Mục tiêu của đào tạo giáo dục đại học là đào tạo con người có phẩm chất chính trị, đạo đức, ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
1.3.5.2. Chương trình đào tạo:
Căn cứ vào mục tiêu đào tạo, Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình khung cho các trường bao gồm cơ cấu nội dung các môn học, thời gian đào tạo, tỷ lệ phân bố thời gian đào tạo giữa các môn học cơ bản và chuyên ngành, giữa lý thuyết với thực hành, thực tập. Điều đó giúp cho các trường cao đẳng và đại học chủ động xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với từng loại trường.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của kỷ nguyên thông tin và phát triển kinh tế tri thức, sự hội nhập quốc tế và đổi mới giáo dục đang diễn ra trên qui mô toàn cầu. Đồng thời để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH, Đảng và Nhà nước đã chỉ rõ: tiến hành đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo hướng đa dạng hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện mau chóng tiếp thu có chọn lọc những chương trình đào tạo của những nước phát triển về khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ … phù hợp với yêu cầu của đất nước, phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, của từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng, từng địa phương nói riêng.
Thiết kế các chương trình chuyển tiếp, các chương trình đa giai đoạn và áp dụng các qui trình đào tạo mềm dẻo nhằm tăng cơ hội học đại học cho mọi người, nhất là những người ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bước vào thời kỳ CNH - HĐH và tiến tới nền kinh tế tri thức đòi hỏi các trường cao đẳng và đại học phải nhanh chóng đổi mới nội dung chương trình nhằm đào tạo được những người cán bộ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và phát triển giáo dục. Khi cân đối các nhóm kiến thức đào tạo, phải chú ý đến kiến thức chuyên ngành và kỹ năng sư phạm.
1.3.5.3. Đội ngũ giảng viên:
Trong các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo thì vai trò của người giảng viên là yếu tố quan trọng và quyết định. Vì vậy trong “Chiến lược phát triển giáo dục 2001- 2010” đã chỉ rõ: Khẩn trương đào tạo, bổ sung và nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng để một mặt giảm tỷ lệ sinh viên/giảng viên trung bình đang quá cao hiện nay xuống khoảng 20. Tăng chỉ tiêu đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, bổ sung nhân lực trình độ cao cho các trường cao đẳng, đại học. Lựa chọn sinh viên giỏi bổ sung nguồn cán bộ giảng dạy, tiếp tục đào tạo trong và ngoài nước. Ưu tiên gửi giảng viên đại học, cao đẳng đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác.
Để thực hiên khâu này đòi hỏi các trường phải làm tốt công tác tổ chức cán bộ và phải có cơ chế quản lý khoa học, khuyến khích nhằm tạo động lực cho cán bộ hoàn thành nhiệm vụ đào tạo. Mặt khác, phải tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường, các cơ quan nghiên cứu khoa học có uy tín và chất lượng trên thế giới nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ giảng dạy.
1.3.5.4. Phương pháp đào tạo:
Luật giáo dục đã chỉ rõ: “Phương pháp giáo dục đại học phải coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu, tạo điều kiện cho người học phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng”.
Để thực hiện được điều đó, các trường phải đổi mới phương pháp đào tạo, chuyển từ kiểu đào tạo hàn lâm, nặng về lý thuyết sang đào tạo chú trong việc thực hành, gắn nhà trường với xã hội và trường phổ thông. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ cách dạy học theo lối truyền đạt kiến thức một chiều, nhiệm vụ chủ yếu của người học là lắng nghe, ghi nhớ, tái hiện sang cách dạy học tích cực, phát huy tính độc lập, sáng tạo, tự chủ và tự nghiên cứu của người học. Cải tiến qui trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên và đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá.