Là một huyện có điểm xuất phát thấp, ngành nghề chủ yếu là nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp. Toàn huyện có tất cả 163,971 nhân khẩu. Tổng diện tích tự nhiên là 14,367ha trong đó đất sản xuất nông nghiệp 7,406ha. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt gần 10 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2005. Sản lượng lương thực đạt 74 nghìn tấn tăng 8,18%, GDP bình quân đạt 12,4% tăng 2,8%.
Với chiều dài 12 km bờ biển (gồm 6 xã nằm dọc theo bờ biển: Đa lộc, Hưng lộc, Ngư lộc, Minh lộc, Hải lộc và Hoà lộc) là vùng triều màu mỡ đã tạo nên thế mạnh để phát triển nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần ổn định về an ninh lương thực và tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Việc nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thuỷ, hải sản cũng phát triển mạnh, sản lượng năm 2010 đạt 22.500 tấn tăng 63,04%, muối biển đạt 12.500 tấn tăng 25%. Diện tích rừng ngập mặn được bảo vệ và phát triển tốt.
Đảng bộ huyện Hậu Lộc có 58 tổ chức cơ sở Đảng (33 Đảng bộ cơ sở và 25 chi bộ trực thuộc) với gần tám nghìn đảng viên sinh hoạt tại 385 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở. Đảng bộ vững mạnh là nhân tố quyết định cho diện mạo của Hậu lộc ngày một khởi sắc trên mọi lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng (GDP) bình quân giai đoạn 2005 – 2010 đạt 12,4% năm; nông, lâm, ngư nghiệp tăng 7,6%; công nghiệp, xây dựng 20,9%, dịch vụ 15,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2010 cơ cấu (GDP) là: nông, lâm, ngư nghiệp 42,3%; công nghiệp – xây dựng 25,6%; dịch vụ 32,1%. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 10 triệu đồng tăng hơn hai lần so với năm 2005.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực thuỷ sản, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ được hình thành và phát triển khá nhanh góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện, đặc biệt một số công ty đã xây dựng được thương hiệu có danh tiếng trong và ngoài tỉnh như rượu Chi nê ( xã Cầu lộc), mắm tôm, mắm chua và hải sản khô ( xã Ngư lộc) …
Văn hoá xã hội có bước phát triển theo hướng xã hội hoá, đời sống nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi ở cơ sở, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân. Phong trào khai trương xây dựng làng văn hoá, xã văn hoá, cơ quan, trường học có đời sống văn hoá tốt hàng năm đều vượt kế hoạch.
Quốc phòng an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị an toàn xã hội được giữ vững…Chất lượng giáo dục toàn diện ở các ngành học, cấp học được nâng lên; số học sinh giỏi, học sinh thi đậu tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đậu vào các trường Đại học - Cao đẳng năm sau cao hơn năm trước. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục trưởng thành về chính trị tư tưởng, nghiệp vụ chuyên môn. Toàn huyện có 32/90 trường đạt chuẩn quốc gia. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục không ngừng được nâng lên. 100% cán bộ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn.
Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Các cơ sở y tế được quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và y đức của đội ngũ cán bộ y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Hoạt động y học dự phòng được củng cố và triển khai có hiệu quả, không để dịch bệnh lớn xảy ra, thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.