Những tiền đề cơ bản của sự đổi mới tiểu thuyết Việt Nam sau

Một phần của tài liệu Chiến tranh trong ba tiểu thuyết dấu chân người lính, đất trắng, nỗi buồn chiến tranh luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 34 - 55)

7. Cấu trúc luận văn

1.3.1. Những tiền đề cơ bản của sự đổi mới tiểu thuyết Việt Nam sau

sau 1975

1.3.1. Những tiền đề cơ bản của sự đổi mới tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 sau 1975

1.3.1.1. Tiền đề chính trị - xã hội

"Xã hội nào thì văn nghệ ấy" (Hồ Chí Minh), là một hình thái ý thức xã hội, văn học luôn chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố chính trị - xã hội. Sự thay đổi của lịch sử xã hội tất yếu sẽ kéo theo sự thay đổi của văn học. Đó là một quy luật. Văn học Việt Nam sau 1975 cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Với cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi này đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chiến tranh kết thúc, đất nước được độc lập thống nhất, nhân dân bước vào thời kỳ hoà bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Song đây cũng là lúc chúng ta phải đối mặt với một tình hình mới đầy biến động và phức tạp. Bước ra khỏi chiến tranh đất nước ngập tràn trong niềm vui hoà bình, thống nhất nhưng cũng trực tiếp đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Chiến tranh chưa thể là câu chuyện của ngày hôm qua, vẫn còn đó những đống hoang tàn đổ nát, những đau thương mất mát, những di chứng của chiến tranh và biết bao ngổn ngang xô bồ của thời hậu chiến. Hậu quả, mặt trái của cuộc chiến vẫn đeo bám, in dấu trên mỗi cuộc đời, mỗi số phận con người.

Các phương diện khác của đời sống xã hội cũng có sự thay đổi. Lúc này, vết thương của chiến tranh chưa kéo da non, nhưng khuyết tật của thời hậu chiến đã nảy sinh và lộng hành. Cuộc sống mưu sinh quá đỗi vất vả, nhọc nhằn, bế tắc với trắng – đen, tốt – xấu lộn sòng bao trùm khắp nơi. Bên cạnh đó, các giá trị về xã hội, đạo đức, nhân cách… trước đây tưởng là một thành trì không gì phá nổi thì giờ bắt đầu lung lay, rạn nứt và đổ vỡ từng mảng, trong khi đó, các chuẩn giá trị mới lại chưa thực sự hình thành. Thói vị kỷ, thực dụng, mất lòng tin đang dần biến thành lối sống khá phổ biến trong xã hội. Người lính vừa mới bước ra khỏi chiến tranh đã phải đối mặt với biết bao bộn bề, phức tạp, toan tính của cuộc sống đời thường. Có thể nói, xã hội và con người Việt Nam sau chiến tranh, nhất là từ những năm đầu thập kỷ 80 trải qua một cuộc trở dạ lớn lao và không ít đau đớn, vừa phải xây dựng lại hình ảnh của chính mình vừa phải tự hình thành từng bước các chuẩn giá trị mới.

Tình hình đó đã khiến cho yêu cầu đổi mới về mọi mặt của đất nước trong đó có lĩnh vực văn học nghệ thuật được đặt ra và trở thành vấn đề bức thiết. Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp quá độ lên chủ nghĩa xã hội và mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam. Đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã ngăn chặn có hiệu quả sự suy thoái kinh tế, làm cho nền kinh tế nước ta từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường với tốc độ tăng trưởng ngày càng cao. Cùng với kinh tế, chính trị cũng đi vào ổn định, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, văn hoá xã hội, vì thế, cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Dân chủ hóa trở thành xu thế bao trùm của toàn xã hội cũng như trong đời sống tinh thần của con người. Có thể nói, công cuộc đổi mới đã “thổi một luồng gió đầy sinh khí vào đời sống xã hội Việt Nam, kích thích những cải cách kinh tế và khơi dậy những suy nghĩ mới, những tìm tòi, sáng tác trong giới trí thức, văn nghệ sĩ” [141, 33].

Thêm vào đó, trong hai ngày mùng 6 và 7/10/1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có cuộc nói chuyện, tiếp xúc thân mật với đông đảo giới văn nghệ sĩ. Tổng Bí thư đã thay mặt Đảng khuyến khích, kêu gọi các văn nghệ sĩ cần phải đổi mới tư duy nghệ thuật, nhìn thẳng vào hiện thực cuộc sống, nói thẳng, nói thật các vấn đề miễn là nhà văn phải đứng trên lập trường quan điểm của toàn Đảng, toàn dân khi phản ánh hiện thực, trên cơ sở đó, thay đổi cách viết cho phù hợp với hoàn cảnh mới của dân tộc. Cũng trong năm này, Nghị quyết 05 của Bộ chính trị (1987) về Đổi mới và nâng cao trình độ quản lí văn học nghệ thuật và văn hoá phát triển lên một bước mới ra đời đã mở ra một cách nhìn mới về vị trí và chức năng của văn nghệ, mở ra một bầu không khí dân chủ trong sáng tác. Tất cả đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới, cách tân trong văn học. Là bộ phận nhạy cảm nhất của xã hội, văn học nghệ thuật hưởng ứng kịp thời và hết sức mạnh mẽ đường lối đổi mới của Đảng, đồng thời nhanh chóng hiện thực hoá tư tưởng đổi mới trong sáng tác của mình.

Không những thế, trong thời kỳ Đổi mới, Việt Nam mở cửa hội nhập giao lưu kinh tế, văn hoá với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là với phương Tây. Do đó, giai đoạn này nhiều luồng tư tưởng mới từ bên ngoài tràn vào, nhiều trào lưu, khuynh hướng văn học và lý luận nghệ thuật hiện đại của thế giới đã được giới thiệu ở Việt Nam. Đón nhận những luồng tư tưởng ấy khiến các nhà văn có dịp “hiểu mình” hơn trên cơ sở “hiểu người”. Đồng thời, công tác dịch thuật phát triển, nhiều tác phẩm văn học nước ngoài, nhất là văn học Xô viết thời cải tổ đến được tay các nhà văn và độc giả Việt Nam (như: một ngày dài hơn thế kỷ, Con tàu trắng, Đoạn đầu đài, Vính biệt Gunxarư… của Aimatốp, Bia mộ, Gắng sống đến bình minh… của Bưcốp, Lựa chọn, Trò chơi... của Bônđarép, Sống mà nhớ lấy, Đám cháy…của Raxputin…). Tất cả đã tạo ra “cú híc”, khuyến khích các nhà văn tìm tòi, đổi mới, sáng tạo và làm biến đổi cả thị hiếu tiếp nhận của công chúng.

Ngoài ra, sau 1975, sự bùng nổ của nhiều thế hệ nhà văn, sự ra đời của nhiều hội văn nghệ, sự phát triển của báo chí, in ấn, xuất bản, sự xuất hiện của các trang web văn hoá, văn học trên mạng Internet ... cũng góp phần quan trọng làm cho văn học phát huy được chức năng của nó, đưa văn học trở về đúng nghĩa "phản ánh hiện thực", đồng thời tạo điều kiện để văn học được giao lưu rộng rãi, giúp tác phẩm nhanh chóng đến được với công chúng hơn.

Như vậy, có thể nói, hiện thực đất nước sau chiến tranh, nhất là sau Đổi mới (1986) ngày càng có sự thay đổi toàn diện và sâu sắc. Đất nước ta chính thức bước sang một thời đại mới. Thực tế cuộc sống đó khiến những người cầm bút không thể tiếp tục viết theo cách cũ, không thể nhìn cuộc sống và con người bằng "đôi mắt cũ" mà phải đặt nó trong sự biến động, đổi thay phức tạp, phải thay đổi cách viết của mình. Đây chính là tiền đề quan trọng cho sự phát triển và đổi mới văn học nghệ thuật.

1.3.1.2. Tiền đề thẩm mĩ

Sau 1975, đặc biệt là sau Đổi mới (1986), con người dần trở lại với muôn mặt đời thường đa đoan, phức tạp. Hiện thực bây giờ không chỉ là chiến đấu và lao động như trong văn học 1945 - 1975 nữa mà là mọi vấn đề bề bộn, đa dạng, phức tạp của cuộc sống xã hội. Hiện thực cuộc sống thay đổi đã dẫn đến nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu thưởng thức văn chương của công chúng cũng thay đổi. Yêu cầu của độc giả đối với văn hoá nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng giờ đây cũng cao hơn. Bạn đọc của chúng ta giờ đây muốn hiểu toàn bộ hiện thực cuộc sống và con người (trong đó có hiện thực chiến tranh và người lính) trong tính đa diện, đa chiều, phức tạp của nó. Vì vậy, công chúng hôm nay không dễ gì bằng lòng với những tác phẩm văn học dễ dãi, một chiều, mà đòi hỏi nhà văn phải phản ánh hiện thực toàn diện hơn. Sứ mệnh của văn học lúc này là làm sao đáp ứng được một cách cơ bản và hữu hiệu nhất trình độ tiếp nhận và khả năng thưởng thức văn học ngày càng trưởng thành của độc giả. Để không bị "bỏ rơi", văn học buộc phải nhìn lại

mình và chuyển đổi theo hướng mới để đối thoại với bao vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống. Muốn lấp đầy "khoảng chân không trong văn học" (Nguyên Ngọc), văn học thời kỳ mới phải có những tìm tòi mới để đáp ứng nhu cầu tư tưởng, tình cảm của con người mới; cần nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề dưới ánh sáng của thời đại mới, phủ định những gì đã lạc hậu, lỗi thời. Hay nói cách khác, văn học phải nhìn nhận, đánh giá hiện thực bằng “con mắt của ngày hôm nay”. Có thể nói, nhu cầu thẩm mĩ mới của công chúng chính là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới, cách tân của nghệ thuật của văn học nói chung và tiểu thuyết chiến tranh nói riêng.

Riêng đối với hai cuộc chiến tranh đã đi qua, giờ đây người đọc muốn hiểu nó một cách toàn diện, kể cả mặt trái, mặt tiêu cực chứ không phải chỉ có những chiến công hào hùng, những tấm gương chiến đấu anh dũng. Vì vậy, tuy văn học vẫn tiếp tục viết về chiến tranh nhưng nhà văn buộc phải thay đổi cách viết, không thể viết theo lối cũ nữa - nghĩa là viết thiên về chiến thắng, về cái anh hùng vĩ đại của dân tộc. Điều này đã tạo nên sự đổi mới trong tiểu thuyết chiến tranh nói riêng và văn học viết về đề tài này nói chung.

Về phía những người sáng tác, khát vọng cởi trói mà văn nghệ sĩ ấp ủ hàng chục năm trời giờ đây được hiện thực hoá. Nhà văn được thoả sức phát huy tài năng, cá tính sáng tạo độc đáo của mình. Nhờ thế mà sáng tác của họ tự nhiên, giàu giọng điệu, sắc thái, giàu phương thức biểu hiện nghệ thuật. Bên cạnh đó các nhà văn cũng đã tỉnh táo hơn trong cách đối xử với hiện thực và bạn đọc. Đặc biệt, họ đã xây dựng được mối quan hệ thân mật, bình đẳng đối với độc giả và đã giành quyền kết luận cuối cùng cho bạn đọc về tác phẩm của mình. Người đọc vừa là người đồng sáng tạo vừa là người phê bình tác phẩm. Nhà văn đương đại là “nhà văn đối thoại” (Lê Xuân Giang) với cái nhìn dân chủ hoá và người kể chuyện không mách nước cho ai, không lên lớp cho ai, thậm chí nhiều chỗ đứng thấp hơn nhân vật và bạn đọc. Nhiệm vụ của nhà văn không phải là người nói ra chân lí mà là thức tỉnh ý hướng về chân lí

hoặc là người thức tỉnh về phẩm giá con người cho độc giả. Không những thế, lúc này mỗi nhà văn còn dần dần bộc lộ và xác lập những quan niệm riêng, cụ thể, rõ ràng của mình về nghề văn. Văn chương giờ đây không còn là phương tiện tuyên truyền đạo đức, tuyên truyền chính trị như một thời nó đã làm trong hoàn cảnh đặc biệt là đất nước có chiến tranh, mà còn được xem như một trò chơi, một phép ứng xử. Đối với hiện thực, các nhà văn không phản ánh một cách giản đơn, thụ động mà nghiền ngẫm, tìm tòi, suy tưởng và nghiền ngẫm hiện thực, một hiện thực chưa thể biết trước đã trở thành phương châm hành động và đòi hỏi tất yếu đối với các nhà văn sau 1975. Những biến động xã hội, những vấn đề thế sự và nhân sinh luôn đặt ra gay gắt và tác động lớn đến cuộc sống, số phận, vận mệnh con người, luôn buộc người viết phải có suy nghĩ, thái độ và lối “ứng xử” nghệ thuật thích hợp.

Tất cả những tiền đề cơ bản nói trên đã thúc đẩy tiểu thuyết nói riêng và văn học Việt Nam sau 1975 nói chung đổi mới theo hướng dân chủ hoá và ngày càng gia tăng tính hiện đại.

1.3.2. Nhìn chung về tiểu thuyết chiến tranh trong văn học Việt Nam mười năm đầu sau giải phóng (1975 – 1985) và vị trí của Việt Nam mười năm đầu sau giải phóng (1975 – 1985) và vị trí của

Đất trắng

1.3.2.1. Nhìn chung về tiểu thuyết chiến tranh trong văn học Việt Nam mười năm đầu sau giải phóng (1975 – 1985)

Mười năm đầu sau giải phóng (1975 – 1985) là mười năm đất nước ta phải đối mặt với những khó khăn khốc liệt của thời kỳ hậu chiến. Với văn học, đây cũng là chặng đường chuyển tiếp từ văn học sử thi thời chiến tranh sang văn học thời hậu chiến. Trong văn học giai đoạn này, đề tài chiến tranh vẫn là một đề tài có vị trí khá quan trọng và được các nhà văn lưu tâm thể hiện. Những tác phẩm tiểu thuyết chiến tranh giai đoạn này chủ yếu thuộc về những cây bút trưởng thành trong kháng chiến, tiêu biểu như: Miền cháy

Nguyễn Trọng Oánh, Nắng đồng bằng (1977) của Chu Lai, Năm 75 họ đã sống như thế nào (1978) của Nguyễn Trí Huân, Đất nước (1981) của Hữu Mai ….

Nền văn học nói chung và tiểu thuyết chiến tranh nói riêng, nhất là nửa cuối thập kỷ 70, về cơ bản vẫn tiếp tục phát triển theo kiểu văn học thời chiến với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Tiểu thuyết chiến tranh giai đoạn này chủ yếu thiên về tái hiện lại những biến cố, sự kiện nóng hổi của một một thời đã qua, bao quát một phạm vi hiện thực rộng lớn, vẫn chủ yếu ghi lại “những ấn tượng còn nóng hổi trong những diễn biến và từng trải được trình bày chưa kịp qua suy ngẫm và sàng lọc, có thể còn chưa đủ độ lắng nhưng lại mang tính chất sinh động kịp thời” [Dẫn theo 33], qua đó tiếp tục khẳng định cái vĩ đại, cái anh hùng của dân tộc ta, của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cửa gió đi vào bối cảnh chiến đấu của tuổi trẻ Vĩnh Linh với những sự kiện dồn dập: cuộc chạm trán giữa đoàn quân tiếp tế ở Cồn Cỏ và quân địch, những hi sinh mất mát, lễ truy điệu, cảnh xóm làng bị thiêu rụi, tản mác, sơ tán, cơ sở chiến đấu ngả nghiêng, những trận chiến đấu ác liệt..., qua đó tái hiện lại một đoạn sử Vĩnh Linh trong những năm tháng dữ dội của đất nước. Miền cháy lại được triển khai trong bối cảnh những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ và cuộc sống dân tộc những ngày đầu hoà bình với những cuộc chạy loạn của những tên cuồng phản, công cuộc xây dựng cuộc sống mới bằng việc khắc phục hậu quả của cuộc chiến với biết bao những bộn bề ngổn ngang… Sao đổi ngôi của Chu Văn cũng viết về những năm cuối chiến tranh giải phóng, đầu hoà bình với không khí khẩn trương, náo nức của chiến dịch lớn, sự ngỡ ngàng trước cuộc sống hoà bình, những xao động của chiến tranh biên giới Tây Nam do bọn phản động Pôn Pốt gây ra. Nguyễn Trí Huân trong tiểu thuyết Năm 75 họ đã sống như thế nào lại tái hiện lại không khí chiến trận hào hùng của dân tộc những năm đánh Mỹ cứu nước...

Về phương diện nghệ thuật, nhân vật trong nhiều tác phẩm vẫn được nhà văn xây dựng theo bút pháp lý tưởng hoá, với những giá trị chuẩn mực của ngày hôm qua, tính cách chủ yếu biểu hiện qua hành động. Thời gian nghệ thuật vẫn chủ yếu là thời gian hiện tại, không gian chủ yếu là không gian chiến trường rộng lớn, kết cấu tác phẩm chủ yếu kiểu kết cấu đơn tuyến theo dòng sự kiện, giọng điệu nghiêng về giọng ngợi ca, ngôn ngữ vẫn mang đậm màu sắc chính trị...

Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận trong tiểu thuyết chiến tranh giai đoạn này, nhất là những tác phẩm ở cuối giai đoạn là đã ít nhiều bộc lộ những

Một phần của tài liệu Chiến tranh trong ba tiểu thuyết dấu chân người lính, đất trắng, nỗi buồn chiến tranh luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 34 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(182 trang)
w