Năng lực của người giảng viên được thể hiện qua kiến thức và kỹ năng sư phạm. Kiến thức:
Người giảng viên phải nắm vững các kiến thức cơ bản của môn học mà mình được đào tạo và đảm nhận giảng dạy. Các kiến thức này tối thiểu ở trình độ đại học để có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy các môn học trong chương trình của bậc học. Các kiến thức cơ bản của người giảng viên phải sâu sắc, chắc chắn để có khả năng giúp sinh viên vận dụng kiến thức đã học vào làm bài tập ở lớp, thực hành ở xưởng và trong các hoàn cảnh khác nhau: ở nhà, ngoài xả hội, ở các cơ sở sản xuất.
Giảng viên phai có kiến thức về bộ môn chủ nghĩa Mác-Lênin, về tâm lý học, giáo dục học, logic học. Nắm được những tri thức về phương pháp giáo dục, dạy học, kiểm tra đánh giá, quản lý giáo dục và phải luôn cập nhật những thông tin mới về thành tựu của lĩnh vực này.
Có kiến thức về công nghệ thông tin, nền kinh tế tri thức, mục tiêu giáo dục ở thế kỷ XXI, mục tiêu kế hoạch đào tạo của bậc học mà mình tham gia giảng dạy.
Kiến thức về lập kế hoạch dạy học, soạn giáo án, sử dụng các phương pháp, phương tiện dạy học. Kiến thức, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, tham gia các lớp bồi dưỡng, các hội thảo khoa học nhằm trau dồi và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới của sự nghiệp phát triển giáo dục đại học.
Có kiến thức về những vấn đề kinh tế xã hội của đất nước, của địa phương; hiểu biết phong tục tập quán, đời sống, ngôn ngữ của cộng đồng, địa phương nơi trường đóng; nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, của địa phương và của ngành.
Giảng viên phải có kỹ năng sư phạm bao gồm kỹ năng giáo dục, kỹ năng dạy học, kỹ năng tổ chức và kỹ năng phối hợp với các lực lượng giáo dục trong xã hội.
Giảng viên có kỹ năng chuẩn bị bài trên lớp: xác định được mục đích, yêu cầu và những nội dung cơ bản của bài học; dự kiến các phương pháp, biện pháp , phương tiện dạy học sẽ sử dụng trong giờ giảng, phân bổ thời gian theo các khâu, các bước của giờ lên lớp và soạn giáo án một cách hợp lý khao học; người giảng viên trong quá trình dạy học luôn giữ vai trò chủ động quản lý lớp học hợp lý, theo dõi, hướng dẫn hoạt động học theo quy trình khoa học; ngôn ngữ rõ ràng, mạch lạc, phù hợp với trình độ nhận thức của sinh viên. Giảng viên phải biết đặt câu hỏi và duy trì không khí hứng thú, tích cực học tập của sinh viên; nắm được cách thức phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên; sử dụng các phương pháp, phương tiện dạy học, tự làm đồ dùng thiết dạy học, ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy; lập hồ sơ giảng dạy của bản thân và tích lũy tư liệu giảng dạy.
Ngoài ra người giảng viên còn có những kỹ năng sau: quản lý lớp học và tổ chức các hoạt động cho sinh viên ở trong và ngoài trường lôi cuốn sinh viên tham gia các hoạt động và duy trì thái độ học tập tích cực và sáng tạo cho sinh viên; nghiên cứu khoa học giáo dục để nâng cao trình độ, không ngừng hoàn thiện mình nhằm nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục; giao tiếp sinh viên và đồng nghiệp, thể hiện khả năng duy trì và phát triển mối quan hệ giũa giảng viên, giữa sinh viên với nhau.