7. Cấu trúc luận văn
2.2.3. Hình tượng người lính nữ trong và sau chiến tranh
2.2.3.1. Viết về chiến tranh, các nhà tiểu thuyết không chỉ chú ý tới những người lính là nam giới mà còn quan tâm khắc hoạ hình tượng những người lính nữ trong và sau cuộc chiến. Họ thường là những chiến sĩ giao liên, thanh niên xung phong, văn công, cán bộ hoạt động bí mật hay các nữ nhân viên quân y: các nữ y sĩ, y tá và hộ lý... Trong Dấu chân người lính, hình tượng người lính nữ trong chiến tranh vừa mang những phẩm chất cao quý của người lính anh bộ đội Cụ Hồ, vừa mang vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam: anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Nết là chính là người lính nữ tiêu biểu nhất và cũng là nhân vật nữ được nhà văn nói đến nhiều nhất trong tác phẩm. Đó là "một cô gái xinh đẹp, lại ngoan ngoãn và đứng đắn..." [17, 32], "một người chị dịu dàng và hiền từ trong gia đình" [17, 372]. Là y tá ở trạm phẫu, Nết luôn lo lắng, chăm sóc cho thương binh hết sức chu đáo. Khi Lượng bị thương, Nết đã tình nguyện cho máu và chăm sóc anh rất tận tình, thậm chí nhiều lần đến phiên trực, cô phải ngồi cho Lượng tựa và nghe những lời nói mê sảng của anh. Khi địch bỏ bom, tính mạng Lượng bị đe doạ, Nết đã bất chấp tất cả, cũng không kịp nghĩ đến ý tứ và ngượng ngùng gì hết, "cô vội vàng ôm choàng lấy Lượng, nằm nghiêng bên cạnh anh phía ngoài để che cho đất đá khỏi văng vào các vết thương" [17, 420]. Cô đã khóc oà lên khi sờ mạch Lượng thấy nhanh và nhỏ rồi dần dần mất hẳn, người anh đã lạnh toát như một cái xác. Nhưng ngay sau đó cô đã lập tức trấn tĩnh lại, tìm tĩnh mạch trên cánh tay Lượng đặt mũi tiêm một cách chính xác và cứu sống anh. Cô lo lắng cho vết thương của Lượng: "Nết khắc khoải nhìn anh, mong mỏi theo dõi từng nhịp đập se sẽ, rất yếu ớt" [17, 422]. Tuy Lượng đã dần bình phục nhưng vài ba hôm không sang cô lại cảm thấy sốt ruột và áy náy. Và "mỗi lần sang bên ấy, cô lại sung sướng thấy anh ăn ngủ được. Mỗi khi ngắm nghía cái thân hình vạm vỡ kia đã có thê cử động và nếu có người dìu đã có thể di lại tập tễnh được, cô lại choáng ngợp bởi một
niềm hạnh phúc giản dị" [17, 435]. Ở phương diện này, có thể nói Nết là hình tượng điển hình cho người lính quân y hết lòng vì thương binh, tận tuỵ hết mình với công việc.
Luôn hết lòng với nhiệm vụ được giao ở chiến trường nhưng đồng thời Nết cũng là một cô gái giàu tình cảm và có trách nhiệm với gia đình: "Cô đã đi gần suốt dãy Trường Sơn mà vẫn không sao sửa được cái bệnh nhớ nhà" [17, 409]. Ngày còn sống, trong các buổi họp tiểu đội thanh niên xung phong, Uy thường đấu tranh với Nết về khuyết điểm hay khóc và "còn nặng tư tưởng gia đình". Khi còn làm cấp dưỡng, có những đêm khuya khoắt ngồi trước khuôn bếp, lắng nghe đủ các thứ tiếng động của rừng, lúc ấy nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ các em, nhớ vùng xuôi lại cồn cào trong gan ruột cô. Là con gái đầu lòng trong nhà, lại nhà nghèo đất đồng chiêm trũng nên hơn ai hết cô luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với cha mẹ và các em. Khi ở đơn vị thanh niên xung phong được về phép lần đầu tiên, nhưng vừa về Nết đã bắc thang trèo lên ngồi ngất nghểu trên mái nhà lợp lại nhà như con trai. Trong đám chị em, mặc dù Nết được các anh con trai chú ý nhiều hơn cả và cũng không ít anh bộ đội đã đem lòng yêu thương, nhưng vì nghĩ đến gia đình nên cô không thích nói chuyện yêu đương, tìm hiểu người này người nọ và cô cũng chưa yêu ai. Cô biết mình cũng phải lấy chồng, không thể ở mãi với bố mẹ được nhưng "cô không muốn vì hạnh phúc riêng mà phải đi xa (...) cô sẽ lấy chồng gần để còn được chạy đi chạy lại với bố mẹ, được chăm sóc các em, còn được trông thấy làng xóm và mái nhà của mình" [17, 435]. Khi những đứa em nhỏ hỏi đùa: "Hay chị sắp lấy chồng?", Nết đã cau mày, rơm rớm nước mắt: "Công cha mẹ chưa báo đáp được gì, tao chưa lấy chồng!" [17, 373]. Những tình cảm mà Nết giành cho gia đình thật đáng trân trọng!
Điều đáng quý hơn cả là mặc dù rất nặng lòng với gia đình song Nết luôn biết kìm chế lòng mình vì công việc chung. Nhận được lá thư của Khuê báo tin mẹ và em ở nhà chết vì bom đúng vào ngày đội phẫu thuật đang đi tìm
khu rừng đặt trạm, "Nết đã cầm lá thư ngắn ngủi của Khuê trong những ngón tay cứng đờ như không còn biết cảm giác, cô kêu lên một tiếng rên rỉ đầy đau khổ và phẫn nộ" [17, 410]. Nhưng vì không muốn ảnh hưởng đến các chị em khác trong đơn vị nên cô đã nuốt nước mắt vào trong, lặng thầm chịu đựng nỗi đau. Cô tự nhủ lòng mình: "Hãy nghiến răng lại mà chiến đấu và làm việc để trả thù cho những người thân đã mất" [17, 411]. Và Nết đã vượt qua tất cả mọi nỗi nhớ, nỗi đau để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và chứng minh một điều rằng, "nỗi đau lòng dù lớn lao đến đâu cũng không thể quật ngã nổi một người con gái can đảm đang tuổi dậy thì..." [17, 411]. Cô đem tất cả tình yêu thương cha mẹ, làng xóm, người thân vào công việc hàng ngày.
Bên cạnh Nết, những người lính nữ được Nguyễn Minh Châu nhắc đến trong tác phẩm còn có Dự - cô gái có "tính hay làm và tốt bụng với bạn bè. Bất kỳ sống ở đơn vị nào, Dự cũng là người cáng đáng các phần việc nặng nhọc..." [17, 406]; Hiền – người nữ diễn viên đơn ca trong đội văn công xinh đẹp, trẻ trung, hồn nhiên; những cô gái văn công "có khuôn mặt đẹp hiền hậu, nổi bật trên vẻ đẹp son trẻ là chiếc mũi dọc dừa, một suối tóc dài và nặng, hai ống quần quân phục xoắn tròn để lộ đôi bắp chân thon thon..." [17, 59]; rồi Uy – cô bạn rất thân của Nết và nhiều chị em khác... So với anh em nam giới, những người lính nữ ở chiến trường có nỗi khổ riêng, những khó khăn riêng, những nỗi niềm sâu kín mà chính bản thân họ cũng không tài nào hiểu thấu hết được: "Đang khi vui thoắt buồn bã, buồn cũng không biết buồn vì nỗi gì, khi vui muốn cười đến nghẹt thở nhưng cũng không biết vui vì đâu?" [17, 432]. Thế nhưng họ vẫn đi làm, vẫn cười đùa, vẫn nói trạng, vẫn tăng gia sản xuất, vẫn chiến đấu, vẫn vượt lên tất cả để cùng đương đầu với kẻ địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Và điều đáng quý hơn nữa là "không có ở đâu bạn bè con gái biết thương nhau như ở những nơi Nết đã từng công tác" [17, 433]. Họ thực sự là những hình ảnh đẹp đẽ về những người lính nữ trong quân đội nhân dân Việt Nam – những phụ nữ đã âm thầm và can trường đem tuổi
trẻ, tình yêu và cả cuộc sống của mình hiến dâng cho Tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
2.2.3.2. Khác với những người lính nữ trong Dấu chân người lính – hầu hết là những cô gái xuất thân từ hậu phương vào chiến trường tham gia chiến đấu, tất cả những người lính nữ trong Đất trắng đều là những cô gái ở vùng tạm chiếm, hàng ngày trực tiếp chứng kiến những hành động dã man, tàn ác của kẻ thù cũng như hành động chiến đấu anh dũng của bộ đội và nhân dân. Sống trong bối cảnh cuộc chiến đầy cam go, khốc liệt, dữ dội liên tục phải đối mặt với những mất mát, đau thương, những khó khăn, nguy hiểm nên đa số họ thường sớm có ý thức giác ngộ cách mạng, trong chiến đấu họ cũng quyết liệt, táo bạo, gan dạ và suy nghĩ cũng thực tế hơn.
Chị Tám Trâm là một cán bộ hoạt động bí mật rất năng nổ, hoạt bát, hết lòng vì công việc. Trước lệnh tổng công kích và tổng khởi nghĩa hai tháng, chị được giao nhiệm vụ về gây cơ sở ở Tân Thới Hiệp. Lúc đầu, lạ nước lạ cái, chị còn phải nằm trốn ngoài bưng. Sau dần, bắt được mối, chị vào trong ấp, đến nhà má Hai. Đang bắt rễ gây dựng cơ sở, công việc chưa ra môn ra khoai gì thì có lệnh nổ súng. Bộ đội về. Vậy là đảng cũng chị, cơ sở địa phương cũng chị. Chưa nhận được chỉ thị chị đã lo toan công tác hậu cần, vận động bà con chuẩn bị lương thực, đồ ăn ủng hộ bộ đội. Sau đó, Tám Trâm tìm bắt liên lạc với bộ đội. Đơn vị đầu tiên chị gặp là tiểu đoàn 7. Và nhờ sự giúp đỡ của tiểu đoàn 7, hai ngày sau chị đã thành lập xong đội du kích cho xã Tân Thới Hiệp. Bốn ngày sau, đội du kích của chị cùng với một tiểu đội trưởng của tiểu đoàn 7 đã vào ấp diệt ác ôn. Mười ngày sau, Tám Trâm đích thân dẫn cả đội du kích cùng phối hợp chống càn với tiểu đoàn. Vừa làm bí thư chi bộ, vừa lo gạo nước, vừa làm chính trị viên, chị lại vừa là chị nuôi. Chị còn vận động cơ sở đưa xuồng chở các tử sĩ về khâm liệm và chôn cất. Một mình chị quán xuyến tất cả mọi việc và trở thành chỗ dựa vững chắc cho anh em. Đối với chị, các cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn 16 có một mối thiện cảm đặc biệt
chẳng khác nào người thân lâu ngày gặp lại. Khi nghe Thực hi sinh chị đã im lặng, bỏ rơi nắm cơm xuống nong và có cảm giác như mình đang là người đến trễ quá tối nay. Có thể nói, Tám Trâm thực sự là một hình tượng điển hình về người nữ chiến sĩ cách mạng trong vùng địch tạm chiếm.
Cùng với Tám Trâm, Bảy Hường – một nữ y tá trong đội phẫu tiền phương cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Bảy Hường từ khi còn nhỏ vốn là một cô bé gan dạ, nhanh trí và sớm có tinh thần cách mạng. Mười lăm tuổi, thoát ly gia đình đi hoạt động, làm liên lạc, rồi làm y tá cứu chữa thương binh, công việc nào cô cũng tỏ ra hăng hái và luôn làm tốt công việc được giao. Tuy Bảy Hường không thích làm y tá ở đội phẫu mà chỉ thích được ở lại trung đoàn 16 để trực tiếp chiến đấu cùng mọi người dù biết công việc đó nguy hiểm hơn rất nhiều nhưng khi được giao nhiệm vụ cô vẫn làm việc hết sức chu đáo, nhiệt tình và đầy trách nhiệm. Mỗi lần đoàn thương binh qua sình lầy, cô sẵn sàng ghé lưng cõng hết người này đến người khác. Rồi những lúc đi đường mệt quá, anh em đòi nằm lại, cô lại phải dỗ từng người như dỗ trẻ. Hết lương thực, cô phải đi hái lá rừng, đào củ bằng hai bàn tay để nuôi anh em thương binh đến mức phồng rộp cả da tay. Đối với anh em thương binh, cô thực sự là người chị, người mẹ, một ân nhân: "Mỗi ngày, anh nào cũng phải làm nũng Bảy Hường được một lần, chờ cô chia cho một nụ cười, một lời trách, một lời an ủi động viên. Không có vậy họ cảm thấy như mình mất phần trong ngày hôm đó" [117, 237]. Từ khi Sáu Trang bàn giao Quá – một chiến sĩ bị thương cho cô, suốt một ngày ém ở bờ sông, Bảy Hường hầu như không lúc nào rời xa anh. Cô hết lấy mạch rồi lại nhìn đồng hồ. Cô tận tình chăm sóc cho anh và nói với anh những lời thật âu yếm mỗi khi anh mở mắt. "Cô ghé sát tai vào cặp môi mấp máy của anh, cố nghe và cố đoán từng lời của anh muốn nói" [116, 58]. Bảy Hường thực sự là một biểu tượng đẹp đẽ về người lính nữ trong quân đội cách mạng. Tình yêu giữa Bảy
Hường với Quá cũng như giữa Sáu Trang và An thực sự là những mối tình đẹp của tuổi trẻ Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh.
Nói đến những người lính nữ trong Đất trắng, chúng ta không thể không nhắc tới Sáu Trang – một nữ biệt động của quân khu bộ "có đôi mắt sắc và to, vành môi dưới cong lên một cách duyên dáng và luôn luôn có vẻ giễu cợt" [116, 147]. Sáu Trang được mọi người biết đến khi cô là người duy nhất dẫn đường cho trung đoàn 16 đánh vào Tân Sơn Nhất trong đầu đợt một Tết Mậu Thân. Trong đợt hai này, vẫn với vai trò của một nữ chiến sĩ biệt động, Sáu Trang hoạt động rất năng nỗ, tích cực. Cô chính là người đã chèo xuồng đưa Quá, Hùng về điều trị vết thương. Khi máy bay địch bỏ bom, cô đã nhường cho anh em bộ đội vào hầm trước... Không chỉ gan dạ, dũng cảm, năng nổ trong công tác, Sáu Trang còn là một cô gái rất giàu tình cảm. Khi nghe chị kể chuyện chị bị kẻ thù làm nhục, cô "như người mất hồn, không còn biết nói năng, không còn biết suy nghĩ" [117, 291]. Cô chỉ biết khóc cùng chị và ước rằng những điều chị cô nói ra không phải là sự thật. Rồi khi nghe tin chị Ba bỏ đi Sài Gòn, "cô lặng đi một lúc rồi bỗng như người kiệt sức, gục lên trên cái bồng vừa vứt xuống trước mặt mà khóc, mà rên rỉ" [117, 300].
Bên cạnh chị Tám Trâm, Sáu Trang, Bảy Hường, Út Lích cũng là một gương mặt người lính nữ gây ấn tượng sâu sắc đối với người đọc. Cô có một hoàn cảnh khá đặc biệt: má cô chết trong tù, bố cô ở bộ đội nhưng đi tập kết từ lúc cô còn bé tí, cô phải chăm nom một đứa em năm tuổi với vai trò như một người mẹ. Hoàn cảnh ấy khiên cô không thể sớm thoát ly đi hoạt động cách mạng. Mặc dù vậy, cô vẫn luôn khát khao trở thành một chiến sĩ giải phóng. Thấy các anh bộ đội trong khó khăn, gian khổ vẫn luôn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, cô nghĩ cuộc sống bộ đội thật đẹp như vậy tại sao mình lại không thể vào bộ đội, tại sao mình lại không thể cầm súng đi đánh giặc cùng với trung đoàn như chị Bảy Hường. Sau cái chết oan ức của Miền cô đã thoát ly hoạt động và trở thành một chiến sĩ cách mạng thực thụ. Lời của Út Lích nói
với ông Thêm – "yêu em thì có gì mà sợ, em đang đi theo Đảng nè, em đang đi theo cách mạng nè..." [117, 282] – chứng tỏ cô rất tự tin vào con đường mà mình đã chọn.
2.2.3.3. Trong Nỗi buồn chiến tranh, hình ảnh người lính nữ tuy không được nhà văn nhắc đến nhiều nhưng với những gì mà nhà văn nói về họ qua những dòng hồi tưởng của Kiên – nhân vật chính trong tác phẩm đã thực sự tạo nên ấn tượng khó quên trong lòng người đọc.
Nếu như trong Dấu chân người lính và Đất trắng hình ảnh những người lính nữ chủ yếu được nhấn mạnh ở vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" thì trong tiểu thuyết này, họ lại được Bảo Ninh nhìn nhận nghiêng về góc độ số phận con người – những con người mang số phận bi kịch bởi chiến tranh. Tuy nhiên, khác với những người lính là nam giới, bi kịch của những người phụ nữ ở chiến trường cũng mang những nét riêng: dường như nghiệt ngã hơn, đau đớn hơn, đáng thương hơn. Đọc tác phẩm, hẳn người đọc không thể quên được cái chết bi thảm của Hoà – cô giao liên người Hải Hậu: "Hoà gục ngã giữa trảng cỏ và đằng sau bọn Mĩ xô tới, vây xúm lại, trần trùng trục, lông lá một bầy như những con đười ươi, phì phò thở, giằng giật, nặng nề hộc rống lên..." [113, 44]. Vì muốn đánh lạc hướng kẻ thù để cứu nguy cho Kiên và đoàn thương binh mà cô đã bị bọn chúng cưỡng bức và sát hại. Chiến tranh đã qua bao nhiêu năm nhưng kỷ