Đến những con người bình thường, mang số phận bi kịch

Một phần của tài liệu Chiến tranh trong ba tiểu thuyết dấu chân người lính, đất trắng, nỗi buồn chiến tranh luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 78 - 88)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Đến những con người bình thường, mang số phận bi kịch

2.2.2.1. Nhà thơ người Đức J. Bêsơ đã từng khẳng định: “Nền văn học mới bao giờ cũng ra đời cùng lúc với con người mới” [Dẫn theo 65, 3]. Nếu như con người trong văn học cách mạng (1945 – 1975) là con người sử thi anh hùng với vẻ đẹp lý tưởng, kết tinh những phẩm chất cao quý của cả cộng

đồng, thì từ sau 1975, con người ngày càng được văn học khám phá, soi chiếu ở nhiều bình diện, nhiều tầng bậc, trong nhiều mối quan hệ chồng chéo, phức tạp. “Ba mươi năm trước, con người trong văn học chủ yếu là đối tượng để ngợi ca hay phê phán. Giờ đây, ngoài tính chất đó, con người còn là đối tượng để nghiên cứu, phân tích nhiều mặt” [107, 87]. Viết về người lính và cuộc chiến tranh khi nó đã đi qua, điểm đáng chú ý nhất trong trong tiểu thuyết chiến tranh giai đoạn này nói chung cũng như trong Đất trắngNỗi buồn chiến tranh nói riêng chính là ở chỗ các tác giả đã nhìn nhận và phản ánh hình tượng người lính một cách sâu sắc, toàn diện hơn: không chỉ là những người anh hùng với những phẩm chất cao đẹp mà còn là những con người bình thường, mang số phận bi kịch.

Về mặt tính cách, nếu như trong văn xuôi giai đoạn 1945 - 1975 người lính là những nhân cách bất biến, là những người anh hùng có vẻ đẹp tuyệt đối, hoàn hảo thì sau 1975, với cái nhìn thực tế, khách quan, người lính không còn vẻ đẹp nguyên phiến mà hiện lên với tư cách là một con người bình thường có sự đồng hành giữa cái tốt và cái xấu, giữa mặt tích cực và hạn chế, giữa "rồng phượng" và "rắn rết", giữa phần "con" và phần "người"... Trong

Đất trắng, ông Ba Kiên là người chỉ huy tài ba, giàu kinh nghiệm chiến trường nhưng lại có lúc chấp hành mệnh lệnh "giữ vững địa bàn" một cách máy móc, cứng nhắc. Sai lầm này của ông đã gây hi sinh, tổn thất cho trung đoàn. Không những thế, ông còn chủ quan, không nghe lời Thị, không đánh giá đúng tình hình địch nên đã đi qua lộ Mười lăm như đi chơi và chính sai lầm này đã dẫn đến sự hi sinh của ông. Ông Thêm tuy luôn thận trọng trong lãnh đạo nhưng lại hơi giáo điều và theo nhận xét của anh em chiến sĩ, ông hăng hái, sôi nổi nhưng không sâu sắc, "không thông cảm hết với mọi người, thường hay định kiến, yêu ai hay yêu quá, nhưng đã ghét ai thì khó mà thay đổi nhận xét" [117, 94]. Tiểu đội trưởng Canh không giữ được bình tĩnh, tự ý bắn máy bay địch để lộ mục tiêu dẫn đến sự hi sinh của phó chính uỷ Cường. An làm cần vụ, ngày đêm bên

Tám Hàn nhưng lại chủ quan, thiếu tỉnh táo và nhạy cảm nên không sớm nhận ra sự phản bội của hắn, thậm chí khi đã nghĩ đến chuyện Tám Hàn phản bội rồi, vậy mà An vẫn còn tìm ra lý do để bào chữa cho hắn. Lính Mười Sáu khi thì chấp hành kỷ luật một cách cứng nhắc (nhân dân sơ tán, giao lại vườn, nhà cho bộ đội tự ý sử dụng nhưng không tận dụng tài sản của dân để bám trụ địa bàn mà để địch phá sạch) nhưng có lúc lại vi phạm kỷ luật (tự ý bứt trộm dưa của dân)...

Bên cạnh đó, trong tác phẩm còn có rất nhiều lần nhà văn nói đến nỗi sợ hãi, hoài nghi của người lính. Quá cảm thấy căng thẳng, run sợ khi nghĩ đến chuyện sáng ngày mai sẽ phải ra trinh sát, bám địch ở hướng Vườn Cau Đỏ. Khi thấy bọn lính dù cầm súng ngồi trên xuồng chỉa vào hai bên bờ rạch, "Hùng cứ đứng ngâm mình dưới nước như vậy mãi không dám rút chân lên nữa vì quá hồi hộp (...). Phải đến nửa giờ sau, nó lại mới trở lại tình trạng bình thường" [116, 155]. Thắng thấy lo sợ khi Canh đi rồi, còn một mình ở lại: "Anh lùi về cạnh một bụi chuối nước, trố mắt nhìn vào bóng tối, tay ghì chặt súng, tim đập thình thịch" [116, 81]. Thận là chính trị viên phó tiểu đoàn luôn động viên anh em vượt qua khó khăn, dũng cảm chiến đấu, giữ vững lòng tin "nhưng nhiều lúc anh vẫn cảm thấy anh không tin điều mình nói lắm" [116, 168]. Không chỉ hoài nghi bản thân mà có lúc người lính còn nghi ngờ cả đồng đội của mình: “Việc Mạn và Sâm có thể bị bắt làm cho mọi người không yên tâm. Đành rằng chúng ta phải tin tưởng ở đồng đội, nhưng ở đời ai mà đoán được chữ ngờ...” [116, 116]. Thậm chí ngay cả ông Ba Kiên – người cán bộ chỉ huy nổi tiếng gan dạ, dũng cảm cũng từng thổ lộ: "Trong con người của họ có một phần con người của mình. Mình cũng có lúc sợ hãi, mình cũng có lúc hoài nghi..." [116, 169] và có lần khi kể thành tích với phóng viên, ông đã nói: "Sau trận ấy nghĩ gì à? Còn gì nữa mà nghĩ? Sợ bỏ mẹ! Đêm về nằm rùng mình..." [116, 232]. Song có lẽ người hay lo sợ, dễ dao động nhất chính là Lựu. Khi máy bay địch tấn công, Lựu đã bỏ hầm tháo chạy. Anh ta ngồi lỳ dưới con rạch

chạy qua sát ngay một bên, vậy mà cả tuần lễ không dám ra tắm. Lựu còn tuyên bố công khai, dứt khoát là phải giữ lấy cái "gáo". Trong trận đánh ở Cầu Sắt, Lựu chỉ bị thương nhẹ ở tay, nhưng vì muốn được đi viện, cậu ta đã lấy băng cuốn thật nhiều vòng, giả làm bộ đau đớn. Hành động của Lựu làm chúng ta nhớ đến nhân vật Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai: ba lần tự sát thương để được chuyển ra tuyến sau, mong được sống sót trở về trong danh dự. Đặc biệt, trong Đất trắng, lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, nhà văn đề cập đến sự phản bội của một cán bộ cấp cao trong quân đội cách mạng đó là Tám Hàn mà nguyên nhân cốt lõi là do hắn "không có một lập trường cách mạng triệt để, sẵn sàng hi sinh cao nhất cho quyền lợi nhân dân. Hắn đã đi theo Đảng như một phần tử cơ hội, mang theo những động cơ cá nhân" [116, 250]. Những điều này đã khiến cho tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Oánh khi mới ra đời đã trở thành một "nghi án văn chương" và bản thân tác giả phải chịu không ít lời chỉ trích. Nhưng thực ra, phản ánh điều này “Nguyễn Trọng Oánh đã thẳng thắn nhìn vào mặt trái – một phía kết quả - của hoàn cảnh chiến đấu ác liệt...” [142, 95]. Hay nói cách khác, những tình tiết này đã nói lên rằng cuộc chiến tranh thật khốc liệt, dữ dội và đây chính là môi trường lý tưởng để phân biệt vàng thau, để thử thách phẩm giá con người.

Tiến thêm một bước nữa trong quá trình chân thực hoá hình tượng người lính, trong Nỗi buồn chiến tranh, mặc dù có đề cập đến một số hành động ít nhiều mang tính chất anh hùng (hành động hi sinh vì đồng đội của Cừ, Từ, Hoà, Tâm), song điều chủ yếu là nhà văn muốn cho người đọc thấy được bộ mặt thật của chiến tranh qua những hạn chế, những "góc khuất" trong con người của họ. Khác với hình tượng người lính trong văn học trước kia, ở đây người lính cách mạng cũng uống rượu, hít hồng ma, đánh bài, chơi gái, văng tục... Khi phải hàng ngày đối mặt với cái chết, họ cũng có những lúc sợ hãi, hèn nhát, sai lầm. Can đã đào ngũ vì sợ chết. Và không chỉ Can mà lúc bấy giờ, "nạn đào ngũ lan rộng khắp trung đoàn, chẳng khác nào những cơn ói

mửa làm ruỗng nhiều trung đội, không thể chắn giữ, ngăn bắt nổi..." [113, 22]. Còn Kiên, chỉ vì những lỗi lầm, sự thiếu cảnh giác và cả sự hèn nhát của mình mà anh đã khiến nhiều anh em, đồng đội phải hi sinh tính mạng.

Không những thế, trong tiểu thuyết này, Bảo Ninh còn không ngần ngại khi nói đến những hành động, khát vọng mang tính bản năng của người lính. Những chiến sĩ trẻ hàng đêm vẫn lặng lẽ trườn khỏi võng, nhón bước ra khỏi lán để vào làm tình với ba cô gái trong khu trại tăng gia của huyện đội 67. Kiên mỗi lần nghĩ tới Phương thì "tình dục vốn đã ngủ say và những nồng cháy của xác thịt tưởng đã bị dập tắt hẳn từ lâu lại như bắt lửa bừng rực lên với hình bóng nàng nhập vào anh hàng đêm giữa những giấc mơ" [113, 166]. Vĩnh thì "chỉ rặt mơ thấy đàn bà và hắn thường xuyên khoái trá tả thực cho anh em nghe về những cuộc làm tình tưởng tượng vô cùng tham lam, phức tạp, rất ngóc ngách, đầy lý thú và sống sượng với chị em huyền thoại của hắn" [113, 13]. Còn Tạo "voi" thì lại đặc biệt hay mơ tới sự ăn uống... Chính những chi tiết này đã làm hình tượng người lính trong tác phẩm trở nên chân thực hơn, bởi nói đến bản năng, dục tính chính là cách bày tỏ con người thật nhất - “thật hơn con người chính trị” (Kenzaburo).

Đặc biệt, trong Nỗi buồn chiến tranh, lần đầu tiên trong văn học, nhà văn đã dũng cảm đề cập đến những hành động dã man, vô cảm, mất hết nhân tính của người lính. Trong một lần đụng độ với bọn thám báo, mặc dù đã tiến lại gần bắn vào tên nguỵ bật khỏi gốc cây, kêu rú lên thất thanh nhưng Kiên vẫn điên khùng nhảy xổ tới và "nghiến răng, đứng phơi ra chúc họng súng xuống, điên cuồng nã tưng phát, từng phát đóng đanh lên cái thân xác còn nóng hổi sức sống đang oằn oại đau đớn trong cơn rùng giật giãy chết" [113, 17]. Không những thế, vào một buổi sáng trung đoàn đánh vào Ty cảnh sát Buôn Ma Thuột, Kiên bắn vào người phụ nữ đã bắn lén Oanh một cách hết sức dã man: "Bắn trả thù. Và kinh khủng hơn thế là khi bị cả chừng nửa băng đạn xô vật ra, cô ta vẫn còn thúc cùi tay xuống sàn và ngóc đầu lên, như toan

ngồi dậy, Kiến bắn bồi luôn, không phải một phát mà là trọn nửa băng nữa..." [113, 103]. Một lần khác, Kiên và Tạo "voi" đã quỳ bên khẩu Mã Lai bắn xả vào dòng thác tàn binh của trung đoàn 45 đang tháo chạy khỏi vùng đất trống Phước An ngoài rìa Buôn Ma Thuột: "Khẩu đại liên hoá điên, điên rồ ngốn vào bụng những băng đạn đồng sáng loáng, khạc lửa tơi bời vào khối người mất trí đang đổ xô tới như hàng ngàn cái bia thịt, rú lên rũ rượi (...). Không phải là bắn nữa mà là tàn sát" [113, 119]. Trong trận đánh ở đèo Thăng Thiên, Phán đã điên cuồng rút dao thí liền hai nhát vào ngực áo rằn ri, vào bụng một nhát nữa rồi vào cổ người lính nguỵ thuộc liên đoàn 6 biệt động quân. Ngày hoà bình ở sân bay Tân Sơn Nhất, người lính cao xạ mất hết nhân tính vừa đá vừa chửi vào cái xác người đàn bà nằm chắn ngang trước cửa phòng Hải quan, rồi lôi cái xác tội nghiệp sền sệt qua mặt sân bê tông và quăng mạnh xuống cạnh mấy cái thây lính dù chưa ai dọn. Còn lính tráng thì ăn mừng chiến thắng ngay cạnh xác chết của kẻ địch và người đàn bà tội nghiệp một cách vô cảm. Rõ ràng, ở đây, cách nhìn nhận về người lính trong chiến tranh của Bảo Ninh đã hoàn toàn khác trước: không còn sự hiện diện của con người toàn diện, con người thánh nhân mà người lính cũng chỉ là con người bình thường, trong vòng xoáy dữ dội của chiến tranh họ vẫn có thể bị méo mó, què quặt nhân tính. Quả thật, trong cuộc chiến tranh này, "chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã thắng nhưng cái ác, sự chết chóc và bạo lực phi nhân cũng đã thắng" [113, 207 - 208]. Người lính trong tiểu thuyết của Bảo Ninh đang sa ngã, đang mất dần nhân tính nhưng đáng nói hơn cả là người lính ấy đang cố sức để níu kéo phần nhân tính còn sót lại mà chiến tranh đã làm cho bầm dập, tan nát.

Như vậy, nhìn từ góc độ tính cách nhân vật, chúng ta thấy càng về sau này, khi chiến tranh càng lùi xa thì hình tượng người lính càng được các nhà văn nhìn nhận và phản ánh chân thực, toàn diện hơn, khắc phục được cái nhìn giản đơn, một chiều về những người "quân ta" trong cuộc chiến cực kỳ khốc

liệt. Ở đây, viết về những mặt trái, mặt bản năng, những "góc khuất" trong tâm hồn người lính, tất nhiên các tác giả không hề có ý hạ thấp, "bôi nhọ" hay coi thường những người lính từng xông pha khói lửa xả thân mình để giành độc lập tự do cho Tổ quốc mà muốn đem đến cho người đọc một cái nhìn trung thực, toàn diện hơn về hiện thực chiến tranh, lên án, tố cáo những cuộc chiến tranh phi nghĩa, đồng thời giúp cho thế hệ ngày nay biết trân trọng hơn, tự hào hơn về chiến thắng vẻ vang mà dân tộc ta đã giành được.

2.2.2.2. Bên cạnh đó, nhìn từ góc độ số phận con người, người đọc còn nhận ra rằng, nếu như trong Dấu chân người lính và tiểu thuyết sử thi trước đây người lính hiện lên với tư cách là những người anh hùng của thời đại với dáng vẻ đầy kiêu hãnh, tự hào thì trong Đất trắng, Nỗi buồn chiến tranh và đại đa số tiểu thuyết chiến tranh sau 1975, họ lại được nhà văn phản ánh với tư cách là những con người mang số phận bi kịch – nạn nhân của chiến tranh.

Trong Đất trắng, khi xây dựng hình tượng người lính cùng với những nét anh hùng, nhà văn đã bắt đầu chú ý tới khía cạnh bi kịch. Bi kịch của những người lính thuộc trung đoàn 16 là bi kịch của những con người hằng ngày phải chống chọi với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm trước một kẻ địch tàn ác, nham hiểm và mạnh hơn gấp nhiều lần. Hầu như ngày nào họ cũng bị kẻ thù truy sát bằng những trận bom đạn, những cuộc càn quét hòng tiêu diệt đến cùng. Nếu như trong Dấu chân người lính với người lính, sau trận đánh là một giấc ngủ vô tư hoặc tiếng cười đùa tán chuyện vui vẻ thì ở đây, người lính luôn trong tình trạng căng thẳng, lo lắng, sợ hãi. Không những thế, đối với những người như Lựu, như Tám Hàn bi kịch còn là ở chỗ phải hàng ngày, hàng giờ đấu tranh gay gắt với những mâu thuẫn giằng xé đang diễn ra trong nội tâm, phải đứng trên bờ ranh giới giữa chính nghĩa và phi nghĩa mà nếu không giữ được mình để cho những dục vọng cá nhân tầm thường lôi kéo thì sẽ dẫn đến kết cục là sự phản bội đê hèn. Có thể nói, chính việc thể hiện một cách tự nhiên, sinh động khía cạnh bi kịch này của hình tượng người lính mà

hiện thực chiến tranh được phản ánh trong tác phẩm của nhà văn trở nên chân thực hơn.

Nói đến bi kịch người ta thường nghĩ ngay đến cái chết. Một trong những phương diện biểu hiện rõ nét nhất số phận bi kịch của người lính chính là cái chết, sự hi sinh của họ. Trong Đất trắng và đặc biệt là Nỗi buồn chiến tranh, có rất nhiều lần nhà văn miêu tả hoặc đề cập đến cái chết của người lính (trong Nỗi buồn chiến tranh cái chết được nhắc đến không dưới 40 lần). Tuy nhiên, ở những tác phẩm này, cái chết không còn mang màu sắc lãng mạn, được miêu tả một cách đẹp đẽ, thanh thản, nhẹ nhàng như trong tiểu thuyết sử thi trước đây mà các tác giả chủ yếu nghiêng về miêu tả cái chết của người lính với tư cách là một con người bình thường với đủ các sắc thái bi kịch: có đớn đau vật vã, có giằng xé quằn quại, có thảm hại, thương tâm. Trong Đất trắng, đó là cái chết với thi hài không còn nguyên vẹn (mất một cánh tay) nằm bên bờ sông của người tiểu đội trưởng tiểu đội của Thắng. Đó là cái chết của người du kích: bị bắn nằm vắt mình trên tảng đá lớn, mặt úp xuống nước, sau đó bị bọn Mĩ kéo lệt bệt sang bờ bên kia rồi chỉ trỏ, cười hô hố. Còn xác của chính trị viên phó Thận thì dang hai tay chân, nằm úp mặt xuống bờ rạch, bị tên lính nguỵ lấy chân hất ngửa lên rồi nhổ toẹt một bãi nước bọt

Một phần của tài liệu Chiến tranh trong ba tiểu thuyết dấu chân người lính, đất trắng, nỗi buồn chiến tranh luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 78 - 88)