Hiện thực chiến tranh – Nhìn từ những người không trực tiếp

Một phần của tài liệu Chiến tranh trong ba tiểu thuyết dấu chân người lính, đất trắng, nỗi buồn chiến tranh luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 106 - 112)

7. Cấu trúc luận văn

2.4.Hiện thực chiến tranh – Nhìn từ những người không trực tiếp

tham gia cuộc chiến

Chiến tranh không chỉ là chuyện của hai bên tham chiến – những người trực tiếp tham gia chiến đấu mà còn có sự tác động, ảnh hưởng rất lớn tới tất cả mọi người – những người không trực tiếp tham gia cuộc chiến. Vì vậy, khi tìm hiểu hiện thực chiến tranh, chúng ta không thể không nói đến vai trò của họ trong cuộc chiến cũng như những tác động, ảnh hưởng của chiến tranh đối với cuộc đời và số phận của họ.

2.4.1. Trong Dấu chân người lính, một trong những người tuy không trực tiếp tham gia cuộc chiến nhưng được nhà văn nói đến rất nhiều trong tác phẩm chính là ông cụ Phang. Tuy cuộc đời riêng chẳng có gì vui vẻ, nhà cửa, buôn làng của ông nhiều lần bị kẻ thù đốt phá nhưng ông cụ vẫn một lòng thiết tha với cách mạng cách mạng, đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết và đã được cách mạng tin tưởng giao phó nhiệm vụ quan trọng: Chủ tịch Uỷ ban giải phóng xã. Vì thế, việc thằng Kiếm – con trai ông theo giặc, gây tội ác với nhân dân, với cách mạng khiến ông cụ vô cùng đau khổ, dằn vặt, căm phẫn: "Ông già gầm lên như một con hổ bị thương (...). Ông lão đau đớn đến muốn phát điên lên" [17, 346]. Khi nghe tên lính nguỵ nói thằng Kiếm đã được phong hàm thượng sĩ, làm chức trung đội trưởng và ngày càng gây nhiều tội ác với bộ đội và dân làng, ông đã nhất quyết vào đồn Tà Cơn để hỏi tội chính con trai mình. "Hành động của ông cụ, người cha của một tên lính nguỵ đêm hôm ấy đã gây cho Kinh và anh em bộ đội trên chốt một ấn tượng mãnh liệt" [17, 355]. Ông cụ Phang khiến chúng ta liên tưởng đến những già làng của các dân tộc miền núi tuy cuộc sống nghèo khổ, bị áp bức nhưng vẫn giàu lòng yêu nước, một lòng tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ và trung thành với cách mạng.

Cùng với cụ Phang, Xiêm – con dâu của cụ, vợ thằng Kiếm cũng được nhà văn nhiều lần nói đến. Xiêm gây ấn tượng với Lượng và người đọc trước

tiên bởi vẻ đẹp hình thể - "đẹp trong sáng như vị nữ thần của núi rừng" [17, 34]. Thế nhưng cuộc đời của người phụ nữ xinh đẹp này đã gặp phải không ít khổ đau, bất hạnh: chồng chị đi theo giặc, gây bao tội ác với dân làng và cách mạng; bản thân chị còn bị chính chồng mình cưỡng hiếp, đánh đập, hành hạ. Song mọi khổ đau, bất hạnh cũng không thể vùi lấp được ở chị lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, lòng yêu thương bộ đội và niềm khát khao mãnh liệt được giải phóng. Trong hoàn cảnh đói khổ nhưng Xiêm không xin gạo mà chỉ xin thóc về để làm giống tra nương, để dành gạo cho bộ đội. Thằng Kiếm nhiều lần về lôi kéo chị đi cùng hắn nhưng Xiêm nhất quyết không chịu. Xiêm yêu Lượng bởi "đối với chị, anh là người quen thuộc và là người đại diện cho lớp bộ đội Giải phóng vừa kéo tới, những con người mà mặt đất đang chờ đợi từng giờ từng phút..." [17, 195]. Có thể nói, Xiêm chính là hình tượng tiêu biểu cho vẻ đẹp, cuộc đời và số phận của người phụ nữ miền núi trong hoàn cảnh chiến tranh.

Trong số những người không trực tiếp tham gia cuộc chiến nhưng có đóng góp không nhỏ đối với chiến thắng chung của dân tộc được nhà văn đề cập đến trong tác phẩm còn có vợ chính uỷ Kinh, vợ Cận ở hậu phương, Trí – con trai Kinh đang học ở nước ngoài, hai vợ chồng "nhà sư" đảng viên cùng làng với Cận, chị cán bộ huyện từng có chồng làm nhân viên nguỵ quyền, bà con đồng bào Vân Kiều... Tuy mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều là những người yêu nước, có tinh thần cách mạng. Tuy không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng chính họ đã góp một phần không nhỏ làm nên chiến thắng chung của cả dân tộc.

2.4.2. Khác với trong Dấu chân người lính, những người không trực tiếp tham gia cuộc chiến trong Đất trắng không phải là những người ở hậu phương xa xôi mà chủ yếu là những người dân ở vùng địch tạm chiếm – những người hàng ngày gần gũi, trực tiếp cưu mang, đùm bọc, chở che, nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích.

Một trong những hình tượng tiêu biểu cho tinh thần cách mạng của những người dân trong vùng địch tạm chiếm đó chính là má Hai. Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng suốt cuộc đời má luôn gắn bó với cách mạng. Khi nghe Tám Trâm nói sắp có đánh nhau to, má chuẩn bị gạo muối và nghĩ: "Mình già rồi, có thiếu gạo thiếu muối mình cũng chẳng cần, nhưng nếu quả thật có đánh nhau to như người ta đồn đại, thì lần này nhất định má sẽ được đem hạt gạo đó ra mà nấu cho người đàng mình ăn. Đó là điều mong ước bấy lâu nay của má" [116, 107]. Khi kẻ địch bắn phá dữ quá, bà con sơ tán hết nhưng hàng ngày má vẫn giã thóc trong một cái mũ sắt, gom lại và cho vào bì để bộ đội đến lấy. Trong cuộc đời má, những ngày vui nhất chính là những ngày được nấu cơm, nắm cơm phục vụ bộ đội. Khi bộ đội đi, má vẫn để ngọn đèn trước hầm mong có ngày lại được làm công việc đáng tự hào của một bà mẹ kháng chiến. Đặc biệt, má yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Các anh đi lâu không về má vừa thương vừa lo, thậm chí có hôm suốt đêm má không ngủ. Mỗi lần nắm cơm cho bộ đội, má luôn than phiền về nắm cơm nhỏ quá... Có thể nói, má Hai chính là một hình tượng điển hình về bà mẹ miền Nam trong những năm chống Mĩ.

Bên cạnh má Hai, gia đình ông bà Hai Trụ cũng là một gia đình rất có tinh thần cách mạng. Con trai ông là du kích đã hi sinh. Mặc cho giặc càn ủi, bắn phá, ông vẫn không chịu bỏ đất, bỏ nhà vào ấp chiến lược mà vẫn bám trụ để mong có thể giúp được gì cho bộ đội, du kích. Ông giả vờ ra làm lễ cúng cơm cho con trai để nghe ngóng tình hình địch. Ông cuốc đất làm đồng để lấy cớ đi lại nắm bắt tình hình và tiếp tế cho du kích. Ông rất yêu quý cán bộ, chiến sĩ trong trung đoàn Mười Sáu. Có lần ông đã nói với Thị: "Thị à, tao cứ nhìn thấy lính Mười Sáu là tao quý..." [117, 198]. Bà Hai cũng rất tích cực trong việc tiếp tế cho bộ đội, du kích. Những việc làm của ông bà đối với cách mạng trong hoàn cảnh khó khăn thật đáng trân trọng.

Ngoài ra, trong tác phẩm còn có nhiều người không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng có đóng góp nhất định đối với cách mạng như: mẹ con bà Tám Kim, gia đình ông Sáu Dần, chị Ba Hồng, bà con cô bác trong vùng địch tạm chiếm... Có thể nói, chính tình cảm gắn bó quân dân, tinh thần đoàn kết một lòng, sự hi sinh tối đa lợi ích cá nhân cho lợi ích cách mạng của họ đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng cuối cùng của dân tộc ta trước kẻ thù hung bạo.

2.4.3. Nếu như ở Dấu chân người línhĐất trắng, khi nói về những người không trực tiếp tham gia cuộc chiến các tác giả chủ yếu nhấn mạnh đến vai trò, đóng góp của họ đối với cuộc kháng chiến thì trong Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh lại nghiêng về phản ánh những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh đối với cuộc đời và số phận của họ.

Một trong những nhân vật tuy không trực tiếp tham gia cuộc chiến nhưng phải chịu hậu quả đau đớn, nặng nề bởi chiến tranh chính là Phương. Cô vốn là một nữ sinh trường Bưởi ngây thơ, hồn nhiên và xinh đẹp: "Bước sang tuổi mười bảy đã vút lên thành một sắc đẹp bừng cháy sân trường Bưởi..." [113, 131]. Giữa Phương và Kiên đã từng có một mối tình học trò đẹp đẽ, hồn nhiên, vô tư, lãng mạn vượt lên trên tất cả những phong trào yêu nước lúc bấy giờ khiến thầy giáo phải nhắc nhở, chi đoàn phải phẫn nộ. Thế nhưng hai tâm hồn trắng trong, chưa vướng bụi đời đã bị cuốn vào cảnh tàn phá dữ dội của chiến tranh. Trên chuyến tàu vào Vinh, cô đã bị chiến tranh tiếp tay cho kẻ xấu đánh cắp mất đời con gái, từ một cô gái trinh trắng trong phút chốc trở thành một người đàn bà và cùng một lúc cô mang hai vết thương: vết thương trên thân thể và vết thương trong tâm hồn. Từ sau hôm đó, đời Kiên bắt đầu thực sự đẫm trong máu, trong thương đau, còn Phương cũng trở thành một cô gái hoàn toàn khác. Cô ung dung biểu diễn tấm thân trần truồng, phô phang nỗi khổ nhục ra giữa nước trời quang quẻ, nơi mặt đầm trải rộng, trên trời máy bay địch dội bom nhưng không mảy may hoảng sợ, không

buồn nhìn ngó xung quanh – một "sự loã lồ phô phang bất chấp đời" [113, 246]. Và không dừng lại ở đó, từ sau khi rời xa Kiên, Phương đã trở thành một người đàn bà buông thả và phóng đãng, tự hủy hoại đời mình trong những cuộc vui, đem tình yêu của mình hay nói đúng hơn là thú vui xác thịt chia chác cho những kẻ may mắn khác. Bi kịch của Phương chính là bi kịch của một con người nhưng cũng chính là bi kịch của tình yêu, của cái đẹp bị chiến tranh vùi dập. Thật không phải ngẫu nhiên mà khi đọc Thân phận của tình yêu, Đỗ Đức Hiểu đã nhận định: "Trong văn học Việt Nam mấy chục năm nay, có thể Thân phận của tình yêu là quyển tiểu thuyết hay về tình yêu, quyển tiểu thuyết tình yêu xót thương nhất" [51, 265].

Cùng với Phương, cha Kiên cũng được nói đến trong tác phẩm như một nạn nhân của chiến tranh. Là một hoạ sĩ lạc thời, ông cho rằng thời đại mình đang sống là thời đại của những bất hạnh lớn lao. Những bức tranh ông vẽ ra tuy có giá trị nghệ thuật nhưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ nó lại trở nên xa lạ với quan điểm thẩm mĩ của số đông nghệ sĩ và thị hiếu thẩm mĩ của đại đa số công chúng. Ông muốn cống hiến hết mình cho nghệ thuật nhưng lại trở thành một tay hữu khuynh, một nhân vật bất mãn đáng ngờ dưới con mắt của mọi người. Ông muốn sáng tạo ra những tác phẩm có tính vĩnh cửu nhưng lại bị người ta phê phán rằng đã biến hội họa thành những chân dung ma quỷ. Người ta yêu cầu ông "phải xác định thành phần giai cấp cho sông núi" [113, 125]. Vì thế tác phẩm của ông chưa bao giờ được trưng bày và cuối cùng chúng đã theo ông sang thế giới bên kia trong một lễ nghi hoả thiêu cuồng tín, điên loạn và man rợ. Bi kịch của ông chính là bi kịch của những người nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật, say mê sáng tạo nên những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật đích thực nhưng phải sống cô đơn trong một thời đại mà do hoàn cảnh chiến tranh nên nghệ thuật cũng phải hi sinh mình để phục vụ chính trị.

Ngoài ra, mặt trái của chiến tranh còn gây nên nỗi đớn đau, bất hạnh đối với nhiều người khác như: vợ chồng ông Huynh, mẹ con chị Lan ở Đồi Mơ, ba cô gái trong trại tăng gia của huyện đội 67, những người dân ở làng Hủi... Giá như không có chiến tranh, giá như được sống trong một hoàn cảnh tốt đẹp hơn thì cuộc đời và số phận của họ hẳn không lâm vào bi kịch như vậy?

Chương 3

NHỮNG ĐẶC SẮC TRONG NGHỆ THUẬT

THỂ HIỆN CHIẾN TRANH TRONG BA TIỂU THUYẾT

DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH, ĐẤT TRẮNG , NỖI BUỒN CHIẾN TRANH

Một phần của tài liệu Chiến tranh trong ba tiểu thuyết dấu chân người lính, đất trắng, nỗi buồn chiến tranh luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 106 - 112)