Mục đích giáo dục

Một phần của tài liệu Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm - Phần 1 ppt (Trang 45 - 47)

— Là phạm trù cơ bản trong Giáo dục học, nó phản ánh tập trung nhất những yêu cầu của kinh tế - xã hội đối với giáo dục tại một giai đoạn lịch sử - xã hội nhất định. — Là mô hình lí tưởng mang tính dự báo về kết quả giáo dục mà hoạt động giáo dục hướng vào nhằm đạt tới.

— Thể hiện tính định hướng cho mọi hoạt động giáo dục (kể cả công tác xã hội hoá, đa dạng hoá giáo dục).

— Vừa mang tính chuẩn mực, vừa chịu sự quy định của môi trường xã hội (sự tiến bộ và phát triển xã hội).

— Được trình bày với nhiều cấp độ khác nhau như mức độ vĩ mô (áp dụng cho cả hệ thống giáo dục quốc dân), mức độ trung gian (áp dụng cho một cấp học, bậc học, trường học), và mức độ vi mô (áp dụng cho một quá trình dạy học, giáo dục cụ thể). Vì thế, trong thực tiễn giáo dục sử dụng hai thuật ngữ để diễn đạt cái đích phải đạt đến của hoạt động giáo dục là “mục đích giáo dục” và “mục tiêu giáo dục”.

+ Mục đích giáo dục chỉ sự hướng tới, nơi muốn đến, kết quả mong đợi cuối cùng của toàn bộ hoạt động giáo dục.

+ Mục tiêu giáo dục chỉ kết quả cần phải đạt được trong thực tế .

Do đó, quan hệ giữa mục đích và mục tiêu giáo dục là quan hệ giữa cái tổng thể và cái bộ phận, giữa cái chung và cái cụ thể. Đích là cái “tiêu” cuối cùng, còn “tiêu” là cái mốc cụ thể trên đường đi đến đích (những mục tiêu phải cùng chiều hướng đến mục đích).

Mục tiêu giáo dục cụ thể hoá hơn mục đích giáo dục, chỉ đạo cách tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục chuẩn xác.

Nhiệm vụ của hoạt động 1

Nhiệm vụ 1: Xác định cái đích hướng tới của giáo dục. Làm việc cả lớp.

— Giáo sinh phỏng đoán câu trả lời cho câu hỏi : “Mục đích chung của giáo dục là gì ?”.

+ Cá nhân nghiên cứu một số quan điểm giáo dục và rút ra các nhận xét về quan hệ giữa giáo dục và sự phát triển xã hội.

* Khổng Tử đề cập đến đường lối làm việc của nhà chính trị : Thứ, Phú, Giáo :

Người làm công tác chính trị phải chăm cho dân thì dân mới được Thứ và Phú, hết sức lo vào việc giáo dục thì dân đông mà vẫn biết yêu nhau, dân giàu có mà vẫn biết lễ nghĩa liêm sỉ, đó là dân của một nước có giáo dục.

* Mác và Ăngghen : Cơ sở của chủ nghĩa xã hội là một nền sản xuất phát triển cao về mặt khoa học kĩ thuật, nhưng để nâng xã hội lên tầm cao ấy, chỉ riêng những phương tiện hỗ trợ cơ học và hoá học chưa đủ, mà còn phải phát huy cả năng lực của những người vận hành các phương tiện ấy đến mức tương xứng.

* V.Lênin viết : Phẩm chất đích thực của người cộng sản chỉ có thể hình thành và phát triển trong quá trình lao động cùng với công nhân và nông dân và bằng con đường học tập, nắm bắt toàn bộ kiến thức của nhân loại.

Hồ Chủ Tịch (1956) : “Mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc, đào tạo lớp người mới, cán bộ mới”.

Đỗ Mười : Cùng với việc tạo ra nguồn lực vật chất và nguồn lực tài chính, và để phát huy các nguồn lực đó thì điều quan trọng nhất hiện nay là tăng cường nguồn lực con người Việt Nam, tạo ra khả năng lao động mới, cao hơn nhiều so với trước đây.

Nghị quyết BCHTƯ Đảng khoá VII, 1992 : Nhiều năm trước đây, đầu tư cho giáo dục chủ yếu được coi là đầu tư cho phúc lợi xã hội. Ngày nay đầu tư cho giáo dục là đầu tư để phát triển con người, phát triển xã hội.

Nghị quyết Đại hội Đảng CSVN khoá VIII : Phát triển giáo dục - đào tạo là một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện tiên quyết để phát triển nguồn nhân lực con người, yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

— Giáo sinh đọc sách (4; tr. 96 - 99) để rút ra các kết luận chung về khái niệm mục đích giáo dục.

Nhiệm vụ 2 : Trình bày cơ sở xác định mục đích giáo dục. — Thảo luận theo nhóm nhỏ về các vấn đề sau :

+ Cuộc cách mạng khoa học công nghệ và cách mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay có những đặc điểm gì ?

+ Đặc trưng nổi bật nhất của nền kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là gì ?

+ Đặc điểm của tình hình kinh tế - xã hội của thời đại, của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đã quy định, đòi hỏi như thế nào đối với giáo dục ?

— Đại diện từng nhóm trình bày kết quả thảo luận của mình về các câu hỏi nêu trên. — Giáo sinh nghiên cứu thêm quan điểm của UNESCO về mục đích của giáo dục trong giai đoạn hiện nay :

+ Giáo dục phải góp phần vào việc đào tạo một lực lượng lao động lành nghề và sáng tạo thích ứng được với bước tiến hoá của công nghệ và tham gia cuộc cách mạng trí tuệ đang là động lực của các nền kinh tế .

+ Giáo dục đẩy tới tri thức sao cho phát triển kinh tế đồng hành với việc quản lí có trách nhiệm môi trường vật thể và con người.

+ Đào tạo nên những công dân được bắt rễ trong chính nền văn hoá của họ mà vẫn mở ra với các nền văn hoá khác và một lòng vì sự tiến bộ xã hội, thích ứng một cách năng động với quá trình phát triển và tiến bộ xã hội.

Hoạt động 2- Nghiên cứu các mục tiêu giáo dục của Việt Nam (1,5 tiết).

Thông tin cho hoạt động 2

Như phân tích ở phần trên, mục đích giáo dục liên quan đến các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và quan hệ đến sự phát triển toàn diện tinh thần và thể chất của cá nhân trong hoàn cảnh xã hội nhất định.

Một phần của tài liệu Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm - Phần 1 ppt (Trang 45 - 47)