Giọng điệu trần thuật

Một phần của tài liệu Chiến tranh trong ba tiểu thuyết dấu chân người lính, đất trắng, nỗi buồn chiến tranh luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 155 - 161)

7. Cấu trúc luận văn

3.4.2. Giọng điệu trần thuật

3.4.2.1. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, giọng điệu là "thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm...” [47, 134]. Giọng điệu là một phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học, là nơi mà người đọc có thể thông qua đó để nhận thấy tất cả chiều

sâu tư tưởng, lập trường xã hội, thái độ, tình cảm, phong cách, tài năng cũng như thị hiếu thẩm mĩ của tác giả. Do đó, việc bắt trúng cái giọng điệu trong tác phẩm văn chương có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khám phá giá trị của nó. Không phải ngẫu nhiên mà M.B. Khravchenco lại đưa ra quan điểm tiếp cận tác phẩm văn học như một “kết cấu các giọng điệu”, một “hệ thống các ngữ điệu”, “gam ngữ điệu” [63, 332].

Là tiểu thuyết đơn thanh nên tiểu thuyết sử thi Việt Nam 1945 – 1975 nói chung và Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu nói riêng không có hiện tượng nhiều bè như trong tiểu thuyết đa thanh mà chỉ có các sắc điệu làm nổi bật chủ âm của thời đại – giọng ngợi ca hào hùng. Giọng điệu này được tạo nên bởi những câu văn với nhịp điệu nhanh, mạnh, dồn dập, khỏe khoắn, diễn tả khí thế sôi nổi, hào hứng đoàn quân ra trận: "Trên chặng đường đầy cây cối đổ nghiêng, khói bom khét lẹt và đất đỏ lật lên lấp hết cây cối, từng đơn vị cứ đi qua, hết đơn vị này đến đơn vị khác, hết binh chủng này đến binh chủng khác..." [17, 8]. Giọng điệu hào hùng còn được nhà văn lựa chọn để diễn tả sự gay cấn trên chiến trường: “Cả tiểu đội ào lên xung phong. Sau khi diệt thêm được một số nữa, Cận lệnh cho anh em quay trở về hầm. Pháo địch bắn tới tấp. Máy bay lại dội bom” [17, 487]. Có khi nhà văn còn sử dụng để thể hiện khí thế chiến đấu sục sôi của các chiến sĩ: "Tiếng thét diệt địch vang lên giữa những nhịp cười. Tiếng thét phát ra từ những trái tim đang bốc lửa. Tiếng thét đông đặc, phẫn nộ, rùng rùng khép kín như một hàng ngũ siết chặt" [17, 157]. Không những thế, giọng điệu ngợi ca còn được bộc lộ qua lời kể của người kể chuyện về các nhân vật trong tác phẩm: "Bác Đảo đã ngoài bốn mươi tuổi, là một tiểu đội trưởng nấu ăn chăm chỉ và chu đáo nổi tiếng trong trung đoàn" [17, 178];"Nhẫn là môt cán bộ chỉ huy giàu năng lực và giàu lòng tự tin" [17, 264]... Với giọng điệu ngợi ca, hào hùng, tiểu thuyết trở thành một bài ca về cuộc sống vĩ đại của dân tộc. Tâm thế của nhà văn là tâm thế của

người ca sĩ hát lên những khúc ca đẹp nhất dâng tặng những người con anh hùng của đất nước.

Bên cạnh giọng điệu ngợi ca hào hùng đóng vài trò chủ âm, trong tiểu thuyết này còn có các sắc thái giọng điệu khác. Đó là giọng cảm động - trầm buồn (như đoạn người kể chuyện nói về hoàn cảnh của Nết và những người phụ nữ ở chiến trường). Đó là giọng trữ tình – tha thiết (như những đoạn miêu tả thiên nhiên, những đoạn miêu tả tâm trạng của các nhân vật hay một số đoạn trong nhật ký của Lữ...). Đó là giọng triết lý (chẳng hạn: "Tất cả mọi người cha không phải bao giờ cũng biết trước con cái của mình khi lớn lên sẽ thành người thế nào" [17, 346])... Tuy nhiên, các gam giọng điệu trên xuất hiện với tỉ lệ không nhiều, chỉ là thứ yếu, không bình đẳng, không mang tính đối thoại và suy cho cùng, cũng chỉ làm nổi bật giọng điệu chủ âm mà thôi. Do đó, trong Dấu chân người lính, ở phương diện giọng điệu trần thuật, nói chung "chất sử thi" vẫn chiếm vị thế ưu trội hơn hẳn so với "chất tiểu thuyết".

3.4.2.2. Tiếp tục khuynh hướng sử thi của văn học cách mạng (1945 – 1975, Đất trắng cũng lựa chọn giọng điệu ngợi ca, hào hùng như là một tất yếu. Người đọc không khó để nhận ra giọng điệu này qua những đoạn miêu tả cuộc chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ trung đoàn: "Canh dẫn một tổ trinh sát đi trước cùng với đồng chí phụ trách tiểu đoàn. Lên đến mặt đường thì họ phát hiện một tiểu đội địch. Đồng chí tiểu đoàn trưởng ra lệnh nổ súng và xung phong. Họ bám bén gót tụi lính. Chúng chạy thục mạng về phía chốt. Bộ đội phía sau nghe tiếng súng hợp đồng cũng ào lên..." [116, 67]. Giọng ngợi ca còn bộc lộ khá rõ qua lời kể của người kể chuyện kể về các nhân vật: "Người ta đồn ông Năm Truyện là một cán bộ rất xông xáo..." [116, 17]; "ông Ba Kiên vốn là một người rất thích sống cởi mở, yêu ghét rõ ràng, nghĩ sao nói vậy" [116, 232]... Với sự lựa chọn giọng điệu sử thi hào hùng, nhà văn đã làm bật nổi được vẻ đẹp của những cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 16 trong cuộc chiến đấu vô cùng hiểm nguy, gian khổ nhưng cũng hết sức vẻ vang của họ.

Tuy nhiên, khác với Dấu chân người lính, ở đây giọng điệu sử thi hào hùng không giữ địa vị thống trị, chủ âm mà bình đẳng, ngang hàng với các gam giọng điệu khác, tiến tới sự đa dạng hoá trong nghệ thuật tổ chức giọng điệu.

Với cảm hứng về sự thật, phản ánh hiện thực chiến tranh thiên về mặt bi hùng với những khó khăn, gian khổ, mất mát, hi sinh, bên cạnh giọng ngợi ca, hào hùng, giọng điệu cảm thương, ngậm ngùi cũng rất phổ biến trong tác phẩm. Giọng điệu này được lựa chọn trong những đoạn tác giả nói về những khó khăn của trung đoàn: "Trạm xá trung đoàn đầy thương binh. Ông Dũng đã phải viết thư kêu gọi các tiểu đoàn góp củ, góp gạo cho thương binh ăn. Đánh nhau bị thương thì ít mà đi công tác vướng mìn, bị kích, đi tải gạo bị pháo thì nhiều. Ngày nào các đơn bị cũng báo cáo tử vong..." [117, 201]. Người đọc cũng nhận ra giọng điệu này trong những đoạn nói về sự tàn phá của kẻ địch: "Biết bao nhiêu lần rồi, từ trong những đám lửa đó, ông Hai bốc vác, thu vén tro than, nhặt nhạnh từng mảnh gỗ, thanh tre còn lại, dựng lên ngôi nhà trên cái nền sạm đen màu khói ấy. Những thanh gỗ tướp xơ, những tấm ván cong vênh, những cây cột cháy xém còn mang đầy thương tích đó..." [117, 6 – 7]. Đặc biệt, giọng điệu cảm thương, ngậm ngùi thể hiện rõ nhất khi nhà văn viết về sự hi sinh của cán bộ, chiến sĩ ta, tiêu biểu như đoạn nói về sự hi sinh của ông Ba Kiên: "Đời lính, Thị đã từng chứng kiến bao nhiêu cuộc chia ly, vậy mà chưa lần nào anh thấy đau xót như lần này. Đúng như ông Hai nói: nhà cha chết thì anh cả phải lo. Bọn Thị bây giờ chẳng khác gì con mất cha..." [117, 191]. Ngoài ra, giọng điệu này còn được lựa chọn khi tác nói về hoàn cảnh đời tư éo le của nhân vật: "Hai mươi lăm tuổi rồi anh vẫn sống gần như đơn độc. Bố anh ngày xưa là cán bộ Việt Minh bị Tây giết từ năm anh mới lên tám tuổi..." [116, 204]... Có thể nói, giọng điệu cảm thương, ngậm ngùi đã góp phần quan trọng làm rõ nét hơn bức tranh hiện thực bi hùng của cuộc chiến.

Ngoài ra, trong tác phẩm, nhà văn còn lựa chọn các gam giọng điệu khác. Đó là giọng suy tư chiêm nghiệm: "Cả cuộc đời chiến đấu, người chỉ huy dẫu có giỏi giang đến đâu, cũng khó mà tránh được không sai sót. Và sự sai sót đó có thể dẫn đến hậu quả không lường được" [117, 180 - 181]. Đó là giọng trữ tình sâu lắng trong những đoạn miêu tả thiên nhiên hay tâm trạng của nhân vật. Đó là giọng chất vấn: "Tại sao phó chính uỷ lại trở về nhanh vậy? Đáng lẽ ông và cán bộ địa phương phải ở lại hội ý với nhau về cái bến này. Cái bến như thế là đã bị lộ. Nếu ngày mai thương binh lại về đây thì sao?" [116, 199]. Đó là giọng mỉa mai, khinh bỉ khi nói về kẻ thù: "Sự sốt ruột của Lê Nguyên Khang mà Tám Hàn không hề biết, có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân là sự hẹn hò một đêm khoái lạc với cô trinh nữ của tu viện sắp buông mình sa xuống cõi trần tục!" [117, 366]. Các gam giọng điệu này tuy không phổ biến nhưng nó đã góp phần cùng với giọng cảm thương, ngậm ngùi phá vỡ thế độc tôn của giọng điệu sử thi hào hùng, làm tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm.

3.4.2.3. Giọng điệu trong tiểu thuyết hôm nay trở nên “đa thanh gồm nhiều cung bậc trước một hiện thực được tiếp cận bởi không chỉ là những quan sát tỉ mỉ, sắc sảo mà còn là độ sâu của biết bao trải nghiệm” [80, 137]. Tiếp cận hiện thực chiến tranh qua bi kịch tâm hồn của người lính, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh không còn giọng điệu ngợi ca, hào hùng của tiểu thuyết sử thi mà thay vào đó là một chất giọng phức điệu, đa thanh với nhiều gam giọng điệu khác nhau và thường trực xu thế đối thoại. Trong đó, giọng buồn thương, chua xót, tiếc nuối xen lẫn giọng bi ai hờn oán khi nói tới những nỗi bi kịch, đớn đau hay số phận nghiệt ngã của con người do chiến tranh gây nên trở thành giọng điệu chủ âm trong toàn bộ tác phẩm: "Dưới lòng sâu đất ấm của đại ngàn họ chung nhau một số phận. Không có người vinh kẻ nhục, không người hùng kẻ nhát, không có người đáng sống và kẻ đáng chết. Chỉ có tên tuổi còn đó, người thì thời gian đã xóa mất rồi và người thì còn chút

xương, người chỉ đọng chút bùn lỏng" [113, 24]. Để tạo nên giọng điệu buồn thương Bảo Ninh thường sử dụng kiểu câu dài và cấu trúc trùng điệp gợi lên suy ngẫm triền miên của nhân vật, để cho những kỷ niệm ngày xưa liên tiếp trở về, đối lập với hoàn cảnh hiện tại, kiểu như: "cái thời mà...cái thời mà...cái thời...", "cũng ngập lòng...cũng trải qua...cũng ngốc nghếch...cũng từng tan nát...cũng đáng...", "là cõi...là cõi...", "không có... không có...", "người thì... người thì..."... Giọng điệu này đã thể hiện sâu sắc, rõ nét nỗi buồn đau, bi kịch của con người do chiến tranh gây nên. Có thể nói, nếu như giọng điệu sử thi, hào hùng tạo nên ấn tượng ở người đọc về một cuộc chiến tranh hào hùng với những chiến thắng lẫy lừng, những chiến công vang dội thì giọng điệu này lại giúp độc giả hôm nay thấy được một hiện thực chiến tranh với tất cả những hậu quả, những mặt trái của nó.

Cùng với giọng điệu buồn thương đóng vai trò chủ âm, trong tác phẩm, Bảo Ninh còn sử dụng nhiều gam giọng điệu khác. Đó là giọng triết lý, chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người (chẳng hạn: "Thời buổi chiến tranh, thời buổi ngược đời, cho nên những chuyện được coi như là lớn lao, những mối nguy to tát đều là sự thường nhật, còn những gì nhỏ nhoi, cỏn con như niềm vui nỗi buồn hàng ngày của kiếp người thì lại rất trái lẽ và họa hoằn lắm, hãn hữu lắm mới có nổi. Hãn hữu tới độ chúng trở nên gần như điềm gở" [113, 30]); giọng tự vấn (chẳng hạn: “Kiên ôm bụng ngồi thụp xuống cạnh bốn cái xác và run bần bật oẹ khan. Mười năm đánh nhau, từ thuở là tân binh tới giờ anh mới một lần như thế… Nhân tính! Tình người...!” [113, 103]); giọng mỉa mai, chua xót (chẳng hạn: "Và cứ mỗi lần quỳ xuống trước bàn thờ các liệt sĩ của trung đội giấu mọi người, Kiên thầm thào khấn gọi linh hồn Can, người anh em khốn khổ, bạc phước ra đi trong nhục nhã, chẳng được ai đoái hoài, hiểu đỡ cho chút ít nỗi niềm, kể cả anh...” [113, 24])... Sự kết hợp các gam giọng điệu này đã góp phần tạo nên tính đa thanh, phức điệu cho tác phẩm. Ở đây, chúng ta thấy người trần thuật không còn đứng quan sát từ bên ngoài nữa

mà xâm nhập vào bên trong, đối thoại với ý thức nhân vật và các ý thức bao quanh, đồng thời có sự đối thoại ngầm với độc giả trong việc suy nghiệm, xét đoán, đánh giá vấn đề. Nếu chúng ta đồng ý với quan điểm của M. Bakhtin rằng, “sự phát triển tiểu thuyết là quá trình khơi sâu tính đối thoại, mở rộng nó và làm cho nó ngày càng trở nên tinh tế” [6, 128], thì quả thực, tiểu thuyết chiến tranh trong văn học Việt Nam từ Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu đến Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã có một bước phát triển rõ rệt.

Một phần của tài liệu Chiến tranh trong ba tiểu thuyết dấu chân người lính, đất trắng, nỗi buồn chiến tranh luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 155 - 161)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(182 trang)
w