Sử dụng đội ngũ giảng viên một cách có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật tỉnh thái bình luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 84 - 86)

Muốn sử dụng đội ngũ giảng viên một cách có hiệu quả thì phải biết sử dụng đúng người, đúng việc, phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi người. Muốn vậy, nhà trường phải:

- Trước tiên là hiểu đúng và ứng xử đúng với các khái niệm: kỷ cương, tình thương, trách nhiệm [ 31 ]

+ Kỷ cương là phân công giảng viên giảng dạy đúng với chuyên ngành được đào tạo, phù hợp với chức danh và trình độ chuyên môn của giảng viên. Giảng viên trong khi giảng dạy phải tuân thủ đúng các qui định hiện hành. Nhà trường cần phải kiểm tra, giám sát mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên, đánh giá đúng chất lượng và hiệu quả công việc được giao để thưởng - phạt rõ ràng và mọi người đều tuân thủ hành lang pháp lý do nhà nước, nhà trường đã xây dựng và ban hành.

+ Tình thương là tạo môi trường thuận lợi nhất để cho giảng viên có thể phát huy được tối đa tiềm năng của mình, những người kém được giúp đỡ, kèm cặp để vươn lên; những người giỏi được khuyến khích để phát huy hết khả năng trong giảng dạy, NCKH, kèm cặp giảng viên trẻ, nhất là được cống hiến nhiều hơn cho quá trình mở rộng đào tạo của nhà trường. Nhà trường phải có chính sách đãi ngộ phù hợp với công sức lao động sáng tạo của giảng viên, biết tôn trọng đội ngũ giảng viên.

+ Trách nhiệm là xây dựng định mức hợp lý, hoàn thiện chế độ đãi ngộ theo nguyên tắc nghĩa vụ gắn với quyền lợi và mọi người phải nhận thức rằng, thành công hay thất bại của tổ chức phụ thuộc vào những kết quả cụ thể của từng cá nhân trong tổ chức đó.

+ Muốn sử dụng đội ngũ giảng viên có hiệu quả thì trước hết phải dựa vào các chuẩn mực nhất định, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình chuẩn hoá và nâng chuẩn giảng viên. Thực hiện có hiệu quả việc quản lý sử dụng giảng viên

sẽ tạo động lực thúc đẩy đội ngũ giảng viên nhà trường phát huy hết khả năng của mình cho sự nghiệp đào tạo và NCKH; không ngừng vươn lên, tự học tập, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ về mọi mặt - là điều kiện thuận lợi để nhà trường xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng.

+ Việc bố trí, sử dụng giảng viên phải thông qua hoạt động thực tiễn. Không đánh giá, bố trí, sử dụng giảng viên một cách cảm tính, chủ quan. Mọi phẩm giá, danh hiệu và cống hiến đều phải kiểm nghiệm qua thực tiễn vì hoạt động thực tiễn là nơi đánh giá, sàng lọc giảng viên một cách chính xác nhất.

+ Việc bố trí, sử dụng giảng viên không nên chỉ dựa vào bằng cấp, vì có những giảng viên năng lực chưa tương xứng với bằng cấp. Tuy nhiên, cũng không được dễ dãi trong bố trí, sử dụng đối với những giảng viên chưa đạt chuẩn về bằng cấp, mặc dù năng lực đã được khẳng định qua hoạt động thực tiễn.

+ Trong sử dụng, bố trí giảng viên cần phải chú ý kết hợp giảng viên trẻ có nhiệt huyết, nhưng thiếu kinh nghiệm với giảng viên giàu kinh nghiệm trong công tác thực tiễn để bổ sung cho nhau trong quá trình hoàn thiện, và đảm bảo sự kế thừa, phát triển.

+ Trong sử dụng, bố trí giảng viên, cần đặc biệt chú ý đến việc bố trí người đứng đầu các đơn vị chuyên môn. Trong một tổ chức dù lớn hay nhỏ, người đứng đầu đều có vai trò như nhau. Người đứng đầu dứt khoát phải là người có tài, có tâm và có tầm; có uy tín chuyên môn với tập thể giảng viên. Chọn đúng thủ trưởng là một bí quyết thành công, sẽ quy tụ được trí tuệ tập thể … nếu chọn sai người đứng đầu sẽ làm cho giảng viên không “tâm phục, khẩu phục”, hạn chế chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ, nội bộ phân tán mất đoàn kết. Song cho dù người có tài thì cũng không nên để một người đảm đương quá nhiều chức vụ, công việc, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của nhiệm vụ chủ yếu.

+ Việc bố trí, sử dụng giảng viên phải dựa vào sự hỗ trợ của quá trình quản lý công chức qua hồ sơ, văn bản và đặc biệt là áp dụng chương trình quản lý công chức qua hệ thống thông tin trên máy tính để nắm bắt nhanh, kịp thời, chính xác được các thông tin cá nhân và các quá trình về học tập, giảng dạy, NCKH … của giảng viên.

Tóm lại: Hiệu quả của quản lý sử dụng giảng viên được phản ánh qua bố trí, sử dụng giảng viên đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đồng thời phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh riêng của từng giảng viên. Hiệu quả của quản lý sử dụng giảng viên còn biểu hiện ở tinh thần đoàn kết, nhất trí cao của tập thể giảng viên trong nhận thức cũng như trong hành động vì mục tiêu phát triển của tổ chức.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật tỉnh thái bình luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 84 - 86)