Theo Hiến pháp, quản lý chung về tài chính trên phạm vi cả nước thuộc Quốc Hội và Chính Phủ, ở địa phương là Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, còn quản lý các hoạt động nghiệp vụ tài chính là trách nhiệm của bộ máy tổ chức các cơ quan tài chính (Sở tài chính ở cấp tỉnh, phòng tài chính cấp huyện và ban tài chính xã), các tổ chức quản lý tài chính chuyên ngành (Kho bạc nhà nước các cấp) thực hiện toàn bộ công tác quản lý tài chính công nói chung, quản lý về chi NSNN nói riêng. Cụ thể chức năng của từng bộ phận trong bộ máy quản lý chi NSNN ở địa phương như sau:
• Hội đồng nhân dân:
- Quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;
- Quyết định các chủ trương, biện pháp để triển khai thực hiện ngân sách địa phương;
- Quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết;
- Giám sát việc thực hiện ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định;
• Ủy ban nhân dân các cấp
- Lập dự toán và phương án phân bổ ngân sách địa phương, dự toán điều chỉnh ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và báo cáo cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp;
- Lập quyết toán ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn và báo cáo cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp;
- Kiểm tra Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới về dự toán ngân sách và quyết toán ngân sách;
- Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ thu, chi và mức bổ sung cho ngân sách cấp dưới;
- Phối hợp với các cơ quan Nhà nước cấp trên trong việc quản lý ngân sách Nhà nước lĩnh vực trên địa bàn;
- Báo cáo về ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật;
• Cơ quan tài chính các cấp
- Đảm bảo nguồn vốn theo quy định của Bộ Tài chính để Kho bạc nhà nước cấp vốn và thanh toán.
- Thực hiện quyết toán các khoản chi NSNN theo quy định của Luật NSNN. - Phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn và kiểm tra về việc chấp hành chế độ, chính sách tài chính, tình hình quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, tình hình thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí để có giải pháp xử lý các trường hợp vi phạm, ra quyết định thu hồi các khoản, nội dung chi sai quy định.
- Được quyền yêu cầu Kho bạc nhà nước, các đơn vị thụ hưởng kinh phí ngân sách cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài chính công.
• Kho bạc nhà nước các cấp
- Ban hành quy trình thanh toán tại kho bạc để thực hiện thống nhất trong cả nước.
- Kiểm soát, thanh toán kinh phí kịp thời, đầy đủ cho các đơn vị thụ hưởng khi đã có đủ điều kiện và đúng thời gian quy định.
- Có ý kiến rõ ràng bằng văn bản cho các đơn vị thụ hưởng kinh phí ngân sách đối với những khoản giảm thanh toán, trả lời các thắc mắc của các đơn vị trong việc thanh toán vốn.
- Trường hợp phát hiện quyết định của các cấp có thẩm quyền trái với quy định hiện hành, phải có văn bản đề nghị xem xét lại và nên rõ ý kiến đề xuất. Nếu quá thời gian quy định mà không được trả lời thì được quyền giải quyết theo đề xuất của mình; nếu được trả lời mà xét thấy không thỏa đáng thì vẫn giải quyết theo ý kiến của cấp có thẩm quyền, đồng thời phải báo cáo lên cơ quan thẩm quyền cao hơn và báo cáo cơ quan tài chính để xem xét, xử lý.
- Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và quyết toán sử dụng vốn đầu tư, vốn sự nghiệp thuộc nguồn vốn NSNN theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
- Được quyền yêu cầu các đơn vị cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin theo chế độ quy định để phục vụ cho công tác kiểm soát, thanh toán kinh phí.
- Tổ chức công tác kiểm soát, thanh toán nguồn kinh phí theo quy trình, nghiệp vụ thống nhất, đơn giản thủ tục hành chính nhưng đảm bảo quản lý kinh phí chặt chẽ, thanh toán kịp thời, đầy đủ, thuận tiện cho các đơn vị.
- Hết năm kế hoạch, xác nhận số thanh toán trong năm, nhận xét về kết quả chấp hành chế độ quản lý, chấp hành định mức, đơn giá, các chế độ chính sách theo quy định.
• Các đơn vị dự toán
- Tổ chức việc lập dự toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi được giao;
- Tổ chức thực hiện dự toán thu, chi ngân sách được giao; nộp đầy đủ đúng hạn các khoản phải nộp ngân sách theo quy định của pháp luật; chi đúng chế độ; đúng mục đích, đúng đối tượng và tiết kiệm;
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện thu, chi ngân sách của các đơn vị trực thuộc;
- Quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước tại đơn vị theo đúng mục đích, đúng chế độ, có hiệu quả;
- Chấp hành đúng chế độ kế toán, thống kê của Nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách và quyết toán ngân sách theo chế độ quy định.
• Các đơn vị đầu tư
- Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định. Tiếp nhận và sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm và có hiệu quả. Chấp hành đúng quy định của pháp luật về chế độ quản lý tài chính đầu tư phát triển.
- Chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, sự đúng đắn, hợp pháp của khối lượng dự án hoặc tiến độ thực hiện khi thanh toán; đảm bảo chính xác, trung thực,
hợp pháp của các số liệu, tài liệu trong hồ sơ cung cấp cho Kho bạc nhà nước và cơ quan chức năng Nhà nước.
- Khi có khối lượng đã đủ điều kiện theo hợp đồng, tiến hành nghiệm thu kịp thời, lập đầy đủ hồ sơ thanh toán và đề nghị thanh toán cho nhà thầu trong thời hạn quy định.
- Báo cáo kịp thời, đầy đủ theo quy định cho cơ quan quyết định đầu tư và các cơ quan nhà nước có liên quan; cung cấp hồ sơ, tài liệu, tình hình theo quy định cho Kho bạc nhà nước và cơ quan tài chính để phục vụ cho công tác quản lý và thanh toán vốn; chịu sự kiểm tra của cơ quan tài chính và cơ quan quyết định đầu tư về tình hình sử dụng vốn đầu tư và chấp hành chính sách, chế độ tài chính đầu tư phát triển của Nhà nước.
- Thực hiện kế toán đơn vị chủ đầu tư; quyết toán vốn đầu tư theo đơn vị hiện hành.
- Được yêu cầu thanh toán vốn khi đã có đủ điều kiện và yêu cầu Kho bạc nhà nước trả lời, giải thích.