7. Cấu trúc luận văn
3.3.1. Từ không gian chiến trận đến không gian tâm lý, tâm linh
3.3.1.1. Tiểu thuyết chiến tranh giai đoạn 1945 – 1975 và một số tiểu thuyết mười năm đầu sau giải phóng viết theo bút pháp sử thi, tập trung thể hiện những biến cố lịch sử lớn lao của dân tộc nên không gian nghệ thuật trong các tác phẩm chủ yếu là không gian rộng lớn – không gian chiến trận.
Trong Dấu chân người lính, không gian chiến trận được kiến tạo bởi những cảnh tượng mang đậm tính chất hào hùng. Trước hết, đó là không gian của một cuộc hành quân thật đông vui, tấp nập, mạnh mẽ, với không khí tưng bừng như ngày hội, là điểm hội tụ của nhiều thế hệ, là nơi gặp gỡ của nhiều binh chủng khác nhau: "Các ngả đường ngập những lính, đâu đâu cũng nghe tiếng hát, tiếng ồn ào của đám đông, đâu đâu trong rừng cũng sực lên hơi người, đâu đâu cũng gặp những bếp than cháy dở..." [17, 14]. Tuy nhiên, nét vẽ chủ đạo trong bức tranh không gian chiến trận vẫn là khung cảnh trận địa với bom đạn của kẻ thù, những cuộc chiến đấu ác liệt và đặc biệt là những trận đánh áp đảo, chủ động của bộ đội ta: "Chỉ trong mấy phút, những loạt đạn pháo đầu tiên của ta bắt đầu dội xuống sườn núi trước mặt. Rồi đạn pháo nổ dồn dập, trùm lên đội hình tiểu đoàn quân địch như một cái mũ chụp bằng lửa khổng lồ" [17, 236]. Bên cạnh đó, không gian chiến trận còn được bổ sung bằng những hình ảnh thảm hại của kẻ thù: "Xác những tên lính Mĩ nằm co quắp khắp nơi. Ngay trước mặt Kinh, bên kia một gốc cây, ba bốn thằng chết nằm ngửa tênh hênh. Nắng như dội lửa xuống mặt chúng..." [17, 21]. Và đối lập với nó là bức tranh thiên nhiên hiện lên đẹp đẽ, lãng mạn, tràn đầy chất thơ: "Cơn bão vừa lặng thì trăng mọc. Không biết là giọt nước mưa hay sương rơi vào một vùng lá cây đầy trăng sáng vằng vặc" [17, 312]. Ngoài ra, trong không gian chiến trận ấy còn có hình ảnh núi rừng, nụ cười của chiến sĩ, tình cảm bè bạn, cha con, đồng chí, đồng đội, tình yêu nam nữ... Xây dựng không gian nghệ thuật như vậy, tác phẩm này của Nguyễn Minh Châu đã thể hiện được khí thế hào hùng, oanh liệt của thời đại đánh Mĩ. Đồng thời, nó cũng làm bật nổi vị thế của những người lính - người anh hùng và tôn thêm ý nghĩa của những chiến công hiển hách họ đã giành được. Đó chính là cái phông, cái nền để toả sáng vẻ đẹp anh hùng của người lính.
Vẫn là những hình ảnh về bom rơi, đạn nổ, những cuộc hành quân, những trận chiến đấu ác liệt nhưng khác với tính chất hào hùng và có phần
lãng mạn trong Dấu chân người lính, không gian chiến trận trong Đất trắng
được nhà văn xây dựng qua cái nhìn bi kịch hoá với những mảng không gian cực kỳ căng thẳng: "Ông Thêm bơi ra đến giữa sông thì ánh đèn tắt (...). Bỗng ông nghe có tiếng động cơ ở phía bên phải: ca nô. Ông ước lượng cự ly. Phải đến bốn chục mét nữa. Một luồng ánh sáng tự nhiên chói rực, quét ngang mặt sông. Lúc đó ông Thêm bỗng cảm thấy mình chậm chạp lạ thường (...). Chiếc ca nô càng chạy gần đến nơi, tiếng động cơ càng lẫn đi trong tiếng sóng rào rào. Ánh đèn pha tắt rồi lại sáng, sáng rồi lại tắt, cứ như thế quét đi quét lại trên mặt nước, giống như đùa giỡn với người đang bơi (...). Chiếc ca nô đến rất gần tung bọt trắng xoá mà vẫn chưa bắn..." [116, 242]. Đây chỉ là một trong số khá nhiều những dẫn chứng tiêu biểu cho tính chất căng thẳng, ngột ngạt, nguy cấp của không gian chiến trận được phản ánh trong tác phẩm. Cùng với đó, đọc tiểu thuyết này chúng ta còn thấy xuất hiện nhiều mảng không gian bi thương của sự thất bại, mất mát, hi sinh. Xây dựng hình tượng không gian này, nhà văn đã thể hiện được tính chất cam go, khốc liệt của cuộc chiến – một cái nhìn thẳng thắn, trung thực vào bản chất chiến tranh. Đồng thời, xây dựng không gian chiến trận với cái nhìn bi kịch hoá cũng chính là một cách để nhà văn đề cao, ghi ơn đối với những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc thân mình vì nền độc lập, tự do của đất nước.
Bên cạnh không gian hướng ngoại, không gian hiện thực, trong hai tiểu thuyết nói trên chúng ta cũng thấy sự xuất hiện của không gian tâm tưởng gắn liền với điểm nhìn, trường nhìn của nhân vật. Trong Dấu chân người lính, nếu như không gian hiện thực mang đậm màu sắc hào hùng, oanh liệt thì không gian tâm tưởng thường gắn với những hồi ức buồn về những gì đau thương diễn ra trong quá khứ của nhân vật. Đó là khung cảnh căn nhà bị bom hiện lên trong tâm trí của Khuê khi anh nghĩ về gia đình. Hay hình ảnh con sông Hiền Lương bị đánh bom, hai bờ đá đầy thương tích; hình ảnh bản A-lâu bên bờ sông A-si bị giặc Mĩ đốt phá trong nhật ký của Lữ... Còn trong Đất trắng,
khác với không gian hiện thực mang tính chất bi kịch, không gian tâm tưởng lại thường gắn với những kỷ niệm hào hùng. Đó là hình ảnh bắn máy bay địch ở cảng sông Gianh - quê hương Canh qua những dòng hồi tưởng đầy tự hào của người kể chuyện; khung cảnh trận càn Thanh Hương trong kháng chiến chống Pháp gắn liền với chiến công của ông Ba Kiên và trung đoàn Mười Sáu... Không gian tâm tưởng đã góp phần làm hoàn thiện hơn bức tranh hiện thực chiến tranh trong tác phẩm. Tuy nhiên, mảng không gian này trong hai tiểu thuyết nói trên xuất hiện không nhiều.
3.3.1.2. Sau 1975 và đặc biệt là sau Đổi mới, cùng với sự chuyển đổi từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết, từ cảm hứng sử thi lãng mạn trở về với cảm hứng thế sự đời tư, từ con người cộng đồng sang con người cá nhân, từ việc khám phá hình ảnh người lính trong chiến tranh đến lịch sử chiến tranh trong tâm hồn người lính, như một điều tất yếu, không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết chiến tranh nói riêng và văn xuôi nói chung cũng có sự chuyển đổi từ không gian chiến trận - không gian bên ngoài (là chủ yếu) sang không gian tâm lý, tâm linh – không gian trong ký ức của nhân vật. Chúng ta không khó để nhận ra sự thay đổi này trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.
Theo Nguyễn Thái Hòa, “khác với không gian bối cảnh và không gian sự kiện, không gian tâm lý xuất hiện bên trong nhân vật, trong tâm trạng của người kể chuyện. Đó có thể là những dòng hồi ức triền miên của nhân vật đầy những tâm trạng vui buồn, những mơ ước mộng mị vẫn vơ, những ám ảnh, ám thị mơ hồ mà nhân vật không nói ra được...” [52, 91]. Trong tác phẩm, chúng ta thấy từng mảng không gian hiện ra qua những dòng hồi ức triền miên của Kiên về những gì đã diễn ra với anh trong quá khứ. Đó là khung cảnh cuối mùa khô năm 69, "mùa khô cực kỳ cùng khốn của toàn cõi B3" [113, 6]; hình ảnh trung đội trinh sát của Kiên chìm ngập trong bài bạc, hồng ma trong gần suốt mùa mưa; khung cảnh những trận đánh đẫm máu, độc ác, tàn bạo; hình ảnh những cái chết bi thảm của đồng đội; không gian Đồi Mơ
gắn liền với những kỷ niệm về Lan và người mẹ nuôi của Kiên; không gian nhà ga Thanh Hoá và chuyến tàu Hà Nội – Vinh gắn liền với bi kịch tình yêu của Kiên và Phương... Tất cả như một cuốn phim quay chậm cứa lần lượt hiện ra theo dòng ý thức của Kiên. Có thể nói toàn bộ chiến tranh và tình yêu nơi Kiên không phải được đặc tả trong thực tại mà trong không gian ảo giác, không gian tâm tưởng. Nhà văn dựng lên bối cảnh không gian hoà quyện giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực và hư, từ đó thế giới nội tâm nhân vật được biểu hiện với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, hiện thực chiến tranh hiện lên chân thực và sinh động. Phản ánh hiện thực từ điểm nhìn không gian này, tác phẩm này của Bảo Ninh hoàn toàn không bị hạn chế ở cái nhìn bi quan, ngược lại nó toát lên tư tưởng nhân văn bởi tính chân thật, không né tránh, bởi nó góp phần bộc lộ một cách sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của con người do chiến tranh gây ra.
Không chỉ không gian tâm lý, trong Nỗi buồn chiến tranh, người đọc còn thấy sự hiện diện của không gian tâm linh. Đó là một khung cảnh mang tính chất tâm linh thường xuất hiện khi con người thoát ly hiện tại để sống với một thế giới khác qua những giấc mơ, những linh cảm... Sau trận bại vong của tiểu đoàn 27 có "vô khối hồn ma ra đời trong trận bại vong ấy hiện vẫn lang thang khắp các xó xỉnh bụi bờ ven rừng, dọc suối chưa chịu chầu trời..." [113, 7]. Không gian tâm linh cũng xuất hiện qua những giấc mơ - Kiên mơ được gặp lại Phương: "Khi ngủ... những giấc mơ đậm đặc cảm giác, nóng bỏng và ngọt lịm như mật ứa ra trào lên lấp đầy cõi mộng mị. Trong những đêm mưa ấy, từ những miền không gian xa xanh sâu thẳm khuất chìm sâu sương mù ký ức, người con gái của thành phố quê hương lại hiện lên và bước tới với anh trong bóng hình tiên nữ mờ ảo..." [113, 29]. Có thể nói, "sự xuất hiện của không gian tâm linh trong tiểu thuyết hôm nay là một hệ quả tất yếu của không gian chiến trường, vì sự cực kỳ khốc liệt của bom đạn và hình ảnh những cái chết rất gần với lĩnh vực tâm linh" [35, 354]. Xây dựng không gian
tâm linh chính là một cách để giúp người đọc hình dung rõ hơn những hậu quả mà cuộc chiến tranh đã gây ra đối với cuộc đời và số phận con người.
Tuy chủ yếu là không gian hướng nội – không gian tâm lý, tâm linh, nhưng trong tiểu thuyết này chúng ta vẫn thấy sự xuất hiện của không gian hướng ngoại – không gian hiện tại, bên ngoài nhân vật. Song khác với trong
Dấu chân người lính và Đất trắng, không gian hướng ngoại ở đây không phải là khung cảnh chiến trường rộng lớn mà là không gian sinh hoạt đời thường – không gian hẹp. Đó là không gian đóng khung chật hẹp trong căn phòng trên tầng áp mái của khu chung cư ẩm ướt và ngột ngạt “giữa mớ đồ đạc và bàn ghế tồi tàn, giữa bốn bức tường tróc lở, những sách báo chồng đống trên sàn nhà bụi bặm, nứt nẻ, những vỏ chai lăn lóc, cái tủ đầy gián, chiếc gường xiêu vẹo bừa bãi chăn màn xơ xác...” [113, 81]. Xây dựng mảng không gian này, nhà văn muốn phản ánh một hiện thực đời sống bức bối, ngột ngạt, một thế giới vô cảm, lãnh đạm tách biệt với guồng quay sôi động bên ngoài. Đồng thời, điểm nhìn không gian này còn giúp nhà văn thể hiện sâu sắc tâm trạng giằng xé giữa quá khứ và thực tại trong tâm hồn nhân vật Kiên. Tuy nhiên, mảng không gian này chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm.
Tóm lại, không gian nghệ thuật là một phương diện quan trọng của hình thức nghệ thuật tác phẩm. Sự thay đổi trong cách thức kiến tạo không gian nghệ thuật trong ba tiểu thuyết nói trên đã cho thấy một bước tiến mới trong nghệ thuật phản ánh hiện thực chiến tranh trong tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam.