2.5.3.1. Nguyên nhân thành công
Phần lớn, Ban giám hiệu các nhà trường đã nhận thức một cách sâu sắc nhiệm vụ của việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện mục tiêu giáo dục có tính chiến lược lâu dài của nhà trường cũng như để thực hiện nhiệm vụ năm học hàng năm. Có chính sách cho giáo viên được tham gia công tác chuyên môn phù hợp với năng lực của bản thân; được tạo điều kiện đi học các lớp đào tạo bồi dưỡng để nâng cao nghiêp vụ, tay nghề. Biết phát huy thế mạnh của từng giáo viên ở từng lĩnh vực công tác để khai thác tiềm năng có hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Tranh thủ sự quan tâm của cấp trên để nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
2.5.3.2. Nguyên nhân của những yếu kém
Công tác quản lý giáo dục trong trường học có những hạn chế về tổ chức, phổ biến và quán triệt. Việc triển khai đường lối chính sách của Đảng trong việc phát triển giáo dục nhất là vấn đề xây dựng đội ngũ có nơi chưa
được quan tâm thoả đáng.Việc sử dụng, bổ nhiệm cán bộ còn bất cập, thiếu sự công bằng trong đánh giá dẫn đến tính dân chủ bị giảm sút. Tình trạng buông lỏng quản lý vẫn còn, công tác xử lý vi phạm đối với cán bộ, giáo viên thiếu triệt để dẫn đến tính đoàn kết thống nhất trong tập thể chưa cao.
Chất lượng sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn còn thấp, chưa khoa học, đôi khi còn mang tính hình thức, đối phó một phần do năng lực của đội ngũ tổ trưởng còn hạn chế chưa chịu khó đầu tư đổi mới nội dung sinh hoạt nên việc góp ý xây dựng cho các thành viên trong tổ chưa được chú trọng và trở thành việc làm thường xuyên.
Trang thiết bị đồ dùng dạy học phục vụ cho giảng dạy theo tinh thần đổi mới còn thiếu nhiều cho nên hoạt động dạy và học còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Các thiết bị thí nghiệm, đồ dùng dạy học được cấp, chất lượng kém không đảm bảo độ chính xác để giáo viên dạy thực hành có hiệu quả ảnh hưởng đến chất lượng bài dạy.
Công tác nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học của giáo viên chưa trở thành động lực, làm còn mang tính hình thức chiếu lệ, thiếu tính sáng tạo; khả năng áp dụng thực tiễn trong giảng dạy và giáo dục còn hạn chế.
Việc đánh giá, xếp loại giáo viên còn thiếu sự khách quan. Tình trạng nể nang, chi phối công tư vẫn còn tiếp diễn. Công tác bồi dưỡng để chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đã có đầu tư nhưng hiệu quả chưa cao, chính sách và các điều kiện để phát triển đội ngũ giáo viên vẫn còn nhiều bất cập.
Kết luận chương II
Hậu Lộc là một vùng quê có bề dày lịch sử văn hóa, truyền thống hiếu học, lao động cần cù sáng tạo và đấu tranh kiên cường bất khuất trong xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Ngày nay trong thời kỳ đẩy mạnh CNH -HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, truyền thống đó tiếp tục được kế thừa và phát huy mạnh mẽ. Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện Hậu Lộc luôn quan tâm chăm lo cho sự nghiệp phát triển giáo dục của huyện trong đó có các trường THPT. Cơ sở vất chất các nhà trường đã và đang được đầu tư mạnh trên cơ sở xây dựng các đề án giáo dục như đề án xây dựng mới trường THPT Đinh Chương Dương theo quy lát trường chuẩn quốc gia. Đầu tư nâng cấp xây dựng các phòng học bộ môn, nhà đa năng ở các trường THPT Hậu lộc I và Hậu Lộc IV vừa đảm bảo cho công tác dạy và học vừa chuẩn bị điều kiện để xây dựng trường chuẩn quốc gia (2015). Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cùng với ý thức vươn lên của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, nhân viên của các trường THPT làm cho chất lượng giáo dục ở các trường không ngừng được nâng lên, vị thế giáo dục THPT của huyện được ổn định trong tỉnh Thanh Hoá, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực dồi dào cho quê hương.
Trong những năm qua, thực hiện chương trình đổi mới giáo dục đáp ứng với yêu cầu của cách mạng trong thời kỳ đổi mới, giáo dục ở huyện Hậu Lộc đã có nhiều khởi sắc: Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đang dần đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; Các trường THPT trong huyện đã có số lượng đội ngũ khá đầy đủ, cơ cấu tương đối đồng bộ, trình độ chuyên môn tương đối tốt, nămg lực sư phạm được cải thiện, ý thức trách nhiệm về nghề nghiệp ngày càng được nâng lên. Công tác quản lý đội ngũ giáo viên THPT ở các trường trong huyện được coi trọng, Chi uỷ, Ban giám hiệu các trường đã chú
ý phát hiện những nhân tố điển hình coi đây là những hạt giống tốt để gieo những mùa vàng bội thu vì thế lãnh đạo các nhà trường đã tạo điều kiện để đội ngũ thể hiện hết tiềm năng cũng như khả năng trong quá trình công tác.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên THPT ở huyện Hậu Lộc, đòi hỏi các nhà quản lý cần có nhận thức đầy đủ, sâu sắc những thuận lợi cũng như những khó khăn trước mắt và lâu dài; chủ động, sáng tạo trong quản lý điều hành, trong công tác lãnh chỉ đạo; thường xuyên đúc rút kinh nghiệm để có những giải pháp tối ưu phù hợp với thực tiễn giáo dục của nhà trường. Thực trạng của giáo dục THPT huyện Hậu Lộc với những thành tựu cũng như những tồn tại trong những năm vừa qua là những cơ sở thiết yếu để đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các trường THPT huyện Hậu Lộc.