Hiện nay, với bối cảnh đổi mới giáo dục nhằm đáp ứng được những yêu cầu mới cho sự phát triển của cá nhân và cộng đồng; theo xu thế biến đổi tất yếu của kinh tế - xã hội và khoa học - công nghệ thì vị trí và vai trò của người giáo viên cũng cần được xem xét cụ thể và phù hợp hơn. Người giáo viên cần định hướng tới việc đảm bảo cho tất cả trẻ em đều được học và học được; cần phải phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện để hình thành và phát triển nhân cách.
Giáo viên và nhà trường đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành và phát triển nhân cách lâu dài, phù hợp với yêu cầu mới cho học sinh.
ở nước ta, tất cả trẻ em đều được học tập và giáo dục, được thầy cô giáo và xã hội quan tâm tạo điều kiện và giúp đỡ tận tình, tất cả thế hệ trẻ đều được học tập và giáo dục, được chịu sự tác động của nhà trường, của các thầy cô giáo. Tác động của các thầy cô giáo là những tác động có mục đích, với chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục được chọn lựa phù hợp nên có thể giúp cho quá trình phát triển nhân cách của học sinh vững chắc, toàn diện, là nền móng cơ bản cho tương lai của trẻ. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định : Đảng ta và nhân dân ta giao phó việc dạy dỗ con em của mình cho các thầy cô giáo, cũng tức là phó thác cho các thầy cô sứ mạng đào tạo thế hệ tương lai cho dân tộc.
Để thực hiện tốt vai trò nói trên, người giáo viên phải tổ chức, hướng dẫn, giảng dạy và giáo dục cho học sinh thật chu đáo, thật khoa học. Thầy cô giáo cần nỗ lực cố gắng vươn lên để có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu của công tác giáo dục.
Xác định đúng vai trò cực kì quan trọng của người giáo viên trong việc đào tạo thế hệ tương lai, chuẩn bị được nguồn nhân lực, nhân tài cho sự phát triển đất nước, cho công nghiệp hoá và hiện đại hoá, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định :
Người giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng, là nhân vật trung tâm trong nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Muốn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi phải có những người công dân, người cán bộ, người lao động rất mực trung thành với nhân dân, với dân tộc, biết hi sinh vì Tổ quốc, có trình độ kiến thức hiện đại và tay nghề chất lượng, có khả năng làm ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Không một ai, không một cơ quan nào có thể thay thế được vai trò đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước của người giáo viên, của các tổ chức giáo dục.
Việc đào tạo người giáo viên và quá trình phấn đấu của người giáo viên cần hướng tới mục tiêu phát triển đất nước, cần nghiêm túc suy nghĩ về vai trò cực kì quan trọng của người giáo viên, cần đánh giá cao và nghiêm túc về nhân cách của sinh viên sư phạm, của người giáo viên.
Vai trò của người giáo viên được xác định gắn liền với các chức năng xã hội của giáo dục hiện nay và ước mơ của trẻ em, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Các chức năng xã hội của giáo dục
Giáo dục là quá trình truyền đạt và lĩnh hội những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo và những kinh nghiệm nhằm chuẩn bị cho con người bước vào cuộc sống lao động và sinh hoạt xã hội; là một nhu cầu tất yếu của xã hội loài người, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội.
Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại Bộ Giáo dục và đào tạo ngày 26 tháng 4 năm 2002 đã khẳng định : Trải qua 16 năm đổi mới, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), hệ thống giáo dục đã có những bước phát triển mới. Quy mô giáo dục tăng nhanh. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Đã xuất hiện những đơn vị và cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho sự nỗ lực của ngành giáo dục trong quá trình đáp ứng yêu cầu của xã hội. Chủ trương xã hội hoá được đẩy mạnh; gia đình và cộng đồng chăm lo nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục, đồng thời còng đòi hỏi cao hơn về cơ hội học tập và chất lượng giáo dục.
Giáo dục của Việt Nam đang đứng trước những vấn đề lớn cần phải giải quyết nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước và nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Trước hết, nhà trường cần phải thực hiện tốt hơn nữa các chức năng của giáo dục (đã trình bày ở Chủ đề 2).
Thực hiện tốt các chức năng của giáo dục là nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Đảng và Nhà nước ta đã xác định giáo dục là quốc sánh hàng đầu, là chìa khoá mở cửa vào tương lai, là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.
Để thực hiện tốt các chức năng trên, giáo dục cần phải bám sát các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ và cuộc cách mạng tư tưởng - văn hoá trong thời đại ngày nay. Nhà trường cần phải xem xét cụ thể việc tiếp cận đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hoàn cảnh, điều kiện, phương tiện và các hình thức tổ chức giáo dục nhằm đáp ứng được các yêu cầu phát triển con người và xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Giáo viên là lực lượng chủ đạo trong sự nghiệp truyền đạt, bảo tồn và phát triển tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại.
Sự nghiệp phát triển văn hoá giáo dục là sự nghiệp cách mạng của quần chúng nhân dân nên có nhiều lực lượng tham gia. Đặc biệt trong xã hội ngày nay, khi mà chúng ta đang thực hiện “xã hội hoá giáo dục” thì tất cả mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội đều có trách nhiệm và vai trò tham gia vào sự nghiệp văn hoá - giáo dục.
Song lực lượng đóng vai trò chủ yếu, cốt cán trong sự nghiệp này chính là đội ngũ các thầy cô giáo. Quy mô, tốc độ phát triển và chất lượng nền văn hoá - giáo dục của đất nước tuỳ thuộc phần lớn vào số lượng, chất lượng đội ngũ các thầy cô giáo. Nếu đất nước có đội ngũ thầy giáo, cô giáo đông đảo về số lượng, vững vàng về chất lượng thì sự nghiệp phát triển văn hoá - giáo dục sẽ nhanh hơn, mạnh hơn và vững chắc hơn, đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của đất nước. Với vai trò đó, Bác Hồ đã khẳng định : Không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có cán bộ và không nói gì đến kinh tế - văn hoá.
Trong nhà trường, bên cạnh đội ngũ các thầy cô giáo còn có các thành viên, các lực lượng khác cùng tham gia giáo dục học sinh như : Đoàn, Đội, Hội cha mẹ học sinh v.v. Các lực lượng này cũng có vai trò quan trọng, không thể thiếu được. Nhưng các hoạt động giáo dục của các lực lượng này chỉ có tác dụng hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy để hoạt động giảng dạy, giáo dục của các thầy cô giáo đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn chứ không thể thay thế được vai trò của các thầy cô giáo.
Mặt khác, lứa tuổi học sinh là lứa tuổi hình thành nhân cách, có nhiều ảnh hưởng, tác động, nhiều lực lượng tham gia, nhưng ảnh hưởng tác động của giáo viên đối với học sinh giữ vai trò quyết định nhất vì hoạt động của giáo viên bao giờ cũng có mục đích, có kế hoạch, nội dung và nghệ thuật sư phạm, người giáo viên được chuẩn bị về mọi mặt, có đầy đủ phẩm chất và năng lực để dạy dỗ và giáo dục học sinh. Hơn nữa người giáo viên là người trực tiếp tổ chức hoạt động và giao lưu để học sinh hình thành nhân cách.
Trong nhà trường có nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả giáo dục. Nhưng điều đó phụ thuộc rất nhiều vào người giáo viên, vì nếu giáo viên không có nhân cách tốt, không được đào tạo chu đáo, thiếu lương tâm, không gương mẫu thì biện pháp cũng chỉ là hình thức mà thôi.
Trong điều kiện hiện nay, dù cho các phương tiện kĩ thuật có hiện đại đến đâu vẫn không thể thay thế được vai trò của người giáo viên. Vì vậy giáo viên đóng vai trò chủ đạo trong sự nghiệp phát triển văn hoá - giáo dục của đất nước.