Từ kiểu nhân vật điển hình đến kiểu nhân vật cá biệt

Một phần của tài liệu Chiến tranh trong ba tiểu thuyết dấu chân người lính, đất trắng, nỗi buồn chiến tranh luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 121 - 127)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.3. Từ kiểu nhân vật điển hình đến kiểu nhân vật cá biệt

3.1.3.1. Nhân vật điển hình, theo Từ điển thuật ngữ văn học, là "hình tượng nghệ thuật đặc sắc, độc đáo được miêu tả sinh động, hấp dẫn, khái quát được những nét bản chất nhất, quan trọng nhất của con người và đời sống" [47, 113]. Văn học cách mạng Việt Nam (1945 – 1975) là văn học của những sự kiện lịch sử, của số phận toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng. Xây dựng hình tượng nhân vật điển hình - những con người đại diện cho giai cấp, dân tộc, thời đại, kết tinh một cách chói lọi những phẩm chất cao quý của cộng đồng, của thời đại – là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của văn học thời kỳ này. Trong lời phát biểu tổng kết Đại hội văn công toàn quốc năm 1954, nhà thơ Tố Hữu đã chỉ rõ: “Nắm vững được bản chất của con người mới, hiểu rõ được sự hoạt động của nó trong tập thể quần chúng cách mạng và trong trăm nghìn trường hợp, chọn lấy những trường hợp nào là điển hình mà bản chất của nó biểu hiện đầy đủ nhất để miêu tả con người mới, đó là phương hướng biểu hiện con người mới của thời đại” [60, 124]. Và không chỉ trong thời kỳ chiến tranh mà sang mười năm sau chiến tranh, trong một số tiểu thuyết chiến tranh viết theo khuynh hướng sử thi chúng ta cũng bắt gặp những hình tượng nhân vật điển hình.

Trong Dấu chân người línhĐất trắng, các tác giả đã xây dựng khá thành công hàng loạt nhân vật điển hình. Chính uỷ Kinh, Nhẫn (Dấu chân người lính), ông Ba Kiên, ông Thêm, ông Dũng (Đất trắng) là những hình tượng điển hình cho người cán bộ chỉ huy trong quân đội cách mạng. Lữ,

Lượng, Khuê... (Dấu chân người lính), Quá, Hùng, An... (Đất trắng) điển hình cho những người lính trẻ gan dạ, dũng cảm, mưu trí, sẵn sàng chiến đấu hi sinh quên mình vì lý tưởng cách mạng. Nết, Dự (Dấu chân người lính), Tám Trâm, Sáu Trang, Bảy Hường (Đất trắng) là hình ảnh điển hình cho vẻ đẹp của những người lính nữ trong chiến tranh. Cụ Phang (Dấu chân người lính) là hình tượng điển hình cho nhưng người già dân tộc miền núi – tuy cuộc sống nghèo khổ, bất hạnh nhưng vẫn trung thành với Đảng, một lòng gắn bó với cách mạng. Má Hai (Đất trắng) là nhân vật điển hình cho người mẹ miền Nam trong kháng chiến chống Mĩ... Nếu những hình tượng điển hình trong văn học trước 1945 thường gắn với ý nghĩa phê phán xã hội thì xây dựng những nhân vật điển hình như trên, mục đích chủ yếu của các tác giả là ngợi ca lí tưởng cách mạng, ngợi ca vẻ đẹp của con người Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh.

Để xây dựng các hình tượng nhân vật điển hình nói trên, các nhà văn rất chú ý tới các phương thức điển hình hoá – những biện pháp nghệ thuật nhằm làm cho hình tượng trở thành điển hình. Một trong số đó phải kể đến việc lựa chọn và điển hình hoá chi tiết. Trong Dấu chân người lính, bản lĩnh của Vượng thể hiện qua chi tiết tiêu biểu: "Vượng ngồi giữa đống đất tơi vụn cao lù lù như quả núi, vừa nhai cơm nắm vừa nhìn chúng bằng cặp mắt lầm lầm. Không một thằng địch nào dám mon men đến gần cái đống đất ấy!" [17, 272 - 273]. Chi tiết gọi pháo dội xuống đầu, sẵn sàng nhận sự hi sinh về mình để dập tắt đợt tấn công cuối cùng của địch lên điểm cao 475 lại diễn tả một cách ấn tượng sự dũng cảm chiến đấu, hi sinh quên mình của Lữ... Trong Đất trắng, thái độ làm việc rất cần cù, chăm chỉ, không biết mệt mỏi của ông Dũng thể hiện rõ ở chi tiết: anh em trong ban chính trị nói về ông: "Ông Dũng ông ấy làm việc quên cả đi đái, đến khi đi đái quên cả cài cúc quần"..." [116, 235]. Tình yêu mãnh liệt của ông Thêm đối với trung đoàn Mười Sáu thể hiện rõ qua

chi tiết: ông không cho phép bất cứ một ai nói xấu trung đoàn 16 trước mặt ông, dầu cho đó là nói đùa chăng nữa...

Bên cạnh đó, trên cơ sở nhận thức một cách đúng đắn mối quan hệ mật thiết, biện chứng giữa con người và hoàn cảnh xã hội, khi xây dựng nhân vật điển hình, các tác giả còn rất chú ý đặt nhân vật vào hoàn cảnh điển hình – "những hoàn cảnh của nhân vật được tái hiện trong tác phẩm, phản ánh được bản chất hoặc một vài khía cạnh bản chất trong những tình thế xã hội với một quan hệ giai cấp nhất định" [87, 167]. Hoàn cảnh điển hình trong Dấu chân người lính là cuộc hành quân, bao vây, tiêu diệt địch ở núi rừng Quảng Trị trong chiến dịch Khe Sanh với khí thế hào hùng, tinh thần chủ động tấn công và sức mạnh áp đảo kẻ thù. Còn trong Đất trắng là cuộc chiến đấu dữ dội, căng thẳng, khốc liệt đầy khó khăn, thử thách, tổn thất, hi sinh giữa vòng vây của địch của trung đoàn Mười Sáu trên vùng đất thép Củ Chi, Gia Định để giành lại dân, giành lại địa bàn. Những hoàn cảnh ấy chính là cái phông, cái nền để nhân vật bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của mình.

Không những thế, xây dựng hình tượng nhân vật điển hình, các tác giả còn rất có ý thức đặt nhân vật vào tình huống có vấn đề để nhân vật bộc lộ tính cách, phẩm chất của mình. Trong Dấu chân người lính, Nguyễn Minh Châu đã đặt Cận trong tình huống một mình lọt vào giữa một tiểu đoàn địch; đặt Lữ và Đàm trong tình huống bị kẻ địch bao vây; đặt Khuê trong tình huống anh và tiểu đội trinh sát phải chiến đấu với kẻ thù đông và mạnh; đặt Nết vào tình huống tính mạng của Lượng bị đe doạ; đặt chính uỷ Kinh vào tình huống con trai – Lữ hi sinh... Trong Đất trắng, Nguyễn Trọng Oánh đặt ông Ba Kiên và anh em trung đoàn Mười Sáu trong tình huống ông Năm Truyện hi sinh, Tám Hàn đầu hàng, kẻ địch truy kích ráo riết; đặt Quá trong tình huống phải chọn một trong hai nhiệm vụ: hoặc là ở lại đánh địch hoặc là vào hang ổ, đánh vào một cụm địch bất kỳ để thu hút hoả lực địch cho anh em đưa thương binh rút ra; đặt Nghĩa vào tình huống bị kẻ địch bắt và doạ móc

mắt... Qua cách hành xử trong những tình huống này, phẩm chất của các nhân vật được bộc lộ: sự dũng cảm, gan dạ, mưu trí, đặt cái chung lên trên cái riêng, sẵn sàng hi sinh quên mình vì lý tưởng. Có thể nói, những tình huống mà các nhà văn sáng tạo nên như một thứ nước rửa ảnh làm nổi hình, nổi sắc nhân vật.

"Điển hình nghệ thuật là sự thống nhất cao độ, hoàn mĩ giữa tính khái quát tập trung và tính cá thể sinh động" [47, 114]. Trong Dấu chân người lính, chính uỷ Kinh bên cạnh những nét chung của một cán bộ chỉ huy còn có những nét riêng, độc đáo: bị hỏng một mắt; nói tiếng địa phương Nghệ Tĩnh rất nặng; gọi lính đáng tuổi con mình bằng "ông"; thương lính theo kiểu đàn bà; phong cách sống dân dã, quê mùa... Các nhân vật khác cũng được miêu tả với những tính cách không lẫn với ai: Khuê "lúc thì như thằng trẻ con, lúc lại đĩnh đạc như một người đứng tuổi" [17, 27]; Lữ có tâm hồn lãng mạn, mê khói bếp; Nết "là một cô gái thông minh và đảm đang, tuy đã thoát ly công tác nhưng vẫn còn mang nặng tư tưởng gia đình" [17, 372]... Cũng vậy, trong

Đất trắng, nhà văn cũng rất ý cá thể hoá nhân vật qua việc miêu tả những nét riêng về hoàn cảnh, tính cách của từng người. Ông Thêm hiện lên với những nét riêng: hơn hai mươi năm biền biệt không có tin tức gì về gia đình, yêu trung đoàn một cách cuồng nhiệt, rất coi trọng truyền thống của đơn vị, bốn mươi tuổi chưa lập gia đình... Quá cũng có những đặc điểm khác với những chiến sĩ khác: cha chết trong chiến dịch Hoà Bình, mẹ đi lấy chồng khác, từ ba tuổi Quá đã về ở với bà nội, mười tám tuổi anh đi bộ đội; có thói quen ghi nhật ký; có tình cảm với Bảy Hường... Chính sự cá thể hoá nhân vật đã làm cho hình tượng nhân vật trở nên sinh động, rõ nét, "mỗi nhân vật là một điển hình, nhưng đồng thời lại là một cá nhân hoàn toàn cụ thể, là con người này như ông già Hêghen đã nói" [Dẫn theo 87, 163]. Hay đó chính là "một người lạ mà quen" như cách nói của Biêlinxki.

3.1.3.2. Nếu ở Dấu chân người línhĐất trắng chúng ta bắt gặp kiểu nhân vật điển hình thì trong Nỗi buồn chiến tranh, nhà văn lại khái quát hiện thực cuộc chiến thông qua việc xây dựng kiểu hình tượng nhân vật cá biệt.

Với dụng ý nghệ thuật đi sâu vào khám phá, phản ánh những mặt trái của chiến tranh, những hậu quả mà chiến tranh để lại đối với những con người chiến thắng, trong tiểu thuyết này, Bảo Ninh chủ yếu tập trung xây dựng kiểu nhân vật bị chấn thương về thể xác và đặc biệt là về mặt tinh thần – một trong những kiểu nhân vật cá biệt. Vượng trong chiến tranh vốn là chiến sĩ lái xe tăng thiết giáp T.54 giờ bị chứng "ngợp mặt đường", phải bỏ nghề và trở thành một kẻ bợm rượu, suốt ngày say khướt. Phán luôn mang trong mình nỗi day dứt, dằn vặt bởi cái chết bi thảm – chết ngập trong hố bom của người lính nguỵ. Hiền – người nữ chiến sĩ của mặt trận khu 9 đi B từ năm 66 nay trở về với đôi nạng gỗ và một tâm trạng tan hoang, bi đát. Còn Sinh – nhà thơ của lớp 10A năm xưa giờ chiến tranh đã khiến anh trở thành một phế nhân, bán thân bất toại, sống không được mà chết cũng không xong. Nhưng có lẽ Kiên và Phương mới là những nhân vật bị chấn thương. Tuy được sống sót trở về nhưng ký ức chiến tranh luôn đeo đẳng, trở thành nỗi buồn đau vĩnh viễn trong tâm hồn Kiên, khiến anh không thể nào hoà nhập được với xung quanh, trở thành tay nhà văn cấp phường gàn dở, triền miên trong men rượu và tự đốt cháy mình trong những cơn say. Còn Phương, từ một cô nữ sinh trường Bưởi xinh đẹp, hồn nhiên, trong sáng, sau hôm bị cưỡng bức trên chuyến tàu vào Vinh, cô trở thành một người đàn bà khác hẳn: sống buông thả, thác loạn, bất chấp sự đời. Mỗi người bị chấn thương một kiểu nhưng tất cả đều có chung số phận bi kịch, đều là những nạn nhân của chiến tranh. Có thể nói, “cái chết của những người lính, sự tan vỡ của tình yêu và sự chà đạp nhân phẩm người phụ nữ là những mặt biểu hiện sức mạnh huỷ diệt của chiến tranh, sức mạnh chà đạp lên đời sống của con người” [129]. Qua kiểu nhân vật này, nhà văn giúp người đọc nhận thức hiện thực chiến tranh trong chiều sâu của nó.

Bên cạnh đó, khi xây dựng kiểu nhân vật cá biệt, trong Nỗi buồn chiến tranh, nhà văn còn chú ý đến những nhân vật lạc thời và lạc loài. Họ những con người sống cô đơn, bơ vơ, lạc lõng, không bắt nhịp được với cuộc sống xã hội đương thời. Đó là cha của Kiên – một hoạ sĩ gàn dở với quan điểm nghệ thuật khác xa với các đồng nghiệp đương thời và những tác phẩm không theo lập trường quan điểm nào, xa lạ với quan điểm thẩm mĩ chung của quần chúng nhân dân. Đó là Phương với vẻ đẹp và phong cách sống lạc thời, phô trương, ngạo nghễ như thách thức với xung quanh, không phù hợp với cuộc sống chiến tranh. Và ngay cả Kiên, trở về sau chiến tranh anh cũng trở thành một người cô đơn đến tận cùng, không thể bắt nhịp nổi với lối sống hiện đại. Đây cũng là kiểu nhân vật xuất hiện khá phổ biến trong văn xuôi Việt Nam sau Đổi mới. Nó minh chứng cho cách tiếp cận mới của các nhà văn đối với hiện thực và con người.

Để xây dựng kiểu nhân vật này, nhà văn đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Một trong những thủ pháp nổi bật được sử dụng khá hiệu quả đó chính là miêu tả nhân vật bằng nghệ thuật ghép mảnh. Trong tác phẩm, hình tượng nhân vật không được miêu tả tập trung, liền mạch mà được tạo nên thông qua nhiều mảnh ghép khác nhau ở nhiều thời điểm khác nhau trong tác phẩm. Hình tượng nhân vật Kiên – nhân vật chính của tác phẩm được lắp ghép lại bởi ba mảnh lớn: trước chiến tranh, trong chiến tranh và sau chiến tranh. Trong mỗi mảnh lớn lại gồm nhiều mảnh nhỏ ghép lại với nhau. Và mỗi mảnh nhỏ, lại được ghép bởi những mảnh nhỏ hơn, chẳng hạn mảnh "cuộc sống thời thơ ấu gắn liền với gia đình và bè bạn" của Kiên được ghép bởi các mảnh nhỏ hơn: ký ức về thời thơ ấu, kỷ niệm giữa Kiên và Hạnh, ký ức về người cha. Hình tượng nhân vật Phương tuy ít phức tạp hơn nhưng cũng được ghép bởi nhiều mảnh khác nhau: tuổi mười bảy và mối tình đầu trong sáng với Kiên thuở còn là học sinh trường Bưởi; kỷ niệm với Kiên ở Đồ Sơn; gặp Kiên trước lúc lên đường vào chiến trường; Phương và Kiên trên chuyến

tàu Hà Nội – Vinh; bị cưỡng bức trên chuyến tàu vào B; chia tay với Kiên khi anh vào chiến trường; gặp lại Kiên sau chiến tranh; chia tay vĩnh viễn với Kiên. Tuy nhiên, những "mảnh" này lắp ghép với nhau không theo trật tự thời gian, không có quan hệ nhân quả mà bị phân tán vào ký ức lộn xộn, chắp nối và rời rạc của nhân vật chính chẳng khác gì các thủ pháp cắt xén, lắp ghép hình ảnh trong điện ảnh. Người đọc chỉ có thể hình dung đầy đủ về nhân vật khi đọc đến trang cuối cùng của tác phẩm. Đây có thể xem là một nét đặc sắc, độc đáo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Bảo Ninh.

Cùng với đó, kĩ thuật dòng ý thức cũng được nhà văn sử dụng một cách hiệu quả trong việc xây dựng kiểu nhân vật cá biệt. Theo dòng ý thức của Kiên, người đọc thấy được nỗi buồn đau dai dẳng trong tâm hồn nhân vật chính – tấn bi kịch tinh thần của người lính trở về sau chiến tranh. Đồng thời, cũng qua những dòng hồi ức hỗn độn, khi đứt khi nối của Kiên, hình ảnh các nhân vật khác cũng dần dần hiện lên trước mắt độc giả.

Như vậy, với những biện pháp nghệ thuật độc đáo, trong Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã khắc họa thành công kiểu nhân vật cá biệt. Với việc tô đậm tính cá biệt của nhân vật, Bảo Ninh đã xác lập một cái nhìn mới về hiện thực lịch sử - hiện thực chiến tranh. Sự chuyển đổi từ kiểu nhân vật điển hình sang kiểu nhân vật cá biệt chứng tỏ tiểu thuyết chiến tranh trong văn học Việt Nam sau Đổi mới đã tìm được hình thức thể hiện phù hợp với quan niệm nghệ thuật mới mẻ về hiện thực và con người.

Một phần của tài liệu Chiến tranh trong ba tiểu thuyết dấu chân người lính, đất trắng, nỗi buồn chiến tranh luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 121 - 127)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(182 trang)
w