7. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Từ hiện thực hào hùng đến hiện thực bi hùng
2.1.1.1. Văn học giai đoạn 1945 – 1975 gắn liền với hai cuộc chiến tranh của dân tộc: kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Hiện thực chiến tranh, do đó, là đối tượng phản ánh chủ yếu của hầu hết tác phẩm văn học trong đó có tiểu thuyết. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, khi mà văn nghệ phải ưu tiên phục vụ chính trị, hiện thực chiến tranh cũng được cảm nhận và phản ánh chủ yếu ở khía cạnh hào hùng với âm hưởng anh hùng ca. Đó là xu thế tất yếu của thời đại.
Là một tiểu thuyết chịu sự tác động sâu sắc của lí tưởng và những nguyên tắc thẩm mĩ của văn học cách mạng 1945 – 1975, Dấu chân người lính
đã dựng lại chiến dịch Khe Sanh với không khí và con người chẳng khác nào khung cảnh trong một bản anh hùng ca chiến trận. Ngay từ những trang đầu tiên của tác phẩm người đọc đã bắt gặp khí thế hào hùng, đông vui, náo nhiệt, mạnh mẽ lạ thường của đoàn quân ra mặt trận: "Đông đúc quá! Không ai có tài nào mà phân biệt hoặc đếm được có bao nhiêu đơn vị, cũng không thể biết đây là đường rừng hay là quảng trường, là rừng cây hay là rừng người và rừng súng đạn" [17, 46]. Có thể nói, ở hai chương đầu, cuộc hành quân với khí thế thật mạnh mẽ, náo nức, hào hùng đã được Nguyễn Minh Châu miêu tả thật ấn tượng, sinh động, chẳng khác gì ngày hội. Đó là một cuộc hành quân vĩ đại của những con người mang trong mình sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và niềm tin chiến thắng. Không phải ngẫu nhiên mà Hà Minh Đức
khi đọc Dấu chân người lính đã cho rằng, "hai chương đầu của tác phẩm dành cho cuộc hành quân có một không hai trong lịch sử này làm ta nhớ tới cuộc hành quân trong chiến dịch Điện Biên Phủ (...). Nguyễn Minh Châu đã miêu tả được khí thế rất mạnh mẽ, rất vui của những cánh quân dồn về hội tụ ở vùng rừng núi này" [53, 60]. Chính tinh thần ấy, khí thế ấy đã làm nên sức mạnh phi thường để chiến thắng kẻ thù hung bạo.
Tuy nhiên, nét vẽ ấn tượng nhất trong bức tranh hiện thực hào hùng mà Nguyễn Minh Châu thể hiện trong tác phẩm chính là những trận chiến đấu và chiến thắng oanh liệt của bộ đội ta trước kẻ thù, trong đó có không ít những trận đối đầu với một lực lượng địch vừa đông, vừa mạnh. Đó là chiến công của Lượng, Moan - bắn rơi máy bay địch. Đó là cuộc tấn công tiêu diệt gần một đại đội địch của 9 người trong một tổ công tác. Có khi chỉ một tiểu đội trinh sát của ta dưới sự chỉ huy của Khuê đã đột kích vào lều trại của địch tiêu hao một phần lớn sinh lực của chúng và trở ra nguyên vẹn, an toàn. Rồi cuộc chiến đấu của Cận một mình quần nhau với cả một đại đội địch, tiêu diệt hơn chục tên; hay trường hợp Lữ và Đàm đối đầu với gần một tiểu đội địch... Đặc biệt, đáng ghi nhớ nhất là những trận đánh của gần mười chiến sĩ trẻ tuổi bẻ gảy 10 đợt tấn công điên cuồng liên tiếp của địch ở Đồi không tên và kết quả là "chỉ qua một ngày đêm, mới tính riêng trung đoàn 5 đã diệt hơn bốn trăm tên lính Mĩ và nguỵ" [17, 497]. Tác phẩm kết lại bằng không khí chiến thắng ngập tràn khắp thung lũng, bằng niềm hân hoan vui sướng rạng ngời trên khuôn mặt tất cả mọi người. Chiến công này là minh chứng rõ nhất cho tinh thần chủ động tấn công tiêu diệt địch, đồng thời thể hiện khí thế hào hùng của tuổi trẻ Việt Nam trên chiến trường đánh Mĩ. Ở phương diện này có thể nói, "Dấu chân người lính
như một bản hùng ca trong chiến đấu" [53, 63].
Điều đáng nói nữa là mặc dù cuộc chiến đấu đầy gian nan, vất vả nhưng suốt chiến dịch người ta không hề nghe thấy một tiếng kêu ca, than thở của cán bộ, chiến sĩ mà thay vào đó là một không khí vui tươi, phấn khởi, một khí thế
hào hùng và tinh thần lạc quan cách mạng. Không chỉ dũng cảm chiến đấu mà họ còn hát hò, ngâm thơ, xem văn nghệ, nghe chim hót, pha trò, cười đùa rôm rả. Đặc biệt, thường trực trong tác phẩm là tiếng cười lạc quan: cười khi hành quân, cười khi nghe kể chuyện, cười khi xem văn nghệ, cười trước giờ nổ súng... “Có thể nói, Dấu chân người lính là một rừng cười, cứ vài trang, ta lại nghe rộ lên tiếng cười của các chàng lính trẻ” [48, 68]. Và cùng với tiếng cười là những tiếng hát: khi thì tiếng hát của người lính trên đường hành quân; khi thì tiếng hát của một diễn viên đơn ca; khi thì tiếng hát vẳng lên từ chiếc đài của Lữ giữa loạt tiếng nổ; khi thì tiếng hát của Hiền cất lên sẽ sàng tự nhiên như cất lên từ đáy lòng cô; có khi lại là tiếng hát của con trai con gái cất lên từ trên nương... Tất cả đã cho thấy một tinh thần lạc quan, lòng nhiệt tình cách mạng, bất chấp hiểm nguy, gian khổ của những người lính trẻ.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là trong Dấu chân người lính nhà văn không đề cập đến những khó khăn, gian khổ, những mất mát, hi sinh. Trong tác phẩm nhà văn cũng từng nhắc đến những khó khăn, gian khổ: trên đường hành quân bị máy bay địch bắn phá; những ngày mưa dai dẳng không sao đặt ba lô xuống chỗ nào mà thổi cơm được trong khi gạo rang trộn đường đựng trong túi ni-lông – khẩu phần "sẵn sàng chiến đấu" của từng người cũng sắp cạn; nhiều lúc người lính lâm vào tình thế bất lợi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng khi phải đối đầu với lực lượng địch đông và mạnh hơn gấp nhiều lần... Và cũng hơn một lần nhà văn đề cập đến những mất mát, hi sinh: sự hi sinh của An, Lữ, Đàm; Kinh bị lựu đạn nổ hỏng một mắt; Lượng bị thương hôn mê, bất tỉnh phải điều trị dài ngày... Thế nhưng cái mà Nguyễn Minh Châu muốn nói ở đây không phải là những khó khăn, gian khổ, mất mát, hi sinh – mặt trái của chiến tranh mà chính là tinh thần chiến đấu anh dũng vì lý tưởng cách mạng, bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy của các chiến sĩ ta. Nói khác đi, hiện thực chiến tranh trong tác phẩm này được nhà văn chủ yếu nhấn mạnh ở khía cạnh hào hùng.
Như vậy, viết về chiến tranh khi nó đang diễn ra, Dấu chân người lính
của Nguyễn Minh Châu "đã phản ánh được sự hào hùng, sôi động, náo nức, niềm lạc quan của nhân dân ta, của dân tộc ta đi tới chiến thắng" [27, 23].
2.1.1.2. Sau 1975 đất nước hòa bình thống nhất, với độ lùi thời gian, các nhà văn viết về chiến tranh có điều kiện để tìm tòi suy ngẫm, chiêm nghiệm, nhìn nhận lại cuộc chiến một cách toàn diện hơn. Dưới ngoài bút của các tác giả, chiến tranh không chỉ có mặt thuận lợi mà còn có muôn vàn khó khăn, gian khổ; không chỉ có chiến thắng huy hoàng mà còn có thất bại đau đớn; không chỉ có niềm vui, niềm tự hào mà còn có cả mất mát, hi sinh. Hay nói cách khác, hiện thực chiến tranh không chỉ có mặt hào hùng mà còn mang đậm tính chất bi hùng. Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh là một tác phẩm như thế.
Tác phẩm viết về những hoạt động của trung đoàn Mười Sáu, viết về những con người kiên cường bám trụ vùng đất thép Củ Chi, Gia Định, tiếp tục cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù để giành lại dân, giành lại địa bàn. Tuy nhiên, khác với Dấu chân người lính, điểm nhấn trong bức tranh hiện thực ở
Đất trắng không phải là những cuộc hành quân, bao vây, tiêu diệt địch với khí thế áp đảo kẻ thù cùng những chiến thắng huy hoàng mà là sự dữ dội, khốc liệt của cuộc chiến đấu giữa ta và địch với những khó khăn, thử thách ghê gớm, những thiệt hại nặng nề của ta. Người đọc dễ dàng nhận ra điều này ngay từ những trang đầu tiên của tác phẩm. Nếu như Dấu chân người lính mở đầu bằng cuộc hành quân với khí thế mạnh mẽ, hào hùng của bộ đội ta thì trong Đất trắng, Nguyễn Trọng Oánh lại mở đầu bằng cảnh cáng thương vượt qua quãng đường sình lầy đầy gian nan, nguy hiểm: "Cái võng nhấp nhô, nhún lên nhún xuống. Nó chặn đường rút của ta đấy! Các loại máy bay bật đèn xanh, đèn đỏ đầy trời. Những lớp khói mỏng của bom, của lửa, của đèn dù lơ lửng trên không" [116, 5]. Lối mở đầu bằng những hình ảnh về sự
thương vong từ phía ta quả thực rất hiếm thấy trong tiểu thuyết chiến tranh trước đây.
Khó khăn lớn nhất của trung đoàn Mười Sáu chính là ở chỗ: sau đợt một tổng tấn công Mậu Thân 1968, trung đoàn rút về hậu cứ, nhưng chưa kịp củng cố thì có lệnh trở lại chiến trường để tham gia đợt hai tổng công kích và với một lực lượng ít, bị xé lẻ, cán bộ chỉ huy non trẻ nhưng lại được giao nhiệm vụ quan trọng là “đứng chân” trên một địa bàn bé bằng lòng bàn tay, ở ven cửa ngõ tây bắc Sài Gòn, lọt thỏm giữa vòng vây của địch. Đã thế, điều kiện ăn ở, sinh hoạt lại vô cùng thiếu thốn: hầu như ngày nào cán bộ, chiến sĩ phải ngâm mình dưới rạch; khẩu phần ăn hàng ngày của mỗi người cũng chỉ được một nắm cơm, họ phải bứt mận, chặt cây chuối để lót thêm vào các bữa ăn, có khi nhiều ngày chỉ ăn gạo rang và uống nước lã múc từ dưới mương lên, mặt mũi người nào cũng hốc hác, rồi những khó khăn trong công tác chăm sóc, cứu chữa thương binh... Trong khi đó, kẻ địch với hoả lực mạnh, có sự yểm trợ của máy bay và xe tăng lại điên cuồng tấn công, truy sát mọi lúc mọi nơi bất chấp ngày đêm hòng tiêu diệt đối phương đến cùng. Hoàn cảnh đó đã đẩy cuộc chiến đấu của các chiến sĩ Mười Sáu vào tình thế vô cùng cam go, khốc liệt. Mặc dù tương quan lực lượng quá chênh lệch, nhưng hầu như ngày nào các chiến sĩ cũng phải quần nhau với địch, hết trận này đến trận kia, hết thử thách này đến thử thách khác. Để đứng chân được, bộ đội cứ đánh xong chỗ này lại rút sang chỗ kia, xoay như đèn cù với địch. Cuộc chiến một mất một còn diễn ra với nhịp độ khẩn trương khiến người lính lúc nào cũng lâm vào trạng thái căng thẳng. "Một cuộc chuẩn bị chiến đấu cứ rập rình hết ngày này qua ngày khác. Bao giờ cũng sẵn sàng, súng lên đạn, bồng buộc sẵn, cần thì nổ súng hoặc chuyển quân" [116, 20]. Trong lúc trung đoàn đang lâm vào tình thế hết sức khó khăn thì Tám Hàn – một phó chính uỷ phân khu sắp được nhận hàm thượng tá, bấy giờ là cán bộ cao cấp nhất ở khu vực này đã đầu hàng khiến cho tình hình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn gấp bội. Quả
thật, đọc tác phẩm chúng ta có cảm giác như mọi khó khăn, nguy hiểm đều cùng lúc tập trung ở chiến trường này. Đây chính là "một cuộc thử thách, một sự sàng lọc nghiêm khắc. Trong lò lửa chiến đấu này, vàng thau sẽ được phân biệt" [116, 249].
Chiến đấu trong điều kiện, hoàn cảnh như vậy nên tổn thất, hi sinh là điều tất yếu. Đầu tiên là sự hi sinh của ông Năm Truyện – tư lệnh phân khu giữa lúc mà các đơn vị phân khu đang chịu đựng một cuộc phản kích ác liệt trên địa bàn nằm lọt giữa vòng vây của địch. Tiếp đó là sự hi sinh của ông Cường – phó chính uỷ trung đoàn, của tiểu đoàn trưởng Thực, chủ nhiệm trinh sát Thân, chính trị viên phó Thận. Rồi Canh, ông Ba Kiên, Bảy Hường và nhiều cán bộ, chiến sĩ khác cũng lần lượt hi sinh. Hầu như không ngày nào không có hi sinh, tổn thất. Trên đường hành quân, có đơn vị chưa xuống đến được mục tiêu thì quân số đã hao hụt quá nửa. Những anh bộ đội chiều đi mới nói chuyện đùa vui vẻ thì đến đêm không còn quay về nữa, số nắm cơm bày trên nong của má Hai cứ ngày càng ít đi. Ngoài ra, còn có vô số cán bộ, chiến sĩ bị thương, bị bắt, bị kẻ thù hành hạ, tra tấn dã man. Thương vong, tổn thất nhiều đến mức có lúc ông Ba Kiên đã nghĩ là có thể cả trung đoàn sẽ không còn nữa, còn ông Thêm – một cán bộ trung đoàn cũng đã từng nói với Thị: "Trung đoàn mình về kỳ này chắc xẹp mất, khó mà xây dựng lên được, hết mất nòng cốt rồi!" [116, 18]. Có thể nói, viết về chiến tranh, trong văn học Việt Nam trước Đổi mới, thật hiếm có tác phẩm nào nói đến tổn thất, thương vong (từ phía bộ đội ta) nhiều như thế! Đây chính yếu tố chủ yếu làm nên tính chất bi hùng của hiện thực chiến tranh trong tiểu thuyết này của Nguyễn Trọng Oánh.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là mặc dù ở trong tình thế vô cùng khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, khốc liệt như vậy nhưng cán bộ, chiến sĩ trung đoàn Mười Sáu vẫn phối hợp với lực lượng địa phương dũng cảm chiến đấu, kiên quyết bám đất, bám dân, đập tan âm mưu biến vùng đất ven đô này thành
vùng đất trắng của địch, tạo thế bàn đạp cho cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975 đại thắng. Chính điều này đã khiến cho Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh tuy nói nhiều đến khó khăn, gian khổ, tổn thất, hi sinh nhưng không gợi cho người đọc cảm giác bi quan, tiêu cực.
Như vậy, với sự cảm nhận hiện thực vừa cụ thể, cô đọng, vừa khái quát, vừa nặng suy tư của một cây bút có trách nhiệm với quá khứ, trong tác phẩm của mình Nguyễn Trọng Oánh đã dựng lên được một bức tranh toàn cảnh về hiện thực chiến tranh trong cái nhìn đa chiều, đa diện – một hiện thực bi hùng, một hiện thực mà những cây bút viết về chiến tranh trong văn học Việt Nam trước đây gần như không dám nói tới. Có thể nói, “Nguyễn Trọng Oánh đã thể hiện một thứ chủ nghĩa anh hùng đầy âm hưởng bi thương trong tiểu thuyết Đất trắng, mở đầu cho một cảm hứng mới viết về chiến tranh: cảm hứng sự thật” [76, 135].
2.1.1.3. Sau Đổi mới, với yêu cầu nhìn thẳng vào sự thật, với nỗ lực bồi đắp thêm những thiếu sót của văn học trước đây, hiện thực chiến tranh ngày càng được phản ánh một cách toàn diện hơn, những chết chóc, đau thương – mặt trái của chiến tranh ngày càng được nhìn nhận một cách trung thực, thẳng thắn hơn. Nhìn từ bối cảnh chiến trận, tính chất bi hùng của hiện thực cuộc chiến cũng ngày càng trở nên đậm nét hơn. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã cho người đọc thấy rõ điều này.
Nếu ở Đất trắng hiện thực chiến tranh tuy mang tính chất bi hùng nhưng vẫn còn ít nhiều âm hưởng ngợi ca, hào hùng thì đến Nỗi buồn chiến tranh, qua những dòng "hồi tưởng đen" của Kiên – nhân vật chính của tác phẩm, hiện thực chiến tranh, nhìn từ bối cảnh chiến trận, chỉ là một chuỗi những sự bạo hành đẫm máu, một thế giới đầy rẫy những tử thi. Hình ảnh đau thương đầu tiên hiện lên trong ký ức Kiên là những "trận đánh ghê rợn, độc ác, bạo tàn (...). Máu tung xối, chảy toé, ồng ộc, nhoe nhoét" [113, 6] vào cuối mùa khô năm 69 làm xoá sổ cả một tiểu đoàn. Rồi lần lượt hiện lên tiếp sau đó là
trận xáp lá cà tắm máu cuối tháng Chạp 72 ở sườn đồi Xáo Thịt với la liệt người chết nom y hệt như một mái nhà lợp bằng thây người; những trận mưa cẳng chân, bàn tay rơi lịch bịch, lẹt bẹt xuống đồng cỏ voi bên bờ sông Sa Thầy vào lúc rạng mơ sau suốt một đêm B52 liên tục chần; những trận đánh ác liệt suốt ba ngày đêm quần nhau với bọn Ngựa bay trong chiến dịch Đông Sa Thầy vào mùa khô năm 66; trận trung đoàn đánh vào Ty cảnh sát Buôn Ma