyện phẩm chất đạo đức, bồi dưỡng nâng cao trình độ tri thức, chuyên môn và nghiệp vụ. Trường chưa thực sự tạo điều kiện và giáo viên bộ môn GDCD thì tìm cách né tránh việc tham gia các HĐGDNGLL. Do đó giáo viên bộ môn GDCD cũng không phát huy được vai trò của mình trong giáo dục đạo đức cho học sinh.
Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang có những chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc, khi mọi mặt của đời sống xã hội đang trong quá trình quốc tế hoá, khi trên đất nước ta có những biến đổi toàn diện thì vị trí của môn GDCD, vai trò của giáo viên bộ môn GDCD trong giáo dục đạo đức cho học sinh THPT càng trở nên quan trọng. Đó là tất yếu khách quan buộc chúng ta phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ vị trí, vai trò đó để giúp khắc phục và tránh những khuynh hướng sai lầm nêu trên, mặt khác góp phần thực hiện “chiến lược con người” mà chúng ta đang triển khai trong tư duy và hành động.
Chương 3
MỘT SỐ PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIÁO VIÊN BỘ MÔN GDCD TRONG VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC
CHO HỌC SINH THPT LƯƠNG THẾ VINH, Q1, TP.HCM 3.1. Phương hướng
Trong xu thế hội nhập và phát triển mạnh mẽ của đất nước, của TP.HCM, trường THPT Lương Thế Vinh tiếp tục đổi mới toàn diện nhà trường, xây dựng giáo dục và đào tạo tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong thời kỳ hội nhập. Nghị quyết của Hội đồng Sư phạm nhà trường đã thống nhất một số quan điểm và biện pháp thực hiện về giáo dục như sau:
1- Về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức và xây dựng môi trường sư phạm
- Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng mà trọng tâm là tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tự chọn những việc làm cụ thể, thiết thực góp phần thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào của ngành.
- Tiếp tục thực hiện các cuộc vận động lớn trong toàn ngành “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
-Tiếp tục thực hiện sâu rộng cuộc vận động “Dân chủ – Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm” với trọng tâm là thực hiện nghiêm túc qui chế dân chủ, giữ