Từ kiểu nhân vật hành động đến kiểu nhân vật tâm lý

Một phần của tài liệu Chiến tranh trong ba tiểu thuyết dấu chân người lính, đất trắng, nỗi buồn chiến tranh luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 112 - 116)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Từ kiểu nhân vật hành động đến kiểu nhân vật tâm lý

3.1.1.1. Hoàn cảnh chiến tranh đòi hỏi con người phải mạnh mẽ, dứt khoát, quyết đoán, nói đi đôi với làm, phải liên tục hành động để đáp ứng kịp thời yêu cầu giải phóng dân tộc. Con người trong chiến tranh cần có hành động cụ thể, thiết thực để đối phó với kẻ thù hơn là suy tư chiêm nghiệm. Do

đó, con người thời kỳ này được nhìn nhận, đánh giá trước hết và chủ yếu qua những hành động, việc làm có ý nghĩa của họ đối với nhân dân, đất nước. Cố Tổng bí thư Trường Chinh đã từng khẳng định dứt khoát: "Anh hùng chỉ có thể là anh hùng nếu hành động của họ đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của quần chúng nhân dân đông đảo (...). Hành động anh hùng mới góp phần thiết thực thúc đẩy bánh xe lịch sử tiến lên" [Dẫn theo 65, 49 – 50]. Bám sát hiện thực cuộc sống chiến đấu và lao động sản xuất của nhân dân, văn học nghệ thuật Việt Nam 1945 – 1975 chủ yếu đề cao và ca ngợi trên hết cũng chính là những con người hành động. Và "bản chất con người mới là hành động cách mạng (...). Nắm vững được bản chất của con người mới, hiểu rõ sự hoạt động của nó trong tập thể quần chúng cách mạng. Đó là phương hướng biểu hiện con người mới của thời đại" [61, 69 – 70]. Vì thế, trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của văn xuôi thời kỳ này và thậm chí cả trong nhiều tác phẩm văn xuôi Việt Nam mười năm đầu sau giải phóng thường hướng đến xây dựng kiểu nhân vật hành động. Và nhân vật trong Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu và Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh cũng không ngoại lệ.

Trong hai tiểu thuyết nói trên, cuộc sống của các nhân vật chủ yếu được dệt nên bởi một chuỗi những hành động nối tiếp nhau. Và cũng qua những hành động này mà tính cách, vẻ đẹp của nhân vật được bộc lộ. Trong Dấu chân người lính, sự dũng cảm, gan dạ và mưu trí của Khuê thể hiện qua các hành động: Khuê ôm súng dẫn cả tiểu đội xung phong thành hàng ngang đâm thẳng vào giữa đội hình đang còn lộn xộn của một toán quân Mĩ vừa từ trên trực thăng đổ xuống và sau năm phút đã tiêu diệt gần như toàn bộ; tập hợp tiểu đội trinh sát, phổ biến quyết định chớp nhoáng, tuyên bố mình trực tiếp làm tiểu đội trưởng, chỉ định Hồi làm tiểu đội phó bố trí lực lượng tiêu diệt địch... Hành động gọi pháo dội xuống đầu, sẵn sàng nhận sự hi sinh về mình để dập tắt đợt tấn công cuối cùng của địch lên điểm cao 475 đã minh chứng cho tinh thần chiến đấu dũng cảm và hi sinh anh dũng của Lữ. Đặc biệt, cuộc

chiến đấu ác liệt của chục chiến sĩ ta bẻ gảy mười đợt tấn công điên cuồng liên tiếp của địch đã chứng tỏ sức mạnh không gì có thể đè bẹp được của đội quân chính nghĩa... Trong Đất trắng, hành động của ông Ba Kiên: mặc dù bị thương ở chân nhưng vẫn nhảy cò một chân, cầm ống nghe vào trong khu trung tâm để tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu; ông Dũng tuy nhiều tuổi nhưng vẫn lăn lộn, cùng ăn rau, ăn củ, nằm hầm, nằm đất, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn với các chiến sĩ trẻ; Thị ôm AK lội xuống con rạch, nhắm vào hướng có tiếng súng nổ và nổ súng nhằm giải vây cho đồng đội; những cử chỉ chăm sóc ân cần của Bảy Hường đối với anh em thương binh... đều thể hiện một cách rõ nét vẻ đẹp của người lính anh bộ đội Cụ Hồ trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Có thể nói, ở những tác phẩm này, hành động là phương thức tồn tại chủ yếu của nhân vật và những phẩm chất đẹp đẽ, cao thượng, anh hùng của con người gắn liền với những hành động cách mạng, những hành động thực hiện nhiệm vụ biến lý tưởng thành hiện thực. "Hành động tiêu biểu của những con người làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời chống Mĩ không chỉ thể hiện bằng những chiến công hiển hách, mà còn là một dấu hiệu, một tiêu chuẩn giá trị nhìn nhận, phản ánh con người của văn học" [65, 52 – 53].

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là trong những tiểu thuyết trên các tác giả không quan tâm đến miêu tả tâm lý nhân vật. Trong Dấu chân người lính, chúng ta thấy tâm trạng của chính uỷ Kinh sau khi chia tay con trai; Xiêm nghĩ tới Lượng; những trang nhật ký của Lữ thể hiện cảm xúc của anh về con sông Hiền Lương bị kẻ thù dội bom, về những người lính anh gặp trên đường hành quân, về Nghim và những người dân ở bản A-lâu, về cha mẹ người thân... Trong Đất trắng, nhà văn cũng nói tới tâm trạng của ông Thêm khi nhìn vẻ mặt trầm ngâm của những chiến sĩ mới; tâm trạng của An sau khi Tám Hàn đầu hàng... Nói chung ở những tác phẩm này, các tác giả đã ít nhiều quan tâm đến đời sống nội tâm của nhân vật. Điều này đã khiến cho hình tượng nhân vật trở nên sinh động, gần gũi hơn với cuộc đời thực. Song những

đoạn khắc hoạ tâm lý như vậy không nhiều và đó hầu như chỉ là những khoảnh khắc tâm trạng nhất thời, thoáng qua của nhân vật chứ không phải là một quá trình tâm lý. Do đó, nhân vật trong các tiểu thuyết này về cơ bản vẫn là kiểu nhân vật hành động.

3.1.1.2. Văn học Việt Nam sau Đổi mới, cùng với sự nhận thức và phản ánh con người trong mối quan hệ đa chiều, đa diện với tất cả sự phong phú, phức tạp của nó, tâm lí nhân vật cũng trở thành phương diện chủ yếu được các nhà văn quan tâm khám phá và thể hiện. Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, nếu như trước kia nhân vật được các tác giả xây dựng về cơ bản là nhân vật hành động thì giờ đây xuất hiện kiểu nhân vật tâm lý – nhân vật được khắc hoạ chủ yếu qua đời sống nội tâm phức tạp. Kiên – nhân vật chính trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là kiểu nhân vật như thế.

Xây dựng hình tượng nhân vật Kiên, nhà văn không chú ý nhiều đến miêu tả ngoại hình, cử chỉ, hành động mà chủ yếu tập trung khám phá và thể hiện diễn biến tâm lý qua thủ pháp dòng ý thức – một thủ pháp nghệ thuật trong đó nhà văn sử dụng thời gian đồng hiện, hồi ức, hoài niệm, dòng suy tưởng, liên tưởng, những giấc chiêm bao đan xen, nhảy cóc, hỗn độn, khi đứt khi nối nhằm để nhân vật tự bộc lộ những miền sâu kín của tâm hồn nằm ngoài vòng kiểm soát của ý thức con người. Hay nói cách khác, ở đây hình tượng nhân vật được thêu dệt nên bằng hàng loạt những giấc mơ đứt nối, những hồi tưởng gấp khúc, hỗn loạn, những ký ức gãy vụn, chắp nối tuỳ tiện, những ám ảnh của chiến trận, của nỗi đau tình yêu tan vỡ, của nỗi buồn thân phận, của nỗi niềm nuối tiếc đam mê... Đó là ký ức về những trận đánh đẫm máu, về những cái chết thương tâm của đồng đội, về những cuộc tình giữa Kiên với những người đàn bà, về những ngày mưa ở chiến trường... Tất cả những hình ảnh hỗn độn từ trong ký ức hiện về, cái nọ nối tiếp cái kia nhưng lại không theo trật tự nào khiến Kiên sống triền miên trong tình trạng hoang tưởng, mộng mị với bao nỗi buồn đau, day dứt, ân hận, ăn năn. Có thể nói,

Nỗi buồn chiến tranh là hành trình đau đớn của một số phận dị kỳ tìm lại quá khứ của mình. Và qua những trạng thái phân lập, hoang tưởng của ký ức nhà văn đã làm hiện lên hình tượng người lính trở về sau chiến tranh với nỗi đau tinh thần dai dẳng – bi kịch của người được sống sót. Đây cũng là lối xây dựng nhân vật khá phổ biến trong nhiều tác phẩm văn xuôi sau Đổi mới.

Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng, xây dựng kiểu nhân vật tâm lý không có nghĩa là các tác giả hoàn toàn không miêu tả cử chỉ, hành động. Nhà văn cũng miêu tả cử chỉ, hành động của nhân vật song đó không phải là những hành động độc lập, đơn thuần mà nhằm làm rõ hơn diễn biến tâm lý bên trong của nhân vật. Kiên viết văn, uống rượu, đi lang thang... càng chứng tỏ nỗi đau buồn mà cuộc chiến tranh gây ra không bao giờ nguôi ngoai trong tâm hồn anh.

Tóm lại, “thể hiện tâm lý (psyclologisme) là phương thức quan trọng nhất để chiếm lĩnh đời sống con người bằng văn học nghệ thuật” [121, 216] và “kỹ xảo thể hiện nội tâm con người là một trong những thước đo quan trọng của toàn bộ nghệ thuật” [44, 114]. Với sự chuyển biến từ kiểu nhân vật hành động sang kiểu nhân vật tâm lý, có thể nói Nỗi buồn chiến tranh nói riêng và tiểu thuyết chiến tranh sau Đổi mới nói chung đã có một bước tiến mới trong việc nhận thức và phản ánh con người và hiện thực chiến tranh.

Một phần của tài liệu Chiến tranh trong ba tiểu thuyết dấu chân người lính, đất trắng, nỗi buồn chiến tranh luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 112 - 116)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(182 trang)
w