7. Cấu trúc luận văn
3.1.2. Từ kiểu nhân vật tập thể đến kiểu nhân vật cá nhân
3.1.2.1. Phản ánh bức tranh toàn cảnh về cuộc sống chiến đấu và lao động sản xuất của nhân dân, nét nổi bật trong quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt Nam 1945 – 1975 và cả trong một số tác phẩm ra đời trong khoảng thời gian mười năm đầu sau giải phóng đó chính là sự nhìn nhận con người trong tư thế: con người cộng đồng – con người được tư duy trên cấp độ tập thể. Và quan niệm con người cộng đồng đã tìm được hình thức thể hiện tương ứng, phù hợp đó chính là kiểu nhân vật tập thể. Kiểu nhân vật
này cũng được các các tác giả Dấu chân người lính và Đất trắng xây dựng khá thành công trong tác phẩm của mình.
Xây dựng hình tượng nhân vật tập thể, điều dễ nhận thấy nhất là ở chỗ các tác giả ít khi tập trung vào cuộc đời và số phận của một vài con người riêng lẻ mà thường miêu tả đám đông, miêu tả cùng lúc nhiều người. Đọc
Dấu chân người lính chúng ta thấy có khá nhiều lần nhà văn miêu tả đám đông, trong đó ấn tượng nhất là hình ảnh các đơn vị bộ đội trên đường hành quân: "Các ngả đường ngập những lính, đâu đâu cũng nghe tiếng hát, tiếng ồn ào của đám đông, đâu đâu trong rừng cũng sực lên hơi người, đâu đâu cũng gặp những bếp than cháy dở, những cái túp cỏn con kề bên suối bên trong ba hòn đá vực dưới suối lên đã cháy đen thui..." [17, 14]. Trong Đất trắng chúng ta cũng nhiều lần bắt gặp hình ảnh đám đông như vậy. Đó là hình ảnh các chiến sĩ trong một cuộc hành quân đầy hiểm nguy, gian khổ; hình ảnh những người lính trước trận đánh... Song hình ảnh đám đông được miêu tả nhiều nhất vẫn là những đoàn thương binh: "Đoàn thương binh ra đến đầu ngã ba đi về ấp thì trời đã nhá nhem tối. Họ đi lặng lẽ, không ai nói với ai một câu nào (...). Người đi trước đoàn là Thị, sau đó đến hai chiến sĩ của tiểu đoàn 7, tiếp theo là năm chiếc cáng..." [17, 49 - 50]. Rõ ràng, mặc dù đám đông được miêu tả trong các tác phẩm với sắc thái, không khí, giọng điệu khác nhau song tất cả mọi người đều được thể hiện trong một khối chung thống nhất. Đối tượng được xác định ở đây không phải là "một", là số ít mà là “những”, là “họ”, là "đoàn", là những đơn vị chỉ số đông, số nhiều. Ở đây con người thường xuất hiện trong đám đông với tư cách là một thành viên không tách rời của tập thể, rất ít khi ngồi suy tư một mình.
Ở phương diện tính cách, những con người tham gia vào hình tượng nhân vật tập thể tuy mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi cá tính khác nhau nhưng tất cả đều có chung tình cảm, ý chí và mục đích hành động vì lý tưởng cao cả: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Họ sống hoà mình vào tập thể,
sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng, đặt cái chung lên trên cái riêng. Ở đây, "nội dung của các tính cách là tâm lý tập thể, ý thức tập thể. Ý thức, tâm lý mỗi người là bộ phận không thể tách rời của truyền thống, của tập thể, của nhân dân. Số phận của mỗi người gắn liền với số phận của cách mạng và dân tộc" [107, 76]. Trong Dấu chân người lính, gia đình chính uỷ Kinh đã tự xé ra, chia nhau mỗi người đi một ngả để gánh vác những công việc khác nhau của đất nước. Hai chị em Nết và Khuê, tuy nhà bị bom rơi ngay bên chái, mẹ và em cũng chết vì bom, còn ông bố thì bệnh tật, ốm yếu, suốt ngày bó gối ngồi giữa ba đứa em nhỏ còn lại nhưng họ vẫn vượt lên trên nỗi đau gia đình, nén tình riêng để quyết tâm chiến đấu với kẻ thù. Còn đối với Cận, "trong mấy năm khoác ba-lô và chiếc xẻng sống lang thang dọc các bến bãi giữa rừng. Hình như Cận quên hẳn gia đình vợ con..." [17, 227]... Trong Đất trắng, ông Ba Kiên, ông Dũng, ông Thêm đều gắn bó cuộc đời mình với trung đoàn Mười Sáu, cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu, cùng sống chết với anh em chiến sĩ trong trung đoàn, coi các chiến sĩ như anh em ruột thịt. Các chiến sĩ khác như Canh, Thân, Thị, Quá, Tám Trâm, Bảy Hường, Sáu Trang... đều một lòng một dạ, cùng đồng cam cộng khổ, quyết tâm chiến dấu, hi sinh vì lý tưởng cách mạng. Thậm chí ngay cả tình yêu – một phương diện tình cảm hết sức riêng tư của con người cũng bị chi phối bởi nhiệm vụ chung, ý thức cộng đồng, tinh thần tập thể (tình yêu của Lữ đối với Hiền trong Dấu chân người lính; ông Thêm với Út Lích, Quá với Bảy Hường, Sáu Trang với An trong Đất trắng). Có thể nói, hình tượng con người qua kiểu nhân vật này gần như không tồn tại với tư cách là một cá nhân độc lập mà đại diện cho giai cấp, dân tộc và thời đại và vẻ đẹp của họ cũng là vẻ đẹp mang tầm cỡ giai cấp, dân tộc. Đó là những con người luôn “khoác bộ áo xã hội”, luôn “trùng khít với địa vị xã hội của mình”, “những con người đơn trị, dễ hiểu đúng với quan niệm con người kiểu sử thi” (M.Bakhtin). Và người cầm
bút cũng nhân danh cộng đồng, nhân danh tập thể để nói về họ với thái độ ngợi ca, ngưỡng mộ.
3.1.2.2. Cùng với sự chuyển đổi từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết, cảm hứng lịch sử dân tộc sang cảm hứng thế sự, đời tư, trong quan niệm nghệ thuật về con người của văn học sau 1975, đặc biệt là sau Đổi mới nói chung và tiểu thuyết chiến tranh thời kỳ này nói riêng đã có sự xuất hiện trở lại của con người cá nhân. Lúc này, "văn học chăm chú quan tâm hơn đến con người với tư cách là một thế giới cá nhân phong phú, phức tạp, đa dạng, đa chiều, đa tầng trong nhiều mối quan hệ cũng hết sức phức tạp và đa dạng với toàn xã hội và với chính mình..." [Dẫn theo 102]. Và với quan niệm con người cá nhân, trong nghệ thuật xây dựng nhân vật các tác giả chú ý xây dựng kiểu nhân vật cá nhân như một điều tất yếu.
Khác với Dấu chân người lính và Đất trắng, xây dựng nhân vật cá nhân, trong Nỗi buồn chiến tranh nhà văn không miêu tả hình tượng đám đông mà chủ yếu tập trung xoáy sâu vào cuộc đời, số phận bi kịch của từng con người cụ thể. Đó là Kiên, Vượng, Phán với nỗi buồn đau dai dẳng bởi chiến tranh không bao giờ nguôi ngoai trong tâm hồn, họ sống cô đơn, lạc lõng, không thể nào hoà nhập được với cuộc sống hiện tại. Đó là Hiền – người lính nữ trở về sau chiến tranh với với cả vết thương thể xác lẫn tâm hồn. Đó là Phương với bi kịch của một người con gái một thời hồn nhiên, xinh đẹp, đam mê bị chiến tranh cướp đi tất cả để rồi trở thành một người đàn bà thác loạn, bất chấp sự đời. Đó là cha Kiên với bi kịch của một nghệ sĩ chân chính, hết mình vì nghệ thuật nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, đứa con tinh thần của ông đã không được mọi người thừa nhận và bản thân ông cũng bị lên án, công kích, quy chụp. Viết về bi kịch của những con người này chính là sự thể hiện rõ nhất cho quan niệm về con người cá nhân – con người bi kịch trong tiểu thuyết này của Bảo Ninh.
Không những thế, khác với kiểu nhân vật tập thể, khi xây dựng hình tượng nhân vật cá nhân, nhà văn đặc biệt quan tâm đến đời sống nội tâm của nhân vật. Bởi vì đó chính là thế giới riêng tư nhất của mỗi con người, là chỗ để người ta phân biệt người này với người khác, là chỗ để nhà văn thể hiện rõ nhất những bi kịch đau đớn mà mỗi con người cá nhân phải trải qua. Trong suốt tác phẩm nhà văn để cho nhân vật Kiên triền miên trong ký ức, tự mình đối diện với chính mình để rồi cảm thấy đớn đau, dằn vặt về những gì đã diễn ra trong quá khứ, ân hận, ăn năn về những việc mình đã làm trong chiến tranh cũng như những gì mà anh đã gây ra cho đồng đội của mình. Phán cũng tự dằn vặt mình vì cho rằng anh đã gián tiếp gây ra cái chết của người lính nguỵ. Tâm hồn Vượng cũng luôn bị ám ảnh bởi những chết chóc, đau thương trong quá khứ. Can thực sự xáo động khi biết tin Kiên được cử ra Bắc học... Có thể nói, đời sống nội tâm phong phú là một trong những biểu hiện sinh động nhất của kiểu nhân vật cá nhân trong văn học.
Bên cạnh đó, xây dựng hình tượng nhân vật cá nhân, trong Nỗi buồn chiến tranh, nhà văn cũng không ngần ngại đền cập đến những mặt hạn chế, mặt tự nhiên, bản năng, những "góc khuất" trong con người các nhân vật. Kiên thiếu cảnh giác, hèn nhát khiến đồng đội của anh phải trả giá bằng tính mạng. Can vì sợ chết nên đã đào ngũ. Người lính cũng đánh bài, chơi gái, hít hồng ma, xả súng vào đối phương một cách vô nhân tính, bị biến thành công cụ bạo lực của chiến tranh, trở nên dửng dưng, vô cảm trước nỗi đau, nỗi bất hạnh của đồng loại... Ở họ không chỉ có lý tưởng mà còn có cả mặt bản năng: Vĩnh chỉ rặt mơ thấy chuyện làm tình với đàn bà, Tạo "voi" thì hay mơ tới sự ăn uống, những chàng trai trẻ hàng đêm vẫn lén ra khỏi lán để làm tình với ba cô gái trong trại tăng gia, ngay cả Kiên cũng nhiều lần không kìm chế được sự cám dỗ của bản năng tình dục... Những khía cạnh này đã cho thấy nhân vật của Bảo Ninh thực sự là những con người cá nhân theo đúng nghĩa của nó.
Nói một cách khái quát, sự thay đổi trong nghệ thuật xây dựng nhân vật – từ kiểu nhân vật tập thể sang kiểu nhân vật cá nhân – đã đánh dấu sự biến đổi đáng kể của tư duy văn học. Xây dựng hình tượng nhân vật cá nhân chính là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc góp phần đắc lực vào việc phản ánh hiện thực chiến tranh một cách sâu sắc, đầy đủ và chân thực hơn - phản ánh hiện thực chiến tranh qua cuộc đời, số phận và lịch sử tâm hồn con người.