7. Cấu trúc luận văn
3.3.2. Sự gia tăng của thời gian quá khứ, thời gian hoài niệm
3.3.2.1. “Con người kháng chiến hoàn toàn sống với thời gian hiện tại, ngập chìm trong thời gian sự kiện. Họ rất hiếm khi có thể hồi tưởng quá khứ hay mơ mộng tương lai” [107, 55]. Do đó, thời gian nghệ thuật trong văn xuôi cách mạng (1945 – 1975) và cả trong một số tiểu thuyết chiến tranh mười
năm đầu sau giải phóng chủ yếu là thời gian hiện tại gắn liền với những sự kiện, những biến cố lịch sử lớn lao của dân tộc.
Trong Dấu chân người lính cũng vậy, thời gian hiện tại giữ địa vị thống trị trong toàn bộ hệ thống tổ chức thời gian nghệ thuật của tác phẩm. Người đọc không khó để nhận biết kiểu thời gian này qua các từ ngữ chỉ thời gian như: "bây giờ", "lúc này", "hằng ngày", "từ sáng tới giờ", "gần một tuần lễ nay", "bước vào tháng hai", "buổi sáng nay", "hôm nay"... Mặt khác, do ý thức về thời gian trước hết là ý thức về bước đi của lịch sử, con người được quan sát trước hết trong dòng thác các biến cố lịch sử, nên việc tổ chức thời gian hiện tại trong tác phẩm cũng mang tính lịch sử - sự kiện: mỗi mốc thời gian gắn liền với một sự kiện cụ thể và các mốc thời gian được nhà văn sắp xếp theo trật tự tuyến tính trong mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện. Việc tổ chức thời gian như vậy đã làm nổi bật, cụ thể hoá, chân thật hoá sự kiện, đồng thời khiến người đọc luôn có cảm giác đang được tắm mình trong không khí hào hùng của dân tộc ta trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Bên cạnh thời gian hiện tại, trong tiểu thuyết này, Nguyễn Minh Châu cũng nói đến thời gian quá khứ. Đó là khi người kể chuyện kể về quá khứ của các nhân vật: Kinh ("ngày đó ở quê, vợ Kinh chưa đẻ đứa con thứ năm..." [17, 15]); Khuê ("Hôm đó Khuê về tới nhà thì mọi việc xem như đã xong xuôi cả" [17, 134]); Cận ("Năm 1954 kháng chiến kết thúc, anh lên mười tuổi và vẫn đi ở..." [17, 382])... Hoặc khi nhân vật hồi tưởng lại quá khứ của mình ("Thái Văn vẫn còn nhớ cái đêm anh từ biệt chính uỷ Kinh..." [17, 202]; trong nhật ký, Lữ nhớ lại những mốc thời gian: ngày 27 tháng 9, ngày 1 tháng 10, ngày 5 tháng 11, một ngày cuối tháng mười...). Sự hiện diện của kiểu thời gian này đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về quá khứ cũng như thế giới nội tâm của các nhân vật. Tuy nhiên, thời gian quá khứ trong tiểu thuyết này xuất hiện không nhiều và hầu như ít liên quan đến những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc
mà chủ yếu gắn với những vấn đề thế sự, đời tư diễn ra trong quá khứ của các nhân vật. Điều này càng chứng tỏ rằng, hiện thực chiến tranh trong Dấu chân người lính cũng như trong nhiều cuốn tiểu thuyết sử thi của văn học cách mạng là chiến tranh ở thời hiện tại, chiến tranh đang hiện diện trực tiếp với tất cả những gì rực rỡ, hào hùng, những chiến công vang dội.
Trong Đất trắng, mặc dù thời gian nghệ thuật vẫn chủ yếu là thời gian hiện tại nhưng chúng ta thấy có sự xuất hiện với tần số nhiều hơn của thời gian quá khứ, thời gian hoài niệm. Có khi thời gian quá khứ được biểu thị bằng những từ chỉ thời gian ngắn ngủi theo những nhịp tích tắc của đồng hồ như: "lúc đó", "chiều hôm đó", "ngày hôm đó", "đêm qua", "đêm ấy"... Có khi thời gian được đo bằng sự tuần hoàn của vòng quay trái đất như: "sáu giờ tối", "vào một buổi sáng", "buổi chiều", "nửa đêm", "mười một giờ đêm", "khoảng 7 giờ sáng", "chín giờ ba mươi phút", "bốn giờ"... Có khi thời gian lại được đếm theo những tờ lịch rơi như: "đầu năm 69", "cách đây năm năm", "mới cách đây nửa tháng", "từ mười tuổi", "năm 65"... Có khi thời gian quá khứ của hồi ức lại được nhà văn thể hiện qua những từ chỉ thời gian xa xăm, không định vị được như: "hồi đó", "trước đây", "trước đó", "dạo đó", "lần đó", "ngày xưa"... Có lúc thời gian quá khứ lại được định vị bởi những danh từ chỉ thời gian theo mùa: "Giữa mùa khô năm 1970, sau khi càn lên biên giới..." [117, 357])... Nhưng nhiều nhất vẫn là những mốc thời gian quá khứ được đánh dấu bằng những sự kiện, chẳng hạn: "từ sau trận Đắc Pét trở đi...", "trong trận càn Thanh Hương...", "ngày anh từ miền Bắc ra đi...", "đầu đợt một Tết Mậu Thân...", "trước lệnh tổng công kích và tổng khởi nghĩa hai tháng..."... Thậm chí, có khi trong quá khứ, người kể chuyện lại kể về một câu chuyện diễn ra trong quá khứ xa hơn (quá khứ của quá khứ). Chẳng hạn, khi nói về quá khứ của Thị: "Cách đây năm năm, khi mới đặt chân về trung đoàn, Thị đã được nghe bao nhiêu người kể chuyện về ông Ba Kiên..." [116, 9], rồi trong quá khứ "cách đây năm năm", người kể chuyện lại lùi về quá khứ xa hơn – thời
kháng chiến chống Pháp để nói về ông Ba Kiên trong trận càn Thanh Hương: "Trận đó, ông và tổ ba người đã đánh nhau với cả một tiểu đoàn địch..." [116, 10]. Cách tổ chức thời gian quá khứ như trên đã tạo nên những "nếp gấp thời gian", làm sống lại quá khứ của nhân vật, đồng thời tạo ra khả năng đối chiếu với hiện tại và tương lai. Từ đó, người đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về hiện thực chiến tranh cũng như cuộc đời, số phận và tính cách của các nhân vật.
3.3.2.2. Khác với Dấu chân người lính và Đất trắng, tái hiện hiện thực chiến tranh trong cảm nhận của người lính, thời gian trong Nỗi buồn chiến tranh nói riêng và nhiều tiểu thuyết chiến tranh sau Đổi mới nói chung chủ yếu là thời gian quá khứ. Theo khảo sát của chúng tôi, trong tác phẩm này, tỉ lệ giữa thời gian quá khứ so với thời gian hiện tại là 3/1. Điều này có nghĩa là phần lớn câu chuyện được nhìn từ điểm nhìn quá khứ. Hay nói cách khác, nhà văn đã sáng tạo một thế giới qua quá khứ, qua giấc mê, qua ảo giác, qua những dòng hồi ức miên man không dứt của nhân vật Kiên. Quá khứ không phải hiện về bằng sự “nhớ lại”, “tưởng tượng ra”, “hình như”, “lờ mờ nhận ra”… mà là cả một dòng tâm tưởng. Cả tác phẩm có 98 lần Bảo Ninh sử dụng các từ ngữ chỉ dẫn thời gian thì từ ngữ chỉ thời gian quá khứ xuất hiện tới 60 lần, trong đó từ "đêm ấy" được dùng tới 8 lần, từ "hồi" (kết hợp với "hồi ấy", "hồi xưa", "hồi hè", "hồi trung đoàn ba về đây"...) được dùng tới 16 lần. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng những từ, cụm từ chỉ thời gian quá khứ khác như "bấy giờ", "cái đêm xa xăm ấy", "buổi tối hôm ấy", "mấy hôm ấy", "năm ấy", "hôm đó", "cách đây không lâu", "chiều hôm ấy"... Thậm chí chỉ trong một đoạn văn thôi mà có hàng loạt cụm từ về thời gian đã qua: "Kí ức về một trưa mùa khô...", "kí ức một ngày mưa...", "kí ức xa vời", "cõi không cùng của quá khứ" [113, 83]. Rõ ràng, cái nhìn của Kiên về chiến tranh là cái nhìn của kẻ đã bước ra khỏi cuộc chiến - cái nhìn chiêm nghiệm. Đó là điểm nhìn xuôi về hồi tưởng với những giấc mơ hỗn loạn nhưng thống nhất trong dòng ý thức của nhân vật. Chính sự lựa chọn thời gian quá khứ đã đem đến cho người đọc
một hiện thực đáng tin cậy và dẫn dụ người đọc suy ngẫm về chiến tranh và số phận những người lính từng tham chiến. Hơn thế nữa, việc lựa chọn thời gian quá khứ không chỉ là phương thức hữu hiệu để tiếp cận lịch sử quá khứ một cách khách quan chân thực mà còn để nhận thức vấn đề của thực tại: những suy tư, chiêm nghiệm về chiến tranh không chỉ bó hẹp trong một cuộc chiến tranh cụ thể, mà liên quan đến chiến tranh nói chung, chiến tranh trong sự đối lập với sự sống, với hoà bình. Đúng như nhận định của M. Bakhtin: “Thời hiện tại và những vấn đề của nó đã trở thành xuất phát điểm và trung tâm của sự nhận thức và đánh giá quá khứ bằng phương tiện nghệ thuật tư tưởng. Cái quá khứ ấy được tái tạo không có khoảng cách nào, trên cùng một cấp độ với thời gian hiện nay, mặc dù không phải ở cấp độ thấp, mà ở cấp độ cao của nó – cấp độ của những vấn đề tiên tiến của thời đại” [6, 66 - 67].
Bên cạnh thời gian quá khứ là chủ yếu, trong tác phẩm này Bảo Ninh còn sử dụng thủ pháp đồng hiện thời gian: nhà văn đặt quá khứ trong quan hệ đối sánh với hiện tại và tương lai. Mở đầu tác phẩm là thời điểm mùa khô đầu tiên sau chiến tranh, khi Kiên với tư cách là người cựu chiến binh cùng đoàn đi tìm mộ đồng đội. Sau đó chuyện đột ngột đẩy lùi tọa độ thời gian về mùa khô năm 1969, nơi tiểu đoàn anh đóng tại đây với bao cảnh tang thương diễn ra, với bao câu chuyện thực lẫn chuyện ma quỷ ở truông Gọi Hồn, rồi cả tiểu đoàn hi sinh, chỉ còn lại mình Kiên. Rồi mỗi lần Kiên mơ là mỗi lần tọa độ thời gian bị đẩy lùi về những năm tháng xa xưa, về những năm 70... và về cả những năm trước chiến tranh, cho đến quãng đời thơ ấu của Kiên. Cứ thế, truyện kể như những trang bản thảo xếp lẫn lộn lung tung, mà mỗi đoạn xếp tình cờ là những trang ký ức không đầu không cuối. Có lúc đang nói về hiện tại nhà văn lại đột ngột quay trở về quá khứ (qua những từ ngữ chỉ dẫn thời gian quá khứ như: "vào mùa mưa năm 74...", "thời ấy...", "hồi đó", "đêm ấy"...); rồi từ quá khứ lại trở về với hiện tại (qua các từ ngữ như: "một đêm", "một buổi tối", "đã bao đêm như thế", "bây giờ", "giờ đây", "năm nay đã tứ
tuần rồi", "buổi sáng"...). Còn thể hiện tương lai, tác giả sử dụng hàng loạt từ như: "về sau", "càng về sau này", "mấy năm sau", "một thời gian sau"... Hay nói cách khác, ở đây quá khứ, hiện tại và tương lai lẫn lộn lung tung, chồng chéo lên nhau. Về vấn đề này, Nguyễn Thái Hòa đã nhận xét: "Sự xê dịch trong Thân phận tình yêu (Bảo Ninh) mới thật là một thách thức đối với người đọc. Nó không có dấu hiệu nào báo trước và cũng không biết kết thúc lúc nào" [52, 131]. Thủ pháp đồng hiện thời gian được nhà văn khắc họa trong tác phẩm đã làm nổi bật nỗi ám ảnh không nguôi về thời gian của nhân vật Kiên: đau về quá khứ, buồn về hiện tại và tuyệt vọng ở tương lai. Từ đó thể hiện một cách sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của con người do chiến tranh gây ra.
Không những thế, sự đồng hiện thời gian còn kéo theo sự đồng hiện không gian. Trong lời tựa cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Đi tìm thời gian đã mất (M.Proust), André Maurois – một nhà nghiên cứu người Pháp đã nhận định: "Sự cặp đôi cảm giác hiện tại với kỷ niệm sống lại đối với thời gian, cũng chính là kính hội tụ đối với không gian" [Dẫn theo 86, 156]. Điều này có nghĩa là khi một cảm giác hiện tại ở một không gian nào đó gợi lên một ký ức, như thế là đã có lùi về thời gian, nhưng đồng thời còn kèm theo một sự di chuyển về không gian nữa. Hơn thế, "sự cặp đôi cảm giác hiện tại với kỷ niệm sống lại" này còn có tác dụng dây chuyền. Sự biến hóa trong tâm tưởng của Kiên kéo anh về quá khứ, rồi từ quá khứ anh lại tiếp tục mơ về quá khứ của những ngày xa hơn do hiện tại của quá khứ ấy khơi gợi. Đây chính là mô hình thời gian quá khứ trong quá khứ, hồi tưởng trong hồi tưởng. Từ một cảm giác, hay nói đúng hơn là từ một chuỗi cảm giác dây chuyền có tính chất ngẫu nhiên, không cố ý mà nhà văn đã làm sống lại cả một khoảng không gian rộng lớn. Và hiện thực chiến tranh, hiện thực cuộc đời cứ thế hiện lên với đầy đủ bản chất thực của nó.
Như vậy, qua khảo sát thời gian nghệ thuật trong ba cuốn tiểu thuyết nói trên chúng ta thấy có sự gia tăng không ngừng của thời gian quá khứ, thời
gian hoài niệm. Đây là một dấu hiệu quan trọng chứng tỏ tiểu thuyết chiến tranh nói riêng và văn xuôi Việt Nam nói chung đang có sự chuyển mình theo hướng ngày càng hiện đại.