Mục tiêu phát triển con người (phát triển nhân cách)

Một phần của tài liệu Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm - Phần 1 ppt (Trang 48 - 49)

— Phát triển con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. — Mục tiêu phát triển con người thực chất là xây dựng và phát triển nhân cách con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và tiến bộ của xã hội trong thời kì mới - công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mĩ và nghề nghiệp, trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và xã hội chủ

nghĩa; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc. [Điều 2, Luật giáo dục]

— Thành phần cơ bản của nhân cách con người Việt Nam trong thời kì mới là tri thức - kĩ năng - thái độ. Trong đó :

+ Làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại có nghĩa là hiểu, nhớ và vận dụng được tri thức khoa học ở cả ba phương diện : sự kiện, hiện tượng; quy luật chi phối sự kiện, hiện tượng (khái niệm và lôgic của nó); và cách thức hành động với khái niệm để vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo tri thức khoa học đã lĩnh hội trong các tình huống hoạt động khác nhau nhằm tạo ra các giá trị mới cho xã hội và phát triển tư duy sáng tạo ở chủ thể hoạt động.

+ Kĩ năng thực hành giỏi là khả năng vận dụng đúng, thành thạo, sáng tạo những tri thức khoa học và công nghệ đã lĩnh hội vào thực tiễn nghề nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.

+ Hệ thống thái độ đối với tổ quốc, dân tộc, với lao động, đời sống xã hội, với bản thân như thiết tha với lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên cường xây dựng và bảo vệ tổ quốc với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; kế thừa các giá trị văn hoá nhân loại đồng thời giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc; có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỉ luật; có đạo đức trong sáng, phát huy tính tích cực, có sức khoẻ.

Ba thành phần tri thức - kĩ năng - thái độ trong cấu trúc nhân cách con người mới Việt Nam có mối quan hệ nhân quả. Thái độ (thế giới quan, lí tưởng, niềm tin, đạo đức) định hướng, hình thành động cơ cho cá nhân trong hoạt động chiếm lĩnh các tri thức khoa học, công nghệ và vận dụng chúng vào hoạt động nghề nghiệp. Mặt khác, tri thức, kĩ năng là điều kiện, phương tiện cho cá nhân thực hiện lí tưởng, bồi dưỡng tình cảm, củng cố niềm tin và các giá trị đạo đức ở cá nhân.

Một phần của tài liệu Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm - Phần 1 ppt (Trang 48 - 49)