Về công tác đào tạo và bồi dưỡng giảng viên, PGS.TS. Hoàng Tâm Sơn viết: “Sau khi tốt nghiệp về trường giảng dạy từ 3 – 5 năm, người giáo viên phải biết nhiều hơn ba lần, năm lần, mười lần so với những cái đã biết trong năm công tác đầu tiên của nhà trường. Nếu không họ sẽ rơi vào tình trạng thuộc lòng bài giảng chán ngắt, sẽ rơi vào tình trạng tẻ nhạt bởi vì việc giảng dạy không được sưởi ấm, không được chiếu sáng bằng khát vọng hiểu biết của giáo viên, sẽ biến thành hình phạt nặng nề đối với học sinh…”.
Thật vậy, nhà trường sư phạm chỉ mới cung cấp những tri thức khoa học căn bản và những kỹ năng sư phạm cơ sở làm nền tảng ban đầu. Những yếu tố ấy cần nhưng chưa đủ để người giảng viên hoà nhập vào đời sống thực tiễn phong phú của nhà trường, đáp ứng yêu cầu đa dạng của nghề nghiệp. Thế giới đã quen dùng thuật ngữ giảng dạy giáo viên (Teacher education) để chỉ việc đào tạo giáo viên, bao gồm việc đào tạo ban đầu trước khi dạy học (pre service training) và đào tạo tại chức trong khi đang dạy học (in service training). Chúng ta quen gọi đây là công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.
Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thực chất là xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục. Đây là việc làm có ý nghĩa triết lý sâu sắc. Đào tạo và bồi dưỡng là hai mặt của một thể thống nhất, trong đó bồi dưỡng giảng viên với ý nghĩa đào tạo tiếp tục là yêu cầu cấp thiết để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và đổi mới cơ cấu tri thức. Vì vậy, đào tạo và bồi dưỡng giảng viên được xem là bước đột phá để nhà trường hội nhập và phát triển, nâng cao vị thế của mình trong hệ thống các trường đại học quốc gia.
Trong công tác đào tạo và bồi dưỡng giảng viên, nhà trường nên xem xét một số vấn đề sau:
- Từ căn cứ phân tích công việc và nắm vững những biến động, xu hướng phát triển của nhà trường theo sự phát triển KT-XH, nhà trường xây dựng chính sách và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng bao gồm ba bước:
1. Định rõ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng;
2. Ấn định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cụ thể cho từng giai đoạn. Ở bước này cần xác định rõ ai đi học, ai thay thế; cơ chế chính sách cho người đi học như thế nào;
3. Lựa chọn phương pháp đào tạo, bồi dưỡng thích hợp: chính quy tập trung, chính quy không tập trung, tại chức, từ xa, dài hạn, ngắn hạn …; có hai phương pháp được áp dụng là đào tạo, bồi dưỡng tại nơi làm việc và ngoài nơi làm việc. Đồng thời, nhà trường còn phải kiểm soát được các yếu tố cản trở động lực đi học của giảng viên như mất thu nhập qua giảng dạy, học về có sử dụng không, đi học thì vất vả hơn … để trên cơ sở đó có những biện pháp tác động thích hợp.
- Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên không chỉ định hướng vào hiện tại, chú trọng đến công việc hiện tại của giảng viên, giúp giảng viên có tri thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt công việc hiện nay mà còn phải chú trọng đến việc huấn luyện giảng viên đảm nhận tốt được công việc của nhà trường trong tương lai. Do đó công tác đào tạo bồi dưỡng giảng viên có ý nghĩa chiến lược lâu dài.
- Cần phân biệt một cách tương đối: quy hoạch cán bộ chuyên môn và CBQL GD. Bởi nội dung, phương pháp đào tạo 2 loại cán bộ này có những điểm khác biệt nhau. Trong quy hoạch cán bộ chuyên môn, việc đào tạo cần gắn với tiêu chuẩn chức danh giảng viên, cần tập trung đào tạo cán bộ giảng dạy có tài năng sớm đạt được học vị, học hàm trở thành giảng viên giỏi, giảng viên đầu
đàn, có uy tín. Quy hoạch cán bộ chuyên môn gắn với các chuyên ngành đang và sẽ được đào tạo tại trường. Trong quy hoạch CBQL GD, việc đào tạo phải gắn liền với nâng cao năng lực thực tiễn quản lý và điều hành; nâng cao trình độ lý luận chính trị; phải được đào tạo cơ bản, hệ thống về khoa học và nghệ thuật quản lý; quản lý đơn vị nào thì phải có vốn kiến thức chung đủ rộng về các chuyên môn ở đơn vị đó.
Việc phân biệt hướng đào tạo như trên nhằm tránh sự lãng phí. Hiện nay đang có xu hướng lấy nhà khoa học giỏi, giảng viên đầu ngành sang làm quản lý. Điều đó làm cho các giảng viên giỏi này không còn thời gian chú tâm vào việc giảng dạy, NCKH vốn là thế mạnh của họ (nếu để họ tiếp tục với công tác chuyên môn thì họ sẽ có đóng góp nhiều hơn cho nhà trường và đất nước trong việc đào tạo thế hệ trẻ) ; trong khi họ phải làm công tác quản lý, thì đó là công việc mà họ không được đào tạo chuyên sau, không thực sự am hiểu và không có sự chuẩn bị chu đáo về nó. Tuy nhiên cũng không nên cực đoan trong quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng vì thực tế cũng có một số nhà chuyên môn giỏi cũng là những nhà quản lý tài ba.
- Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên không gì tốt hơn là “ném” họ vào môi trường sinh hoạt học thuật sôi nổi, thường xuyên nghe thông tin khoa học mới, dự các hội thảo khoa học trong và ngoài nước, tham gia NCKH, theo thầy giỏi mà học việc … Như vậy, nhà trường cần phải tăng cường tổ chức và tổ chức cho thật tốt các hoạt động tại chỗ như sinh hoạt tổ chuyên môn, NCKH, hội nghị, hội thảo, hội giảng … để giảng viên có nhiều cơ hội sinh hoạt, trao đổi học thuật với nhau.
- Trong công tác đào tạo sau đại học, phấn đấu đến năm 2015 phải “phổ cập” trình độ thạc sĩ đối với giảng viên và trong đó có 25% giảng viên có học vị tiến sĩ. Nghĩa là, so với tổng số giảng viên hiện nay, nhà trường cần phải có 26 tiến sĩ vào năm 2015; và hiện đã có 02 NCS, còn phải bổ sung thêm 24 người
nữa. Như vậy, trong năm năm đến, trung bình phải có 4 – 5 giảng viên thi đỗ NCS. Đây là một bài toán rất khó.
- Đào tạo, bồi dưỡng phải gắn liền với quá trình tự đào tạo, tự bồi dưỡng. Trước hết, bản thân người giảng viên phải ý thức rõ điều này để luôn luôn tự đào tạo, tự bồi dưỡng, tránh tụt hậu so với thời đại, so với yêu cầu của nhiệm vụ và kỳ vọng của thế hệ trẻ. Mặt khác, để thúc đẩy người giảng viên nỗ lực vươn tới thực hiện những mục tiêu tự đào tạo, bồi dưỡng, nhà quản lý phải có những tác động đa dạng và phong phú, khơi dậy những tình cảm và ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, danh dự cá nhân, danh dự tập thể; tạo lập, giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống của nhà trường; đánh giá, thưởng phạt công bằng, chính xác, kịp thời, tiến tới xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, dân chủ - môi trường trực tiếp chi phối đến phương hướng của mỗi cá nhân.
- Biện pháp cụ thể:
+ Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên hiện nay cần đặt trọng tâm, trọng điểm vào việc nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn, trước mắt, phải nâng cao trình độ học vấn mà trọng tâm là giảng viên của khoa Sân khấu – Âm nhạc và khoa Việt Nam học phải đi học sau đại học, nếu cần thiết phải áp dụng biện pháp chế tài; tăng số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ trong cơ cấu tổng thể và phấn đấu trong vài năm tới, có giảng viên đạt được học hàm PGS, GS; mỗi giảng viên ngoài việc nâng cao năng lực chuyên môn, phải có tri thức về ngoại ngữ và tin học … sao cho ngang tầm với yêu cầu của một giảng viên đại học.
+ Nhà trường cần phải khảo sát chi tiết đến từng giảng viên xem giảng viên nào có khả năng làm NCS, tập trung bồi dưỡng những kiến thức còn hạn chế và tháo gỡ những khó khăn để giảng viên đó an tâm, tự tin thi tuyển.
+ Cần có kế hoạch cụ thể về việc phân công giảng viên lớn tuổi, giàu kinh nghiệm kèm cặp, bồi dưỡng giảng viên trẻ để chuẩn bị thay thế. Tuy nhiên,
nghĩa vụ phải đi đôi với quyền lợi, vì vậy nhà trường cần có cơ chế rõ ràng quyền lợi và trách nhiệm của giảng viên trong việc thực hiện quy hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên kế cận.
+ Muốn kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng, thì nhà trường phải có quy hoạch rõ ràng, khoa học và phải thực hiện đúng quy hoạch. Thời gian qua, có một số giảng viên đi học sau đại học theo nguyện vọng cá nhân, không gắn với chuyên ngành đang giảng dạy nên không thể phát huy chuyên môn. Điều này cần phải chấn chỉnh.
+ Đối với Cán bộ quản lý giáo dục, học tập, bồi dưỡng về khoa học quản lý phải được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc.
+ Một số giảng viên do hoàn cảnh lịch sử nên hiện nay không có giờ dạy, trở nên thừa. Nhà trường nên khảo sát, đánh giá lại đội ngũ này để có kế hoạch đào tạo lại và bồi dưỡng lại để họ thực hiện chuyển đổi nhiệm vụ. Đây cũng là một cách tránh lãng phí.
+ Nhà trường cần phải quan tâm đến việc xây dựng các điều kiện để nâng cao chất lượng tự đào tạo, tự bồi dưỡng. Trước hết cần tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi làm nòng cốt để tổ chức, quản lý và hướng dẫn tự đào tạo, tự bồi dưỡng. Qúa trình này đi kèm với việc tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tự đào tạo, tự bồi dưỡng và một vấn đề đặc biệt quan trọng nữa, là phải nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính gương mẫu của chủ thể quản lý nhà trường : hiệu trưởng và cán bộ quản lý giáo dục cần phải thống nhất cao trong nhận thức về việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch tự đào tạo, bồi dưỡng; phải là những người đi đầu, nêu gương trong việc tự đào tạo, bồi dưỡng nhằm tác động, lôi cuốn đội ngũ giảng viên thực hiện theo, dấy lên một phong trào tự đào tạo, bồi dưỡng thiết thực trong toàn đơn vị.
+ Hiện nay, kiến thức yếu nhất của giảng viên là Anh văn và Tin học, cho nên công tác trọng tâm của việc tự đào tạo, tự bồi dưỡng là phải có chính sách
khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học. Đồng thời, nhà trường cần có những yêu cầu bắt buộc về trình độ ngoại ngữ và tin học đối với mỗi giảng viên, đặt ngoại ngữ và tin học là một trong những tiêu chí mà người giảng viên phải tự bồi dưỡng.
3.2.5. Giải pháp 5: Chú trọng xây dựng và hoàn thiện chính sách
• Mục tiêu:
Giải pháp này nhằm tạo động lực cho đội ngũ giảng viên phát triển. • Nội dung và tổ chức thực hiện:
Những công trình nghiên cứu gần đây ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Thụy Điển, Pháp, Úc, Na Uy … đều khẳng định tầm quan trọng và ảnh hưởng to lớn, nếu không muốn nói là quyết định của giáo viên đến kết quả học tập của học sinh, do đó, những nước này đều coi chính sách là phương tiện chung nhất có thể là tăng cường công tác cải thiện và duy trì chất lượng của giáo viên.
Tuy nhiên, khái niệm chất lượng giáo viên không xác định được rõ ràng nên phạm vi áp dụng chính sách cũng rất rộng và những chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo viên có thể có quan hệ tương tác và thậm chí có quan hệ qua lại với những chính sách nâng cao chất lượng trường, sở bằng nhiều cách khác nhau. Trong khuôn khổ của luận văn này, chúng tôi chỉ đề nghị nhà trường xem xét, nghiên cứu điều chỉnh và hoàn thiện một số chính sách cụ thể sau, vì chúng có tác động đến chất lượng đội ngũ giảng viên: