b. Các yếu tố nguy cơ
4.3.2. Hạn chế của kỹ thuật
Trong quá trình thực hiện NC, chúng tôi nhận thấy có khó khăn trong việc thực hiện phẫu thuật cắt gan theo phương pháp phối hợp phương pháp
Tôn Thất Tùng và Lortat – Jacob đối với các trường hợp khối u gan quá lớn nằm sát hoặc dính vào cơ hoành do khó khăn trong vấn đề phẫu tích di động gan và nguy cơ gây rách các mạch máu, đặc biệt là các tĩnh mạch gan phải và gan giữa.
Đối với những trường hợp như vậy, chúng tôi thường không sử dụng phương pháp này mà chuyển đổi sang phẫu thuật bằng phương pháp “tiếp cận theo đường trước” (anterior approach) của Liu (2000) hoặc phương pháp treo gan của Belghiti (2001). Những BN này không được đưa vào NC.
Phương pháp cắt gan tiếp cận theo đường trước được Liu công bố năm 2000. Kỹ thuật được thực hiện theo các bước: phẫu tích và kiểm soát trước các mạch máu ở rốn gan mà không di động gan phải, sau đó sử dụng dao siêu âm để cắt nhu mô gan cho tới khi bộc lộ được tĩnh mạch chủ, tiếp tục kiểm soát tất cả các mạch máu còn lại bao gồm cả các tĩnh mạch gan, tách phần gan bị cắt được thực hiện cuối cùng. Mặc dù chưa có các phân tích gộp lớn về hiệu quả của phương pháp, song các thử nghiệm lâm sàng bước đầu cho thấy ưu thế của phương pháp này trong hạn chế lượng máu truyền và mất trong mổ so với các phương pháp truyền thống .
Phương pháp cắt gan bằng động tác treo gan của Belghiti: cơ sở của kỹ thuật là có khoảng vô mạch nằm ở mặt trước của tĩnh mạch chủ dưới phía sau gan dài 4-6cm, cho phép luồn dây treo từ bờ dưới cuống gan phải dọc theo mặt trước tĩnh mạch chủ dưới thẳng lên trên và thoát ra ở điểm giữa tĩnh mạch gan phải và tĩnh mạch gan giữa. Ưu điểm của kỹ thuật là không phải di động gan phải trong trường hợp khối u gan xâm lấn vòm hoành tránh nguy cơ lan tràn tế bào u và các biến chứng về huyết động trong quá trình giải phóng và di động toàn bộ gan phải trước khi cắt. Kỹ thuật này an toàn, đơn giản và hiệu quả trong nhiều nghiên cứu với số lượng lớn .Mặc dù vậy ở Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu nào về kỹ thuật này với cỡ mẫu lớn.