Nhân cách và sự phát triển nhân cách trong Giáo dục học

Một phần của tài liệu Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm - Phần 1 ppt (Trang 33 - 34)

1.1- Nhân cách

— Con người là một sản phẩm của lịch sử xã hội, là một thực thể mang bản chất xã hội bao gồm những phẩm chất, những thuộc tính có ý nghĩa xã hội được hình thành trong quá trình sống của cá nhân thông qua hoạt động - giao lưu trong xã hội loài người.

— Nhân cách là tổ hợp các thái độ, những đặc điểm, những thuộc tính tâm lí riêng trong quan hệ hành động của từng người đối với thế giới tự nhiên, thế giới đồ vật do loài người sáng tạo, với xã hội và với bản thân.

— Nhân cách là tổ hợp những thuộc tính tâm lí của một con người, hợp thành hai mặt thống nhất là phẩm chất (đức) và năng lực (tài).

Như vậy, xét dưới góc độ Giáo dục học, nhân cách bao gồm tất cả các nét, các mặt, các phẩm chất có ý nghĩa xã hội trong một con người. Những thuộc tính này được hình thành trong quá trình tác động qua lại giữa người đó với đồ vật, với người khác trong xã hội.

— Cốt lõi của nhân cách là hệ thống giá trị, bao gồm các giá trị tư tưởng (như lí tưởng, niềm tin xã hội chủ nghĩa, hoà bình, dân chủ, độc lập tự do, v.v.); các giá trị đạo đức (như lòng nhân ái, nghĩa vụ và trách nhiệm, lòng trung thực, tính kỉ luật, v.v.); các giá trị nhân văn (như học vấn, nghề nghiệp, tình yêu, v.v.).

— Người Việt Nam khi nói đến nhân cách thường quan niệm đó là sự thống nhất biện chứng giữa phẩm chất và năng lực (còn gọi là đức và tài) của con người. Do đó, tu dưỡng, rèn luyện bản thân để vừa có đức, vừa có tài là nhiệm vụ hàng đầu của học sinh và sinh viên.

1.2- S hình thành và phát trin nhân cách

— Nhân cách được hình thành và phát triển trong chính quá trình sống, học tập, lao động, giao lưu, vui chơi giải trí của cá nhân trong cộng đồng xã hội.

— Chính trong quá trình hoạt động, con người tham gia vào các mối quan hệ với thế giới tự nhiên, thế giới đồ vật do các thế hệ trước tạo ra mà con người chiếm lĩnh được các giá trị văn hoá của loài người gửi gắm vào trong các mối quan hệ, qua đó nhân cách của con người được hình thành và phát triển.

V.I.Lênin đã nói : Cùng với dòng sữa mẹ, con người hấp thụ tâm lí, đạo đức của xã hội mà nó là thành viên.

— Sự phát triển nhân cách, bao gồm sự phát triển về thể chất (tăng trưởng về chiều cao, cân nặng, cơ bắp và sự hoàn thiện của các giác quan, v.v.); sự phát triển về mặt tâm lí (biến đổi trong các quá trình nhận thức, tình cảm, ý chí, nhu cầu, nếp sống, v.v. nhất là ở sự hình thành các thuộc tính tâm lí mới của nhân cách; sự phát triển về mặt xã hội (tự giác, tích cực tham gia vào các mặt khác nhau của đời sống xã hội, thay đổi trong cư xử với mọi người). Vì thế, sự phát triển nhân cách được hiểu là một quá trình cải biến toàn bộ các sức mạnh thể chất và tinh thần của con người.

— Học sinh và sinh viên muốn có nhân cách phát triển toàn diện phải là chủ thể có ý thức đối với các hoạt động như học tập, lao động, giao lưu, vui chơi giải trí v.v., cần tự giác, tích cực, chủ động rèn luyện và tu dưỡng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để trở thành những người có nhân cách - chủ nhân tương lai của đất nước. — Sự hình thành và phát triển nhân cách chịu sự tác động của yếu tố sinh học và yếu tố xã hội, yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Các yếu tố này không tác động song song, cùng giá trị và độc lập đến con người. Vì thế cần phải xem xét đúng đắn, khách quan, khoa học tác động của từng yếu tố đến con người.

Một phần của tài liệu Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm - Phần 1 ppt (Trang 33 - 34)