- Xác lập một số chỉ tiêu chủ yếu của Hà Tĩnh về phát triển KTXH trong vòng 5 đến 10 năm tới.
3.3.4.2. Điều kiện về quản lý chi đầu tư phát triển
Xuất phát từ vị trí chiến lược đặc biệt của tỉnh Hà Tĩnh, là cầu nối giữa hai miền Bắc - Nam của tổ quốc, là địa bàn có vị trí địa lý thuận lợi cho việc hợp tác, trao đổi và thương mại với các tỉnh các nước khác trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan. Việc tăng cường phát triển tiểu khu vực Hành lang kinh tế Đông - Tây của lưu vực sông Mekong là một cơ hội cho Hà Tĩnh phát triển và hội nhập kinh tế. Đề nghị Nhà nước quan tâm và ủng hộ tỉnh một số vấn đề sau:
Một: Tập trung chỉ đạo để triển khai nhanh các chủ trương của Bộ Chính trị,
Chính phủ, có cơ chế chính sách tập trung mọi nguồn lực triển khai các dự án hạ tầng quan trọng, phục vụ cho các chương trình có tính chiến lược của Trung ương tại Hà Tĩnh, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh quốc phòng như: Hoàn thành Quốc lộ 8A nối từ Thị xã Hồng Lĩnh lên đến Cửa khẩu Cầu Treo, Quốc lộ 8B nối từ cảng Xuân Hải, huyện Nghi Xuân với thị xã Hồng Lĩnh, bởi Quốc lộ này sau khi hoàn thành xong sẽ nối cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với thị xã Hồng Lĩnh, cảng Xuân Hải ở huyện Nghi Xuân; đường ven biển bắt đầu từ cảng Xuân Hải và kết nối với mỏ sắt Thạch Khê qua Khu kinh tế Vũng Áng và nối vào quốc lộ 1A; tỉnh lộ 3,15 nối từ thành phố Hà Tĩnh lên huyện Hương Khê; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc bắc - nam đi qua thành phố Hà Tĩnh; đường sắt quốc tế từ Thakek, Lào nối với Vũng Áng; ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành các công trình kè đê, phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão, bởi Hà Tĩnh là một địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng sự tác động của thiên tai; triển khai xây dựng sân bay nội địa tại huyện Cẩm Xuyên.
Hai: Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các Đề án phát triển nông nghiệp theo
tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) và Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; trong đó ưu tiên các đề án về phát triển giống, chuyển đổi và phát triển các ngành sản xuất gắn với chế biến nông, lâm thủy sản; tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, phấn đấu mỗi huyện có ít nhất 1 xã đạt tiêu chí nông thôn mới của Chính phủ; huy động, lồng ghép các nguồn vốn để đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Ba:Phát triển Công nghiệp - TTCN gắn với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm: khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Trung tâm Điện lực Vũng Áng, các nhà máy luyện cán thép tại khu kinh tế Vũng Áng... phấn đấu năm 2015 hoàn thành và đưa vào khai thác nhà máy thuỷ điện Hương Sơn, nhà máy liên hợp gang thép 500.000 tấn/năm của Công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh, nhà máy Bia Toàn Cầu; Huy động tổng hợp các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ khai thác mỏ sắt Thạch Khê; cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề tập trung...
Bốn:Đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển xuất khẩu Hà Tĩnh giai đoạn 2009 - 2010 và định hướng đến năm 2020. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu; chuyển dịch cơ cấu ngành hàng theo hướng tăng tỷ trọng hàng hoá xuất khẩu qua chế biến có hàm lượng công nghệ cao, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đồng thời tạo thêm một số sản phẩm chủ lực mới.
Tiếp tục xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu. Hoàn thiện các thủ tục hành chính, cơ chế ưu đãi đầu tư, thuế, thương mại, hải quan liên quan đến xuất nhập khẩu, phù hợp với tiến độ hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Có biện pháp đơn giản hóa thủ tục hải quan và xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư và thương mại Khu kinh tế cửa khẩu.
Năm: Đẩy mạnh công tác huy động vốn và mở rộng tín dụng đầu tư nhằm đảm bảo nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế trên địa bàn. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm và cho vay xuất khẩu lao động.
Sáu: Tiếp tục đẩy mạnh công tác lập, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch và chỉ đạo thực hiện quy hoạch: quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển hạ tầng KT-XH, khu tái định cư, làng nghề, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, quy hoạch chi tiết khu kinh tế Vũng Áng, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo,... làm cơ sở cho đầu tư phát triển.
Bảy: Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm, tập trung vào các đề án phát triển, ứng dụng công nghệ phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp - nông thôn và sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực sản xuất nhất là giống cây, giống con năng suất cao... tổ chức triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học, công nghệ đã nghiệm thu, hoàn thành ứng dụng vào sản xuất, đời sống.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, qui hoạch, kế hoạch về tài nguyên và môi trường. Quy hoạch, xem xét cân đối kế hoạch đầu tư sản xuất các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có tính đến những tác động về môi trường.
Để triển khai thực hiện các danh mục các dự án đầu tư nêu trên, cũng như yêu cầu thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới, đề nghị Nhà nước bổ sung cho Hà Tĩnh một số cơ chế, chính sách như sau:
Thứ nhất, bố trí vốn đầu tư từ NSTW cải tạo các công trình hiện có (Quốc lộ 8A,
8B, tỉnh lộ 15), và xây dựng các công trình có ý nghĩa chiến lược (đường ven biến từ cảng Xuân Hải và kết nối với Thạch Khê qua Khu kinh tế Vũng Áng và nối vào Quốc lộ 1A, kè đê,… Hỗ trợ một phần theo mục tiêu cho ngân sách tỉnh hoặc bằng trái phiếu Chính phủ để đầu tư các công trình, dự án quan trọng khác.
Thứ hai, cho phép các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư một số công trình
dự án lớn mà ngân sách chưa thể bố trí ngay được (đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt quốc tế từ Thakek, Lào nối với Vũng Áng, sân bay Cẩm Xuyên, mỏ sắt
Thạch Khê,…) bằng các phương thức linh hoạt (BOT; trả tiền đầu tư bằng quỹ đất để triển khai dự án khác theo quy hoạch…).
Thứ ba, cho phép tỉnh Hà Tĩnh được tổ chức huy động vốn đầu tư trong nước và
nước ngoài để thực hiện các công trình, dự án thuộc nhiệm vụ NSĐP thông qua hình thức phát hành trái phiếu công trình.
Thứ tư, ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ chính thức (ODA), cho phép Hà Tĩnh tiếp
nhận các khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài theo Quyết định 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý và sử dụng các khoản viện trợ phi Chính phủ.
Thứ năm, đề nghị Nhà nước có cơ chế phù hợp hoặc cho phép Hà Tĩnh được
thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức kinh tế, cá nhân vay vốn đầu tư vào các lĩnh vực: Kinh doanh dịch vụ, môi trường đô thị, khám chữa bệnh, hạ tầng du lịch, hạ tầng cảng biển, kinh doanh vận tải, đầu tư các làng nghề, khai thác nông sản, thực phẩm, hải sản,… tối đa bằng mức lãi suất ngân hàng thương mại thực hiện tại các thời điểm.
Kết luận chương 3
Chương 3 đã tập trung nghiên cứu và đề xuất các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu và giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý chi NSNN tỉnh Hà Tĩnh.
Trước hết, chương 3 đã xác định cụ thể 3 mục tiêu chiến lược quản lý chi NSNN trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thời gian tới là:
- Giữ kỷ luật tài chính tổng thể để lành mạnh hoá tài chính địa phương.
- Phân phối nguồn lực tài chính phù hợp với những ưu tiên chiến lược về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo; đảm bảo công bằng.
- Nâng cao tính trách nhiệm, minh bạch, dân chủ trong chi NSNN;
Trước khi đi vào các giải pháp cụ thể, các quan điểm xây dựng chiến lược quản lý chi NSNN được thực hiện:
Thứ nhất, cải cách quản lý chi NSNN phải đặt trong bối cảnh cải cách hành chính công tổng thể và nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương.
Quản lý chi NSNN cần phải dựa trên hệ thống các nguyên tắc lập ngân sách và quản lý tài chính tốt.
Thứ ba, quản lý chi NSNN cần đặt trong khuôn khổ chi tiêu trung hạn.
Trên cơ sở các nghiên cứu lý luận về quản lý chi NSNN ở chương 1, các kết quả nghiên cứu, đánh giá thực tiễn Việt Nam cũng như kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới về nâng cao hiệu quả quản lý chi NSNN, căn cứ thực tế quản lý chi NSNN tại Hà Tĩnh, có tính đến các xu hướng diễn biến bối cảnh và thực tế mục tiêu, yêu cầu phát triển của Hà Tĩnh, chương 3 đã đề xuất được các giải pháp đổi mới quản lý chi NSNN trên địa bàn tỉnh, bao gồm 6 nhóm giải pháp sau:
1. Lựa chọn, quyết định danh mục và thứ tự ưu tiên các sản phẩm đầu ra, các mục tiêu phát triển KT-XH và các hoạt động cần triển khai để phân bổ tối ưu nguồn lực tài chính địa phương
2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả chi thường xuyên, gồm các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo, sự nghiệp y tế, hành chính Nhà nước, khoa học công nghệ và môi trường, sự nghiệp khác
4. Hoàn thiện hệ thống các định mức chi NSNN
5. Hoàn thiện kiểm soát chi NSNN qua kho bạc Nhà nước, gồm các giải pháp hoàn thiện kiểm soát chi thường xuyên, hoàn thiện kiểm soát chi đầu tư phát triển 6. Xây dựng khuôn khổ chi tiêu trung hạn (MTEF) trong việc soạn lập NSNN 7. Các giải pháp hỗ trợ khác
Để các giải pháp đề xuất có thể khả thi, triển khai thực hiện được trong cuộc sống, luận án cũng đã nghiên cứu và đề xuất các điều kiện thực hiện, bao gồm 4 nhóm điều kiện như sau:
- Đổi mới tư duy quản lý chi NSNN thúc đẩy quá trình thực hiện CNH, HĐH trên địa bàn
- Các diều kiện chủ yếu liên qua đến việc triển khai thực hiện khuôn khổ chi tiêu trung hạn
- Điều kiện về hoàn thiện khung pháp lý
- Các điều kiện liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống cơ chế quản lý chi NSNN trên địa bàn Hà Tĩnh
KẾT LUẬN
Quản lý chi NSNN phải nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả việc phân bổ ngân sách theo thứ tự ưu tiên phát triển KT-XH. Thực hiện quản lý chi NSNN trong điều kiện nguồn lực tài chính cho phát triển KT-XH còn hạn chế thì vấn đề phân bổ và quản lý có hiệu quả đặt ra yêu cầu phải thực hiện các giải pháp để thúc đẩy quá trình quản lý chi NSNN phát triển cả về quy mô và chất lượng, trong đó giải pháp nâng cao hiệu quả chi NSNN là một vấn đề quan trọng.
Ở nước ta, mặc dù đẩy mạnh cải cách lĩnh vực công nói chung và quản lý chi NSNN nói riêng với những đóng góp không thể phủ nhận, song đây vẫn là vấn đề khá mới mẻ. Cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu tập trung nào tập trung đánh giá công tác quản lý chi NSNN ở địa phương, cho dù đã có không ít các nghiên cứu đánh giá chi NSNN, đánh giá cơ cấu chi và những đổi mới về quy trình quản lý chi ngân sách nói chung. Nội dung của việc gắn kết kế hoạch, chiến lược với nguồn lực tài chính công mà mục đích cuối cùng là quản lý chi NSNN cũng chỉ mới được phổ biến ở Việt Nam thông qua một số dự án, điển hình là dự án cải cách quản lý tài chính công do Ngân hàng thế giới tài trợ cho Bộ Tài chính. Tuy nhiên, các nội dung này hoàn toàn mang tính lý thuyết và còn giới hạn ở phạm vi quốc gia.
Trong bối cảnh như vậy, luận án đã cố gắng tổng quát một cách có hệ thống nội hàm của quản lý chi NSNN nói chung và áp dụng khung phân tích này vào đánh giá khái quát thực trạng quản lý chi NSNN của cả nước. Tiếp đó là đánh giá chi tiết thực trạng quản lý chi NSNN của Hà Tĩnh.
Các nghiên cứu phân tích, đánh giá cho thấy rằng, đã có những tiến bộ nhất định trong việc phân bổ nguồn lực theo các nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế ở cả cấp quốc gia và khu vực, song phân bổ ngân sách vẫn dàn trải, ngắn hạn, chưa dựa trên các ưu tiên chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Quản lý việc sử dụng nguồn vốn nhà nước về cơ bản vẫn tập trung vào xem xét các khoản tài chính công được phân bổ có được sử dụng đúng mục đích hay không? Các khoản chi có đúng chế độ, định mức hay không? Kết quả của việc sử dụng nguồn lực tài chính công như thế nào, được quan tâm đúng mức hay chưa?
Trên cơ sở tổng hợp lý luận và phân tích thực trạng, luận án đã đề xuất các nhóm giải pháp để hoàn thiện quản lý chi NSNN tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện mục tiêu đưa Hà Tĩnh trở thành một tỉnh có các lợi thế về các ngành công nghiệp khai thác, một cầu nối giữa các thành phố, địa phương khác với các nước Đông Nam Á. Đây chính là mục tiêu đặt ra của luận án. Tuy vậy, do là một vấn đề phức tạp, liên quan tới nhiều nội dung và do có những hạn chế nhất định về năng lực, thời gian, nên còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn.