Các căn cứ để xác định nhiệm vụ và quyền hạn của người giáo viên
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước đã và đang đặt ra cho ngành giáo dục và đào tạo nói chung, người giáo viên nói riêng những nhiệm vụ hết sức khó khăn và nặng nề. Dạy học không chỉ đơn thuần là truyền thụ tri thức cho học sinh mà thông qua việc dạy chữ để dạy người, làm cho người học trở thành những người có nhân cách tốt.
Mặt khác, chức năng của người giáo viên cũng đã thay đổi. Trước kia chức năng chủ yếu của người giáo viên là cung cấp cho người học hệ thống tri thức. Song ngày nay người giáo viên không những phải tổ chức, hướng dẫn, điều khiển để người học lĩnh hội hệ thống tri thức khoa học, phổ thông cơ bản, hiện đại, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, rèn luyện hệ thống kĩ năng, kĩ xảo tương ứng mà còn phải hình thành cho người học sinh cơ sở của thế giới quan khoa học, các phẩm chất đạo đức, phát triển năng lực tư duy sáng tạo.
Nhiệm vụ của người thầy giáo
Để thực hiện được chức năng của mình, người giáo viên cần phải thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây :
— Giáo dục, giảng dạy theo mục tiêu, nguyên lí, chương trình giáo dục.
— Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và điều lệ nhà trường.
— Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo. Tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của người học.
— Không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu gương tốt cho người học.
— Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Quyền hạn của người thầy giáo
Nhà giáo có những quyền hạn sau đây : — Được giảng dạy theo chuyên ngành đào tạo.
— Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
— Được hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học tại các trường, cơ sở giáo dục và nghiên cứu khác với điều kiện bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình, kế hoạch do nhà trường giao cho.
— Được nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kì theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
— Được đảm bảo các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ của hoạt động 2
Xác định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người giáo viên.
Nhiệm vụ 1 :
— Xem lại băng hình.
— Giáo sinh trả lời câu hỏi : “Nhiệm vụ, chức năng và vai trò của giáo viên tiểu học là gì?”.
— Giáo sinh đọc tài liệu : Giáo dục học của Nguyễn Sinh Huy và Nguyễn Hữu Dũng (Phần IV), Luật giáo dục, Điều lệ trường học.
— Giáo sinh đọc phần thông tin cho hoạt động 2 và tự trả lời các câu hỏi ở mục đánh giá hoạt động 2.
Nhiệm vụ 2 : Thảo luận nhóm nhỏ về nhiệm vụ, vai trò và quyền hạn của người giáo viên.
Nhiệm vụ 3 : Tự kiểm tra đánh giá kết quả làm việc cá nhân và thảo luận nhóm. — Kiểm tra việc tự học của cá nhân và kết quả thảo luận nhóm.
— Chỉ ra những tồn tại khi thực hiện vai trò của giáo viên tiểu học trong băng hình, trong thực tế dạy học và giáo dục học sinh tiểu học, lí giải nguyên nhân, đề xuất hướng sửa chữa. Nêu các câu hỏi chưa giải quyết được; đề nghị giáo viên giải đáp. — Nhận xét kết quả tự học và thảo luận nhóm.
— Hệ thống hoá, khái quát hoá, mở rộng thông tin và định hướng, xây dựng kế hoạch tự học.
Đánh giá hoạt động 2
Câu hỏi 1 : Trình bày vai trò của người giáo viên.
Câu hỏi 2 : Phân tích chức năng của người giáo viên.
Câu hỏi 3 : Người giáo viên có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào ?
Câu hỏi 4 : Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách như thế nào để khuyến khích giáo viên phát huy vai trò của họ ?
Câu hỏi 5 : Làm thế nào để thực hiện được vai trò của người giáo viên ?
Bài tập: Trao đổi với một giáo viên về chức năng, nhiệm vụ của người giáo viên.
Hoạt động 3- Tìm hiểu các vấn đề về nhân cách của người giáo viên (60 phút).
Trước hết cần xác định rõ cấu trúc tâm lí của nhân cách với ý nghĩa là một hệ thống, bởi lẽ cấu trúc nhân cách người giáo viên là biểu hiện cụ thể của cấu trúc nhân cách con người Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục.