còn có những nhiệm vụ khác như những hoạt động tư vấn, giúp đỡ sinh viên và những hoạt động liên quan đến trách nhiệm của một cán bộ công chức như tham gia các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội của cơ quan. Các thông số chủ yếu đánh giá kết quả hoạt động này là những đóng góp của giảng viên cho cộng đồng xã hội, cho sự phát triển toàn diện của sinh viên, cho tập thể của đơn vị mình, cho nhà trường cũng như sự tuân thủ nôi quy, quy chế của đơn vị …
3.2.4. Giải pháp 4: Thường xuyên quan tâm quản lý đào tạo, bồi dưỡng giảng viên
• Mục tiêu:
Giải pháp này giúp cho việc nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên về mọi mặt.
• Nội dung và tổ chức thực hiện:
- Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với qui hoạch và sử dụng giảng viên. giảng viên.
Quy hoạch là sắp xếp một cách hợp lý vị trí của từng cán bộ trong tương lai và vạch ra tiến độ, qui trình thực hiện. Nói cách khác quy hoạch chính là sự “khoanh lại”, “bao lại” những người kế cận và tạo nguồn cho một một vị trí, một chức danh và vạch ra kế hoạch để thực hiện điều đó.
Quy hoạch đội ngũ giảng viên phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của nhà trường, trên cơ sở phân tích thực trạng đội ngũ giảng viên hiện có, dự kiến khả năng phát triển của họ và tính đến khả năng bổ sung nguồn từ bên ngoài.
Quy hoạch tổng thể đội ngũ giảng viên cần làm rõ số lượng, yêu cầu về cơ cấu trình độ học vấn, cơ cấu độ tuổi, cơ cấu giới tính, cơ cấu chuyên môn đào tạo, làm cơ sở cho việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giảng viên trong từng giai đoạn phát triển của nhà trường.
Muốn làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, thì phải gắn nó với quy hoạch và sử dụng đội ngũ giảng viên. Căn cứ vào quy hoạch tổng thể, Trường Cao đẳng VHNT Thái Bình xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng giảng viên, cần lưu ý một số điểm sau:
- Trọng tâm, trọng điểm:
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng đội ngũ giảng viên, khoa nào, chuyên ngành nào còn yếu, yếu ở mặt nào, kiến thức nào … thì cần đặt trọng tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên vào đơn vị đó, nội dung đó. Trước hết, cần phải phát hiện những điểm yếu nhất của đội ngũ để tập trung khắc phục, tạo nên sự đồng bộ, nhịp nhàng trong hoạt động của bộ máy tổ chức.
- Xây dựng đội ngũ giảng viên kế cận:
Hiện nay, số giảng viên có trình độ cao, đầu tàu của các ngành học có tuổi đời tương đối cao nên việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên kế cận là nhiệm vụ hết sức cấp thiết và rất quan trọng nhằm tạo nên những nhân tố mới, đảm bảo sự liên tục, kế thừa và phát triển của đội ngũ giảng viên.
Quy hoạch đội ngũ giảng viên là quá trình phát hiện, tạo nguồn để bồi dưỡng, nâng cao tính kế thừa, liên tục và phát triển của đội ngũ giảng viên. Trong công tác quy hoạch phải coi trọng việc tạo nguồn, nếu không có nguồn thì sẽ không quy hoạch được. Chọn cán bộ tạo nguồn phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn chức danh, phải đúng người, đúng việc, đúng vị trí và tài năng. Để có nguồn phong phú phải khai thác hết tiềm năng sẵn có của đội ngũ, đồng thời phải mở rộng phạm vị tạo nguồn ra ngoài đơn vị, tổ chức.
- Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với sử dụng:
Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trước tiên phải gắn với quy hoạch, xuất phát từ quy hoạch và chỉ có hiệu quả khi gắn với sử dụng. Tránh tình trạng đào tạo, bồi dưỡng xong nhưng không bố trí, sử dụng hoặc bố trí, sử dụng không đúng với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng ban đầu khi nó còn là bản kế hoạch. Điều này sẽ
gây ra lãng phí, đặc biệt là các lãng phí vô hình như gây tâm lý bất mãn, triệt tiêu động lực phấn đấu vươn lên của người được đào tạo, bồi dưỡng…, có thể tác động nghiêm trọng đến thái độ, tinh thần, ý thức và động lực của đội ngũ giảng viên trong việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.