- Loại kém: Tổng số điểm dưới 25 hoặc từ 25 điểm trở lên nhưng có tiêu chí không được cho điểm.
3.2.7. Chú trọng việc thực hiện chế độ chính sách thoả đáng và đổi mới công tác thi đua khen thưởng.
tác thi đua khen thưởng.
3.2.7.1. Thực hiện chế độ chính sách thoả đáng.
Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã và đang hết sức quan tâm đến đội ngũ các thầy cô giáo cả về vật chất lẫn tinh thần. Cần huy động nguồn lực toàn xã hội để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục trong đó nâng cao đời sống cho nhà giáo là một việc làm thiết thực.
- Trong việc thực hiện cơ chế chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý người Hiệu trưởng quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện lao động của người giáo viên là một biện pháp quản lý rất có hiệu quả nhằm xây dựng đội ngũ đoàn kết, thống nhất hướng tới những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp. Không khí cởi mở thân thiện của tập thể sư phạm sẽ thúc đẩy lòng nhiệt tình lao động, phát huy trí tuệ tài năng của mỗi giáo viên, là động lực để kích thích mỗi giáo viên phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc chăm lo đến đời sống vật chất tinh thần của giáo viên là một vấn đề thiết thực để xây dựng và phát triển đội ngũ. Nếu trong quá trình quản lý chỉ quan tâm đến trách nhiệm của các thành viên đối với tổ chức và ngược lại không quan tâm đến quyền lợi mà tổ chức đem lại cho từng thành viên thì sẽ dẫn đến hiện tượng làm việc đối phó, không tận tâm, tận lực đối với công việc, thiếu tinh thần trách nhiệm. Ngoài việc chăm lo đến đời sống vật chất cũng cần phải quan tâm đến việc chăm lo đến đời sống tinh thần cho giáo viên. Việc tạo ra được một đội ngũ đoàn kết, nhất trí thì mỗi thành viên trong đội ngũ đều cảm thấy đó là chỗ dựa về mặt tinh thần và đội ngũ đó thực sự phát huy được sức mạnh tinh thần tạo động lực đủ mạnh cho nhà giáo và cán bộ quản lý nhà trường phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của nhà trường không ngừng phát triển là một biện pháp hữu hiệu.
- Nhà trường cần làm tốt công tác tham mưu với Huyện uỷ - HĐND – UBND huyện, với Sở giáo dục đào tạo và các Sở ban ngành các cấp có chính sách tăng cường hỗ trợ đầu tư xây dựng đồng bộ nhà công vụ dành cho giáo viên ở các nhà trường để những giáo viên ở xa không phải thuê nhà trọ hoặc giảm bớt số phải thuê nhà trọ nhằm ổn định đời sống và yên tâm công tác lâu dài.
- Tạo điều kiện nhiều hơn nữa về tinh thần lẫn vật chất để cán bộ giáo viên được tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng thường xuyên nhất là được tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ; đào tạo trên chuẩn như cao
cấp lý luận chính trị, chương trình sau đại học, chương trình đào tạo thạc sĩ để nâng cao trình độ nhận thức, lý luận cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tạo điều kiện về tinh thần lẫn vật chất để giáo viên có thể yên tâm tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng có hiệu quả. Có cơ chế động viên khuyến khích mọi người trong việc thi đua học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ bằng việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đề ra những chính sách thoả đáng đối với những giáo viên được cử đi đào tạo bồi dưỡng kể cả những giáo viên có nguyện vọng cá nhân. Đồng thời để đáp ứng điều kiện cần và đủ xây dựng trường chuẩn quốc gia trong những năm tiếp theo.
- Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ cần phát huy vai trò dân chủ của tổ chức công đoàn và cán bộ công nhân viên lao động được bàn bạc thảo luận dân chủ, công khai và được điều chỉnh hợp lý hằng năm với phương châm động viên, khuyến khích người lao động làm việc năng suất, hiệu quả cao. Các nhà quản lý cần thực hiện đầy đủ đồng bộ và bền vững các chính sách liên quan đến giáo viên: Xây dựng định mức lao động và dạy thêm giờ, việc nâng ngạch bậc, tăng lương (theo định kỳ cũng như trước thời hạn), việc đề bạt bổ nhiệm cán bộ giáo viên,…cần đảm bảo khách quan dân chủ. Muốn vậy nhà trường cần làm tốt những yêu cầu sau:
+ Xây dựng nghị quyết hội nghị cán bộ viên chức đầu năm học, xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện nhiệm vụ năm học của nhà trường, nêu rõ tiêu chí thi đua, hình thức khen thưởng và kỷ luật.
+ Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ phải cụ thể rõ ràng đảm bảo sự công khai dân chủ để mỗi cán bộ giáo viên đều được biết, được hiểu và cùng thực hiện. Trong quy chế chi tiêu nội bộ nhà quản lý cần cụ thể hoá các định mức chi trong đó có mức chi cho hoạt động chuyên môn của giáo viên như quy định mức chi trả tiền dạy thêm, dạy vượt giờ. Chi dạy bồi dưỡng học sinh khá giỏi, ôn thi tốt nghiệp.Chi hỗ trợ viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học. Chi hỗ trợ cho việc giáo viên tham gia đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình
độ. Chi cho các ngày lễ, tết, hiếu, hỉ, thăm hỏi ốm đau. Chi khen thưởng cho giáo viên đạt thành tích cao trong giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại cao, giáo viên chủ nhiệm giỏi,..Đảm bảo sự công bằng về quyền lợi thụ hưởng của giáo viên.
+ Xây dựng quy chế phối hợp giữa nhà trường và các tổ chức đoàn thể công đoàn, đoàn thanh niên, đặc biệt phát huy vai trò của Công đoàn trong việc chăm lo đời sống cho cán bộ giáo viên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho giáo viên theo luật định.
+ Thực hiện công khai thường xuyên các hoạt động giáo dục tạo không khí đoàn kết đồng thuận trong tập thể sư phạm nhà trường. Thực hiện tốt chức năng kiểm tra giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ và các quy chế phối hợp khác của ban thanh tra nhân dân.
3.2.7.2. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng.
Công tác thi đua khen thưởng là một việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong mọi hoạt động. Trong giáo dục thi đua khen thưởng vừa là biện pháp thúc đẩy vừa là tiêu chuẩn đánh giá mục tiêu phấn đấu của mỗi nhà giáo. Đây được coi là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong nhà trường. Thi đua khen thưởng phản ánh sự nỗ lực, sự đóng góp cống hiến của các nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung. Xã hội đánh giá cao đồng tình với kết quả thi đua khen thưởng của giáo viên bằng các hình thức khen thưởng, các danh hiệu thể hiện sự tôn vinh đối với nhà giáo. Vì vậy, cần có sự đổi mới công tác này sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy hiệu quả giáo dục. Khen thưởng gắn với việc thường xuyên tổ chức có hiệu quả các đợt phát động thi đua theo chủ điểm chủ đề lớn trong năm, việc tổ chức các cuộc thi giáo viên giỏi, thi làm đồ dùng dạy học, viết sáng kiến kinh nghiệm. Tổ chức các hoạt động phong trào khuyến học khuyến tài, để góp phần thúc đẩy phong trào hoạt động chuyên môn nâng cao chất lượng đội ngũ GV.
Quy trình làm thi đua khen thưởng phải thể hiện sự dân chủ, phù hợp đối tượng; đánh giá thi đua khen thưởng phải công bằng xuất phát từ hiệu quả năng xuất lao động.
Thi đua khen thưởng nếu đúng người đúng năng xuất lao động, hiệu quả công tác sẽ có tác động tích cực đến sự phấn đấu thi đua của đội ngũ giáo viên. Vì vậy, để công tác thi đua khen thưởng thực sự là động lực thúc đẩy nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, nhà quản lý phải khắc phục được tính bình quân chủ nghĩa trong thi đua, không chạy theo thành tích và tạo được không khí cùng nhau thi đua trong tập thể sư phạm để ai cũng có ý thức cao và nỗ lực hơn trong công tác.
Cần nâng cao phát huy hiệu quả của thi đua khen thưởng đối với quá trình phấn đấu của nhà giáo. Gắn kết quả thi đua khen thưởng với việc đánh giá xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, với việc nâng ngạch bậc lương, với việc luân chuyển đề bạt bổ nhiệm vị trí công tác mới của cán bộ giáo viên, tạo điều kiện để mỗi nhà giáo được thể hiện hết khả năng năng lực của mình. Có như vậy thi đua khen thưởng mới thực sự có ý nghĩa.