- Xác lập một số chỉ tiêu chủ yếu của Hà Tĩnh về phát triển KTXH trong vòng 5 đến 10 năm tới.
3.2.3.2. Nhóm giải pháp tăng chi, đầu tư cho các ngành then chốt, cơ sở hạ tầng liên quan
tầng liên quan
Tăng chi NSNN cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để đẩy nhanh tốc độ thu hút vốn của xã hội và đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế. Cần xác lập giới hạn tổng mức nguồn lực phân bổ cho các lĩnh vực ưu tiên đầu tư phù hợp với khuôn khổ tài chính trung dài hạn. Trong khuôn khổ này, đòi hỏi Nhà nước phải chấp nhận sự đánh đổi giữa các mục tiêu trong lựa chọn để tập trung nguồn lực cho các mục tiêu ưu tiên. Phù hợp với tiến trình công nghiệp hoá, nguồn lực của NSNN cần ưu tiên phân bổ cho các lĩnh vực sau:
- Cần gia tăng vốn đầu tư của NSNN để phát triển hệ thống giao thông ở các vùng nông thôn, miền núi và liên tỉnh, trong đó cần chú trọng hơn nữa nguồn vốn dành cho công tác bảo dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và tiết kiệm chi phí. Đối với hệ thống giao thông ở các vùng đô thị lớn, cần đẩy mạnh hơn nữa chính sách xã hội hoá để thu hút rộng rãi sự đầu tư của khu vực tư nhân.
Hà Tĩnh cần cải thiện mạnh hệ thống đường bộ của tỉnh để tăng cường khả năng kết nối (a) thông qua hướng Nam - Bắc để kết nối với Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh như tuyến đường quốc lộ 1A, đường cao tốc mới (BN3) nối trung tâm đô thị chính với khu kinh tế Vũng Áng tới Sân bay; (b) hướng Đông - Tây để kết nối với Lào: gồm Quốc lộ 8A (ĐT-1, phía Tây), quốc lộ mới 8B (ĐT-1, phía Đông), tuyến đường Đông Tây mới (ĐT-2), Quốc lộ 12(ĐT-3); và (c) các tuyến nội tỉnh để
kết nối khu vực nông thôn với khu vực đô thị và kết nối các trung tâm đô thị với nhau, gồm nâng cấp và mở rộng đường bộ (đường 21, 22, 23, 28, kết nối quốc lộ 1A và Đồng Lộc), đường ven biển và các tuyến đường khác: xây dựng tuyến đường biển từ Hộ Độ đến Cửa Nhượng, mở rộng từ Thạch Khê đến quốc lộ 1A, nâng cấp tỉnh lộ 5 để giúp kết nối nhanh hơn giữa các khu chế biến nông sản ở thị trấn Vũ Quang với thị trấn Đức Thọ nằm cạnh quốc lộ số 8, qua đó cho phép giao thông thông qua quốc lộ 1A và 15 đến Nghệ An và 8B đến cảng Xuân Hải.
Ngoài hệ thống đường bộ Hà Tĩnh cần phối hợp với Chính phủ tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới như: cao tốc Bắc - Nam mới, tuyến đường sắt Thakhek nối từ Lào đến khu kinh tế Vũng Áng, tuyến đường sắt từ Thạch khê đến Vũng Áng; xây dựng bến cảng Vũng Áng - Sơn Dương, cảng Xuân Hội, cảng Thạch Kim, cảng Cẩm Nhượng, Kỳ Hà, cảng sông Hộ Độ, cảng Xuân Hải; xây dựng sân bay nhỏ ở huyện Cẩm xuyên phục vụ chuyên cơ trước và dành diện tích để mở rộng sau này.
- Hà Tĩnh với lợi thế mỏ sắt Thạch Khê có dung lượng quặng sắt lớn, cần tập trung xây dựng vị thế hàng đầu trong cả nước về sản xuất sản phẩm từ thép. Trong mười năm tới, Hà Tĩnh cần đặt trọng tâm xây dựng và đẩy mạnh các lợi thế cho sự phát triển của ngành (i) cơ sở hạ tầng được thiết lập, (ii) đào tạo và xây dựng năng lực thông qua dạy nghề ngắn hạn và tập trung vào nghiên cứu phát triển và đào tạo đại học chuyên ngành khai thác mỏ, luyện kim cùng với trung tâm về khai thác mỏ và luyện kim thuộc Đại học Hà Tĩnh; (iii) có chính sách và cơ chế phù hợp như giảm hoàn toàn (thay vì một phần) thuế trong 5 - 10 năm đầu, trợ cấp cho chi phí nâng cấp công nghệ, trợ cấp nhiều hơn cho việc tuyển dụng các lao động tài năng địa phương làm việc tại các công ty có sản phẩm từ thép, tạo thêm ưu đãi cho doanh nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn hoạt động trong ngành, đẩy mạnh cơ chế một cửa của tỉnh.