7. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Người lính – Từ những người anh hùng mang vẻ đẹp lý tưởng
phận bi kịch bởi chiến tranh.
2.2.1. Người lính – từ những người anh hùng mang vẻ đẹp lý tưởng... lý tưởng...
2.2.1.1. Viết theo khuynh hướng sử thi, văn học cách mạng Việt Nam (1945 – 1975) không chỉ tập trung phản ánh những vấn đề cơ bản nhất, có ý
nghĩa sống còn của đất nước mà các tác giả còn dồn nhiều tâm huyết để xây dựng những hình tượng con người đại diện cho tinh hoa, khí phách và ý chí của toàn dân tộc, gắn bó số phận của mình với số phận của đất nước. Và một điều tất yếu, hình tượng những người lính – những người anh hùng với vẻ đẹp lý tưởng trở thành hình tượng trung tâm của hầu hết các tác phẩm văn học thời kỳ này. Là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nền văn học cách mạng viết theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu đã thực sự gây ấn tượng với người đọc bởi một thế giới nhân vật đông đảo, trong đó chủ yếu là những người lính thuộc các thế hệ khác nhau được miêu tả với vẻ đẹp lý tưởng cả về thể chất lẫn tâm hồn, kết tinh những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ.
Gây ấn tượng trước tiên đối với người đọc là vẻ đẹp hình thể của những người lính. Vẻ đẹp giản dị, khoẻ khoắn của chính uỷ Kinh được hiện ra qua những chi tiết: “Kinh mặc quần sooc dài gần chấm gối để lộ một cái đầu xương bánh chè vẫn còn chắc, bắp thịt dưới bụng chân rất săn...” [17, 49], “ông mặc bộ quần áo vải nâu, vóc cao lớn” [17, 11]. Bên cạnh Kinh là Nhẫn với “vẻ bề ngoài trông thanh lịch như một chàng sinh viên. Tiếng nói chậm rãi và nhỏ nhẹ, anh ít khi cười nhưng nét mặt bao giờ cũng nhẹ nhỏm...” [17, 114]; Lượng với “đôi cánh tay rắn chắc như chiếc đòn gánh" [17, 24], “thân hình cao lớn và chắc nịch (…) cử chỉ và tiếng nói cứng cỏi như ngày trước” [17, 23]; rồi Lữ với "khuôn mặt thật đẹp (...), mái tóc đen nhánh như dầu, mái tóc kẻ một vệt thẳng ngang trước vầng trán phẳng và trắng phau..." [17, 68]. Ngoài ra, trong tiểu thuyết này ta còn bắt gặp vẻ đẹp giản dị của những anh chàng lính thông tin với cặp mắt đen màu chì than; vẻ đẹp dẻo dai, khoẻ khoắn, rạng ngời của những người lính vô danh trên con đường hành quân ra trận đầy khí thế: “những bắp chân bắt đầu săn lại thành múi. Các đường gân căng ra” [17, 49], “khuôn mặt nào cũng đẫm mồ hôi và bừng bừng như say’’
[17, 47]... Có thể nói, từ bên ngoài, các nhân vật trong Dấu chân người lính đã toát lên vẻ đẹp anh hùng nhưng cũng không kém phần lãng mạn.
Thế nhưng, điều đáng nói hơn cả chính là ở vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách của những người lính. Người đại diện tiêu biểu nhất cho thế hệ cha anh trong tiểu thuyết này chính là chính uỷ Kinh – một người chỉ huy có tài, suốt cuộc đời hy sinh quyền lợi cá nhân, gia đình cho cách mạng. Ông mang phẩm chất của một cán bộ xuất thân từ nông dân: là một con người nghiêm nghị, dạn dày trong khói lửa nhưng cũng rất đức độ, nhân hậu và giàu tình cảm, là cán bộ lãnh đạo nhưng lại có tác phong rất gia đình, xuề xoà, cởi mở, gần gũi. Ông "thương lính kiểu đàn bà hay bằng với tấm lòng một người mẹ" [17, 271]: ông đã tìm đủ mọi cách để lo bữa ăn cho chiến sĩ; ông không hút thuốc lá nhưng trong chiếc túi vải hoa bao giờ cũng có một vài bao để mời mọi người; sau trận đánh, ông xắn quần sục vào từng hốc đá cõng các đồng chí bị thương đến chỗ cấp cứu; mỗi lần lên chốt ông thường giắt vào người những thứ được cấp phát theo tiêu chuẩn riêng để bồi dưỡng cho các chiến sĩ; khi nghe tin Khuê hi sinh, ông đã bỏ bữa cơm trưa hôm ấy... Đặc biệt là tình thương của ông đối với Lữ: “Ông thấy thương con vô hạn, xen lẫn một niềm tự hào ngấm ngầm, nhưng vẫn không khỏi lo lắng, một nỗi lo mơ hồ và gần như bất lực” [17, 89]. Ở ông cũng luôn có sự chân thành, khiêm tốn đối với lớp trẻ: "Chỉ mấy tháng trong một chiến dịch, ông đã hiểu biết thêm về những người chiến sĩ trẻ tuổi như bằng cả một đời người, nhưng ông không khỏi nhận thấy không thể hiểu và đánh giá hết lòng hy sinh quả cảm, sức lực và tài trí của từng người đã cùng ông lăn lộn trên mảnh đất này...” [17, 542 - 543]. Hơn nữa, là cán bộ chỉ huy nhưng Kinh không tự phụ mà luôn biết lắng nghe cấp dưới nhận xét về những thói xấu của mình mà không "trù", không giận, thậm chí Kinh còn "ao ước được nghe tất cả mọi người trong trung đoàn nói về những ưu điểm và khuyết điểm của ông, được đặt mình dưới con mắt nhận xét của mọi chiến sĩ, được thử thách trước họ" [17, 38]. Và bằng nhân cách và
"tầm vóc vô hình" của mình, ông đã thuyết phục được các chiến sĩ, phát huy được sức mạnh đoàn kết của bộ đội. Quả thật, "cái đức độ và lòng nhân hậu thủy chung, cách sống giản dị, thanh bạch, gần quần chúng, phong thái điềm tĩnh, ung dung, hơi có vẻ cổ xưa nhưng tâm hồn lại rất mới, rất trẻ, tất cả những cái đó tạo nên ở chính uỷ Kinh một nét gì rất Việt Nam, rất xứ Nghệ" [53, 55]. Kinh có thể xem là một mẫu mực về người cán bộ chính trị trong quân đội.
Không chỉ có những người thuộc thế hệ đi trước, trong tập thể những người lính – những người anh hùng còn có rất nhiều người thuộc thế hệ trẻ. Một trong những nhân vật tiêu biểu cho thế hệ những người lính trẻ đó là Lữ - con trai chính uỷ Kinh. Trước hết, anh là một thanh niên nhiệt tình, khảng khái, trung thực, có lòng yêu quê hương đất nước nồng nàn, có tinh thần trách nhiệm với dân tộc, có lý tưởng cách mạng và hoài bão sống mạnh mẽ. Qua những trang nhật kí của Lữ ghi lại trên đường hành quân chúng ta thấy những tình cảm của anh đối với quê hương, đất nước, gia đình thật thiết tha, sâu nặng. Anh đã không khỏi đau đớn khi chứng kiến những thực tế mất mát, đau thương của quê hương mình dưới sự tàn phá của quân thù. Và Lữ đã rời ghế nhà trường đi đánh giặc bởi một nguyên cớ thật hồn nhiên và lãng mạn: vì kẻ địch xâm lược nên "phải giã từ hết, phải ném vào lửa hết, phải ném vào lửa bằng hết, tất cả mọi thứ sách vở và bản thân những thằng học trò như mình cũng cần phải được ném vào lửa" [17, 77] để tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước. Mười bảy tuổi, Lữ bước vào chiến trường mang theo cả tâm hồn mộng mơ, lãng mạn cùng cái phong thái của một nghệ sỹ. Nhưng càng ngày anh càng trở nên dày dạn, chín chắn, bản lĩnh hơn qua những cuộc chiến đấu với kẻ thù, qua các trận đánh. Ỏ Lữ đã ít nhiều có cái khắc kỷ của một anh chàng tiểu tư sản đang tự cải tạo mình, phân tích mình để vươn lên một lý tưởng mới vượt qua những thử thách mới. Đặc biệt, sau hôm quần nhau với những tên lính Mĩ, Lữ đã cảm thấy mình trưởng thành lên rất nhiều: "Mình
không phải là một thằng học sinh chỉ biết đọc sách, trước việc gì cũng ngây thơ như mình vẫn tự đánh giá, mình cũng biết cầm súng chiến đấu, khi cần thiết cũng có thể hành động quyết liệt như tất cả mọi người" [17, 245]. Trong chiến đấu, anh luôn tỏ ra dũng cảm, gan dạ và hết lòng vì nhiệm vụ được giao. Anh và Đàm dũng cảm chiến đấu với cả một tiểu đoàn địch. Bị thương ngất đi nhưng khi tỉnh dậy anh vẫn không hề nghĩ đến bản thân mình mà "Lữ mừng muốn đến trào nước mắt khi anh nhận ra cái vật đang đè trĩu ngay trên ngực mình vẫn là chiếc điện đài" [17, 241]. Anh mừng vì cuối cùng anh vẫn bảo vệ được máy, vẫn bảo vệ được "tiếng nói" của mình. Kết tinh vẻ đẹp của người chiến sĩ trẻ Lữ chính là hành động hy sinh anh dũng của anh ở cao điểm 475: gọi pháo dội xuống đầu, sẵn sàng nhận sự hi sinh về mình để dập tắt đợt tấn công cuối cùng của địch lên điểm cao 475. Sự hi sinh của Lữ qua cách miêu tả đầy màu sắc lãng mạn của nhà văn chẳng khác gì sự hi sinh của nhân vật anh hùng trong các tác phẩm sử thi cổ đại: "Lữ nằm gục trên chiếc đài, những ngón tay vẫn nắm chặt cái ống tổ hợp. Người chiến sĩ điện thanh ấy trước khi hi sinh còn ngẩng cao đầu lên một lần cuối cùng. Trên nền trời cao, rất cao và xanh, lá cờ đỏ mỗi lúc một thắm tươi đang bay, lá cờ mỗi lúc càng tiến dần đến trước mặt. Rồi anh nhắm mắt hẳn. Những món tóc rất xanh rối bù dính bết máu phủ kín cả vầng trán lấm tấm mồ hôi đã trắng nhợt. Dường như từ trong ngực anh, chiếc đài vẫn đang nói sang sảng" [17, 496]. Cái chết của Lữ và những người lính như anh đã gieo mầm cho sự sống của dân tộc, cho sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Có thể nói, Lữ là một hình tượng nhân vật vừa mang tính hiện thực lại vừa giàu chất lãng mạn, là một điển hình nghệ thuật thành công về vẻ đẹp của những người chiến sĩ trẻ thời chống Mỹ, "là cố gắng đầu tiên của tác giả để vươn tới một hình tượng trong đó “chứa đựng cả niềm vui và nỗi buồn, cả hoài bão và lý tưởng của cả một thế hệ tuổi trẻ” [72, 131].
Ngoài Kinh và Lữ - hai nhân vật đại diện cho hai thế hệ người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ, trong tập thể những người anh hùng được xây dựng trong tác phẩm còn có nhiều nhân vật đáng chú ý khác. Trong số những nhân vật tiêu biểu đại diện cho thế hệ những người đi trước còn có trung đoàn trưởng Nhẫn – một cán bộ chỉ huy giàu năng lực, từng trải và dày dạn kinh nghiệm chiến trường. Lớp cán bộ trẻ hơn còn có Lượng với sức chịu đựng phi thường cũng như sự dũng mãnh, xông xáo, khôn ngoan, gan góc trong chiến đấu; Khuê – một cán bộ chỉ huy dũng cảm, gan dạ và mưu trí đã từng dẫn cả tiểu đội xung phong thành hàng ngang đâm thẳng vào giữa đội hình của địch... Trong đội ngũ những người chiến sĩ thuộc thế hệ trẻ tuổi còn có Cận, Hồi, Đàm, Moan, Hoạt, Phán... – những người đã dũng cảm từ giã gia đình, trường học và từ giã một cuộc sống tương lai tươi đẹp, từ bỏ cả trái hạnh phúc đã ửng hồng trong vườn nhà mình để đi vào cuộc chiến đấu đầy vất vả, hy sinh một cách vô tư, lạc quan, tươi trẻ. Tuy mỗi người có một tính cách riêng, một hoàn cảnh riêng song tất cả họ đều là những con người say mê lý tưởng, có sự giác ngộ giai cấp cao độ, có ý chí và nghị lực phi thường, có tinh thần anh dũng chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp chung của dân tộc với lòng lạc quan cách mạng và niềm tin chiến thắng. Họ chính là sự kết tinh những phẩm chất tốt đẹp của các thế hệ người Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mĩ hào hùng của dân tộc.
Một cách khái quát, có thể nói Dấu chân người lính là một bản anh hùng ca nói lên tất cả lòng khâm phục và tình cảm yêu mến của nhà văn đối với thế hệ những người lính tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với tiểu thuyết này, "Nguyễn Minh Châu đã góp một phần quan trọng vào việc đẩy những hình tượng người anh hùng cách mạng trong văn học lên gần với những điển hình mà công chúng đang chờ đợi” [53, 52].
2.2.1.2. Trong Đất trắng, Nguyễn Trọng Oánh tiếp tục ngợi ca, khẳng định những phẩm tốt đẹp của người lính – những người anh hùng trong kháng chiến chống Mĩ.
Một trong những nhân vật tiêu biểu, có nhiều thành tích đóng góp vào sự thành công của trung đoàn Mười Sáu chính là ông Ba Kiên. Từ hồi kháng chiến chống Pháp, trong trận càn Thanh Hương, ông và một tổ ba người đã đánh nhau với cả một tiểu đoàn địch suốt cả ngày cho đơn vị rút và từng được phong Anh hùng quân đội. Trong kháng chiến chống Mĩ, với vai trò là người cán bộ chỉ huy và lãnh đạo cao nhất, ông trở thành "linh hồn" của cả trung đoàn, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho anh em. Ông là một người cán bộ chan hoà, cởi mở, không ồn ào nhưng lại thích sống trong cảnh nhộn nhịp của chiến tranh. Điểm dễ nhận thấy ở ông chính là sự sâu sát, gần gũi, yêu thương chiến sĩ và cán bộ cấp dưới: ông san sẻ với anh em chiến sĩ từng điếu thuốc; tối đến ông mang chăn màn ngủ chung với anh em trinh sát; đi công tác ông tự mang vác lấy đầy đủ mọi thứ như những anh em khác; có lần bị thương ở chân nhưng ông vẫn tự chống gậy đi, để dành cáng cho những thương binh nặng... Ông giữ vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong việc củng cố tinh thần chiến đấu của anh em: "Có người chỉ huy như vậy, mọi người cảm thấy yên tâm. Nhiều khi tác phong sâu sát, thái độ bình tĩnh của ông có một sức mạnh còn lớn hơn cả những lời động viên, cổ vũ" [116, 168]. Không những thế, khi làm công tác tư tưởng ông còn luôn có ý thức nói rõ cho chiến sĩ những sự thật ở chiến trường với muôn vàn khó khăn, gian khổ để họ chủ động đối phó. Ông cho rằng, "một số cán bộ từ trong nam ra, chẳng biết có xuống chiến trường không, nói như sắp thắng đến nơi, làm cho bọn thanh niên háo hức tranh nhau đi. Cái thứ tuyên truyền rẻ tiền ấy đã gây tác hại không ít cho đơn vị sau này" [117, 54]. Đối với nhân dân, ông cũng luôn chan hoà, cởi mởi, chân tình: "Má Hai thích ông Ba Kiên vì ông sống hồn nhiên, cởi mở..." [116, 110]. Nét nổi bật nữa ở người chỉ huy này chính là sự dũng cảm, gan dạ, bình tĩnh,
mưu trí trong chiến đấu. Có lần bị thương ở chân nhưng ông vẫn tiếp tục nhảy cò cò một chân, cầm ống nghe đi theo mãi vào trong trung tâm để chỉ huy bộ đội. Đặc biệt, là cán bộ lãnh đạo cao nhất của trung đoàn, ông luôn tỉnh táo phân tích tình hình và nhận định vấn đề một cách chính xác, ở tầm cao, tầm xa. Ông đã từng nói với ông Dũng – một cán bộ chỉ huy và cũng là người bạn chiến đấu thân thiết của mình: "Cách mạng làm thay đổi con người đi. Trước kia tôi là tá điền, chủ nó bảo sao, tôi làm vậy. Còn bây giờ là trung đoàn trưởng, tôi phải có cái đầu của tôi..." [117, 40]. Trước việc Tám Hàn đầu hàng, mọi người cho rằng hắn là gián điệp cài lại và chậm lắm là sáng ngày mai địch sẽ càn vào khu vực này. Nhưng với ông Ba Kiên, "Tám Hàn đầu hàng sẽ gây ra một khó khăn rất lớn cho toàn Miền, chứ riêng cái khu vực bé nhỏ này thì ông lại không lấy làm lo lắm" [116, 220]. Hắn ta được tham dự nhiều cuộc họp cán bộ cao cấp, nắm được nhiều chủ trương lớn, biết được nhiều bí mật liên quan đến vận mệnh của cả cuộc tổng tiến công. Vì thế, ngay khi nghe tin Tám Hàn đầu hàng ông đã ngay lập tức gửi thư báo cho Bộ chỉ huy Miền. Có thể nói, ông Ba Kiên chính là một hình tượng đẹp đẽ về người cán bộ chỉ huy trong kháng chiến chống Mĩ: dũng cảm, mưu trí, sâu sát, gần gũi chiến sĩ và nhân dân, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích riêng tư của mình.
Bên cạnh ông Ba Kiên, trong hàng ngũ những cán bộ chỉ huy được nói đến trong Đất trắng còn có những hình tượng tiêu biểu khác. Đó là ông Dũng – một người bạn thân của ông Ba Kiên và cũng là một cán bộ chỉ huy tài ba, kiên