7. Cấu trúc luận văn
1.2.2. Vị trí của tiểu thuyết Dấu chân người lính
Nguyễn Minh Châu là một trong số những cây bút hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Trong suốt 29 năm cầm bút của mình, kể từ lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn với truyện ngắn Sau một buổi tập được in trên báo Văn nghệ quân đội (số 10 năm 1960) cho đến những tác phẩm cuối cùng được viết trên giường bệnh, ông đã để lại cho đời 13 tập văn xuôi và 1 tập tiểu luận phê bình. Trong số đó, tiểu thuyết Dấu chân người lính (1970) là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Minh Châu và cũng là một trong những tác phẩm có vị trí quan trọng trong tiểu thuyết chiến tranh trong văn học cách mạng Việt Nam (1945 – 1975).
Dấu chân người lính chủ yếu viết về cuộc hành quân, bao vây và tiêu diệt giặc ở núi rừng Quảng Trị, qua đó ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; làm sáng rõ hơn mối quan hệ máu thịt giữa tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, đặc biệt trình bày được mối quan hệ biện chứng giữa hai thế hệ cùng sát cánh bên nhau cùng chiến đấu cho lý tưởng cách mạng. Tác phẩm ngay từ hai chương đầu giới thiệu trên tạp chí Văn nghệ quân đội vào năm 1970 đã chinh phục được bạn đọc.
Không chỉ được đông đảo độc giả hoan nghênh mà Dấu chân người lính
của Nguyễn Minh Châu còn được đồng nghiệp cũng như giới nghiên cứu – phê bình văn học đánh giá cao. Theo Song Thành, “Dấu chân người lính đánh dấu bước tiến mới của Nguyễn Minh Châu trong tiểu thuyết. Ở đây cảm xúc của anh đã có thể theo kịp suy nghĩ để tạo nên một số hình tượng có sức hấp dẫn về tư tưởng và nghệ thuật” [53, 88]. Ngô Thảo khẳng định: “Với Dấu chân người lính, Nguyễn Minh Châu đã đóng góp vào văn học chống Mĩ một tác phẩm xuất sắc viết về người lính” [72, 135]. Phan Cự Đệ nhận xét: “Từ
Cửa sông đến Dấu chân người lính Nguyễn Minh Châu đã tiến những bước vững chắc và hứa hẹn...” [72, 137]. Trung Dũng cho rằng, “có thể nói sáng tác mới này của anh là một trong những cuốn tiểu thuyết đáng được chú ý trong số những sáng tác đã xuất bản những năm gần đây, một sáng tác văn học có tính chiến đấu phản ánh một hiện thực cuộc sống còn đang nóng bỏng, mà muốn có được những chất liệu quý báu ấy người viết đã xác định trước nếu cần thì cũng sẽ cầm súng và sẵn sàng hi sinh cuộc sống của mình” [53, 49]. Trần Trọng Đăng Đàn cũng nhận định: "Với Dấu chân người lính, Nguyễn Minh Châu đã góp một phần quan trọng vào việc đẩy những hình tượng người anh hùng cách mạng trong văn học lên gần với những điển hình mà công chúng đang chờ đợi" [53, 66]. Hà Minh Đức nhấn mạnh: "Dấu chân người lính khẳng định tài năng của nhà văn quân đội về đề tài chiến tranh cách mạng" [53, 59]. Còn nhà thơ Vũ Cao nói về Dấu chân người lính đã kết luận:
“Người khó tính nhất cũng phải khen đây là một thành công mới trong sự nghiệp sáng tác về chiến tranh” [15, 42]...
Qua ý kiến đánh giá của các nhà văn, nhà nghiên cứu – phê bình văn học, chúng ta thấy Dấu chân người lính đã đánh dấu một bước phát triển mới trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu cũng như của tiểu thuyết chiến tranh nói riêng và nền văn xuôi cách mạng nói chung.