Xây dựng qui trình tuyển dụng giảng viên hợp lý.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật tỉnh thái bình luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 82 - 84)

Từ thực trạng quản lý tuyển dụng giảng viên của Trường Cao đẳng VHNT Thái Bình như đã trình bày ở Chương 2, chúng tôi nhận thấy rằng, đã đến lúc cần phải quy trình hoá một cách chặt chẽ việc tuyển dụng giảng viên mới trên tinh thần công khai, dân chủ. Trong khi chờ đợi Bộ GD - ĐT ban hành qui định tiêu chí cụ thể về tuyển chọn giảng viên, chúng tôi đề nghị, trước mắt nhà trường xem xét và thực hiện việc tuyển chọn giảng viên theo qui trình sau:

- Về quan điểm tuyển chọn:

+ Phải có đức: thông qua nghiên cứu lý lịch hoạt động của bản thân và gia đình, trong đó, lý lịch hoạt động của cá nhân người dự tuyển là chính.

+ Phải có tài: Tốt nghiệp đại học chính quy từ loại khá trở lên. Nếu là cán bộ, giáo viên đang công tác ở các đơn vị khác xin dự tuyển vào trường, thì nhất thiết phải là cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, được xã hội thừa nhận và cơ quan quản lý xác nhận. Người trúng tuyển vào trường, nhất là cán bộ của các đơn vị khác, trước khi giao nhiệm vụ giảng dạy phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm.

- Về qui trình tuyển chọn: tiến hành qua 8 bước sau:

+ Bước 1: Hoạch định kế hoạch nhân sự (trong đó có kế hoạch tuyển dụng) của trường cho từng năm học và cho một kế hoạch tiên liệu tiếp theo từ 3 đến 5 năm sắp tới.

Cơ sở hoạch định này dựa trên chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về GD – ĐT nói chung và GD đại học nói riêng; trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của nhà trường và trên cơ sở dự báo khả năng diễn biến về tình hình phát triển công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của địa phương.

Đơn vị thực hiện bước 1 này là Phòng Tổ chức – Hành chính, đơn vị phối hợp là phòng Đào tạo và nghiên cứu khoa học và các khoa có liên quan.

+ Bước 2: Sau khi được Đảng uỷ và Hiệu trưởng thống nhất bản hoạch định nhân sự, nhà trường tổ chức công khai bảo vệ kế hoạch này trước Hội đồng sư phạm để lấy ý kiến đóng góp bổ sung và trên cơ sở đó hoàn chỉnh bản kế hoạch nhân sự của nhà trường.

+ Bước 3: Trình các cấp thẩm quyền phê duyệt bản kế hoạch.

+ Bước 4: Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch tuyển dụng giảng viên.

+ Bước 5: Thu nhận hồ sơ dự tuyển. Tổ chức sơ tuyển để chọn các hồ sơ đạt và đúng tiêu chuẩn. Đơn vị thực hiện bước này là Phòng Tổ chức – Hành chính

+ Bước 6: Hội đồng tuyển dụng, do Hiệu trưởng làm Chủ tịch, họp để quyết định tạm tuyển đối với từng hồ sơ dự tuyển cụ thể. Hội đồng phải bao gồm đủ các thành phần chủ chốt trong nhà trường và đặc biệt là phải có cán bộ chuyên môn tư vấn cho hội đồng.

+ Bước 7: Các nhân sự tạm tuyển phải qua một thời gian thử việc. Thời gian thử việc của đơn sự phải do đơn vị chuyên môn quản lý và tổ chức đánh giá một cách công bằng, chính xác và khách quan về chất lượng giảng dạy cũng như triển vọng của đương sự.

+ Bước 8: Hội đồng tuyển dụng họp xem xét để quyết định tuyển dụng chính thức đối với các nhân sự đã qua thử việc đạt yêu cầu. Các nhân sự được tuyển chọn chính thức phải qua một thời gian tập sự theo đúng qui định của Nhà nước.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật tỉnh thái bình luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 82 - 84)